TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời trần tình gửi người sống đời thánh hiến

Thứ năm - 17/06/2021 05:21 | Tác giả bài viết: Đan sĩ Linh mục Phanxico de Salesio Trần Huy Huề O Cist |   1038
Vài dòng suy tư... muốn gửi gắm tới anh chị em trong giáo xứ thân yêu đang sống đời thánh hiến.
Lời trần tình gửi người sống đời thánh hiến
Lời trần tình gửi người sống đời thánh hiến
Thông thường hằng năm trong mấy tháng hè, các giáo phận thường tổ chức thánh lễ phong chức linh mục. Các hội dòng nam nữ thì cử hành lễ vĩnh khấn, tiên khấn, kỷ niệm ngọc khánh, kim khánh, ngân khánh khấn dòng.... Nhưng năm nay (2021 )...! Cơn đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành và làm xáo trộn mọi sinh hoạt xã hội, tôn giáo....; xét về tình cảm tự nhiên thì thời gian qua, người viết bài này cảm thấy "tiếc" vì không có cơ hội về quê nhà... để có dịp gặp nhau "tay bắt mặt mừng" trong tâm tình tạ ơn Chúa và cám ơn mọi người. Để rồi từ nơi xa chỉ biết hướng về và cầu nguyện cho giáo xứ thân yêu. Bởi năm nay giáo xứ đón nhận ân phúc của Chúa qua những sự kiện, đến nỗi giáo xứ đã hát lên "Điệp khúc tri ân" nhân dịp mừng 50 năm Khánh thành nhà thờ giáo xứ. Đặc biệt lễ tạ ơn Tân Linh mục, mừng kim khánh, ngân khánh khấn dòng... của những người con ưu tú trong giáo xứ. Thế nhưng "Thánh Ý Chúa kỳ diệu lắm thay" trong cơn đại dịch và Chúa muốn chúng ta "hãy đợi đấy...!" Cho nên, một người con phương xa xin được gửi gắm tâm tình tới quý cha, quý tu sĩ nam nữ, các em tập tu... trong giáo xứ Châu Sơn thân yêu đang phục vụ khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại. Trong bối cảnh hiện tại, có lẽ chúng ta cần nhớ lời động viên của thánh Phaolô: “anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh...” (1Tx 5,16) để chúng ta nghiệm ra Chúa và giáo hội đang mong muốn gì nơi chúng ta, những người sống đời thánh hiến?

 
a002
 
Anh chị em thân mến! Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolo II ban hành tông huấn Vita Consecrata (Đời Sống Thánh Hiến 1996). Ngày 18.01.2021 vừa qua, Đức Hồng y João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ Tu sĩ, đã gửi thư khuyến khích những ai sống đời thánh hiến nhân ngày Thế giới Đời sống Thánh Hiến lần thứ 25 được cử hành vào ngày 02/02/2021 (Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh), lá thư đã mời gọi các tu sĩ nam nữ hãy làm chứng cho sự Thiện Mỹ của Đức Giêsu Kytô. Với cuộc sống hiến dâng phục vụ trong vui tươi, người sống đời thánh hiến luôn là ngọn đèn chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa, để giúp nhân loại nhận thấy ơn cứu độ của Người (x.Lc3,6; Is 40,5).
* Sống Đời Thánh Hiến: một Ơn gọi kỳ diệu !
 
a003

Họ là ai vậy? Truyền thống Kytô giáo Tây Phương cho rằng người sống đời thánh hiến giúp nhân loại tưởng niệm những kỳ công của Thiên Chúa, để sống tâm tình canh thức chờ mong niềm hy vọng cánh chung. Nhưng Kytô giáo Đông phương thì cho rằng người sống đời thánh hiến là “…những thiên thần của Thiên Chúa trên mặt đất, để loan báo cuộc canh tân thế giới…” (V.C# 27). Kinh Thánh cũng đã trả lời: họ là những người "ra đi rao giảng Tin mừng cứu độ…” (Mt 9,3610,8); là người “dám bỏ tất cả mọi sự vác thánh giá đời mình theo Đức Giêsu…” (Mt10,3742); hơn thế nữa họ là những người “…đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Họ được chầu chực đêm ngày và thờ phượng Chúa trong Đền Thờ của Người...." (Kh 7, 1415) Lịch sử giáo hội cũng đã cho thấy: họ là những người hân hoan tự nguyện sống đời thánh hiến. Họ tự do chấp nhận một đời sống không tự do để sống theo Thần khí của luật lệ hướng dẫn tuỳ theo hội dòng, tu hội... Họ luôn nhận ra dung mạo Đức Giêsu nơi tha nhân , đặc biệt những người nghèo khó, bệnh tật , gặp nhiều thử thách trong cuộc sống. Họ luôn nhận ra "Thiện Mỹ" là một trong những đặc tính của Thiên Chúa. “Nếu Thiên Chúa là sự thiện mỹ và Chúa Giê-su là Đấng toàn mỹ nhất giữa con cái loài người thì việc được thánh hiến cho Chúa là điều tốt đẹp. Hơn thế nữa, họ cho nhân loại biết ơn gọi dâng hiến "chỉ dành cho một số người mà Thiên Chúa có quyền gọi riêng để làm chứng cho tính cách siêu việt của Người..." (Thomas Merton)
Trong thư, Đức Hồng y cảm ơn những ai sống đời thánh hiến đã và đang đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và ngài bày tỏ tình liên đới với họ “trong gian khổ và chịu đựng” không chỉ vì đại dịch Covid 19, mà cả trong những biến cố thường ngày của giáo hội và xã hội, và mời gọi họ trở thành các chứng nhân để đánh thức ý nghĩa hy vọng nơi tất cả mọi người.
Xin được đề cao 3 đặc tính của người sống đời thánh hiến:
1. Khả năng thích ứng và biến đổi cuộc sống
a004

Khi thế giới đang tìm cách chế tạo các loại Vaccine để tiêm chủng cho con người có sức đề kháng virut Corona biến thể, thì tông huấn Vita Concerrata (Đời sống thánh hiến) đã nhiều lần khẳng định đời sống thánh hiến cần có khả năng thích ứng và biến đổi như một yếu tố quyết định đối với sứ mạng của Giáo Hội.
Dù tông huấn được ban hành trong thời kỳ nhiều khó khăn, bất ổn, con người thiếu sự dấn thân, nhưng tông huấn xác định điều cốt lõi của đời sống thánh hiến: là “một biểu tượng của Chúa Kitô biến hình”. Do đó giáo hội mời gọi các tu sĩ kết hợp chiều kích thần linh và con người trong việc phục vụ hàng ngày, kết hợp giữa sự thiện mỹ tuyệt vời cần được chiêm ngưỡng và sự nghèo nàn đau khổ cần được phục vụ. Đồng thời tu sĩ sống trọn vẹn “mối tương quan” trong đời phục vụ mang chiều kích ngang dọc: giữa Thiên Chúa và con người. Đời sống thánh hiến được hình thành trong và nhờ sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi và hướng dẫn các tu sĩ tìm kiếm sự thánh thiện của cộng đoàn: “luôn hình thành con người nội tâm, không tìm thoát ra ngoài lịch sử và cũng không thu cuốn lại trên chính mình” (V.C#103); đồng thời sống dấn thân vào các hoàn cảnh khó khăn đang cần sự giúp đỡ của những người nghèo, đau khổ, và mỗi ngày chia sẻ và trao ban cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa.
 
a005


2. Đồng cảm đồng hành với Đức Giê-su
Tông huấn Vita Consecrata (VC) đã trình bày một “yếu tố mới” trong việc huấn luyện đào tạo các tu sĩ. Các lời khấn không những là kim chỉ nam cho những ai sống trong đời sống thánh hiến, mà còn giúp họ có tâm tình đồng cảm với anh chị em đồng tu, có khả năng kiến tạo và vui sống cộng đoàn huynh đệ... Đặc biệt họ có những tình cảm như Đức Giêsu: là sống tín thác, vâng phục, là người Tôi tớ đau khổ, là con Chiên vô tội. Ai sống đời thánh hiến thì hân hoan tin tưởng vào một Thiên Chúa nhạy cảm: Người nghe tiếng rên la của kẻ bị áp bức và lắng nghe lời van xin của bà góa; đau khổ với con người và vì con người. Chúng ta thấy rằng đời sống thánh hiến, với nhiều đặc sủng, chính là biểu hiện của sự nhạy cảm này. Bởi đó, thời gian qua các Linh mục, tu sĩ nam nữ đều nhận được sự động viên khích lệ của Bộ Tu sĩ trong bối cảnh do cơn đại dịch Covid-19… và để nói lên sự quan tâm sự gần gũi của giáo hội, cách riêng của những người đang làm việc trong Bộ Tu Sĩ đến với từng anh chị em, từng cộng đoàn, từng Hội dòng: “chúng tôi luôn theo dõi thông tin từ các cộng đoàn tại nhiều nước khác nhau: Các tin ấy nói về tâm trạng hoang mang, việc lây lan nhiễm bệnh, số tử vong, những khó khăn về con người và kinh tế, ơn gọi tu trì bị suy giảm số lượng… nhưng đồng thời cũng nói về lòng trung thành được thử thách qua đau khổ, lòng can đảm, vững tâm làm chứng ngay cả trong từng nỗi đau và thương tích, chăm lo và gần gũi với những người thiếu thốn nhất..., yêu thương và phục vụ đến mức liều mất mạng sống mình”; cùng nhau hành động, làm sống lại trong lòng mọi người “một lòng khao khát phổ quát về tình huynh đệ” (s.8), cùng nhau mơ ước (s.9), để “khi đứng trước các mưu toan ngày nay nhằm loại bỏ hay phớt lờ người khác, chúng ta có thể chứng tỏ khả năng đáp trả với tầm nhìn mới về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội…” (x.Fratelli Tutti-ch II )
3. Cầu Nguyện Hiệp thông
 
a006
 
Sinh hoạt trong đời sống thánh hiến đều được đặt trên nền tảng của sự hiệp thông cầu nguyện. Thông điệp Vita Consecrata đã đề cao sự cầu nguyện, là trung tâm điểm của đời sống thánh hiến. Sự cầu nguyện vẫn là phương thế hoàn hảo trong việc đào tạo giáo dục các ơn gọi và sứ mạng chứng nhân Tin mừng. Chúng ta không thể coi nhẹ việc cầu nguyện, mà cứ lo trau dồi kiến thức phổ thông, nhiều lúc sẽ bị "trật đường rầy" trong linh đạo các chủng viện, hội dòng. Vì thực tế trong cộng đoàn, chúng ta vẫn cầu nguyện, nhưng chưa cảm nghiệm được hiệu quả thiêng liêng của cầu nguyện. Chưa phát huy, nói cách khác là chưa trổ hoa đức tin, lòng trông cậy nhất là đức ái, tình huynh đệ trong cộng đoàn. Cho nên “...nếu không mở lòng ra với mọi người, thì sẽ không có những tác động sâu xa vững mạnh để thúc đẩy tình huynh đệ” (x. Fratelli Tutti #272).
Dưới ánh sáng của giáo lý về Giáo Hội – Hiệp Thông, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi những người sống đời thánh hiến phải trở thành “những chuyên gia đích thực của hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông” (V.C# 46). Qua khả năng lắng nghe và đối thoại, người sống đời thánh hiến luôn giúp nhau cần có một thứ bản năng siêu nhiên, để không rập theo đời này, mà lại đổi mới tâm thần để “nhận ra đâu là ý Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2).
 
a007
 
Riêng ĐGH Phanxicô đã động viên: "xin Chúa chúc lành cho từng người trong anh em, để anh em có thể chuyển từ “tôi” sang “chúng ta”, khi nhận thức rằng “chúng ta đang cùng trên một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời, quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được kêu gọi cùng nhau chèo chống”(Buổi cầu nguyện ngoại thường, Thứ Sáu, 27/3/2020).
Trong thế giới hôm nay, dù sống ở môi trường nào. Người sống đời thánh hiến vẫn là những người Samaria của thời đại...; nỗ lực vượt qua cơn cám dỗ, vượt thắng chính mình, kiến tạo đời nội tâm để xác định vai trò của mình trong giáo hội. Đồng thời quan tâm cầu nguyện đúng mức trước những đau thương khốn khổ và đói nghèo của rất nhiều người trên thế giới.
ĐGH Phanxicô đã làm sáng tỏ đường hướng thiêng liêng khi hiệp thông cầu nguyện để “tu sĩ trở thành những nhà kiến tạo tình huynh đệ phổ quát, những người canh giữ ngôi nhà chung: trái đất và muôn vật trong đó và thế giới này như một khối đa diện sẽ chiếu sáng vẻ đẹp của Thiên Chúa.” (x. Laudato Si #100) bởi lẽ “...chưa bao giờ như trong cơn đại dịch này, chúng ta nghiệm thấy mọi sự đều gắn kết, liên quan và kết nối với nhau thật tuyệt vời, cụ thể”.
Vì thế, người sống đời thánh hiến là “...những người con của cùng mẹ trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người chúng ta đóng góp bằng sự phong phú của niềm tin và xác tín của mình, bằng đặc sủng riêng của ơn gọi và sự cộng tác riêng của mỗi người...” (x.Fratelli Tutti -8).
 
a008


Thay lời kết:
Vài dòng suy tư... muốn gửi gắm tới anh chị em trong giáo xứ thân yêu đang sống đời thánh hiến. Chia sẻ này xin được là nén hương tưởng nhớ linh hồn các cha, các thầy, các Soeurs trong giáo xứ đã ra đi trước chúng ta, thứ đến xin là bông hoa nhỏ trao tặng anh chị em với tâm tình phó thác anh chị em cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, cho Đức Maria, là Mẹ chúng ta, Mẹ của Hội Thánh, và cho thánh Giuse, Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ, trong năm đặc biệt kính Thánh Giuse. Nếu như xưa thánh Phêrô nói với người què chân: "vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu anh đứng dậy mà đi" (Cv 3,6).
Thì hôm nay nhân ngày cầu nguyện xin ơn thánh hoá các Linh mục.
Mến chúc anh chị em luôn vui khỏe, tràn đầy niềm vui đời dâng hiến, cùng nhau ra đi làm chứng Tin Mừng. Cho dù gặp thử thách trong hành trình ơn gọi dâng hiến, nhưng chúng ta vẫn tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa, luôn đồng hành với nhau trong lời cầu nguyện, để mỗi ngày chúng ta luôn xác tín:
ĐỨC GIÊSU LÀ LÝ TƯỞNG ĐỜI TÔI!
Đan viện Phước Vĩnh,  Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu (11.6.2021)
 
a009
 
 
Đan sĩ Linh mục Phanxico de Salesio Trần Huy Huề O Cist

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây