TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Màu đen hay hồng là do bạn nghĩ

Thứ năm - 15/07/2021 22:12 | Tác giả bài viết: Sonhactu |   999
Dịch bệnh covid-19 đã xảy ra từ cuối năm 2019 đến nay làm xáo trộn bao việc, dẫn đến bao hệ luỵ về kinh tế từ xã hội đến gia đình.
Màu đen hay hồng là do bạn nghĩ
MÀU ĐEN HAY HỒNG LÀ DO BẠN NGHĨ

WGPVL (12.7.2021) - Dịch bệnh covid-19 đã xảy ra từ cuối năm 2019 đến nay làm xáo trộn bao việc, dẫn đến bao hệ luỵ về kinh tế từ xã hội đến gia đình. Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 này khủng hoảng kinh tế suy giảm làm nhiều gia đình mất việc làm, khó khăn túng thiếu làm thay đổi tâm tính gây bất hoà ly tán trong gia đình, làm bao mảnh đời cơ nhỡ đói rách nhiều hơn. Trong những ngày sống chậm của giãn cách theo nghị định 16 tôi được nghe hai vợ chồng bạn tâm sự trải lòng về hôn nhân chồng con và dự định mai sau của bạn. Tôi lắng nghe và đã góp ý vài lời với bạn từ bài học của bản thân tôi, để hai bạn suy nghĩ lại mà có định hướng tốt đẹp hơn cho hôn nhân của mình.

Gia đình bạn hai vợ chồng có một con trai học lớp 11. Có lẽ hôn nhân đã nhiều năm nên cả hai bạn đều thấy cũ và nản vì nhàm chán nhau. Không ai chịu lắng nghe ai từ việc nhà, việc xã hội, đến quan điểm dạy con, hiếu lễ với ông bà nội ngoại hai bên. Cả hai thấy gì cũng trái ý nhau, không ai chịu nói với ai lời hay ý đẹp, chỉ nhìn thấy nhược điểm của nhau mà phê phán chỉ trích nhau. Giờ dịch bệnh công việc không thuận lợi, tiền chi tiêu trong nhà thiếu hụt lại bị ở nhà giãn cách xã hội, ra vô thấy mặt nhau 24/24 lại càng căng nhau hơn. Vì cơm áo gạo tiền, vì trách nhiệm với gia đình con cái, cha mẹ chồng vợ hai bên, hai bạn không có tiếng nói chung trong cư xử lựa chọn, nên nản nhau muốn ly hôn bỏ nhau cho mau cho lẹ.

Tôi hỏi bạn: đã bao giờ hai vợ chồng ngồi nói chuyện phải trái với nhau trong thâm tình trao đổi góp ý? Để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đối phương.

Đã có phút giây nào nghĩ lại sao ngày xưa mình dịu dàng thuỳ mị, còn ông xã thì nhỏ nhẹ ngọt ngào? Giờ mình lại chanh chua từng câu nói, ông xã thì cọc cằn thô lỗ? Bạn đã tìm ra nguyên nhân chưa?

Bạn đã hồi tưởng lại quá khứ lý do gì hai bạn đến với nhau? Giờ thì lý do gì lại đòi bỏ nhau?
Bạn nhận ra điểm nào tốt của chồng, vợ để ngày xưa yêu thương nhau tha thiết, sao giờ lại toàn thấy cái xấu của nhau?

Ngày xưa hai bạn yêu thương nhường nhịn nhau từng câu nói, sao giờ lý do gì hai bạn lại gút mắc nhau từng lời nói cử chỉ hành động để rồi luôn cãi nhau?

Có phải hai bạn đã không làm mới bản thân mình trong mắt nhau, suy nghĩ cưới nhau rồi đã là vợ chồng rồi không cần giữ ý tứ cứ bỗ bã muốn nói gì làm gì tuỳ ý không tôn trọng ý kiến của nhau? Không tôn trọng ông bà nội ngoại hai bên nữa vì đã là người nhà rồi?

Bạn cứ nghĩ giờ con lớn, bạn già rồi bạn ăn mặc xuề xoà nhếch nhác, còn người chồng mặc kệ vợ không phụ việc nhà vì nghĩ việc nhà là của đàn bà, đàn ông không cần phải phụ?

Đã bao giờ bạn tặng quà bất ngờ hay hoa cho chồng, vợ trong những dịp sinh nhật, hay ngày kỷ niệm nọ kia. Hai bạn dẫn nhau đi ăn uống hẹn hò như thuở mới yêu để hâm nóng tình cảm vợ chồng?

Sao hai bạn ra ngoài với bạn bè đồng nghiệp, ở cơ quan thấy thoải mái tinh thần hơn, về nhà thì mệt mỏi tâm trí lại quăng rác những lời nói tiêu cực với nhau?

Rồi thay vì tìm ra nguyên nhân để cả hai điều chỉnh lại mình hợp lý hơn với đối phương cho hôn nhân hạnh phúc hơn thì bạn lại chọn lăng tăng nhớ về người yêu cũ rồi so sánh này nọ. Bạn à bài hát có câu: tình chỉ đẹp khi còn dang dở - Đời mất vui khi đã vẹn câu thề. Cái gì chưa chạm đến được thì yêu thì quý, khi có rồi không biết trân trọng gìn giữ thì sẽ giống như hoàn cảnh hiện tại của hai bạn nhé.

Ai cũng có điểm yếu không ai hoàn hảo cả, bạn mong chồng, vợ hiểu bạn thương yêu gánh vác trách nhiệm gia đình thì tại sao hai bạn không nhỏ nhẹ cởi mở nói ra để hai bên hiểu nhau hơn mà phải cáu gắt cay cú với nhau. Trao nhau lời nói nhỏ nhẹ góp ý chân tình dễ nghe sẽ làm năng lượng tích cực hơn, còn bạn cứ cáu gắt quát nạt sẽ thấy lòng mình nặng trĩu u uất, nhìn đâu cũng thấy màu đen tăm tối. Bạn à tôi cũng có con trai khó dạy bướng bỉnh, tôi đã rút ra được bài học kinh nghiệm: mình càng cáu gắt la rầy thì con càng bất mãn và bất trị. Tôi nhỏ nhẹ khuyên răn, nói những lời ngọt ngào yêu thương mưa dầm thấm đất. Rồi tôi cũng cảm hoá được con trẻ trở về lối sống tích cực hơn. Trong hôn nhân gia đình cũng vậy hãy trao nhau những năng lượng tích cực màu hồng đừng quăng rác vào nhau để thấy cuộc sống bế tắc màu đen tăm tối.

Bên đạo Công Giáo của tôi Chúa dạy: Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly. Và trong Thánh Lễ Hôn Phối, hai vợ chồng cũng có lời giao kết: yêu thương và chung thuỷ với nhau trong suốt cuộc đời, lúc thịnh vượng cũng như lúc nguy nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày cho đến suốt cuộc đời.

Ngày xưa hai bạn yêu nhau, thương nhau nên thấy gì cũng là màu hồng tươi đẹp. Giờ sống chung lâu năm vì áp lực kinh tế, trách nhiệm, hai bạn không thẳng thắn bày tỏ để rồi nản nhau chán nhau thấy gì cũng là màu đen bế tắc. Hai bạn hãy nghĩ đến cảm nhận của con trẻ khi hai bạn chia tay nhau, con ở bên cha thì không có mẹ, và ngược lại ở với mẹ không có cha, con buồn đau thất vọng lắm chứ. Hãy nhớ về cái đẹp buổi ban đầu mà yêu thương, tha thứ, nhẫn nhịn, thay đổi vì nhau để gia đình hoàn thiện hạnh phúc hơn hai bạn nhé. Kinh tế giờ tuy có khó khăn hãy đồng lòng chia sẻ gánh vác tìm ra hướng đi tốt cho tương lai của hai bạn và con trẻ. Vun bồi hạnh phúc phải mất nhiều năm, chứ đập đổ bể chỉ mất vài phút à. Hôn nhân màu hồng hay màu đen là do cách hai bạn nhìn nhận và cảm nhận theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực nhé. Mến chúc gia đình nhỏ của hai bạn luôn vui vẻ đầm ấm hạnh phúc. Các bạn trẻ hãy tìm hiểu cho kỹ trước hôn nhân để không phải nói: Tôi đã lầm và tôi tiếc tuổi xuân của tôi nhé các bạn.
Sonhactu
Nguồn: giaophanvinhlong.net 
 Tags: covid-19

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây