Một ngày trong đời
Sau khi chương trình sáng tạo, tạo dựng “trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất”, Kinh Thánh cho biết rằng, “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (x.St 2, 1-2)
Từ nguyên tổ Adam cho tới thời các tổ phụ, rồi từ thời các tổ phụ cho tới thời Mô-se, ngày thứ bảy, nay được gọi là “ngày sa-bát”, đã được nói đến, không chỉ như là một dấu hiệu đặc biệt giữa Thiên Chúa với Israel, dân riêng của Người, rằng “Các người sẽ giữ ngày sa-bát của ta, bởi vì đó là một dấu hiệu giữa Ta và con cái các ngươi qua mọi thế hệ, để người Ta biết rằng chính Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thánh hiến các ngươi.” (x.Xh 31, 12-13), mà còn trở thành một trong Mười điều răn của Đức Chúa Trời, rằng: mọi con dân của Do Thái đều phải “giữ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh…” (x.Đnl 5, 12)
Với chúng ta hôm nay, nói một cách tóm tắt, ngày sa-bát chính là ngày Chúa Nhật và cũng được coi là một trong mười điều răn của Đức Chúa Trời, điều thứ ba “Giữ ngày Chúa Nhật.”
“Giữ ngày Chúa Nhật”, thật giản dị, thế nhưng, ngày nay, nếu có ai hỏi chúng ta: bạn giữ ngày Chúa Nhật như thế nào? Vâng, có phần chắc, đa số người tín hữu sẽ trả lời, rằng: tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật đủ để coi như đã giữ đúng điều răn Chúa dạy.
Chỉ cần thế thôi sao! E rằng chưa đủ… Sách giáo lý Công Giáo được “Imprimatur” bởi ngài Nicolaus Huỳnh Văn Nghi tại Saigon ngày 30.03.1975, dạy rằng: “Điều răn thứ ba dạy ta thánh hóa ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc”. Tiếp đến, để trả lời cho câu hỏi “Ta phải làm gì để thánh hóa những ngày ấy?”, cũng quyển sách giáo lý này, dạy rằng “Ta phải dự Thánh Lễ, nghỉ việc xác và nên làm thêm các việc lành, như đi dự những giờ kinh chung, làm việc bác ái, tông đồ…”
Giáo Hội không tự đặt ra luật lệ nêu trên, hòng tạo thêm gánh nặng cho người tín hữu, nhưng là do lời tuyên phán của Thiên Chúa năm xưa, rằng: “Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy, là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, người không được làm công việc nào…”
Đức Giê-su, khi còn tại thế, cứ đến ngày sa-bát, Ngài liền đến hội đường và luôn có một ngày sống đúng nghĩa là một “ngày thánh”. Tin Mừng thánh Mác-cô, đã thuật lại sự việc này, và hôm nay, trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta sẽ được nhìn thấy Đức Giê-su đã sống “một ngày trong đời” của Ngài vào ngày sa-bát như thế nào.
**
Chuyện được kể lại rằng: Hôm ấy, “Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um…”. Vì là ngày Sa-bát, nên “Người vào hội đường…”
Sa-bát và hội đường… Nói về hội đường, đó là nơi để duy trì niềm tin và hội họp cầu kinh. Còn sa-bát, đó chính là “ngày thánh”, ngày “Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành” (x.Đnl 5, …15), có thể nói rằng, sa-bát và hội đường chính là máu, là thịt, là hơi thở của Israel, không có nó, cả một dân tộc sẽ tan rã.
Hôm đó, Đức Giê-su đã làm đúng theo lệnh truyền, chuyện kể rằng: Người đã cử hành lệnh truyền bằng một bài giảng “khiến thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người”. Nhiều người đã bàn tán với nhau rằng “Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”.
Tại sao thiên hạ lại có sự so sánh như thế? Thưa, bởi các kinh sư giảng dạy hay thì có hay nhưng họ chỉ nói mà không làm.
Còn với Đức Giê-su ư! Thưa, Người nói là làm. Người nói “Ta đến là để chiên được sống và được sống sung mãn”, thì đây, tại hội đường hôm ấy, Đức Giê-su đã đem lại cho một người bị quỷ ám một sự sống “sung mãn” toàn diện.
Chuyện kể rằng: Có một người bị thần ô uế nhập, khi người ấy đứng trước mặt Đức Giê-su với những lời la hét ầm ĩ, Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”, kinh ngạc thay “Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng và xuất ra khỏi anh ta”.
Rồi, khi nói “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”, Đức Giê-su đã thật sự là người phục vụ, Ngài đã phục vụ con người qua việc hóa bánh cho nhiều người ăn trong một nơi hoang vắng, hóa rượu cho nhiều người uống trong một bữa tiệc cưới tại Ca-na v.v…
Việc phục vụ của Đức Giê-su còn rõ nét hơn nữa trong chuyến quá bộ đến “nhà hai ông Si-môn và An-rê.”
Simôn và Anrê là ai? Thưa, là môn đệ của Đức Giêsu. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Ngài, sau một buổi thuyết giảng ở hội đường, nay trở về nhà của trò để nghỉ ngơi, dưỡng sức.
Than ôi! Cứ tưởng rằng Thầy và trò sẽ có vài giây phút thư giãn và nghỉ ngơi. Không ngờ, khi Đức Giêsu vào nhà, trước mặt Ngài là hình ảnh “bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt nằm trên giường”. Thấy Đức Giêsu, thân nhân của ông Simôn không bỏ lỡ cơ hội, họ “nói cho Người biết tình trạng của bà”.
Nghe thế, Đức Giê-su, “…lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay…”. (Mc 1, 31). Chỉ một động tác đơn giản của Đức Giêsu, người ta thấy “bà mẹ vợ ông Simon” đi lại như chưa hề bị cơn sốt hành hạ. Bà ta lại còn lăng xăng lui tới “phục vụ các ngài”.
Tiếng đồn về một ông Giêsu đầy quyền năng lan ra. Chuyện kể tiếp rằng: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ đau ốm và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. (Mc 1, 32)
Tại sao người ta không đến với Đức Giêsu lúc trời còn sáng? Thưa, vì khi trời còn sáng là còn trong phạm vi ngày sa-bát, mà ngày sa-bát là ngày mọi người không được làm việc nặng nhọc như khiêng vác, chính vì thế, họ sợ việc khiêng vác bệnh nhân cũng bị coi như phạm luật.
Vâng, hôm đó, dù mặt trời đã lặn, Đức Giê-su vẫn tiếp tục “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ..”. Cũng giống như lúc buổi sáng trong hội đường, ở đây, quỷ cũng biết rõ Đức Giêsu là ai. Nhưng Đức Giêsu đã “không cho quỷ nói”.
Hồi đó, Đức Giê-su không cho quỷ nói. Không thấy thánh sử Mác-cô cho biết lý do, rất có thể, lúc đó, ý của Ngài là “Giờ Ta chưa đến”.
Tuy nhiên, hôm nay, nếu được nói, chúng ta cần nói rằng: Đức Giêsu, quả là, Ngài đã để lại cho chúng ta một chuẩn mực, chuẩn mực của một ngày sa-bát, và nay được chúng ta gọi là ngày Chúa Nhật, một ngày mà bất cứ ai là một Ki-tô hữu đều phải coi đó như là “một ngày trong đời” của tôi.
***
Thưa Bạn, bạn có chấp nhận lấy “chuẩn mực của một ngày sa-bát” mà Đức Giê-su đã thực hiện, để làm chuẩn mực cho “một ngày trong đời” của ta?
Nếu chúng ta chấp nhận! Vâng, là một Ki-tô hữu, chúng ta cần chấp nhận, chấp nhận để tự hỏi lại lòng mình rằng: Ngày sa-bát Đức Giê-su vào hội đường… Còn tôi, ngày Chúa Nhật, tôi có đến thánh đường hay không?
Đức Giê-su đã “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ…”. Còn tôi thì sao? Tôi có làm như Đức Giê-su đã làm? Tất nhiên, cách chữa trị của chúng ta sẽ không là cách chữa trị như của Đức Giê-su hay như của một người bác sĩ…
Cách chữa của chúng ta, đó là, viếng thăm… đó là biết “yếu với những người yếu” để chia sẻ nỗi yếu đau, để an ủi và cuối cùng là để cảm thông. Và tôi có làm như thế hay không?
Còn trừ quỷ nữa chứ! Đúng, thế nhưng, quỷ hôm nay mà chúng ta cần phải trừ khử không phải là những con quỷ Kinh Thánh đã mô tả, mà là những con quỷ dâm bôn, quỷ hận thù, quỷ ích kỷ, quỷ dối trá, quỷ lừa lọc, quỷ bè phái, tranh chấp, chia rẽ v.v...
Thế nên, hãy tự hỏi, “một ngày trong đời” của tôi, tôi có để cho những con quỷ nêu trên ám ảnh chi phối tôi? Nếu có, tôi sẽ “trục” nó ra ngay khỏi cuộc đời tôi!?
Làm sao để trục nó? Thưa, một cách hữu hiệu nhất để trục những loại quỷ nêu trên, đó là, hãy theo gương Đức Giê-su khi Ngài ở hoang địa suốt bốn mươi đêm ngày mà “Ăn chay và Cầu nguyện”. Đừng quên, một lần nọ, các môn đệ của Đức Giê-su đi trừ quỷ nhưng không thành công, họ đã quay về hỏi Thầy của mình “tại sao?”, Đức Giê-su trả lời: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi!” (Mc 9,29).
“…Chỉ có cầu nguyện….” Đó là điều Đức Giê-su luôn thực hiện và Ngài đã chiến thắng. Cũng vậy với chúng ta hôm nay, “chỉ có cầu nguyện…”, chúng ta mới có thể thực hiện được “chuẩn mực của một ngày sa-bát”, một chuẩn mực cho “một ngày trong đời” của chính chúng ta.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn