TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cùng Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem

Thứ năm - 27/05/2021 04:28 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   737



CHÚA NHẬT XXII – TN – A


Hãy cùng Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem

“Một hôm do muốn cám dỗ thánh Martinô phạm tội, nên quỷ đã hiện hình thành một ông vua oai phong và phán rằng: ‘Hỡi Martinô, Ta cám ơn con đã tin vào Ta, và Ta mong rằng từ nay con sẽ luôn ở bên Ta và vâng nghe lời Ta truyền dạy’.

Martinô chăm chú nhìn ông vua giàu sang kia và hỏi: ‘Nhưng thưa ngài, ngài là ai vậy?’. Vua liền trả lời: ‘Ta là Vua Kitô đây!’ Martinô lại hỏi: ‘Vậy những vết thương ở tay chân của Đức Kitô đã biến đi đâu cả rồi?’ Vua liền đáp: ‘Ta từ trời xuống, nên không cần đến các vết thương đó nữa!’ Bấy giờ Martinô nói: ‘Tôi sẽ không bao giờ tin vào một Đức Kitô không chịu khổ nạn và tay chân không mang thương tích!’ Tên vua quỷ nghe vậy liền biến mất.’ (nguồn: internet)

“Tôi sẽ không bao giờ tin vào một Đức Kitô không chịu khổ nạn…” Vâng, lời tuyên bố của thánh Martinô rất đúng. Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã tuyên phán rằng: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết”.

Và hôm nay, đó là điều chúng ta tuyên xưng vào mỗi ngày Chúa Nhật: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng…”

Nhưng… thế nhưng, với các môn đệ xưa, đó là điều khó chấp nhận, ít nhất là vào lúc đó. Đức Giê-su là Đấng Ki-tô mà lại phải “chịu đóng đinh vào thập giá” sao! Chính tông đồ Phê-rô, trong một lần Đức Giê-su nói đến việc Ngài “phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết”, ông ta đã phản đối quyết liệt.

Tông đồ Phê-rô đã phản đối quyết liệt và Đức Giê-su đã phản ứng lại quyết liệt hơn. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

**
Vâng, theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại, thì: Hôm ấy, đó là ngày Đức Giê-su và các môn đệ có một cuộc hành trình đến vùng kế cận thành Xê-ra-rê Phi-líp-phê.
Tại nơi đây, Đức Giê-su và các môn đệ đã có một cuộc trò chuyện, một cuộc trò chuyện nói lên tính xác thực về sứ mạng của Con Thiên Chúa là chính Ngài, đối với thế gian.

Con Thiên Chúa đến thế gian để làm gì? Thưa, hôm ấy, Đức Giê-su đã tỏ lộ cho các môn đệ biết, rằng: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết…”  

Khi nghe lời tuyên bố này, các môn đệ đã phản ứng làm sao, nhỉ! Thưa, tông đồ Phê-rô (một mình Phê-rô) đã phản ứng gay gắt. Làm sao lại có thể như thế được!

Suốt bao năm tháng theo Đức Giêsu, các ông đã bao lần thấy Thầy Giêsu chứng tỏ quyền năng của mình bằng những phép lạ phi thường, Ngài đã chữa lành biết bao kẻ đau ốm tật nguyền, người chết được sống lại. Quỷ cũng còn phải sợ Ngài...


Lên Giê-ru-sa-lem ư! Ừ thì lên. Nhưng lên là để người ta suy tôn mình làm Vua, như có lần một số người Do Thái đã muốn như vậy. Cớ gì… cớ gì hôm nay, Thầy lại công bố một kế hoạch quái gở như thế!

Hôm ấy, theo lời kể của thánh sử Mát-thêu, thì, “Ông Phê-rô kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”.

Cứ tưởng rằng lời ngăn cản của Phê-rô được lòng Thầy Giê-su, trái lại, lời đó lại là nguyên cớ để Đức Giê-su khiển trách ông. Hôm ấy, Đức Giê-su đã khiển trách Phê-rô rằng; “Sa-tan, lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

***
Đức Giê-su đã gọi ông Phêrô là “Satan”, như thế nghĩa là gì? Phải chăng Đức Giêsu “đồng hóa” người niên trưởng này vào hàng ngũ con cái ma quỷ? Thưa, không phải thế.

Chúng ta hãy cùng nhớ lại. Một lần nọ, lần Đức Giê-su vào hoang địa chay tịnh. Quỷ đến cám dỗ Ngài. Hắn đã ba lần đưa ra những lời cám dỗ đầy mưu mô, xảo quyệt. Đức Giê-su không sập bẫy. Và cuối cùng, Ngài lớn tiếng nói: “Satan kia, xéo đi”.

Còn hôm nay, gọi Phê-rô là Satan, nhưng Ngài không đuổi ông ta. Trái lại, ngài nói: “Lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy...”

Chữ Satan mà Đức Giê-su gọi Phê-rô hôm nay, được hiểu như là “người cản lối”, một ý nghĩa khác có vẻ nặng lời hơn “người chống đối”. Vâng, Đức Giêsu muốn nói với Phêrô rằng, đừng cản lối Thiên Chúa. Đừng chống đối chương trình cứu độ của Người.

Nhớ, vào một đêm nọ, đêm “hội ngộ” với ông Ni-cô-đê-mô, hôm ấy, Đức Giêsu cũng đã nói rõ chương trình “cứu nhân độ thế” của Ngài cho ông ta biết, rằng “như ông Môse đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15).

“Con Người cũng sẽ phải được giương cao”. Giương cao như thế nào! Thưa chính là giương cao trên thập giá. Đó... đó mới chính là “Tư Tưởng Của Thiên Chúa”.
Cũng trong ngày hôm ấy, Đức Giê-su cho các môn đệ biết họ sẽ phải làm gì, một khi đi theo Ngài, đó là: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Vâng, đó là điều kiện, “điều kiện ắt có và đủ”, không phải là lời mời gọi.  

Muốn theoThầy ư ! Hãy ghi khắc trong con tim mình lời Ngài truyền dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”.

Muốn theoThầy ư! Đừng vấn vương “bụi trần” nữa. Vâng, hôm ấy, trước nhóm Mười Hai, Đức Giê-su công bố một thông điệp, một thông điệp rất rõ ràng, rằng: “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?”

Lên Giê-ru-sa-lem là khởi đầu cho sứ mạng. Và, kết thúc sứ mạng là gì! Thưa, Đức Giê-su tuyên bố: “…Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.

Vâng, Đức Giê-su đã tuyên bố với các môn đệ ba lần. Và, cuối cùng Người đã “phải đi Giê-ru-sa-lem”.

****
Phải đi Giê-ru-sa-lem. Vâng, Đức Giê-su đã đi. Các môn đệ của Ngài, là nhóm Mười Hai. cũng đã đi. Hơn hai mươi thế kỷ qua, nhiều người môn đệ của Đức Giê-su, cũng đã đi.

Chuyện gì đã xảy cho các vị đó? Thưa, cũng như Thầy Giê-su. Các vị đó, cũng đã: “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (x.Rm 12, 1).

Một Tê-pha-nô đã bị người Do Thái “lôi ra ngoài thành mà ném đá”. Một Phê-rô tử đạo tại Roma. Thánh Phao-lô cũng không là ngoại lệ. Và, hơn một trăm vị người Việt Nam, như những mẫu gương điển hình.

Là một Ki-tô hữu, chúng ta cũng sẽ đi Giê-ru-sa-lem? Hỏi là để hỏi mà thôi. Tất cả mỗi chúng ta, ai nấy đều phải đi. Và, tất nhiên, nếu có đi, không nhất thiết chúng ta phải đi qua Giê-ru-sa-lem, nơi hôm nay, gần như đã được công nhận là thủ đô của quốc gia Israel. Giê-ru-sa-lem của chúng ta hôm nay, đó là ngôi nhà thờ, là Thánh Lễ. Đó là nơi chúng ta cùng với linh mục chủ tế tưởng niệm lại sự kiện Thầy Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Nói rõ hơn, đó là tưởng nhớ đến cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Đó còn là nơi chúng ta được nghe đến, được biết đến, đâu là “tư tưởng của Thiên Chúa”, đâu là “tư tưởng của loài người”.

Vâng, được nghe đến, được biết đến, đâu là “tư tưởng của Thiên Chúa”, đâu là “tư tưởng của loài người” là điều rất quan trọng đối với một Ki-tô hữu.

Tại sao? Thưa, bởi vì, nếu chúng ta không hiểu được “ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo”, có phần chắc, chúng ta sẽ bị cám dỗ, bị lôi cuốn bởi những trào lưu, những tư-tưởng-của-thói-đời, như “ham tiền bạc, khoác lác kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trác, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa v.v...” (2Tim 3, 2-4).

Thì đây, cứ nhìn xem thế giới hôm nay, một thế giới phủ nhận tư tưởng của Thiên Chúa, phủ nhận Mười Điều Răn Đức Chúa Trời. Điều gì đã xảy ra! Như một nồi cám heo…!

Dâm bôn, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, tranh chấp, bè phái, say sưa chè chén v.v… là “chuyện thường xảy ra ở huyện”. Đúng không! Thưa quý vị!

Thế nên, là một Ki-tô hữu, chúng ta hãy tránh xa lối sống quay cuồng trong mớ tư tưởng hỗn độn bởi những trào lưu tư tưởng của thói đời (nêu trên).

Sống như thế, chết là cái chắc. Chết cả hồn lẫn xác, mà thôi. Lịch sử con người đã để lại cho chúng ta nhiều bài học đắt giá về việc sống theo tư tưởng con người. Câu chuyện nguyên tổ Adam và Eva như điển hình.

Thì đây, hãy nhìn lại sự kiện đó sẽ rõ. Trong khi lời truyền dạy của Thiên Chúa (tư tưởng của Thiên Chúa) là “trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn”, nguyên tổ của chúng ta, với (tư tưởng của mình) “thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt... liền hái trái cây mà ăn”. Kết quả, như Kinh Thánh ghi lại: đó là “ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất”, nói rõ hơn, đó là sự chết.

Muốn hiểu được tư-tưởng-của-Thiên-Chúa nào có khó gì đâu! Chỉ cần… chỉ cần thực hiện lời khuyên dạy của thánh Phao-lô, lời khuyên dạy, rằng: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa” (x.Rm 12, 2).

Đừng rập theo thói đời nghĩa là sao! Thưa, đó là đừng nghĩ rằng: Có tiền mua tiên cũng được. Nhưng, hãy đổi mới tâm thần để nhận ra: “Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân… Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy.” (x.Gv 1, 2…7).

Vâng, quả là một câu Kinh Thánh thật ý nghĩa cho cuộc đời của mỗi chúng ta, phải không, thưa quý vị! Thế nên, điều cần thiết nhất đối với chúng ta hôm nay, đó là phải lên Giê-ru-sa-lem, bất chấp đau khổ, những đau khổ do thiên tai, do nhân tai. Phải lên Giê-ru-sa-lem, bất chấp gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo.  

Hãy tin, hãy tin chắc rằng: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”. (x.Rm 8, 38-39).

Phải lên Giê-ru-sa-lem, bởi vì có lên hôm nay, chúng ta mới có tên trong “Sổ Trường Sinh”, một bảo đảm rằng, chúng ta sẽ “được quyền hưởng dùng cây Sự Sống và qua cửa mà vào Thành”. Thành đó là Thành nào nhỉ! Thưa, “Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa” (x.Kh 21, 2).

Vâng, Chúa đã phán hứa như thế. Hứa Giê-ru-sa-lem mới, sẽ là phần thưởng cho những ai vác-thập-giá-mình-mà-theo-Người. Thế nên, đừng do dự nữa. Ngay hôm nay, chúng ta hãy cùng Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây