TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Yêu là… chết ở trong lòng một ít

Thứ tư - 12/05/2021 23:09 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   830
Yêu là… chết ở trong lòng một ít

Chúa Nhật V – MC – B

Yêu là… chết ở trong lòng một ít

Chúa Nhật hôm nay, Mùa Chay được khép lại. Và, theo lịch Phụng Vụ, chúng ta sẽ bước vào tuần lễ “thương khó và Phục Sinh”.

Khi nói tới tuần “thương khó và Phục Sinh”, đi một vòng quan sát các giáo đường, chúng ta không thấy được cảnh nhộn nhịp, tưng bừng như tuần cuối của mùa vọng và Giáng Sinh.

Không tưng bừng, nhộn nhịp, phải chăng lễ Giáng Sinh quan trọng hơn “tuần thương khó và Phục Sinh”? Thưa, xét về một phương diện, thì, cả hai ngày lễ đó đều quan trọng, nó cho chúng ta thấy và biết, Đức Giê-su đã từ đâu đến và Ngài đã đến thế gian để làm gì.  

Tuy nhiên, về phương diện đức tin, “tuần thương khó và Phục Sinh” quan trọng hơn, quan trọng hơn là bởi, sự chết và sự sống lại của Đức Giê-su, chính là trung tâm điểm đức tin của người Ki-tô hữu.

Trong Tin Mừng thánh Gioan, chúng ta thấy có tất cả 22 đoạn nói về ba mươi ba năm tại thế của Đức Giê-su. Còn với cả bốn sách Tin Mừng, trong 89 đoạn, chỉ có bốn đoạn nói về sự giáng sinh của Đức Giê-su cùng với ba mươi năm ẩn dật của Ngài. Trong khi đó, với tuần thương khó và Phục Sinh, có tất cả 27 đoạn đã được các thánh sử viết.

Thì đây, trong những năm tháng còn tại thế, có bao giờ chúng ta nghe Đức Giê-su nói: “Tôi phải về Belem để tổ chức sinh nhật thứ 30… 31… 32” của mình không? 

Trái lại, điều Đức Giê-su nói và Ngài đã nói tới ba lần, đó là: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (x.Mc 8, 31). Rồi đến lần thứ hai, cũng với nội dung như thế. 

Và, cho đến lần thứ ba, Đức Giê-su, rõ ràng hơn, Ngài đã tuyên bố “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem”... Không! không phải là “Belem” nhưng là “…Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người… sẽ đánh đòn và giết chết Người”.

Khi nói đến ngày chết của mình, Đức Giê-su gọi đó như là “Giờ Con Người được tôn vinh”. Ô hay! Chết mà cũng tôn vinh ư! Đúng vậy, ở đời, có cái chết anh hùng nào mà không được tôn vinh! Với cái chết của Đức Giê-su, một cái chết để cứu nhân độ thế, một cái chết “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta” lại càng đáng tôn vinh hơn chứ.

Vâng, hồi ấy, khi nghe “Giờ Con Người” sẽ đến, các môn đệ, đặc biệt là Phê-rô ra sức ngăn cản. Họ ngăn cản, bởi, có thể, họ chưa hiểu được “Mầu nhiệm Vượt Qua” tức là cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Ngài.

Có lẽ, các môn đệ chưa nghe Đức Giê-su, Thầy của họ, đã từng nói: “như ông Mô-sê đã gương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được gương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. (Ga 3, 14-15)

Cho nên, Đức Giê-su, hôm ấy, hôm Thầy và trò lên Giê-ru-sa-lem, Ngài đã giải thích về cái chết của mình bằng một so sánh rất thực tế. Đức Giê-su nói rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. (Ga 12, 24) 

Thầy phải chết, như hạt lúa phải chết, vì đó là ích lợi cho con người. Đã có tiếng từ trời cao vọng xuống như một ấn tín cho lời phán dạy của Ngài, “dân chúng đứng ở đó nghe”, tiếc rằng, họ tưởng “đó là tiếng sấm”. Đúng, đúng là tiếng sấm, nhưng là “sấm ngôn” từ trời, rằng: “Ta đã tôn vinh Danh Ta. Ta sẽ còn tôn vinh nữa”. (x. Ga 12, 28).

Và quả thật, Thiên Chúa đã tôn vinh Danh Người bằng chính cái chết của “Con Một Người” trên đồi Golgotha. Và, sự việc “sẽ còn tôn vinh nữa”, đã được Con Một Người, là chính Đức Giê-su thực hiện, với lời phán hứa: “Phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. 

**
Hôm nay, qua việc nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta không chỉ được Đức Giê-su “kéo lên” với Ngài, mà còn được tiếp cận Mầu nhiệm Vượt Qua. Tiếp cận Mầu Nhiệm Vượt Qua chính là tiếp cận cái chết và Phục Sinh của Đức Giê-su.

Thế nên, là một Ki-tô hữu, chúng ta cũng phải cùng chết với Đức Giêsu và cùng mai táng với Ngài. Nói theo cách nói của Đức Giê-su, chúng ta cũng phải được gieo-vào-lòng-đất và phải “chết đi”. 

“Chết đi” như thế nào? Tất nhiên, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt “chết đi” như một kẻ “tử đạo”, sự chết đi của chúng ta, đó là chết-đi-cho-tội-lỗi. Đó là chết đi cho những dục vọng xấu xa: dâm bôn, phóng đãng. Đó là chết đi cho những cá tính: nóng giận, chia rẽ, hận thù. ghen tuông. Đó là chết đi cho những thái độ thờ ơ, vô cảm trước những bất công, bạo lực, trước những hoàn cảnh bệnh tật, đói nghèo.

Chết đi như thế nào? Thưa, không nhất thiết phải chết trên thập giá như Đức Giê-su khi xưa, với chúng ta hôm nay, chỉ cần… chỉ cần “chết ở trong lòng một ít”, là đủ.

“Chết ở trong lòng một ít” là chết như thế nào? Thưa, đó là, trong một thời đại người ta cổ võ cho chủ nghỉa vô thần, người ta lợi dụng sự độc quyền về truyền thanh, truyền hình, báo chí, sách vở v.v… để ra rả những lời bêu rếu, chửi bới, chê cười, nhạo báng “Đạo Chúa”, thế mà chúng ta không phẫn nộ, không oán giận, vẫn biểu lộ tình yêu thương, sự khoan dung… vâng, đó chính là chúng ta đã “chết ở trong lòng một ít” vậy.

Trong vai trò là một bác sĩ, một người y tá, trước một bệnh nhân, chúng ta không “làm tình làm tội” họ, không đòi hỏi “phong bì phong bao”, chúng ta điều trị họ, săn sóc họ với tất cả lương tâm nghề nghiệp của mình v.v… vâng, đó chính là chúng ta đã “chết ở trong lòng một ít” vậy. 

Nói chung, ở bất cứ vai trò gì trong xã hội, nếu chúng ta chịu thiệt thòi, thiệt thòi tiền bạc, chịu mất mát, mất mát công việc, mất mát bạn bè, mất mát địa vị trong xã hội… vì đức tin. Vâng, đó chính là chúng ta đã “chết ở trong lòng một ít” vậy.

“Chết ở trong lòng một ít”, phải chăng, cũng giống như một hình thức “chay tịnh”? Phải chăng, cũng giống như một tay đua “phải kiêng kỵ đủ điều”?

Thưa, đúng vậy. Tuy nhiên, cùng kiêng kị, nhưng, như thánh Phaolô nói, thì “họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư…” Còn đối với chúng ta, ngài nói tiếp “…chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát.” (1Cr 9,25).

Thế nên, đừng quên, Đức Giêsu có nói: “ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

Vâng, đó là một lệnh truyền, một lệnh truyền thật không dễ để thực hiện, nhất là thực hiện trong một xã hội, trong một thời đại coi danh vọng, tiền bạc, quyền lực, thú vui xác thịt v.v… như là cứu cánh cho cuộc sống. 

Chính vì thế, cách tốt nhất để thực hiện lệnh truyền, đó là: hãy cầu nguyện. Đó là, chúng ta hãy noi gương Đức Giê-su xưa kia “lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khấn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng”. Đấng-có-quyền-năng không ai khác chính là Đức Giêsu Kitô – Đấng “trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 9)

***
Thưa, Bạn, bạn có sợ khi phải “tùng phục Thiên Chúa”?

Đức Giê-su, đứng trước việc phải tùng phục Thiên Chúa, Người đã “xao xuyến bồi hồi… Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất”, thế nhưng… nhờ lời cầu nguyện với Thiên Chúa, rằng “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” và nhận ra rằng “chính vì giờ này mà con đã đến”, thế nên, Người đã “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8)

Vâng, đó là một cái chết vì “tùng phục Thiên Chúa”, một cái chết để nói lên tình yêu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Với chúng ta hôm nay, để thực hiện sự tùng-phục-Thiên-Chúa, rất giản dị, đó là: hãy cầu nguyện như Đức Giê-su đã cầu nguyện. Còn nữa, hãy thực thi lệnh truyền của Đức Giê-su, một lệnh truyền đã được Ngài công bố trong bữa tiệc ly, lệnh truyền rằng: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (x.Ga 13, 34-35)

Thưa Bạn, bạn đã “có lòng yêu thương nhau” chưa? Nếu có, bạn có biết “yêu” là gì? Vâng, nhà thơ Xuân Diệu trả lời: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”. 

Vậy, đã là một Ki-tô hữu, là người môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô, cớ sao chúng ta lại không dám “chết ở trong lòng một ít” vì Ngài!

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây