TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Gia Đình Môi Trường Bình An

Thứ tư - 05/05/2021 10:48 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   854
Giữa tác động của xã hội, môi trường sống chung quanh có nhiều mối bất an, lo ngại, thì gia đình lại càng trở nên nơi chốn bình an cần thiết.
Gia Đình Môi Trường Bình An

Gia Đình Môi Trường Bình An

Giữa tác động của xã hội, môi trường sống chung quanh có nhiều mối bất an, lo ngại, thì gia đình lại càng trở nên nơi chốn bình an cần thiết. “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ. Anh em hãy lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Đnl 6,4-7).

Ai có bổn phận?

Gia đình trước tiên là trường dạy đức tin, là một trách nhiệm không thể thay thế trong bổn phận người cha, người mẹ. Sách Đệ Nhị Luật như đã trích dẫn, “anh em hãy lặp lại những lời ấy cho con cái”.

Xưa kia, người ta vẫn bảo: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Những lời này đề cao đời sống tu trì mà quên mất ơn gọi cơ bản nhất của mọi ơn gọi, đó là ơn gọi hôn nhân. Có thể thấy trong thời hiện tại: Ơn gọi hôn nhân là nền tảng của mọi ơn gọi trong đời sống con người. Không có một gia đình lành thánh làm sao có những ơn gọi thánh dấn thân trong cuộc đời, xây dựng thế giới trong hòa bình yêu thương và là nguồn tươi trẻ trong Giáo Hội?

Thánh Giáo Hoàng Piô X, khi mới thụ phong giám mục, về thăm mẹ, ngài cho mẹ xem chiếc nhẫn giám mục. Mẹ ngài cũng sung sướng cho ngài xem chiếc nhẫn cưới và nói: “Không có chiếc nhẫn của mẹ thì chẳng có chiếc nhẫn của con”.

Thánh Gioan Vianney làm linh mục, đã khuyên bảo giáo dân: “Hễ cha mẹ đạo đức sốt sắng thì con cũng đạo đức sốt sắng theo. Vì khi con cái thấy cha mẹ làm việc lành chúng cũng bắt chước mà làm việc lành.”

Gia đình là môi trường ươm mầm ơn Thánh Chúa.

Trong bảy bí tích, chỉ riêng bí tích hôn phối, người cha, người mẹ tương lai chính thức cử hành, hôn nhân không phải là việc trần tục, thỏa mãn những đam mê, mà như sách Tobia thường đọc trong Thánh Lễ hôn phối: Tobia nói “Giờ đây, không phải vì lòng dục, mà con lấy em con đây, nhưng vì lòng chân thành. Xin Chúa đoái thương con và em con cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già.” (Tb 8, 7). Hôn nhân khởi sự là một môi trường linh thánh để ươm mầm những ơn thánh Chúa ban. Việc cử hành nhắc đến trong bí tích, nói lên đời sống hôn nhân là một cử hành chứ không đơn thuần là những hành vi vợ chồng. Một cử hành đúng nghĩa, khi tôn trọng thân xác của nhau là “Đền thờ của Thiên Chúa” (1Cor 3, 16), cha mẹ cũng chính là những người tư tế thánh thiện trong đời sống hôn ước của mình.

Hôn nhân được sự chúc lành của Thiên Chúa ngay từ ban đầu: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1, 28). Nghĩa là người cha, người mẹ được giao phó các ơn lành của Thiên Chúa trong chính cương vị của mình khi đón nhận sứ mạng truyền sinh và nuôi dưỡng con cái. Thiên Chúa ban ơn qua bàn tay của người cha, người mẹ. Người xưa dạy: “Phụ, mẫu hiền di đức”. Cha mẹ hiền lành để lại đức cho con cháu. Đó là một môi trường thật sự bình an, khi con cháu được gia tài phúc đức cha mẹ để lại. Chính con cháu khi được thừa hưởng sự chúc lành của Thiên Chúa qua bàn tay yêu thương của cha mẹ, lúc ấy những người con mới sử dụng đúng nghĩa, những gia sản tổ tiên để lại, biết tôn trọng thiên nhiên, phát triển và duy trì vạn vật theo ý tốt lành của Thiên Chúa.

Gia đình một giá trị không thể thay thế.

Khi Thiên Chúa sáng tạo nên con người, gia đình là một giá trị không thể thay thế để tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Không có mô hình nào thay thế đủ điều kiện để sinh dưỡng con cái tốt hơn là gia đình. Ngày nay, trong nhiều hoàn cảnh méo mó, đe dọa, những thói xấu tràn lan, gia đình lại cần thiết hơn trong việc bảo vệ, mang lại tính an toàn cho con trẻ được lớn lên trong sự hiểu biết, nhận định đúng các giá trị, trở về với những sự tốt lành đúng nghĩa. Chính cha mẹ là những người nêu gương tốt cho con cái, nhà giáo dục đức tin, giá trị nhân sinh, đời sống nhân bản, tôn trọng sự sống chung, góp phần xây dựng công ích.

Tương lai của xã hội của Giáo hội được giao phó cho gia đình, ơn gọi nên thánh trong gia đình được đặc biệt đề cao nhờ thi hành sứ vụ “dạy dỗ và truyền đạt các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo” (Hiến chương về quyền gia đình, Vat, 1983). Ngày nay, người ta một cách nào đó cũng kêu gọi: “gia đình là nơi bảo vệ vững chắc nhất các giá trị nhân linh và tâm linh”

Một thế giới an bình cần có các gia đình sống bình an. Gia đình, một môi trường của hạnh phúc, yêu thương, các giá trị nhân linh và tâm linh được phát triển phong phú, góp phần tạo dựng những công dân xây dựng hòa bình trên trái đất, những ơn gọi thánh thiêng cho Nước Trời. Sứ mạng nặng nề chắc chắn cũng mang lại thành quả tuyệt vời cho mọi nỗ lực giữ gìn và phát triển ơn gọi hôn nhân trong việc “kiến tạo trời mới đất mới” mà Thiên Chúa đã khởi sự trong Chúa Giêsu Kitô.

Ngày 08 – 11 - 2013

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây