TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ngôi lời đã trở nên người phàm

Thứ hai - 10/05/2021 07:25 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   755
Ngôi lời đã trở nên người phàm

Ngôi lời đã trở nên người phàm

Bốn tuần của Mùa Vọng đã trôi qua, hôm nay, toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành Đại lễ kỷ niệm Mừng Chúa Giáng Sinh. Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng, tại sao lại có lễ Giáng Sinh? Và tại sao mỗi năm Giáo Hội lại long trọng cử hành Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh?

Thưa rằng: sở dĩ hôm nay có được diễm phúc cử hành Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh là bởi do phát xuất từ tình yêu thương của Thiên Chúa, như lời Tin Mừng thánh Gioan đã chép: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3, 16).

Thật vậy, từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội bất tuân, con người “bị trục xuất ra khỏi vườn Eden ”. Con người đã phải lãnh án phạt từ đời nọ đến đời kia, đó là “sự chết”. Từ bụi đất con người trở về bụi đất.

Thế nhưng, dẫu cho con người đã bất trung và bội phản, Thiên Chúa không vì thế mà bỏ rơi con người. Thiên Chúa vẫn luôn là “Đấng từ bi và nhân hậu: Người đại lượng và chan chứa tình thương… Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” (Tv 102, 8-10).

Thiên Chúa vẫn đi bước trước, Người đã lập giao ước với con người. Một giao ước vô tiền khoáng hậu đã được hứa ban cho con người. Thiên Chúa đã chọn Israel làm một dân riêng, để từ đây, Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại một Đấng Cứu Thế, Người sẽ được sinh ra bởi Thánh Thần Chúa, qua việc “Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Sự kiện lịch sử đó đã xảy ra tại “ Belem miền Giuđê” và đã được nhiều nhân chứng kể lại. Lời chứng đầu tiên được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

Nhân chứng là những người chăn chiên đang quây quần ngoài cách đồng và thức đêm canh giữ bầy gia súc. Họ đã chứng kiến một cuộc thần hiện. Sứ thần Chúa đã hiện đến bên họ với vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh. Sự hiện đến quá đỗi bất ngờ khiến họ kinh khiếp hãi hùng.

Nhưng sứ thần Chúa bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David. Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tả nằm trong máng cỏ” (Lc 2,10-12).

Nghe theo lời sứ thần loan báo, những người chăn chiên đã đi đến Belem. Khi đến nơi, họ gặp “một Hài Nhi đuợc đặt trong máng cỏ” đúng như lời sứ thần đã loan báo cho họ.

Tin Mừng thánh Luca ghi tiếp rằng: “Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ”. (Lc 2, 20).

Lời chứng thứ hai, một lời chứng ngắn gọn nhưng sâu sắc, đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gioan rằng “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14).

Một chút tâm tình

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật”.

Vâng, đúng là một lời chứng ngắn, nhưng qua lời chứng này, thánh Gioan muốn dẫn chứng cho chúng ta biết đâu là nguồn gốc của Chúa Giêsu – Đấng Cứu Thế.

“Ngôi Lời” theo tiếng Hy lạp là “logos”. Logos có nghĩa là lời, là tiếng nói. Logos cũng là một từ mà người thời xa xưa thường dùng để mô tả nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Các triết gia Hy Lạp cho rằng vũ trụ và vạn vật phải có nguồn gốc, phải bắt đầu từ một nguồn gốc nào đó. Họ biết có nguồn gốc và họ gọi cái nguồn gốc vũ trụ là “logos”. 

Tin Mừng thánh Gioan có viết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1, 1-3) .

“Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Vâng, thánh Gioan đã kết hợp cái ý nghĩa của từ “Ngôi Lời – Logos” không ngoài mục đích để cho mọi người thấy rằng, nguồn gốc vũ trụ vạn vật này chính là từ Chúa Giêsu – Đấng là Thiên Chúa.

Nói tắt một lời, dùng chữ “Logos - Ngôi Lời”, thánh Gioan đã cho mọi người nhìn thấy nguồn gốc đích thực của Chúa Giêsu Con Trời. Người chính là Thiên Chúa. Đấng “sáng tạo trời đất… sáng tạo con người”.

Một Chúa Giêsu quyền năng, Người đã “sáng tạo trời đất… sáng tạo con người” thế mà lại phải “xuống thế làm người chịu chết để chuộc tội cho thiên hạ” thì quả thật đúng là, như lời tông đồ Phaolô nói, Chúa Giêsu – Người “đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại” (Tt 3, 4).

Để khép lại phần “một chút tâm tình” xin được trả lời cho câu hỏi “tại sao mỗi năm Giáo Hội lại long trọng cử hành Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh?

Vâng, mỗi năm cử hành Đại lễ Giáng Sinh, chính là để nhắc nhở mọi tín hữu hãy xác tín lại niềm tin của mình rằng “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Và rằng sự việc đó đã xảy ra chính là để cho nhân loại biết rằng “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2, 11)

Một phút suy tư

Bạn có Kinh Thánh không? Nếu có, chúng ta hãy mở ra và cùng đọc tiếp những gì thánh Gioan đã viết. (Ga 1, 9-11).

Đừng nghĩ chúng ta đọc một đoạn văn trong một tác phẩm bình thường. Hãy có tâm tình và niềm tin rằng, chúng ta đang nghe lời Chúa phán.

Vâng, đây là Lời Chúa phán qua miệng lưỡi thánh Gioan “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.”.

Đừng mệt mỏi! Hãy nán lại vài phút để nghe một lời rất đặc biệt mà Chúa muốn gửi đến cho mỗi chúng ta: “Còn những ai đón nhận tức là tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”.

Hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và hãy tự hỏi rằng: đã bao nhiêu mùa sao sáng, đã bao nhiêu “đêm Noel Chúa sinh ra đời” thế nhưng chúng ta đã thật sự đón nhận “Hài Nhi Giêsu” như là Cứu Chúa của đời ta?

Còn một điều nữa, đã là một Kitô hữu, sẽ là thiêu thiếu một cái gì đó nếu chúng ta không đến Belem-Thánh-Thể để đón nhận chính “Giêsu Cứu Chúa” mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta một cách nhưng không.

Và như thế thì có thể nói chúng ta chưa thực sự hiểu nguồn gốc Giáng Sinh là gì và chưa thực sự vui hưởng Giáng Sinh.

Vâng, để thật sự có ý nghĩa cho Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, ước gì mỗi chúng ta hãy đón nhận Hài-Nhi-Giêsu vào “Belem-tâm-hồn” của mình như là Cứu-Chúa-của-đời-ta.

Và hơn thế nữa, hãy đón nhận Chúa Giêsu qua: “những người đói, khát, trần truồng, những người đau yếu bệnh tật, những người anh em bé nhỏ” mà hôm nay vẫn còn nhan nhản khắp nơi chung quanh chúng ta cũng như trên khắp thế giới này.

Đó chính là điều Đức Giêsu đã tỏ bày: “Mỗi lần anh em làm như thế… là anh em làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Và đó cũng chính là “dấu chỉ” để chúng ta có thể nhận ra Hài-Nhi-Giêsu nơi Belem-thực-tại hôm nay. Amen.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây