TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Họ đã thấy

Thứ hai - 10/05/2021 07:48 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   601
Họ đã thấy

Họ đã thấy

Hàng năm, nhiều quốc gia trên thế giới đã dành riêng ngày 12.10 để nhớ đến một nhà thám hiểm, sau cuộc hải trình nhiều tháng trời, đã tìm ra Châu Mỹ. Người đó tên là Christopher Columbus.

Hơn năm thế kỷ trước, ngày 03.08.1492, một đoàn tàu gồm ba chiếc do Christopher Columbus làm thuyền trưởng đã nhổ neo rời bến cảng Tây Ban Nha trực chỉ hướng tây, bắt đầu cho một cuộc thám hiểm. Mục đích cuộc thám hiểm của Christopher Columbus là đến Châu Á, mục tiêu là Ấn Độ và Trung Hoa, nơi được nói đến là có vô số vàng, ngọc trai, kim cương, gấm vóc.

Christopher Columbus cứ tưởng rằng cuộc hải trình sẽ thuận buồm xuôi gió, nhưng không ngờ, chuyến thám hiểm của ông ta dài hơn dự tính. Sau vài tháng lênh đênh trên biển cả mà vẫn chưa thấy đất liền, thủy thủ đoàn bắt đầu có dấu hiệu nổi loạn. Họ yêu cầu ông phải quay về Tây Ban Nha. Ông điều đình với thủy thủ đoàn rằng, nếu trong hai ngày nữa không có dấu hiệu cho thấy có đất liền, ông sẽ ra lệnh quay tàu về Tây Ban Nha.

Đúng hai ngày sau, ngày 12.10, một thủy thủ trên tàu Pinta tên là Rodrigo de Triana đã thấy dấu hiệu của đất liền. Và sau khi đặt chân lên đất liền, Columbus đặt tên dải đất này là San Salvador. Đó chính là vùng Bahamas nổi tiếng ngày hôm nay.

Thoạt tiên, Columbus tưởng rằng vùng đất được khám phá là Ấn Độ nên ông ta đã gọi những thổ dân ở đây là Indian. Nhưng thực ra, đây chính là Châu Mỹ. Và tuy chưa bao giờ đặt chân tới Bắc Mỹ, Christopher Columbus vẫn được Hoa Kỳ nhớ đến mỗi khi đến ngày 12.10, đánh dấu ngày Châu Mỹ được khám phá.

…..

Giáo Hội Công Giáo, hàng năm, trong mùa lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, ngoài Mẹ Maria, Thánh Giuse, Gioan Tẩy Giả và bà Elizabeth, còn có một số người cũng được dành riêng một ngày để nhắc đến, đó là các nhà chiêm tinh.

Các nhà chiêm tinh tuy không phải là dân Do Thái nhưng khi biết có “Đức Vua dân Do Thái mới sinh”, họ lập tức tiến hành một cuộc hành trình đầy mạo hiểm, đầy gian nan, và không kém phần nguy hiểm đến tính mạng để tìm cho được nơi “Đức Vua” sinh ra.

Câu chuyện về cuộc hành trình của mấy nhà chiêm tinh đã xảy ra hơn hai mươi thế kỷ trước và được kể lại rằng: Đang khi toàn dân Israel, mọi ngày như mọi ngày, ba lần cầu nguyện, mặt hướng về Giêrusalem, còn các thầy tư tế cứ luân phiên theo sự bắt thăm để thay phiên lên Đền Thờ của Đức Chúa dâng hương, thì từ một nơi thật xa xăm, có mấy nhà chiêm tinh chuẩn bị một cuộc hành trình về phương đông.

Cuộc hành trình về phương đông được khởi xướng do bởi các nhà chiêm tinh đã nhìn thấy một vì sao lạ và theo suy đoán của họ thì dấu chỉ này báo hiệu có một vị vua mới được sinh ra. Thế là họ rời bỏ quê hương, thực hiện một cuộc hành trình tìm kiếm “Đức Vua” để đến “bái lạy Người”.

Không như cuộc hải trình của Christopher Columbus có được hậu thuẫn từ vua Tây Ban Nha là Ferdinand và hoàng hậu Isabella. Với ba con thuyền cùng một thủy thủ đoàn hùng hậu gồm 88 người.

Cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh lẻ loi có ba người, theo truyền thống, người ta cho rằng họ có ba người, dựa vào ba món lễ vật họ dâng tiến là vàng, nhũ hương và mộc dược.

Với trang phục đặc biệt của những người phương đông, họ cưỡi những chú lạc đà trông rất oai vệ. Hành trang mang theo là những lễ vật để dâng tiến. Họ không có la bàn, không có bản đồ, chỉ độc nhất một phương cách định hướng, đó là dựa vào sự xuất hiện một ngôi sao – “ngôi sao lạ”.

“Ngôi sao lạ” nhưng đã không “làm mặt lạ” với các nhà chiêm tinh. Ngôi sao lạ đã dẫn dắt các nhà chiêm tinh suốt cuộc hành trình. Ngôi sao lạ chẳng khác nào một người bạn chung thủy cùng đồng hành với họ.

Chuyện đã được kể tiếp rằng: Ngôi sao đó đã: “dẫn đường cho họ”, từng bước… từng bước… từng bước đi. Từ phương Đông, ngôi sao lạ dẫn dắt họ băng qua Giêrusalem, rồi đến Belem.

Nhật ký hành trình họ đã ghi lại như sau: thấy ngôi-sao-lạ… đi theo ngôi sao lạ. Và giờ đây họ đã thấy “tận nơi Hài Nhi ở” (Mt 2, 9).

Một chút tâm tình

“Ngôi sao lạ”. Vâng. Đã có nhiều tranh luận về ngôi sao lạ này. Có người cho rằng đây chính là sao mai. Có người lại nói đó là sao chổi. Và người khác thì cho rằng đó là chòm sao hiệp sĩ.

Cho đến bây giờ cũng chưa có kết luận chắc chắn đó là ngôi sao gì.

Nhưng có một điều chắc “ngôi sao lạ” chính là một phần của hiện tượng Thiên Chúa ban cho mấy nhà chiêm tinh để họ có thể nhờ đó mà tìm kiếm “Đức Vua”.

Phải chăng, Thiên Chúa làm như thế, như lời ngôn sứ Isaia đã nói năm xưa, là để “Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu tỏa trên mọi người”!!! (Is 60, 1)

Đúng vậy. các nhà chiêm tinh chỉ là những người xa lạ, và với một ngôi sao lạ, thế mà Thiên Chúa đã làm nên những điều kỳ lạ…

Ngôi sao lạ như có “phép lạ”. Thật vậy, cùng thời điểm trên – tại Belem – có phần chắc, cũng đã có nhiều hài nhi được sinh ra. Nhưng… lạ lùng thay! Ngôi-sao-lạ đã chỉ rõ cho các nhà chiêm tinh biết chính xác đâu là nơi “Hài Nhi ở”.

Vâng, họ đã thấy “Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria” và họ đến: “sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,10).

Một phút suy tư

Chúa Nhật hôm nay khép lại một mùa Giáng Sinh. Nhiều nơi bắt đầu tháo bỏ những hang đá Belem. Thế nhưng, Belem tâm hồn lại được mở ra để mời gọi chúng ta hãy tự hỏi lòng mình rằng, “Tôi đã thật sự tìm thấy Chúa và tôi đã thật sự sấp mình thờ lạy Ngài”?

Thật ra, không đợi chúng ta tìm kiếm Chúa. Chúa đã đi bước trước và tìm kiếm chúng ta, đúng như lời ngôn sứ Ezêkien đã nói “Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta và Ta sẽ chăm sóc chúng” (Ed 34, 11).

Qua câu chuyện các nhà chiêm tinh, chúng ta thấy rằng, Chúa luôn đi bước trước để đưa đường dẫn lối cho các nhà chiêm tinh.

Chúa đã đi bước trước qua dấu chỉ “ngôi sao lạ”. Chúa đã đi bước trước qua việc khiến các “thượng tế và kinh sư” truyền đạt lời ngôn sứ cho các nhà chiêm tinh.

Và cuối cùng, Chúa cũng đã đi bước trước qua việc “báo mộng” cho các nhà chiêm tinh “đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa”.

Hôm nay, Chúa cũng đi bước trước đối với chúng ta. Ngài cũng sẽ dẫn dắt chúng ta đi trên con đường lữ thứ trần gian này. Vì thế, đừng sợ hãi khi phải đối diện với những tên “kinh sư thời đại”. Họ mang danh Christ nhưng thực chất chỉ là những Anti-Christ.

Dựa vào một mớ học thuyết đã lỗi thời, đã bị quẳng vào xọt rác hàng chục năm qua, họ đã vẽ ra một thiên đường nhưng không phải là một Thiên Đường của tình yêu. Ngược lại, thiên đường của họ chỉ có một mớ hỗn độn “dao và mác”, một loại thiên đường dẫn con người đi vào thung lũng âm u, nghi ngờ, chết chóc!!!

Những loại học thuyết vớ vẩn đó, xin nhắc lại lời thánh Phaolô một lần nữa: nó, “tự bản chất không phải là thần”.

Hãy dựa vào Lời Chúa – như mấy nhà chiêm tinh – để tiến bước trên đường lữ thứ trần gian. Hãy chuyên cần đọc Kinh Thánh, vì đó chính là Lời Chúa.

Hãy nhớ rằng, Lời Chúa chính là “ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi”

Sẽ có kẻ nói rằng, Kinh Thánh đã lỗi thời…

Vâng, Kinh Thánh xưa như mặt trời, nhưng nếu không có mặt trời, loài người sẽ phải dò dẫm trong bóng đêm. Kinh Thánh xưa như không khí, nhưng nếu không có không khí, loài người sẽ ngạt thở và giãy chết. Kinh Thánh xưa như nước, nhưng loài người sẽ phát điên nếu không có nước.

Các nhà chiêm tinh đã nghe lời Chúa. Họ đã đến được Belem và thờ lạy Người.

Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Chỉ khi chúng ta nghe lời Chúa, chúng ta mới có thể tìm thấy Ngài và chúng ta mới có thể thờ phượng Ngài chân thật. Và hơn hết, chúng ta mới có thể đến được Belem-Thiên-Quốc mai sau.

Chúng ta đã tìm thấy Chúa? Chúng ta đã thờ phượng Người chân thật? Nếu đã tìm thấy và thờ phượng Người, như thế Giáng Sinh mới thật sự có ý nghĩa với chúng ta. Và chúng ta mới thật sự xứng đáng lãnh nhận ơn phước được “cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3, …6).

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây