TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Quê Hương

Thứ bảy - 24/04/2021 04:20 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   844
“Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20).
quehuong[1]
quehuong[1]

Quê Hương

Giã từ cuộc sống trần gian, để bước vào nơi yên nghỉ muôn đời. Người Kitô hữu thường dùng Lời Chúa để nâng đỡ nhau trong cảnh chia biệt: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20).

Nhắc về một quê hương, người ta thường nhớ về một quê hương một thời đã sống khi xa rời quê hương. Một quê hương tuổi thơ, nhắc nhớ một thời thơ ngây đã qua, một dòng sông ký ức êm đềm, một lũy tre xào xạc giữa trưa hè, một cánh đồng xanh thơm mùi lúa non, một ánh trăng vàng giữa đêm đèn cầy thắp sáng. Quê hương là những gì đã sống, đã lặn lội, đã bươn trải, cố gắng từng ngày lớn lên, buồn vui và những kỷ niệm. Những nước mắt và nụ cười, những đau thương và hạnh phúc. Quê hương, một đời đã sống, đã nhớ và cũng đã quên những ngày tháng. Người ta gặp nơi quê hương ấy có thể nói lên thay cho tất cả bằng hai chữ “tấm lòng”.

Không còn tấm lòng với nhau, người ta cũng dễ đánh mất quê hương ngay trên mảnh đất mình đang sống. Nó không còn là nơi ươm bao kỷ niệm, nó đã trở thành người ta dùng bạo lực để cố chiếm lấy, nó không còn lũy tre ngày nào của thưở thanh bình mà là nơi cho máy cuốc, máy đào, bới lên và quật ngã. Quê hương khi không còn tấm lòng, chỉ còn là nơi máu đổ, lòng đau, những tan vỡ của các gia đình bị ly tán, những vụn nát của lòng tỵ hiềm, hay những thói quen của sự vô cảm làm rạn vỡ tình yêu, tiếc cho những con thơ lớn lên không còn hiểu bài hát “quê hương”.

Quê hương, đó là nơi đã trải qua, đã sống hết mực yêu thương để gìn giữ, để vun đắp tài bồi, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Quê hương khi chỉ còn là giá trị kinh tế, người ta sẽ bán nó đi để mua vui “một vài trống canh”, thỏa mãn một vài phần trăm người hưởng lạc, dung túng những lợi ích nhỏ nhen. Quê hương không còn tình người thì còn gọi là gì nữa, một quê hương buồn, rất buồn.

Quê hương mới

Chúa nói về một quê hương mới, và quê hương mới ấy đâu có ở xa, rất gần, ngay trong lòng người. Quê hương mới mà chính Thiên Chúa ban cho trong Lời của Người nếu đem ra thực hành: “Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.” (Đnl 30. 14). Những gì Chúa nói xuất phát ngay tự thâm tâm của mỗi người: “anh em hãy có lòng nhân từ”, “lòng nhân từ như Chúa muốn”. Nếu xem xét từ điển về “lòng nhân từ”, người ta có ngay những định nghĩa và rất nhiều ví dụ. Chỉ có điều, con người có muốn thực thi lòng nhân từ đó không? Vì lòng nhân từ đó đòi hỏi con người biết hy sinh phần nào cái ích kỷ của riêng mình, đòi hỏi con người có lòng từ bi đại lương, không những đối với con người với nhau, mà cả những thú vật, thiên nhiên, môi trường con người đang sống. Lòng nhân từ, quảng đại biết gánh vác những cuộc đời bé nhỏ của nhau, tôn trọng sự sống, những phẩm vị của con người. Ngay thẳng, công bằng trong khi thi hành những chức nghiệp khác nhau, chu toàn với trách nhiệm công ích khi lo cho cuộc sống gia đình thường ngày. Quê hương mới không ở xa, rất gần để con người sống nghĩa yêu thương là nghĩa đồng bào với nhau.

Quê hương mới ấy, là một sự chuyển tiếp từ quê hương rất thân thương này sang một quê hương mật thiết hơn. Con người sống với nhau và đi đến quê hương của Thiên Chúa. Một quê hương của Ba Ngôi, đầy tràn tình thương và lòng yêu mến, một quê hương, mọi người trên toàn thế giới là anh chị em một nhà. Quê hương không còn buồn đau, không còn chia biệt, không còn tội lỗi chi phối. Một quê hương hạnh phúc phần nào đã được kinh nghiệm trải qua khi còn sống trên trần gian đã hết lòng sống nhân từ với nhau. Một quê hương mới bù đắp cho những con người đã sống một đời khắc khoải đau thương của trần thế, vì những lòng ngay chịu bách hại của sự dữ. Một quê hương ban phước lành cho những con người suốt đời phải gánh chịu những tủi nhục oan khiên, chịu hắt hủi, sự vô cảm của người đời giày xéo.

Thiên Chúa chính là quê hương mới của mỗi con người. Những ân sủng từ trời cao đổ xuống, những tín nghĩa, ân tình của tấm lòng ngay mọc lên từ đất thấp. Con người hòa quyện vào sự sống của Thiên Chúa, để thấy trong đó vẻ đẹp toàn Mỹ của Người, cảm nghiệm sâu lắng với lòng yêu mến toát ra từ Sự Thiện tuyệt đối, và sống tự do tràn trề trong vương quốc Chân Lý vẹn toàn.

Thiên Chúa là Quê hương và cũng là nỗi nhớ, khi con người tội lỗi, sống xa cách Thiên Chúa. Khi con người sống trong lầm lạc chạy trốn Thiên Chúa ngay trên mảnh đất quê hương của Người. Khi con người vẫn còn chai lỳ đứng trong vòng vây tội lỗi, chống lại Thiên Chúa. Khi con người đánh mất quê hương ngay khi muốn tìm cho mình một quê hương riêng để sống hưởng thụ, ích kỷ.

Thiên Chúa là quê hương, là nỗi nhớ và cũng còn là một hoài hương để con người nhớ về, để ăn năn, sám hối, để được chữa lành, băng bó những vết tâm thương, để uốn ngay nẻo gian tà để trở về sống lại trong tình yêu quê hương đã đánh mất. “Thiên Chúa muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 3).

Quê hương mới như Thiên Chúa ban “một quê hương chân lý và hòa bình” phát xuất từ những tấm lòng ngay. Một quê hương Thiên Chuá ngự trị, khi con người được tẩy sạch mọi tội lỗi vào tham dự. Một quê hương mới, xin Thiên Chúa ban cho chúng con và cả những người đã mất.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây