TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giải thoát và ràng buộc

Thứ tư - 05/05/2021 18:21 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   920
Tu do hay no le[1]
Tu do hay no le[1]

Giải thoát ràng buộc

 

Có người sánh ví: “Cuộc đời con người giống như lữ khách dừng chân bên quán trọ, sau một đêm lại tiếp tục ra đi”. Tagore cho rằng: “Ờ, ngươi khùng dại, muốn lấy hai vai mang chính thân mình! Ờ ngươi hành khất, muốn đến ăn xin chính cửa nhà mình! Hãy đặt gánh nặng vào tay ai đó đủ sức xách mang tất cả, và đừng ngoái lại tiếc nuối bao giờ” (Lời dâng, bài số 9). Vừa là lữ khách cũng vừa là chủ nhân của trái đất, ràng buộc và giải thoát, đều là một hành trình để nghiệm ra trong cuộc sống.

Ràng buộc.

Có một sự kiện: Thiên Chúa tự ràng buộc mình với con người, khi xuống thế làm người. Sự kiện đó làm nảy sinh nhiều suy nghĩ.

Áo hoàng tử, có lẽ Tagore nhắc lại hình ảnh của người “ràng buộc”.

Hoàng cung, áo hoàng tử, những điều mơ ước của cuộc sống sung túc nhưng chưa chắc đã an nhàn. Đúng ra có thể giống như “chiếc lồng son, con chim quý”. Dầu có lồng son thì vẫn là sự giam hãm hơn là vùng trời tự do tung cánh. Những hoa, những lá, những mùa thay hoa đổi lá, những bước chân gió bụi, áo quần lấm lem… Có bẩn đi một chút vẫn dễ chịu hơn sạch sẽ mà ở chiếc lồng son. Thế nhưng, không phải muốn ra đi là dễ dàng, rất ít cơ hội để vượt thoát, vì là hoàng tử, đi đâu cũng có người hầu cận, vì là con chim quý cho nên lúc nào cũng có người trông. Trong thể chất con người cũng có nét tương tự, dễ gì bước ra khỏi địa vị đáng cao quý của mình mà bước vào đời sống thường dân. Dễ gì cởi bỏ chiếc áo hoàng tử để mặc chiếc áo của người nghèo rách rưới.

Thiên Chúa bước vào trần thế.

Trong kinh tin kính, người Kitô hữu tuyên xưng: “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”. Đây là một hình ảnh sống động nhất của Thiên Chúa ở giữa loài Người, Thánh Phaolô diễn tả: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 6 – 7). Hạ mình là người trần thế, Chúa Giêsu thực hiện một cuộc hoán đổi như Thánh Grégoire (Naziance) diễn tả: “Con Thiên Chúa làm người, để con người sinh lại làm con Thiên Chúa”.

Thiên Chúa xuống đường phố cùng với con người. Cách diễn tả mới của “niềm vui Phúc Âm” cũng chính là thuật lại những việc và những lời rao giảng của Chúa Giêsu đã thực hiện trên các đường phố và những con đường làng Chúa đã đi qua. Một tình yêu lan tỏa không ở trong tháp ngà mà ở ngay giữa những con người đang gánh nặng trần gian. Con người đi tìm kiếm Chúa không chỉ trong Nhà Thờ hay trong các Hội đường, mà bước ra sống với người trần thế. Tagore diễn tả: “Người ở nơi kia, nơi nông dân đang vật lộn cùng đất cứng, nơi công nhân đang xẻ đá làm đường. Người đang ở đó cùng họ đổ mồ hôi dưới mưa lũ, dưới mặt trời; áo quần lấm láp, bẩn dơ. Hãy cởi tăng bào, rồi cũng như Người bước xuống đất cằn bụi bậm!” (Lời dâng, bài số 11).

Thiên Chúa nhập thế, là một Thiên Chúa Toàn Năng tự ràng buộc mình vào trong các giới hạn, để các giới hạn của con người được mở ra hướng về Thiên Chúa.

Ràng buộc đời mình với Thiên Chúa làm người để con người được giải thoát nhờ Con Thiên Chúa. Cùng với Chúa Giêsu xuống đường phố, để gặp gỡ anh chị em, những con người đang tả tơi, mang tình yêu giáng thế vào nơi tranh chấp, mang Tin Mừng vào chốn lỗi lầm.

“Ra khỏi” là một cuộc mạo hiểm.

Chiếc áo rách rưới cộng với mùi hôi khó chịu để thay vào chiếc áo hoàng tử, có thể gợi nhắc “con đường hành động” (Karma marga) để tiến tới giải thoát trong Ấn Độ giáo. Con đường tri thức để tiến tới giải thoát là con đường tòan diện, ít người đạt đến, chính vì vậy, con đường hành động dành cho nhiều người hơn.

Với ý niệm “ra khỏi”, để không “bị tù hãm”, con người cần ra khỏi chính mình trong mọi cảnh huống. “Ra khỏi”, một hành vi đổ rỗng ích kỷ, thèm muốn cá nhân, như kinh Upanishads giảng dạy: “dục vọng khống chế tái sinh”. Dự định của cuộc “Ra khỏi” này là một mục đích “thoát vòng luân hồi”. “Thoát khỏi” cũng dễ bị “dính vào”, từ thảm cảnh bước vào thảm cảnh khác, cho nên khi “ra khỏi” cảnh vọng hay dục vọng, con người cần tập trung huấn luyện nhiều tính tốt, để không phải: “Những sợ áo sẽ rách, rồi đất bụi dính vào, con tách mình khỏi nhân sinh cuộc thế, và chẳng hề dám nhúc nhích cựa mình”. Có nhiều đức tính tốt, con người “ra khỏi” để bước vào “cảnh trời”, nhưng cũng chưa hẳn, cần phải trải qua nhiều kiếp sống nữa, con người mới bước vào con đường tri thức để đạt đến giải thoát tối hậu.

Con đường giải thoát xem ra khó với từng cá nhân. Bởi vì “Giải thoát” và “ràng buộc” là hai khái niệm ở trong nhau. Thế nên, con đường tri thức theo Ấn Giáo là ràng buộc mình với Brahman. Nhận thức chính mình là Brahman, bởi Brahman trong tất cả vũ trụ và tất cả ấy lại tìm thấy trong Atman, thì con mơ ước, vọng cảnh gì nữa. “Nếu một người hiểu được Atman với ý nghĩ rằng: Tôi là một “Atman” thì còn khao khát cái gì mà còn khư khư bám lấy thể xác”[1]. “Ra khỏi” cũng chính là “Trở về” căn tính của con người với sự tinh tuyền.

Theo Diane Morgan, đối với người Ấn, họ không gọi tôn giáo của họ là Ấn Giáo, mà họ dùng từ “Darshana” để chỉ con đường triết lý họ đang sống. Nó là một nhận thức sau khi trải nghiệm, thưởng ngoạn cuộc đời với sự tinh tế. Hoặc họ dùng từ “Sanatana Dharma” là con đường chân lý ngàn đời để thực hành niềm tin của mình.

Sự trải nghiệm của người Ấn, có thể được xem gần với những dân tộc khác, nhận thức về đau khổ, nỗi khổ đau triền miên, người thực hành công chính lại thường gặp nhiều nỗi gian truân, kẻ bất chính xấu xa thì cứ thịnh đạt, có gì đó không ổn trong trật tự. Theo trải nghiệm đó, người Ấn phân biệt thực tại thật và một thực tại giả.

Trong từ ngữ “hành khất” Tagore nói đến, con người được sánh ví như người “hành khất” mang trên vai chính thân phận của mình, những thứ địa vị, danh vọng, vật chất, quyền lực… có thể là những thứ xin được trên hành trình này, và trải nghiệm cho thấy rằng “con người khờ dại” ăn xin trước cửa nhà mình. Người hành khất có thể thấy những thứ trên là hạnh phúc nhưng lại chẳng bao giờ thoả đủ hạnh phúc trong lòng ước mong tìm kiếm. Trải nghiệm nhận ra rằng quyền lực, của cải, danh vọng, không phải là những thứ mang lại hạnh phúc thật, đôi khi còn gây phiền toái để đi tìm hạnh phúc thật. Khùng dại vì tự trói buộc mình, không còn đủ tự do đi tìm chân lý. Trút bỏ là một kết quả của trải nghiệm, để đi tìm hạnh phúc thật.

Trút bỏ, theo Tagore là: “Hãy đặt gánh nặng vào tay ai đó đủ sức mang xách tất cả, và đừng ngoái lại tiếc nuối bao giờ”. Ai là người mang gánh nặng đời tôi tất cả? Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Người Ấn Độ tin rằng Đại Ngã là toàn năng, toàn trí, hạnh phúc toàn hảo. Trút bỏ là trở về với Đại Ngã, hoà nhập với Đại Ngã. Đại Ngã là vốn Tự Có - Sự Sống. Đối với Tagore, Trở về Đại Ngã là trở về với đời sống tự nhiên, hoà nhập vào với thiên nhiên, đó là một cảm thức của trải nghiệm.

Một thực tại của cõi trời ở trong cõi thế, trong cõi người, tình yêu là lẽ sống, cho nên trong “tôn giáo của nhà thơ” Tagore bộc bạch: “Tôi tin rằng hình ảnh thiên đường phải nhìn dưới ánh sáng mặt trời và mầu xanh của trái đất, trong vẻ đẹp của bộ mặt người và sự giàu có của cuộc sống con người, cả trong những vật xem ra không đáng kể và chưa từng có trước kia. Mọi nơi trên quả đất này, tư tưởng thiên đường đang thức tỉnh, từ đó mà chuyển đi tiếng gọi. Nó đến bên tai ta mà ta không hề biết, tạo âm sắc cho cây thụ cầm của cuộc sống, truyền khát vọng đi bằng âm nhạc vượt qua cái hữu hạn, không những bằng lời cầu nguyện và mong ước, mà bằng những ngôi đền, là những ngọn lửa trong đá, trong tranh, là những giấc mơ được biến thành vĩnh cửu, trong điệu múa, là sự suy gẫm say mê ở cái trung tâm tĩnh của chuyển động”[2].

Trở về với thiên nhiên, yêu thiên nhiên với tất cả những gì có trong thiên nhiên, người Kitô giáo tin rằng vì đó là công trình kỳ diệu Thiên Chúa đã làm nên và từ trong vẻ đẹp thiên nhiên con người còn vươn tới Thiên Chúa để nhận biết Người:

“Quyền năng Chúa luôn luôn vĩ đại, ai chống nổi cánh tay dũng mãnh của Ngài? Trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất. Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải. Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa.”[3]

“Hãy đặt gánh nặng vào tay ai đó đủ sức xách mang tất cả, và đừng ngoái lại tiếc nuối bao giờ”. Có lẽ Tagore cũng đã đọc đoạn Thánh Kinh, Chúa nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28 – 30). Gánh nặng từ tội lỗi con người cưu mang, ai có thể tha tội? Ai có thể mang lấy hết gánh tội tình nhân loại, nếu không là Chúa. Như một kỳ diệu của Tình yêu “chết thay”, Thiên Chúa đã mang lấy gánh tội của nhân loại để mang lại cho nhân loại một sự sống mới.

Con người bị ràng buộc trong tội lỗi, nhưng cũng chính trong tội lỗi, Thiên Chúa đã tự mang lấy trong Đấng gánh tội trần gian, để mang ơn giải thoát cho con người. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3, 16 – 17) Thiên Chúa ràng buộc với con người để con người được tự do ở trong Thiên Chúa.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

________________________________________

[1] Brihadaranyaka Upanishad IV, 4, 12.
[2] Amlya Chakravaty, A Tagore Reader, Beacon Press, Boston, 1977, Lưu Đức Trung chuyển dịch.
[3] Kn 11, 21-26

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây