Niềm Vui Phúc âm
Tông Huấn “Niềm vui Phúc Âm” như một bài báo BBC ngày 27.11.2013, tựa đề “Giáo Hoàng kêu gọi cải cách Giáo Hội”: “Trong tông huấn, Giáo hoàng Francis nói Ngài mong muốn Giáo hội ‘bầm dập, tổn thương và bụi bặm trên đường phố còn hơn là một Giáo hội không khỏe khoắn do nằm trong vỏ ốc và cứ khư khư giữ lấy sự bình an cho bản thân”. Tôi nhớ đến bài thơ “Lời Dâng” bài số 8, Tagore viết: “Mặc áo hòang tử, đeo ngọc quý quanh cổ, con sẽ mất hết hứng thú lúc chơi đùa; áo làm vướng vít từng bước chân đi”.
Tình Yêu cúi xuống.
Tình yêu, người tình của cuộc đời, như Tagore đã tự gọi mình trong tập thơ “Người làm vườn”. Trong đó Tagore nhận mình là người tôi bộc của tình yêu, một tôi bộc không phải là người mặc đẹp, dạo cảnh xem hoa, một tôi bộc của phàm nhân bước đi trong những lao nhọc của ngày tháng để hiểu được con người. Một tôi bộc không chỉ biết yêu thiên nhiên, chăm sóc vườn cây mà còn là một thi nhân. Một thi nhân không chỉ ngồi trầm ngâm bên lề cuộc đời mà là người say đắm cuộc đời; không sợ lấm lem bụi trần, mà giữ hoài chiếc áo hoàng tử. Tình yêu như tên gọi đúng nghĩa: Tình Yêu không chỉ là ban ơn mà còn là nghiêng trời cúi xuống. Tình Yêu không chỉ là thương cảm mà còn là gánh chung số phận. Không chỉ là một giai đoạn mà còn là theo suốt một cuộc đời.
Một tình yêu đúng nghĩa được gọi tên “cởi áo hoàng tử” mặc lấy chiếc “áo phàm nhân”. Một tình yêu giáng thế vào bụi trần, nhưng lại là một bụi trần trong lành giữa những vẩn đục. Sinh ra giữa tội nhân là người vô tội chết thay cho tội nhân. Tình Yêu không còn là hình tượng mà đã là một Tình Yêu nhập thế. Không chỉ là tên gọi mà là một con người hiện diện bằng xương bằng thịt. Nếu “Tình Yêu” đã cởi bỏ áo hoàng tử để mặc chiếc áo phàm nhân, thì đã chẳng phải đó là một lần sinh mới. Lần sinh mới từ trái đất mọc lên trời cao. Đó là thời kỳ giao duyên Đất Trời.
“Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao” (Tv 85, 61 – 62).
Một Tình Yêu có thể bị từ chối.
Thiên Chúa đã mang lấy thân phận của con người, nhưng con người có quyền từ chối Ngài. “Trong đó, Thượng Đế của chúng ta phải xin gia nhập; Ở đây Ngài là khách mà không còn là chủ và muốn được mời vào Ngài phải đợi” và “Ngài kiên nhẫn chờ đợi, không bao giờ Ngài đạp tung cánh cửa mà họ khép trước Ngài” (Sadhana, R.Tagore).
Tự do là một quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người, với sự tự do ấy, con người có thể tự trói buộc mình vào tội lỗi mà làm mất đi tự do đích thực. Tagore gọi “bụi trần gian trong lành”, theo đó, được hiểu như là một cuộc vận hành của con người vươn khỏi những mê lầm tiến tới sự trong lành, nơi đó con người hoà quyện với thiên nhiên, thọ tạo, hoà quyện trong hạnh phúc và đau khổ, giữa những thăng trầm, giữa những hữu hạn và vô hạn, chỉ trong sự thiện, con người mới thực sự tự do, và trong tự do tràn đầy tình yêu. Khi chưa tiến tới được sự thiện, con người vẫn phải chịu sự đau khổ của mình, vẫn cảm thấy sự vướng víu của chiếc áo hoàng tử trong lúc vui đùa, vẫn sợ dính bụi trần mà không hề dám nhúc nhích.
Trong mê lầm, tự do trở thành sợi dây trói buộc mất hết hứng thú khi vui đùa, tự do trở nên gánh nặng và sợi dây ràng buộc.Tự do để đi tới sự thiện là một tự do vượt ra khỏi giới hạn bến mê mà bước vào vùng ánh sáng sự thật. Sự thực ở đâu? Trong trí tưởng tượng hay ở trong bao la hoặc ở nơi vô biên? Con người khó có thể tự mình tìm ra sự thật toàn vẹn bởi vì sự thật toàn vẹn không ở trong hữu hạn.
Trong “bụi trần gian trong lành” là phản ảnh sự thiện, sự thật, con người luôn cần vươn mình tới. Vươn mình tới mà không tách khỏi nhân sinh: “nếu, mẹ tách con khỏi bụi trần gian trong lành”, là một nỗ lực đưa tất cả môi trường chung quanh về với sự thật. Con đường nỗ lực này xem ra thật khó, các phản ảnh, các dấu chỉ cũng chỉ là những chỉ dẫn đi tới chứ không là điểm báo dừng đã đạt tới sự thật. Chúa Giêsu trước khi về trời đã cầu nguyện cho tất cả những ai đã nghe Lời Người: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17, 15 – 16).
Một “Sự Thật” đã xuất hiện trong trần gian và ở lại trong trần gian, chính là “Phúc Âm” mà mỗi người có thể tìm thấy niềm vui ở đấy. Chúa không hề thất vọng về con người và cũng không làm con người thất vọng: “Chúa không làm thất vọng những ai tiếp nhận sự rủi ro này; bất cứ lúc nào ta dám bước một bước về phía Chúa Giêsu, ta đều khám phá ra: Người đã ở đó rồi, đang chờ đợi ta với đôi tay rộng mở. Nay là lúc ta nói với Người: ‘Lạy Chúa, con đã để mình bị lừa dối; con đã chạy trốn tình yêu của Chúa hàng trăm nghìn cách, ấy thế nhưng, này con đây, con có mặt lần nữa để đổi mới giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Lạy Chúa, xin cứu vớt con một lần nữa, hãy ôm con một lần nữa trong vòng tay cứu chuộc của Chúa’. Tốt lành xiết bao được trở về với Người mỗi lần ta sa ngã!” (Niềm Vui Phúc âm).
Có tin vui giữa những lầm lỗi, có niềm hân hoan trở về sau trượt ngã. Tình yêu không sợ bụi đường bám vào áo hoàng tử. Tình yêu không sợ mất hút trong con người trượt ngã, bởi vì, trong Tình yêu, Thiên Chúa đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả, hy sinh và tha thứ tất cả. Đó là một Tình yêu của “Niềm Vui Phúc Âm” đã được công bố.
Niềm vui Phúc Âm chắc chắn còn lan tỏa, bởi Tình yêu đó giũ sạch vết nhơ trên áo hoàng tử, và Tình Yêu đó muôn đời mới, như dấu đinh muôn đời mới đóng qua bàn tay trên cây thập giá, niềm vui của những con người "sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian" (Ga 17, 14).
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn