Chúa Nhật Phục Sinh
Đức Ki-tô đã sống lại
“Chúa hóa nên người vì thương chúng ta, sống kiếp con người lam lũ hy sinh. Chiến thắng khải hoàn quyền uy cõi chết Thiên Chúa chúng ta Phục sinh.” Những dòng chữ trên đây là trích đoạn của một bài thánh ca mang tên “Chúa sống lại rồi”, tác giả là Lm. Thành Tâm.
Vâng, Chúa chúng ta đã Phục Sinh. Và, Chúa Nhật hôm nay (20/04/2025), toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành Thánh Lễ Mừng Chúa Giêsu Phục Sinh.
Quý vị có vui không? Cha Thành Tâm vui lắm. Cha rất vui nên đã mời chúng ta “Cùng nhau ta hát khúc hát Chúa đã sống lại vui thay! Người ơi reo lên tiếng ca Phục sinh Allêluia. Ðồng thanh ta hát khúc hát Chúa đã Phục sinh quang vinh, Chúa ta thương ta Người đã hiển vinh.”
Niềm tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh, không do tự Giáo Hội đặt ra, nhưng là do các thánh tông đồ truyền dạy, điều mà hôm nay chúng ta gọi là niềm tin tông truyền.
Các thánh tông đồ đã tin Chúa Giê-su Phục Sinh. Tuy nhiên, không như chúng ta hôm nay, rất… rất thanh thản tuyên xưng niềm tin Chúa sống lại, qua kinh tin kính, vào mỗi thánh lễ Chúa Nhật, rằng “Ngày thứ ba, Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.
Xưa, để có được niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh, các tông đồ đã phải trải qua những thách thức, những giây phút chờ đợi, trong tâm trạng lo lắng và sợ hãi. Có thể nói rằng, sau khi Thầy Giê-su bị bắt và bị treo trên thập giá tại Golgotha, các ông chỉ có một việc ngồi đó âm thầm thở than: “Người đi một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”.
Với ông Phê-rô, có lẽ… có lẽ nửa hồn của ông đã “dại khờ” thật! Vâng, có dại khờ không khi ông đã “thề độc” trước một người tớ gái rằng: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó”. Người-các-ông-nói-đó chẳng phải là Thầy mình sao!
Còn ông Gio-an ư! Có lẽ ông đã để cho nửa hồn của mình trở lại đồi Gôn-gô-tha, nơi Thầy Giê-su bị đóng đinh. Làm sao ông có thể quên được hình ảnh “một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn” Người! Làm sao ông quên được hình ảnh kẻ qua người lại nhục mạ Thầy Giêsu! Làm sao Gioan quên được trọng trách Thầy Giêsu đã giao phó Mẹ Maria cho mình “Đây là mẹ của anh”! Và cuối cùng, làm sao ông quên được tiếng nói nghẹn ngào của Thầy Giêsu “Thế là đã hoàn tất”!
Một đêm… rồi hai đêm… các vị tông đồ đã có tới hai đêm đợi chờ. Các thánh sử không nói tới, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, có lẽ các ông đã lẩm bẩm với nhau: Chẳng lẽ lời phán hứa của Thầy Giê-su, rằng: “ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”… là lời phán hứa hão huyền sao đây!
Không! lời phán hứa của Thầy Giê-su, không hão huyền. Nó đã xảy ra. Chúa Giê-su đã sống lại, đúng vào “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”. Sự kiện vô tiền khoáng hậu này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an.
**
Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại sự kiện này như sau: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mác-đa-la đi đến mộ”. Và, khi đã đến mộ, bà ta thấy “tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”.
Trước sự việc kỳ lạ này, chuyện kể rằng: “bà ta liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và một người môn đệ Đức Giê-su thương mến.” Đứng trước mặt hai ông, bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”(Ga 20, 2).
Sau khi nghe những lời kể của Maria Mác-đa-la, không một chút chần chờ, “ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.” Để rút ngắn thời gian “cả hai người cùng chạy”.
Hai người chạy như những vận đông viên chạy nước rút. Kết quả, tại nơi họ muốn đến, “người môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước”. Người môn đệ này “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.”
Ông Si-môn Phê-rô (chạy) theo sau (và rồi) “cũng đến nơi”. Trong thinh lặng và hy vọng, ông Phê-rô “vào thẳng trong mộ”. Chuyện kể tiếp rằng: “ông thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,...7).
Người-môn-đệ-kia… “Kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin”. Vâng, ông đã tin dù không thấy Đức Giê-su mà chỉ thấy một “ngôi mộ trống”.
Chỉ thấy một ngôi-mộ-trống, thế nhưng, nó lại là chiếc chìa khóa, mở đôi mắt tâm hồn hai ông, để hai ông hiểu điều “trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.
***
Câu chuyện ngôi-mộ-trống đã xảy ra cách nay hơn hai ngàn năm. Và, câu chuyện này luôn được Giáo Hội nhắc đến một cách đặc biệt trong phần Phụng Vụ Lời Chúa vào Chúa Nhật Mừng Chúa Phục Sinh.
Vâng, phải luôn nhắc đến, bởi vì câu chuyện ngôi mộ trống không chỉ được xem như là câu chuyên nói lên “dấu chỉ Phục Sinh” của Đức Giê-su, nhưng còn “mang lại niềm hy vọng”, cũng như “có khả năng soi sáng thậm chí ngay cả những trải nghiệm tồi tệ nhất về sự sống và sự chết chóc mà ngày nay chúng ta có thể thấy mình đắm chìm trong đó”.
Cha Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô Quản thủ Thánh địa, trong một thông điệp Phục Sinh gửi các tín hữu, đã có lời chia sẻ như thế.
Mà, đúng là vậy. Bà Maria Mác-đa-la, đã ra ngôi mộ, và nếu không được thiên thần Chúa lên tiếng “soi sáng” rằng: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không còn ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay”, thì làm sao bà ta có thể “vui mừng chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su”, được! (x.Mt 28, 6-8).
Ngôi-mộ-trống còn nói với chúng ta điều gì? Thưa, Tổng Giám mục Giu-se Vũ-Văn-Thiên, trong một bài viết có tựa đề “ngôi mộ trống, có lời chia sẻ rằng: “Ngôi mộ trống nói với chúng ta: con người không chỉ có phần xác mà còn là phần linh hồn; không chỉ có hôm nay mà còn có ngày mai. Thật lạ lùng, từ 20 thế kỷ nay, ngôi mộ trống bình thường là thế mà lại thu hút biết bao khách hành hương tiến về Giêrusalem. Khá nhiều người đến cầu nguyện nơi đây đã được thay đổi cuộc đời. Họ đã nhận ra Thiên Chúa từ một ngôi mộ trống. Họ nhìn thấy tương lai từ một tấm huyệt mở. Họ đã gặp gỡ chính bản thân mình qua không gian đơn sơ mà linh thiêng này.”
Và, ngài TGM không quên cho chúng ta một lời khuyên dạy, lời khuyên dạy, rằng: “Dù chúng ta không thể hành hương đến Giêrusalem, ngôi mộ trống vẫn đang hiện diện giữa chúng ta. Lễ Phục sinh chuyển tải đến chúng ta một thông điệp: người tín hữu được sống lại cùng Đức Kitô, hãy cùng nắm tay nhau để giới thiệu một Thiên Chúa đang hiện diện, để cùng xây dựng tương lai từ ngày hôm nay”.
****
Làm thế nào để thực hiện lời khuyên dạy của ngài TGM Giu-se Vũ-Văn-Thiên? Thưa, điều thứ nhất và quan trọng nhất đó là chúng ta cần xác tín rằng: sự sống lại của Chúa Giê-su thật sự đã xảy ra.
Chúng ta xác tín bằng cách nào? Thưa, đó là sự liên hệ cá nhân của ta với Chúa Phục Sinh, trong đời sống hằng ngày của mình. Khi nối kết mối liên hệ cá nhân của ta với Chúa, chúng ta sẽ nhận thấy Chúa đang sống trong ta. Đang sống trong ta chẳng phải là Ngài đã sống lại từ kẻ chết, sao!
Muốn có mối liên hệ với Đức Giê-su một cách mật thiết, gần gũi ư! Vâng, hãy để cho mình có những giờ phút “biệt riêng”, biệt riêng nhất định mỗi ngày, với Chúa. Nói theo cách nói của cụ Nguyễn Công Trứ, đó là: chỉ là “ta với Ta”.
Nói đến ma túy, người ta thường nói “đừng nên thử, dù chỉ một lần”. Nhưng với chuyện muốn có được một mối liên hệ với Đức Giê-su một cách mật thiết, chúng ta nên thử, không chỉ một lần mà là nhiều lần. Hãy có nhiều lần có những giờ phút “biệt riêng”, biệt riêng nhất định mỗi ngày, với Chúa.
Khi chúng ta tin rằng Chúa Giê-su đã phục sinh về phương diện lịch sử, đồng thời chúng ta có mối tương giao mật thiết với Ngài, hằng ngày, chẳng chóng thì chày, chúng ta sẽ không ngần ngại bày tỏ đức tin trong sự phục sinh của Ngài bằng cách chia sẻ với người khác.
Nói cách khác, đó là lúc chúng ta, theo gương bà Ma-ri-a Mác-đa-la, “chạy gặp” một ai đó để giới thiệu với họ “một Thiên Chúa đang hiện diện, để cùng xây dựng tương lai từ ngày hôm nay”.
Chúa Phục Sinh chiến thắng quyền lực của sự chết và satan, dù cho chúng và bè lũ của chúng đã và đang tìm mọi cách để triệt hạ Ngài. Thế nhưng, chúng hoàn toàn thất bại trước một Giê-su Phục Sinh.
Tuy vậy, chúng vẫn “chờ đợi thời cơ”, cám dỗ, phá hoại người đặt niềm tin nơi Đức Giê-su. Nói lên điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta càng phải có mối liên hệ với Đức Giê-su một cách mật thiết, hơn nữa.
Có mối liên hệ với Đức Giê-su một cách mật thiết hơn nữa, sẽ giúp chúng ta không gục ngã trước mũi tên, làn đạn của những chước cám dỗ, những cám dỗ của gian dối, của lường gạt, của lạm dụng người khác v.v…
Tin Chúa Phục Sinh giúp chúng ta trung tín với Chúa, với mọi người và với Hội Thánh Ngài. Muốn những điều này sẽ là hiện thực trong đời sống của mình, hãy cùng “ông Phê-rô và người môn đệ kia… đi ra mộ”.
Vâng, không phải là đi ra ngôi mộ trống ở bên Giê-ru-sa-lem, mà là đi đến ngôi nhà thờ nơi giáo xứ của mỗi chúng ta. Tại đó, tại các giáo xứ đó, chúng ta sẽ tham dự một thánh lễ Mừng Chúa Phục Sinh, rất long trọng, vào Chúa Nhật tuần này.
Đừng quên, sau khi tham dự thánh lễ, chúng ta hãy mượn lời của Cha Gio-an Phê-rô Võ Tá Khánh, như một cách để chia sẻ niềm vui Chúa Phục Sinh của mình, rằng: “Ta hãy vui lên. Ta hãy nhốn nháo lên. Còn chờ gì nữa. Và hãy chạy lung tung mà nói với mọi người: Đức Ki-tô đã sống lại”.
Vâng, hãy nói với mọi người: Đức Ki-tô đã sống lại.
Petrus.tran
Những tin cũ hơn