Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời
Hàng năm, cứ đến ngày lễ Chúa Giáng Sinh, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, một số nhân vật trong Kinh Thánh có liên quan đến biến cố lịch sử này, lại được nhắc đến.
Về phía nam giới, ngoại trừ thánh Giuse và Gioan Tẩy Giả, mấy nhà chiêm tinh được nhắc đến như là những người tiên phong tìm đến thờ lạy Chúa Giáng Sinh. Chẳng biết họ có bao nhiêu người, nhiều hơn ba hay chỉ là hai! Theo truyền thống, người ta cho rằng có ba người, dựa vào ba món lễ vật họ dâng tiến là vàng, nhũ hương và mộc dược.
Về phần nữ giới, có hai người thường được nhắc đến, không như ba nhà chiêm tinh, không ai biết quý danh của họ là gì. Hai người phụ nữ được nhắc đến, người ta được biết là hai chị em họ có tên là Elisabeth và Maria.
Thế nhưng, trong hai người phụ nữ nêu trên, người luôn được nhắc đến một cách kính trọng, chính là Đức Mẹ Maria.
Tại sao Mẹ Maria lại được kính trọng như thế? Xin thưa, bởi vì Mẹ Maria là nhân vật quan trọng cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Thật vậy, qua lời xin vâng của Mẹ Maria, Belem sau những năm tháng đợi chờ “vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” nay đã thành hiện thực.
Nhân chứng sống cho sự kiện này chính là những người chăn chiên. Họ đã nhìn thấy sứ thần Chúa hiện đến bên họ với vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh. Sự hiện đến của sứ thần Chúa quá đỗi bất ngờ khiến họ kinh khiếp hãi hùng.
Và họ đã nghe sứ thần Chúa nói với họ rằng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David. Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (Lc 2,10-12).
Nghe theo lời sứ thần loan báo, những người chăn chiên đã bảo nhau: “Nào chúng ta sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”.
Thế rồi, họ hối hả đi. Khi đến nơi, họ gặp “bà Maria, ông Giuse cùng với Hài Nhi được đặt trong máng cỏ” đúng như lời sứ thần Chúa đã loan báo cho họ.
Một chút tâm tình
Thế còn người phụ nữ tên Elisabeth! Hôm nay, nhắc đến bà ta có là lạc đề? Thưa rằng không lạc đề. Bởi mỗi khi nhắc đến người phụ nữ này, có thể nói rằng, lại càng thêm tôn vinh Mẹ Maria.
Thật vậy, qua câu chuyện Mẹ Maria viếng thăm bà Elisabeth, chúng ta sẽ thấy nhận định trên là đúng.
Câu chuyện đã được thánh sử Luca ghi chép lại rằng “Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Elisabeth”.
Thành thật mà nói, khi chuyển tải đoạn văn này lên computer, những hàng chữ trên “keyboard” như nhảy múa lên và bàn tay người chuyển tải cảm thấy “run như run thần tử thấy long nhan” (1).
Không run sao được! Chỉ một đoạn văn ngắn, nhưng thánh sử Luca đã cho độc giả “run lên” khi thấy có nhiều “sự việc lạ” đã xảy ra tại gia trang của vợ chồng Dacaria và Elisabeth qua sự kiện Mẹ Maria viếng thăm.
Sự-việc-lạ thứ nhất xảy ra, đó là “Bà Elisabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên”… Run chưa!
Sự-việc-lạ thứ hai kỳ diệu hơn, đó là bà Elisabeth “được đầy tràn Thánh Thần” (Lc 1, 41). Có run không chứ!
Nhưng bà Elisabeth không run. Nhờ được tràn đầy Thánh Thần, bà Elisabeth đã nhận ra cô em Maria không còn là một cô thôn nữ bình thường, cô em bé nhỏ của bà đã trở thành một Maria khác thường, một Maria “tràn đầy ân sủng”, một Maria có “Đức Chúa ở cùng”, vì thế bà Elisabeth đã kêu lớn tiếng và nói rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”.
Trong một bản Kinh Thánh khác do “United Bible Societes” ấn hành tháng 1.1996 thì ghi lời bà Elisabeth nói như sau: “Nhơn đâu ta được sự vẻ vang này, là Mẹ Chúa ta đến thăm ta?” (Lc 1, 43).
“Thân Mẫu Chúa tôi – Mẹ Chúa ta”. Vâng, bà Elisabeth quả đúng khi tung hô Mẹ Maria như thế. Bởi vì một con người như Mẹ Maria là “Đấng đầy ơn sủng. Đức Chúa ở cùng” thì việc Thiên Chúa ban cho Mẹ Maria diễm phúc được làm Mẹ “Đấng Kitô Đức Chúa” là điều tất yếu.
Vì thế, chẳng có gì ngăn cản chúng ta “mừng vui lên” khi “Thiên Chúa sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4, 4).
Vì thế, chẳng có gì phải kinh khiếp hãi hùng khi chúng ta nhận “được sự vẻ vang này, là Mẹ Chúa ta đến thăm ta”.
Và thật phải đạo khi hôm nay Giáo Hội Công Giáo, một lần nữa, tôn vinh Mẹ Maria, qua tước hiệu, là “Mẹ Thiên Chúa”.
Một phút suy tư
Ngày nay, trừ một vài trường hợp đặc biệt, sẽ hiếm có chuyện sứ thần Chúa được sai đến để truyền đạt thông điệp này hay thông điệp nọ của Thiên Chúa cho một ai đó.
Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể nghe thông điệp của Chúa qua Kinh Thánh. Chúng ta vẫn có thể nghe lời Chúa qua phần Phụng Vụ lời Chúa trong khi tham dự thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật. Chúng ta vẫn có thể nghe lời Chúa qua giáo huấn của Giáo Hội.
Ngày nay, chuyện chúng ta được diễm phúc nhìn thấy Chúa Hài Đồng Giêsu bằng xương bằng thịt như các người chăn chiên xưa kia cũng chỉ là ước mơ.
Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy Chúa Hài Đồng Giêsu qua kinh nghiệm sống đức tin của mình. Chúng ta vẫn có thể nhìn thấy Người qua những thai nhi bị vương vãi đâu đó bên lề xã hội, qua những đứa bé bị bỏ rơi không nơi nương tựa, qua những người anh chị em đang đói khổ, đang đau yếu, đang rách rưới, bị tật nguyền v.v… chung quanh chúng ta.
Một điều cũng không kém phần quan trọng, đó là, đã bao nhiêu “mùa đông giá hang Belem Chúa sinh ra đời”(2), thế nhưng chúng ta đã thật sự đón nhận Chúa Giêsu là Cứu Chúa của đời ta?
Hay chúng ta lại chọn ông D, bà E, cô F nào đó như là “lãnh tụ kính yêu” như là thần tượng… như là một phần không thể thiếu cho đời ta!!!
Đã bao nhiêu lần “quỳ bên hang sâu nghe lời Kinh Thánh vang cầu”(3), thế nhưng chúng ta có tin và đón nhận Kinh Thánh như là “ngọn đèn soi cho ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi”?
Hay chúng ta lại lôi ba cái học thuyết ABC vớ vẩn nào đó, đã bị vứt vào xọt rác hàng chục năm qua, đã bị chính những người đồng hương của tác giả học thuyết đó tẩy chay, nay đem ra đánh bóng lại và hô lên bằng những ngôn từ hoa mỹ, rằng đây mới chính là ngọn đèn soi thế gian, là ánh sáng cho nhân loại, là cứu cánh cho con người!
Hãy cẩn thận, những loại học thuyết vớ vẩn đó, thánh Phaolô gọi nó là “tự bản chất không phải là thần” và Ngài đã có lời khuyên rằng “nay anh em đã biết Thiên Chúa, hay đúng hơn được Thiên Chúa biết đến, làm sao anh em còn trở lại với những yếu tố bất lực và nghèo nàn ấy, còn muốn làm nô lệ chúng một lần nữa” (Gl 4, 9).
Phải chọn lựa như Mẹ Maria đã chọn lựa, như các người chăn chiên đã chọn lựa.
Hãy nhìn các người chăn chiên, sau khi thưởng thức bài ca “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời” do muôn ngàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ca mừng Chúa Giáng Sinh. Họ đã chọn lựa. Họ chọn con đường đến Belem. Họ đã mắt thấy tai nghe đúng như những điều sứ thần Chúa đã nói với họ.
Có phần chắc là họ đã nghe và tin vào Chúa. Bởi nếu không tin, họ đã không ra về trong tâm trạng “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa”.
Hãy dành một phút để xác tín lại niềm tin của chúng ta. Chúng ta đã tin và đón nhận Chúa? Nếu đã tin và đón nhận. Vâng, hãy cùng Mẹ Maria mà “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).
“Kỷ niệm ấy”… vẻ vang thay! chính là ngày chúng ta được lãnh nhận “Bí Tích Rửa Tội” để chúng ta “được ơn làm nghĩa tử Chúa” và được gọi Thiên Chúa là “Apba-Cha ơi!”.
Apba-Cha ơi! Vâng. Chính tiếng gọi này sẽ dẫn chúng ta đến Mẹ Maria để thưa với Mẹ rằng “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen”.
Petrus.tran
……….
(1) Ave Maria - thơ Hàn Mạc Tử.
(2) Mùa sao sáng - tác giả Nguyễn Văn Đông.
(3) Hai mùa Noel - tác giả Nguyễn Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn