TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy hết lòng tha thứ…

Thứ sáu - 15/09/2023 05:53 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1523
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18, 22).

Chúa Nhật XXIV – TN – A
Hãy hết lòng tha thứ…

tbd 150923a

 

Nhớ, trước năm 1975, truyện kiếm hiệp hoặc phim kiếm hiệp Tàu đã có một thời làm mưa làm gió ở Saigon. Ngoài một số truyện hoặc phim nói về những anh hùng trừ gian diệt bạo, đa phần nội dung cốt truyện liên quan đến sự báo thù. Sự báo thù được mô tả trong truyện hoặc trong phim thường xoay quanh việc bang hội này báo thù bang hội kia, con cái báo thù cho cha mẹ, hoặc đệ tử báo thù cho sư phụ của mình.

Con mà không báo thù cho cha mẹ sẽ bị mang tội bất hiếu. Đệ tử không báo thù cho sư phụ thì bị gọi là bất trung. Phạm vào hai tội danh trên, đôi khi còn bị xem là mang tội với trời với đất.

Do vậy, việc báo thù trở thành một đức hạnh của người quân tử. Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng đều nghe đến một câu nói bất hủ của người Trung Hoa xưa: “Quân tử trả thù, mười năm chưa muộn.”

Khi nói đến sự báo thù, có thể nói, nó như một căn bệnh trầm kha trong suốt chiều dài lịch sử con người. Con người đua nhau báo thù, từ đời nọ đến đời kia, từ đời con đến đời cháu, v.v… Dưới thời phong kiến, sự báo thù rất tàn bạo, đó là: “tru di tam tộc”. Có khi lên tới cửu tộc.

Với người Do Thái, cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên sự báo thù của họ chỉ được phép ở mức độ công bằng: “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân”.

Công bằng là thế, thế nhưng với Đức Giê-su, tuy cũng là người Do Thái, Ngài lại không hoan nghênh bất cứ hình thức báo thù nào, dù hình thức báo thù có công bằng tới đâu.

Điều luật nêu trên được đặt ra không có mục đích khuyến khích người ta trả thù, lại càng không cho phép một người thực thi công lý theo kiểu ăn miếng trả miếng. Chính Môsê, người công bố đạo luật nêu trên, đã cấm: “Ngươi không được trả thù hay căm giận người trong dân mình” (Lv 19, 18).

“Chớ báo thù – Hãy yêu kẻ thù”. Đó là những điều cũng đã được Đức Giê-su truyền dạy. Bên cạnh những điều truyền dạy này, Ngài còn có lời khuyên bảo: “Hãy tha thứ cho nhau”. Tin Mừng thánh Mát-thêu đã ghi lại chi tiết bối cảnh Đức Giê-su nói lên lời khuyên bảo đáng ghi nhớ này.

**
Chuyện được thánh sử Mát-thêu ghi lại như sau: Một hôm, khi Đức Giê-su và các môn đệ quây quần bên nhau, bất chợt ông Phê-rô đến gần Ngài và hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ mấy lần? Có phải bảy lần không?”

Bảy lần! Tại sao ông Phê-rô lại đưa ra con số bảy? Thưa, là bởi “số bảy” là một con số được xem là hoàn hảo về số lượng lẫn tâm linh đối với người Do Thái. Thế nên, thật khó để mà phủ nhận lời “gợi ý” của ông Phê-rô là một lời gợi ý hoàn hảo.

Ấy thế mà, thế mà Đức Giê-su vẫn không cho là hoàn hảo. Hôm ấy, đáp lời Phê-rô, Đức Giê-su nói: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18, 22).

***
Bảy-mươi-lần-bảy nghĩa là sao? Thưa, theo phép toán nhân, đó là: bốn trăm chín mươi lần. Vậy, đây là giới hạn của sự tha thứ! Thưa, về điều thắc mắc này, một nhà truyền giáo đã có lời chia sẻ, rằng: “Thật ra, câu trả lời của Đức Giê-su không nhằm đưa ra một giới hạn vì sự tha thứ không thể nói bao nhiêu lần là đủ, mà phải là luôn luôn tha thứ. Đó là tiêu chuẩn tha thứ của Đức Chúa Trời. Thập tự giá mà Đức Giê-su nhận lấy để đền tội là sự tha thứ không giới hạn đã được Đức Chúa Trời sắm sẵn cho nhân loại. Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sự tha thứ trong Đức Giê-su trước, rồi mới chất hết thảy tội lỗi của nhân loại từ xưa tới nay trên thân thể Con Một của Người.” (nguồn: internet).

Đúng vậy, bài học về sự tha thứ mà Đức Giê-su truyền dạy cho các môn đệ xưa (và cũng là cho chúng ta hôm nay) là muốn hướng mọi người hãy nhìn lại bản thân đầy tội lụy của chính mình. Chính mình, chính chúng ta rất, rất cần sự tha thứ.

Thế nên, chúng ta hãy nghe lại lời truyền dạy về sự tha thứ của Đức Giê-su được ghi trong Tin Mừng thánh Luca. Lời truyền dạy rằng: “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha thứ cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, và bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’ thì anh cũng phải tha thứ cho nó” (x.Lc 17, 3-4).

Như vậy, tất cả chúng ta đều đã rõ. Tha thứ không phải là lời mời gọi, nhưng là lệnh truyền. Thi hành lệnh truyền này, không phải để chúng ta nhận lấy lời khen của ai đó, nhưng là để nhận được ơn tha thứ vô hạn của Thiên Chúa. Thi hành lệnh truyền này còn để “phân biệt” chúng ta là người thuộc về Chúa, hay là người thuộc về thế gian.

Là người thuộc thế gian: cứ chờ mười năm… mười năm rồi sao… rồi “tưởng chừng đã quên” chăng! Còn đã là người thuộc về Chúa: “Hãy tha thứ cho nhau”.

****
Phải thực thi lệnh truyền “Hãy tha thứ cho nhau”. Nếu không, nếu không… chúng ta sẽ bị dán nhãn là “tên mắc nợ không biết thương xót”.

Tên mắc nợ không biết thương xót là ai! Thưa, đây là một nhân vật được Đức Giê-su nói đến trong một dụ ngôn, như một lời cảnh cáo cho những ai không thực thi lệnh truyền của Ngài.

Dụ ngôn được kể rằng: “Một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.” Có một người “mắc nợ vua mười ngàn yến vàng”. Và, thảm hại thay “y không có gì để trả.” Để xóa nợ “tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản.” Nghe thế, tên đầy tớ hoảng hốt “sấp mình xuống… xin (tôn chủ) rộng lòng hoãn lại”.

Tôn chủ đáp lại lời cầu xin của tên đầy tớ thế nào? Thưa, ông ta: “chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.”
Tên đầy tớ “được tha”. Nhưng tệ thật! Chuyện kể tiếp rằng: “vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền.” Vâng, chỉ có một-trăm-quan-tiền, ấy thế mà tên đầy tớ “liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: trả nợ cho tao!”

Thật đáng thương cho “người đồng bạn” này. Vì không có tiền trả nợ, nên anh ta bị tên đầy tớ “tống vào ngục cho đến khi trả xong nợ.”

Chuyện đến tai tôn chủ. Tôn chủ cho đòi y tới. Một cơn mưa luận tội trút lên tên đầy tớ. Mười ngàn yến vàng so với một trăm quan tiền, là một khoảng cách lớn, là một trăm triệu quan tiền. (So với tiền lương thời đó), làm cả đời cũng không trả nổi.

Không trả nổi! Vậy mà “ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi… thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Thật không oan uổng khi tôn chủ dán cho tên đầy tớ một cái nhãn là “đầy tớ độc ác”.

Sự độc ác của tên đầy tớ đã làm cho tôn chủ “nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.”

Kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su có lời khuyến cáo: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (x.Mt 18, 35).

Không tha thứ, cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận nói: “Tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”. Với William Arthur Ward: “Tình bạn tươi tốt bên suối nguồn tha thứ”. Với Mahatma Gandhi: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm cách của kẻ mạnh.”

Cuối cùng, chúng ta hãy nghe lời khuyên của thánh Phanxicô thành Assisi: “Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.

Vâng, chúng ta đã nghe lời khuyến cáo của Đức Giê-su. Chúng ta đã nghe lời khuyên răn của nhiều vị tiền bối. Thế nên, đừng bao giờ nghĩ tới báo thù. “Hãy dành sự báo thù cho Chúa” (Cn 20, 22). Phần chúng ta, hãy “hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Nói ngắn gọn: hãy hết lòng tha thứ.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây