Halloween
Ngày lễ Halloween cho ta thêm nhiều suy nghĩ về khuôn mặt chính mình. Một khuôn mặt thật và một khuôn mặt mạng che. Hai chiều kích thật và không thật; của sự dữ và sự thánh thiện; bóng tối và ánh sáng; lồng vào trong nhau và đôi khi đan xen vào nhau, khó phân biệt và thường khi lầm lẫn giữa giả trá và sự thật. Con đường sự thật không ở bên ngoài mà lại ở bên trong mỗi người. Khuôn mặt biểu lộ con người ở bên trong, một khuôn mặt hóa trang có nhiều ý nghĩa.
Khuôn mặt người: Có một điều khi Thiên Chúa tạo dựng nên con người hiện diện với mọi người, khuôn mặt của con người chính mình đang mang lại chẳng bao giờ thấy mặt mình. Khuôn mặt người để người khác nhìn và để Thiên Chúa nhìn, chính mình muốn nhìn cần nhìn qua gương, nghĩa là qua một ảo ảnh, không thật. Bởi thế, có một cái biết khó nhất là “biết chính mình”. Thánh Phanxicô Assisi thì nói rằng “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Khuôn mặt của chính mình chỉ thật khi có tâm hồn đích thực trắng trong, yêu thương và quảng đại, phản ảnh qua cái nhìn của anh chị em mình và của Thiên Chúa.
Khuôn mặt kịch sỹ: Người mang mặt nạ của nhân vật sân khấu là một khuôn mặt đóng vai. Chỉ thay thế cho con người đích thật của mình trong vai diễn, nó có giá trị nhất thời. Mặt nạ sân khấu không bao giờ là khuôn mặt thật, cho nên nó không có giá trị ở bên ngoài giao tiếp xã hội thông thường. Nếu có nó xuất hiện, người ta sẽ nhận ra đó là khuôn mặt giả dối, khuôn mặt của sự đánh lừa, dẫn dụ người khác. Chúa trách những kinh sư theo lối sống đạo đức giả.
Khuôn mặt hóa quỷ: Khi mang khuôn mặt hóa quỷ, người mang khuôn mặt ấy muốn phô bày cái quỷ quái của đời thật, và muốn trục xuất nó ra khỏi mình, mặt nạ ấy có vai trò ước muốn được giải thoát. Trong con người chúng ta như Thánh Phaolô diễn tả: Sự dữ không nằm bên ngoài mà ngay chính trong lòng chúng ta. Ai có thể cứu thoát chúng ta khỏi sự dữ này, nếu không phải là chính Chúa Giêsu Kitô Đấng đã đánh bại quyền lực của sự dữ (Xem Rm 7,18-25a). Con người lúc nào cũng có một ước muốn “hướng thiện”; tuy nhiên khi mang khuôn mặt quỷ quái nó có thể nguy cơ đồng hóa người mang khuôn mặt ấy trong đời sống thật; tán tận lương tâm, hùa theo tội ác, liên minh với sự dữ để hại người ngay. Cái thật sự đáng nguy, khi liên minh với sự dữ, nó biểu hiện một thứ “vượn người” trong bản năng che dấu và thống trị trong sự ác ngoài vỏ bọc hiền lành.
Mặt nạ người chết. Người ta tin rằng, mang mặt nạ cho người chết là giữ linh hồn người ấy lại trước khi được thay bằng bài vị. Đắp khuôn mặt cho người chết có lẽ xuất phát từ thời Pharaô của Ai Cập. Thông thường sau này, người ta làm mặt nạ người chết để lưu giữ một khuôn mặt cho hậu thế; nhưng cũng cách ấy, người ta cũng cho rằng, thật nguy hiểm khi người đó không thật sự đã sống một cách ngay thật, không sống đúng mức với chữ người một cách đáng tôn trọng. Mang khuôn mặt của sự đẹp đẽ, hào nhoáng, che giấu một khuôn mặt thối rữa, đó là sự tệ hại của đời sống tâm linh bị đánh mất.
Mặt nạ trong lễ hội. Xuất phát từ những nền văn minh bộ lạc, những giai đoạn chưa được khai phá về sức mạnh của thiên nhiên, hoặc diễn lại những huyền thoại của ngày khai sinh. Những biểu hiện mặt nạ trong các lễ hội muốn nhấn mạnh, con người không thể tự sức mình, cần nhờ đến các thần linh phù giúp, con người cũng không thể chỉ là xác thân, con người còn có cả phần hồn linh. Ý thức về vai trò của mình trong sự bé nhỏ, lúc nào cũng cần nhờ đến trợ lực từ siêu nhiên. Ngày nay, những lễ hội chỉ mang tính chất biểu diễn, bởi con người cũng đã giết chết thần linh, để con người được tự do trong dục vọng của mình, nên nhiều hóa trang mang tính trần tục và lễ hội trở thành điểm vui chơi, giải trí, hay nhằm thu hút khách du lịch.
Mặt nạ nào rồi cũng trở về với khuôn mặt đích thực của con người khi chết. Chiếc mặt nạ cuối cùng đã không còn, con người trở về với chính mình, tất cả đều thấy rõ ràng không có gì che khuất, có nhiều hối hận và đã nhiều muộn màng nuối tiếc. Con người lúc đó mới thấy khủng khiếp với chính mình. Tạ tội và chỉ mong tình thương xót. Lúc ấy mới thấy thật cần cuộc sống đừng bao giờ giết chết tình yêu, tình yêu của lòng bao dung tha thứ, tình yêu của hòa giải và bình an, tình yêu để sống thật thà, ngay thẳng, cùng giúp nhau sống. Tình Yêu để cứu vớt cho chính mình và cho muôn người đã sống.
Chính trong những suy nghĩ này, xin Chúa cho chúng con đừng theo lối sống giả hình, giả bộ, lối sống đạo đức giả. Xin cho chúng con hiểu thật sự giá trị của tình yêu và lòng thương xót để chúng con được chữa lành và được sống thật thà, tử tế với nhau và sống thân tình với Chúa. Xin cho các linh hồn đã khuất được tha thứ, và đón nhận trong Nước Chúa, sau khi đã được thanh tẩy hết mọi mạng che của tội lỗi.
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn