TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mừng vui lên

Thứ hai - 10/05/2021 07:12 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   578
Mừng vui lên

Mừng vui lên

Ba tuần của mùa vọng đã trôi qua. Hôm nay, bước vào Chúa Nhật thứ tư mùa Vọng. Những biểu tượng của Giáng Sinh như hang đá, cây thông Noel và những dây đèn trang trí đủ màu sắc mỗi ngày xuất hiện một nhiều. Xuất hiện nơi tư gia, trong nhà thờ và cả nơi công cộng.

Trang trí những hang đá Giáng Sinh không chỉ là việc lặp lại một cử chỉ truyền thống đẹp, nhưng còn như là một lời nhắc nhở mỗi chúng ta rằng: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra, và rằng chúng ta hãy “mừng vui lên”.
…..

“Mừng vui lên”. Đó cũng chính là lời chào của sứ thần Gapriel trong sứ vụ truyền tin cho một người trinh nữ tên là Maria.

Maria là ai? Và vì sao sứ thần Gapriel đến gặp cô trinh nữ Maria? Vâng, hãy trở về Palestina của hơn hai ngàn năm trước đó và cũng hãy trở về với khởi nguồn của nhân loại chúng ta sẽ có câu trả lời.
…….

Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Thiên Chúa sáng tạo con người. Thiên Chúa cho “con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,26-27). Một hồng phúc mà chỉ “con người” mới có diễm phúc được nhận lãnh.

Tác tạo nên con người, Thiên Chúa đã ban cho con người quyền tự do. Tự do định đoạt số phận của đời mình. Thiên Chúa đã để “trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó” (Hc 15,17)…

Đáng tiếc thay! Nguyên tổ Adam và Eva thay vì sử dụng quyền “tự quyết” đó để làm cho cuộc đời của mình ngày một hoàn thiện hơn, thì ngược lại, ông bà đã phạm luật cấm mà “tự đưa tay ra lấy… cửa tử” để rồi phải bị diệt vong.

Tuy nhiên, “Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 145,8). Người không muốn con người phải hư mất. Từ đời nọ đến đời kia, Thiên Chúa vẫn “để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người”.

Đúng vậy, ngay sau khi nguyên tổ phạm tội. Thiên Chúa vẫn không vì thế mà bỏ rơi con người. Thiên Chúa vẫn đi bước trước. Người đã lập giao ước với con người.

Bắt đầu bằng giao ước với Noe cho tới giao ước với Apraham. Thiên Chúa đã chọn một dân riêng, để từ đây, Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại một Đấng Cứu Thế, Người sẽ trở nên người phàm, bởi Thánh Thần Chúa “Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Tại Palestina, nơi làng Nazareth, điều đó đã ứng nghiệm.

Thật vậy, Tin Mừng thánh Luca đã thuật lại rằng: Khi “bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gapriel đến một thành miền Galile, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria.

Nhiệm vụ của sứ thần Gapriel là báo tin cho Maria biết rằng, bà đã được Thiên Chúa chọn để cưu mang Đấng Cứu Thế. “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”.

Lời loan báo của sứ thần Gapriel đã làm cho Maria “rất bối rối và tự hỏi… như vậy có nghĩa gì?”

Vâng, không ai có thể nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng vô hình mà lại có thể mang thân xác hữu hình. Không ai có thể tin rằng Thiên Chúa là Đấng vô hạn mà lại có thể đến sống với con người hữu hạn.

Sứ vụ của sứ thần Gapriel cứ tưởng rằng bế tắc. Cứ tưởng rằng qua câu trả lời “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” cô trinh nữ Maria sẽ thoái thác nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 

Không. Không phải vậy. Và cũng không như cách mà sứ thần Gapriel đã thực hiện nơi ông Dacaria là khiến cho ông “bị câm không nói được” cho đến ngày ứng nghiệm lời sứ thần loan báo với ông rằng “vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai”.

Với trường hợp của Maria, sứ thần Gapriel đã mở lòng Maria bằng một lời nói đầy tính chất thần linh: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1: 37).

Maria như bừng tỉnh và không ngần ngại mà thốt lên: “tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1: 38).

Khép lại câu chuyện sứ thần truyền tin, Đức Maria đã cất tiếng “Vâng”.

Một chút tâm tình

Vâng, “Mừng vui lên” vì Đức Maria đã “Vâng”.

Không có lời “Vâng” của Đức Maria, Belem không thể “mừng vui lên” đón nhận “một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra”. 

Không có lời “Vâng” của Đức Maria, nhân loại không thể “mừng vui lên” vì Thiên Chúa trả cho con người ”quyền trở nên con Thiên Chúa”.

Vâng. Nhờ lời “Xin Vâng” của Đức Maria, hôm nay chúng ta mới có thể cất tiếng ngợi ca Thiên Chúa rằng “Mừng vui lên Sion. Này đây Chúa ngươi đến rồi. Mừng vui lên Sion! Ngài khấng nghe lời ngươi đó! Ngài dẫn đưa ngươi qua những hố sâu núi đồi. Về nơi an vui nơi suối mát trong đẹp tươi” (*)

Một phút suy tư

Trong Mùa Vọng, có hai nhân vật thường được nhắc đến đó là Gioan Tẩy Giả và Đức Maria.

Vâng, thật phải đạo khi nhắc đến hai nhân vật này. Bởi khi nhắc đến Gioan Tẩy Giả, Giáo Hội không ngoài mục đích muốn gửi đi một thông điệp rằng, đã là một Kitô hữu, phải là một chứng nhân của Chúa Giêsu.

Và khi nhắc đến Đức Maria. Vâng, nhắc đến Đức Maria, Giáo Hội muốn giới thiệu với chúng ta rằng, Đức Maria chính là mẫu mực cho một niềm tin phó thác vào Thiên Chúa.

Có thể nói tắt một lời, qua bốn tuần của mùa Vọng, Giáo Hội một lần nữa mời gọi mỗi chúng ta hãy có niềm tin phó thác vào Chúa như Đức Maria đã tin và phó thác, bởi chỉ có như thế, chúng ta mới có thể trở nên chứng nhân đích thực của Ngài.

Trong một thế giới đang được cổ xúy bởi những chủ thuyết lệch lạc “thượng đế đã chết rồi”, đang được rêu rao rằng thì là mà “bàn tay ta làm nên tất cả”, rằng “ta thay trời làm mưa” rằng ta có thể “biến sỏi đá thành cơm”. Một thế giới tự mãn kiêu căng như thế, vai trò chứng nhân về Chúa, cho Chúa quả là quan trọng và cấp thiết dường bao.

Là một Kitô hữu phải là chứng nhân về Chúa và cho Chúa. Bởi vì, như lời thánh Phaolô nói: “Theo lệnh của Thiên Chúa. Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa”. (Rm 16, 26)

Mầu nhiệm này phải chăng chính là mầu nhiệm “Thiên Chúa sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết” đúng như tâm tình của Mùa Vọng, mùa mong chờ Chúa đến?

Đúng vậy, chúng ta sẽ phải thông báo cho muôn dân biết điều này “để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa”. Bởi có làm như thế, chúng ta mới xứng đáng đón nhận lời sứ thần chào Đức Maria xưa “Mừng vui lên”.

Petrus.tran

……… 
(*) Vui lên Sion – tác giả LM Thành Tâm.

 Tags: Mừng vui lên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây