TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mùa Vọng

Thứ tư - 05/05/2021 10:56 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   845
Đặc tính mùa Vọng nhấn mạnh tới hai điều cơ bản: Dọn mình đón nhận Chúa Giáng Sinh và đón chờ ngày Chúa Quang Lâm.
V CN2MV Lc3 1 6 6[1]
V CN2MV Lc3 1 6 6[1]

Mùa Vọng

 

Đặc tính mùa Vọng nhấn mạnh tới hai điều cơ bản: Dọn mình đón nhận Chúa Giáng Sinh và đón chờ ngày Chúa Quang Lâm. Với hai điều cơ bản này đều nhắc tới một thái độ sống duy nhất tỉnh thức và cầu nguyện. Một vài tìm hiểu về chữ “vọng”.

Vọng ngã và vọng chấp.

Vọng ngã là cái vọng tự nhiên của con người sống kỳ vọng về chính mình: Ước muốn sống lâu hơn, dồi dào hơn về vật chất hay tinh thần hoặc sức khỏe, vọng tới tương lai, vọng về quá khứ. Vọng ngã dẫn tới hệ lụy buồn phiền, sầu não vì cuộc đời không được như ý, tiếc nuối những gì đã qua, đôi khi còn dẫn tới trí trá, lừa dối, ghen tỵ… để gian tham đạt tới cái cuồng vọng. Vọng ngã gây phiền muộn, có khi vì mơ ước sức khỏe tốt hơn, nhưng thân này cứ mang bệnh tật; ước mong khá giả hơn nhưng cứ nghèo túng; có được tiếng tốt hơn nhưng cứ bị người đời cười chê… Kỳ vọng mà không được thì sinh ra phiền muộn, đau khổ.

Vọng ngã là quy về cái “tôi” ích kỷ của mình, mà cái ích kỷ bao giờ cũng mang đến sự cô lập, buồn phiền và đôi khi là tự mãn.

Vọng chấp là cái vọng so sánh mình với người khác: Không được như người hoặc tự khoe khoang hơn người, cả hai thái độ so sánh đều khập khiễng vì mang những hệ lụy khổ đau phiền muộn. Thái độ so sánh thua kém mang tính mặc cảm tự ty, một đau khổ âm thầm day dứt con người thấp bé, một thái độ khác mang sắc thái tự tôn khiến cản trở không tiếp nhận gì được nơi người khác khiến chính mình tự làm nghèo đi trong cuộc sống.

Trong một vài cách sống, con người đôi khi lại thấy tự hào ngược quá đáng: Mới học vài ba tiếng Anh đã nghĩ ngay tới chinh phục thế giới; mới vào học được trường đại học đã nghĩ ngay đến sự giàu sang, quyền thế ở những vai trò người lãnh đạo; vừa thắng được vài ba trận đấu nhỏ, đã tự hào bước vào so tài cấp thế giới; vừa thành công vài dự án, đã vay tiền quá lớn để xông vào nhiều siêu dự án… Ngờ đâu, ra trường thất nghiệp, làm trái ngành, vừa vòng loại đã bị rớt, khiến vỡ nợ ê chề… Rồi buồn, rồi đau khổ, rồi stress… Xây vọng quá cao mà không biết rằng cần có biết bao yếu tố và kiên nhẫn mới đạt được.

Lối thoát: Không còn vọng chấp cũng chẳng còn vọng ngã, an nhiên tự tại sẽ xuất hiện. Diệt “vọng” không diệt niềm hy vọng mà tận diệt cái vọng ích kỷ, cái vọng xấu len lỏi vào trong con người.

Vọng theo hướng nhìn của Kitô giáo:

Vọng biểu hiện trong hai chiều kích: Tỉnh thức và cầu nguyện.

Tỉnh thức: Từ ngữ của tỉnh thức là tỉnh táo trong nhận thức, nghĩa là luôn ở trong tình trạng “con cái sự sáng” thi hành với lương tâm trong sạch.
.
Hình ảnh biểu trưng cho người tỉnh thức là hình ảnh của người mục tử. Người mục tử không hiểu đơn giản như nhiều người thường nghĩ ngay đến các chú nhỏ mục đồng chăn trâu vài ba con. Người mục tử chăn chiên trong văn hóa du mục là người chăm sóc cả bầy cỡ vài trăm đến vài ngàn con chiên. Tài sản càng lớn thì người chịu trách nhiệm càng cao, vì thế người mục tử là người mang tính chất của người mạnh mẽ, khôn ngoan, cương nghị. Người mục tử có tầm nhìn xa, dự đoán được tương lai, biết xem xét nhiều khía cạnh để có những quyết định tối ưu trong hiện tại. Người mục tử thứ thiệt là người biết chăm sóc cho đoàn chiên của mình, vừa bảo đảm tương lai vừa bảo vệ trong hiện tại. Người mục tử còn được gọi là người canh gác, nhìn đâu là sói, đâu là thỏ, đâu là hiểm nguy thật và đâu chỉ là chướng ngại không đáng. Theo nghĩa người canh gác, người mục tử là người nhận thức rõ ràng, đòi hỏi những con số minh bạch, nói theo ngôn ngữ những nhà đầu tư hôm nay. Chỉ số minh bạch trong kinh tế ngày nay cũng giống như đòi hỏi của người mục tử năm xưa, không dẫn đoàn chiên mình vào những đồng cỏ xen lẫn nhiều bụi rậm, ẩn khuất nhiều bóng tối, đồng cỏ đòi hỏi phải quang đãng, nhìn thấy rõ những gì từ xa đến, bởi vậy người mục tử năm xưa mới chọn cho mình cách thức hướng dẫn là người đi trước, người dẫn đường, chỉ lối, là người chịu trách nhiệm về đàn chiên của mình.

Tỉnh thức cũng có nghĩa sống trong giây phút hiện tại một cách tích cực, “Lúc này là lúc thuận tiện. Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6, 2), Thánh Phaolô còn nói: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3, 13). Buồn với quá khứ làm chi, vì quá khứ là những gì đã đi qua không thể sửa chữa. Sống trong hiện tại là chấn chỉnh, tránh xa những gì đã làm quỵ ngã, hướng về phía trước với Đấng đang mời gọi sống đời hoàn hảo.

Cầu nguyện: Người tỉnh thức song đồng thời cũng là người sống đời cầu nguyện, bởi vậy tính cách biểu trưng của người mục tử năm xưa còn biểu hiện là cầu nối giữa trời và đất, người liên thông được với trời, người hiểu biết ý trời. Theo Jean Chevalier, người mục tử còn là người đại diện cho các linh hồn con người trên cõi đời này, luôn luôn chuyển dịch, nên người mục tử bao gồm hai sứ vụ bảo vệ và am hiểu, người chuyển cầu và người chịu trách nhiệm.

Chúa Giêsu nhận mình là Người Mục Tử nhân lành (Ga 10, 16), Người Mục Tử mà tất cả các tiên tri đều giới thiệu trước, sẽ đến chăn dắt dân của Người, là Hoàng Tử Bình An Vua Thái Bình.

Trong đời sống cầu nguyện còn có lời nguyện cầu biến thành hành động. Đó là hành vi bác ái để tập sống yêu thương. Bác ái trong lời nói, trong việc làm, trong chia sẻ, hàn gắn, yêu thương. Tất cả nhưng điều thực thi bác ái được xuất phát từ lòng yêu mến Chúa qua đời sống cầu nguyện. Thế nên, cầu nguyện còn là chiêm ngắm, suy tư, hướng về Thiên Chúa để học biết lòng thương yêu của Người.

Cầu nguyện là thái độ cần thiết của con người như dịp tập thở sâu để sống khỏe mạnh. Người cầu nguyện ý thức về mình thật chẳng có gì để tự chiến thắng, cần nhờ bàn tay của Thiên Chúa trợ lực, giúp sức. Con người cầu nguyện biết rõ việc mình làm và làm với hết nhiệt tâm, nhưng thành tựu lại tùy thuộc vào Thiên Chúa.

Phát quang cái vọng để lòng trống trải, an nhiên tự tại xuất hiện, riêng người Kitô hữu mùa “Vọng” là sửa lại lối đi để đón nhận chính Chúa Giêsu sinh hạ trong tâm hồn và đón nhận Chúa đến trong ngày quang lâm.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây