Phân chia gia tài
Người VN mình thường để lại toàn bộ gia sản của mình cho con cái, do vậy thường xảy ra những bất hòa trong gia đình về chuyện chia không đều, đứa nhiều đứa ít. Khác với người tây phương, con cái thường chỉ nhận một số tài sản vừa đủ để khởi nghiệp, không quá nặng nề vào việc phân chia gia tài và thậm chí muốn tự lập để khẳng định mình.
Đọc lại dụ ngôn Người Cha nhân hậu (Lc 15,11-32), chúng ta mới thấy nghịch lý của Tin Mừng: người cha cư xử với đứa con hoang đàng với lòng thương xót, vượt xa lẽ công bằng. Sự thường người VN mình chia đất đai cho con cái đứa nhiều đứa ít tùy công trạng và tình cảm, tùy mong ước sự phụng dưỡng của nó lúc về già, tùy nó là con cả hay con thứ - con trai hay con gái… và việc phân chia gia tài này thường để lại những bất bình lớn, đến nỗi đến lúc cha mẹ sắp chết mà có những đứa con không thèm gặp, lúc đau ốm không thèm nhìn và anh em đối xử với nhau tệ hơn người dưng, vì sự uất hận về sự không công bằng đã che khuất tầm nhìn của tình thương xót, của tình huynh đệ - máu mủ.
Niềm hạnh phúc của các bậc cha mẹ là con cái mình yêu thương đùm bọc nhau trong cuộc sống, và trước khi nhắm mắt cũng thường dặn dò con cái như thế. Nhưng thật khó để yêu thương khi anh em có những mâu thuẫn về gia tài! Vì khi đó những người trong cuộc thường dựa vào lẽ công bằng như họ nghĩ: nó đã được chia rồi, nhưng nó đã làm tiêu tán, bây giờ nó rán chịu, chúng tớ chẳng có lỗi gì! Ở đây, chúng ta phải đọc lại Tin Mừng: đứa con thứ đã phung phá hết tài sản của nó mà vẫn được cha đón nhận, trong lúc người anh thì nạnh kẹ và loại trừ. Cũng may là chỉ có một người anh cả, còn như trong gia đình ấy có 5 người anh thì người cha cũng khó mà xoay xở cho êm đẹp!
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng chứng kiến cảnh một người cha mẹ hấp hối nhiều ngày, muốn nhắm mắt xuôi tay mà không ‘đi’ được, dường như đang uất hận và trăn trở một điều gì đó. Cũng có thể là do diễn tiến bình thường của quy luật sinh học, nhưng cũng có thể là còn điều gì đó vướng mắc, nhất là về tình cảnh của những đứa con mình đã đứt ruột sinh ra. Có những điều khi khỏe mạnh đã không giải quyết được theo lẽ công bằng nhân loại, thì đến lúc này làm sao giải quyết được, may ra sự khắc khoải của họ có khơi dậy được lòng thương xót chăng? Cũng giống như sự hiện diện của những người nghèo quanh ta được xem như cơ hội để lòng trắc ẩn được trỗi dậy, như cơ hội để ta hành thiện.
Gia tài cha mẹ để lại nên được xem như miếng bánh (món quà), anh em chia nhau mà ăn. Nếu chẳng may một đứa bị sẩy chân thất bại hoặc do lười biếng, bài bạc,… anh em ruột thịt cũng nên vì tình thương cha mẹ mà nghĩ lại mà tìm cho nó một giải pháp, để cha mẹ có thể yên lòng nơi chín suối. Chúng ta muốn Thiên Chúa cư xử với mình với lòng thương xót thì hãy cư xử thương xót với nhau: ai sống làm sao Ta sẽ xử cho như vậy. Nói vậy, nhưng có đứng vào hoàn cảnh đó mới thấy khó mà đưa ra một giải pháp mang tính cách mạng như Tin Mừng đòi hỏi, phải có tiếng nói ‘tiên tri’, ân lộc của tổ tiên và thật nhiều ơn Chúa mới đủ sức lay động nhiều con tim, chuyển hóa những ‘tính toán của công bằng’ thành ‘chia sẻ của tình thương’.
Nguyễn Văn Thiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn