TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Quang Gánh Đời Mẹ

Thứ hai - 10/05/2021 07:27 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   828
Quang Gánh Đời Mẹ

Quang Gánh Đời Mẹ

Hồng ân Chúa vô biên vô tận, nhưng bạn có thấy hồng ân ấy hay không, là một vấn đề để thấy được hạnh phúc. Bàn tay Chúa trong bàn tay mẹ, nơi quang gánh, nơi ngày đêm vất vả nuôi con...

Câu chuyện xảy ra ở miền quê hẻo lánh, một vùng đất nghèo từ bao đời nay, trong làng rất ít nhà có nổi một chiếc xe máy để đi đây đi đó, phương tiện đi lại vẫn chỉ là những chiếc xe đạp cũ, ọc ạch trên con đường đất làng quê. Một chiếc xe máy là cả một gia tài mơ ước cho những chàng trai khi phải ra tỉnh để học mỗi ngày. Tại một gia đình nọ, chẳng khá gì hơn những gia đình khác, có duy nhất một người con trai rất có hiếu và học chăm ngoan. Là con trai duy nhất trong gia đình, gia tài của cha mẹ để lại, dĩ nhiên là sẽ thuộc về anh, dù gia tài ấy nhỏ mọn và nghèo nàn.

Anh thi đậu vào một trường Đại Học tại thành phố. Tiền học, ăn và ở là mối bận tâm lớn nhất trong gia đình anh. Mỗi kỳ học, do không xoay nổi tiền, cha mẹ anh đã bán dần mảnh đất, do vậy, mỗi ngày mảnh đất nhỏ đi đến nỗi không còn có thể bán được nữa. Niềm mơ ước chiếc xe máy mỗi ngày lại càng trôi xa.

Vào năm học thứ ba, cha mẹ anh không còn gượng nổi những đồng tiền cho con ăn học. Bà mẹ dù sao vẫn quyết tâm giúp con ăn học tới nơi tới chốn. Bà lên thành phố, trọ chung cùng 4 người và cùng với họ mỗi ngày từ sáng tinh mơ, đạp xe đi lấy ít rau, trái, thịt đem bán dạo trên các xóm ngõ cho đến gần trưa. Buổi chiều cũng trên chiếc xe đạp ấy, khi là những chiếc bánh mì, khi là bắp luộc, khi thì bánh chưng, bánh giò, bán dạo trong xóm ngõ cho đến tối mịt.

Cuộc sống tuy lam lũ nhưng không đến nỗi quá túng, đủ tiền trang trải, gửi về quê một ít, đóng tiền nhà, tiền học cho con… cũng còn dư chút đỉnh. Mỗi lần bà gom số tiền dư ít ỏi, trong tâm trí bà luôn tưởng thấy rằng: “ngày đứa con trai của bà reo mừng khi nhận được chiếc xe máy”. Chính vì đó bà quên nỗi cực khổ.

Gần đến lúc đứa con trai của bà ra trường, bà càng hối hả góp nhặt hơn để đủ tiền mua cho con một chiếc xe. Bà đi bán hàng ở nhiều nơi, nhưng lúc nào cũng tránh xa nơi con mình đang trọ học. Đứa con không hề hay biết làm sao cha mẹ mình có đủ tiền cho mình ăn học. Mỗi lần con của bà nghỉ hè về quê, cũng chỉ chậm một hai hôm là bà có mặt ở quê, để con trai của bà không hề hay biết bà cũng đang vật lộn ở thành phố như con của bà theo một cách khác. Khi con đi, bà cũng rời nhà vào ngày hôm sau. Khi con hỏi bà cũng chỉ trả lời loanh quanh về việc mua bán ở các làng bên hay ngoài chợ huyện.

Câu chuyện của bà vật lộn với cuộc sống trên thành phố, tưởng rằng sẽ êm xuôi cho đến khi đứa con trai của bà ra trường, rồi đi làm, bà về nghỉ ở quê.

Một buổi chiều nọ, bà đang bán hàng bánh cho một gia đình ở xóm nhỏ trong thành phố, đứa con trai của bà đi cùng bạn cũng vào trong lối hẻm đó. Hai mẹ con gặp nhau bất ngờ, đứa con trai của bà nhảy xuống xe, chạy lại về phía bà gọi: Mẹ! Mẹ!, Bà như giả đò vô tình không nghe, quay xe tính bỏ đi, đứa con chạy nhanh hơn chặn xe mẹ lại, gọi mẹ một lần nữa.

Không còn lời nào diễn tả, hai mẹ con cùng khóc. Đứa con khóc không phải vì tủi buồn mà những giọt nước mắt khóc vì tình mẹ thương con quá lớn. Người con trai nghĩ rằng, đâu đến nỗi khổ cực như thế để nuôi con ăn học, mà sự thực còn hơn cả điều anh nghĩ. Những giọt nước mắt trong đó có những tiếc nuối, có ít khi anh đã dùng tiền không đúng chỗ để rồi hoang phí, và ít lần đã không ý thức đủ về những đồng tiền góp nhặt của mẹ già để gắng học hành. Thôi thì cũng cứ khóc, khóc cho những giọt nước mắt muộn màng, còn hơn không bao giờ thấy để rồi làm mới lại hơn nữa, cố gắng hơn nữa.

Bà mẹ cũng khóc, bà khóc cũng chẳng phải là tủi mà khóc vì tình thương không đủ lớn để giúp con đầy đủ hơn nữa.

Hai dòng nước mắt, của mẹ và con, thấm vào tận sâu thẳm của cõi lòng. Bà mẹ chỉ nhắn con: “Ráng học tốt”, con chỉ nói với mẹ: “Xin cám ơn mẹ”.

Chia tay, mẹ và con, hai người hai quyết tâm hơn nữa, đứa bạn trước tình cảnh ấy cũng bắt đầu nghĩ suy, cần đổi thay điều nào đó, để thấy hạnh phúc ấm áp trong từng hơi thở của cuộc sống.

Hôm tốt nghiệp, bà mẹ lên trường mặc áo cử nhân cho con. Cả hai mẹ con, không ai ngăn nổi dòng nước mắt. Nước mắt, của niềm vui và hạnh phúc, thành quả của những tháng ngày mòn mỏi hôm nay là đây.

Trong nghi thức trao bằng, món quà người con tặng lại mẹ là tấm bằng ra trường với thứ hạng xuất sắc, bà mẹ cũng lên trao cho con, một tờ giấy đã giao tiền đủ để nhận một chiếc xe máy.

Hai phần quà tặng của mẹ và của con đầy ý nghĩa, cả hội trường đều lặng im, và đâu đó, có những dòng nước mắt âm thầm chảy nhanh, khép lại.

Cuộc đời có những tấm lòng, là những ân điển vô biên, vô tận, có thể bạn đã vô tình phung phá vì không thấy.

Cuộc đời có những lúc vô tình chà đạp trên sự khốn khổ của nhau, nhưng không thể dập tắt những giá trị của những món quà kết bằng hy sinh.

Cuộc đời có những khắt khe, nhưng không bít mọi lối đường cho những con người biết nhìn ra những giá trị đích thực.

Giữa những bon chen tất bật của đời thường, những tưởng rằng chỉ có những món quà tầm thường trao cho nhau, mà không ngờ lại là biển trời mênh mông của những tình thương mến nằm trong gói bọc tầm thường ấy.

Những tưởng rằng cuộc đời gắn chặt với số phận mà không ngờ trong cảnh khó khăn nhất ấy lại chứa đựng bài học làm người thật vô giá.

Những tưởng rằng và luôn tưởng rằng cuộc đời rất bạc với người nghèo, mà không ngờ rằng chính những người nghèo ấy làm cho cuộc đời đậm đặc những hương vị.

Thật không ngờ, những gì âm thầm nhất lại là sức mạnh lớn nhất có thể hoán cải lòng người.

Thật không ngờ những gì nhỏ bé nhất lại là một năng lực phi thường nhất để hòan thành nhân loại.

Và không thể tưởng rằng chính những con người không địa vị, không giàu sang, không quyền thế kia, chính họ đang đổi thay thế giới bằng những tấm lòng vàng.

Và không thể tưởng tượng được rằng, sức mạnh của tấm lòng vàng là sức mạnh chinh phục mọi tư tưởng và hành động.

Thật không tưởng tượng được rằng, Ân điển của Chúa Thánh Thần lại vô biên vô tận và tràn ngập trong mọi khía cạnh thẳm sâu nhất của nhân loại, đang âm thầm họat động cách mạnh mẽ phi thường dường ấy.

Hồng ân Chúa vô biên vô tận, dù bạn đón nhận Chúa trong niềm tin hay không chịu tin, thì vẫn là ân điển tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần đang đổi thay tấm lòng và khuôn mặt của nhân loại này.

Tôi tin là như thế!

Lm Giuse Hoàng Kim Toan.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây