TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tản mạn về Chúa Giêsu Phục Sinh

Thứ năm - 27/05/2021 02:43 | Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện |   1561

Tản mạn về Chúa Giêsu Phục Sinh


Nhà tu đức nào đó đã nói: Nếu phải đưa ra bằng chứng về việc Chúa Phục Sinh thì rất khó, nhưng để chứng minh rằng Chúa không phục sinh thì lại càng khó hơn. Nhưng vấn đề ĐỨC KITÔ PHỤC SINH lại là vấn đề then chốt của niềm tin Kitô giáo. Muốn nói một điều gì đó mới mẻ về Chúa Phục sinh là điều rất khó, vì ‘điều mới’ đó phải là cảm nhận của riêng mình thôi.

Bạn có nghĩ rằng: các sách Tin Mừng kể quá vắn tắt về Chúa Phục sinh chăng? Đúng vậy, trong khoảng 40 ngày, với nhiều lần hiện ra với nhiều người, cùng ngồi ăn uống và chuyện trò… vậy mà các Thánh Sử không ghi lại một bài nói chuyện nào cho ra hồn. Dường như Chúa vội biến đi (Chúa không ở lại lâu) sau khi các môn đệ đã nhận ra sự kiện CHÚA ĐÃ PHỤC SINH. Hình như sau khi sống lại, Chúa không nói bài giáo lý nào và Chúa không làm phép lạ nào? Chỉ là  vài lời chúc bình an, trấn an, báo tin, và hẹn gặp ở Galilêa. Đúng là ‘mọi sự đã hoàn tất’ và phần còn lại là hoạt động Chúa Thánh Thần và phần ‘bước theo Thầy’ của mỗi người chúng ta.

Các trình thuật Tin Mừng kể lại những lần Chúa hiện ra sau khi sống lại đều có một điểm chung là các nhân chứng đều không nhận ra ngay đó là Chúa. Có thể Chúa Giêsu mang những dáng vẻ hơi khác thường, nhưng có phần chắc là vì tâm hồn các môn đệ của Chúa trĩu nặng ưu sầu và tuyệt vọng. Cuộc sống chúng ta cũng chất chứa những lo lắng sự đời, gánh nặng cuộc sống, thành công, đam mê, tin giả… ngăn cản ta không sẵn sàng để nhận ra Chúa đang đồng hành với mình và đang hoạt động trong cuộc đời để mang lại ích lợi cho từng người. Đúng hơn, những ưu tư phiền muộn hay những thành công và hạnh phúc chỉ là cảnh huống giúp mỗi người nhận ra sự đồng hành của Chúa. Nhà tu đức Jacques Philippe nói: “Bạn hãy tin rằng điều đang xảy ra trong hiện tại là điều tốt nhất mà Cha nhân lành đã cho phép xảy đến”. Tôi thường nghĩ: Thiên Chúa luôn gửi ‘tin nhắn’ đến cho từng người và từng tập thể, để giúp họ sửa mình; Thiên Chúa như người thầy luôn ra bài tập khác nhau cho từng học trò, tùy tính khí và lầm lỗi khác nhau của họ. Thánh nữ Faustina kể lại: khi tôi cầu nguyện xin Chúa cất đi gánh nặng mà cộng đoàn đang phải trải qua, Chúa trả lời: Những lời cầu nguyện của con được chấp nhận cho những ý chỉ khác. Cha không thể cất thánh giá này được cho đến khi họ nhận ra ý nghĩa của nó.

Câu chuyện của bà Maria gợi cho chúng ta vài chi tiết cần thiết để gặp được Chúa Phục Sinh (Ga 20,11-18). Điểm thứ nhất đó là việc hăng say tìm gặp Chúa: chỉ những ai hăng say tìm đến mộ hoặc cùng tụ họp cộng đoàn, cùng cộng tác làm việc với nhau mới gặp được Chúa. Điểm thứ hai, để gặp Chúa thì phải có tình yêu nồng nàn và được Chúa ban ân điển. Thánh Gioan cúi nhìn vào mộ trống, thấy khăn liệm xếp gọn gàng đã tin ngay rằng Chúa; trên biển hồ Thánh nhân cũng nhận ra Chúa Phục sinh trước Phêrô; còn bà Maria thì nhận ra Chúa khi nghe tiếng gọi thân thương Chúa dành cho mình. Chúa Phục Sinh vẫn đang đồng hành trong cuộc đời mỗi người chúng ta, dù ta khó nhận ra vì Ngài mang dáng vẻ rất khác: Chúa Phục sinh đang hiện diện trong tha nhân quanh ta. Dáng vẻ đó đôi khi rất khó ưa để chúng ta tập yêu thương gần gũi, tập quảng đại và rộng lượng. Sự luyện tập này kéo dài mãi cho đến cuối đời.

Sự Phục sinh của Đức Kitô là bảo chứng việc Thiên Chúa có thể chữa lành mọi sai lầm và mọi vết thương nơi ta và nơi tha nhân. Bạn hãy tin như vậy và tha thiết cầu nguyện xin Chúa chữa lành và ban ơn hối cải cho mình, cho ai đó hay cho một tập thể. Hãy mạnh dạn khẩn cầu và Thiên Chúa Giàu lòng thương xót sẽ khấng ban mọi ơn lành cho con cái mình.

 

Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây