TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dấu Chỉ Thời Đại

Thứ năm - 27/05/2021 02:30 | Tác giả bài viết: Đanlê |   748

Dấu Chỉ Thời Đại


 

Dấu chỉ là một thực tại, tự nó không nói về mình. Mỗi biến cố, sự kiện đều là dấu chỉ. Chung quanh chúng ta có nhiều dấu chỉ. Mỗi dấu chỉ đều chuyển tải một sứ điệp. Cùng một sự kiện, sự vật, biến cố... tuỳ góc nhìn mà mỗi người có thể nhận ra được những thông điệp khác nhau. Xin trích dẫn vài sự kiện:

Ngày 20-7-1969, ba phi hành gia người Mỹ là Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins trong chuyến du hành Apollo 11 đã đổ bộ thành công xuống mặt trăng, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử chinh phục vũ trụ của loài người. Trước sự bao la vô tận của vũ trụ Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân xuống mặt trăng, đã nói: “Đây đúng là công trình của Thiên Chúa”.

Còn trước đó 8 năm, ngày 12/04/1961 Yuri Gagarin, phi hành gia người Nga (Liên xô cũ) đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Sau 108 phút bay vòng quanh trái đất trên con tàu vũ trụ Vosto 1 với vận tốc tối đa 301 km, trở về thành công Gagarin tuyên bố: “Tôi đã đi khắp vũ trụ chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả!”.

Ở đây ta thấy có sự khác biệt về vũ trụ quan nên cũng có cái nhìn khác nhau về Đấng Tạo Dựng, hay nói khác đi sứ điệp họ nhận được qua nhận thức vũ trụ cũng khác nhau.

Lại một sự kiện khác, lúc Đức Hồng Y Geogre Pell bị cáo gian vì phạm tội lạm dục tình dục trẻ vị thành niên, báo chi đưa tin rầm rộ, thổi phồng, đắc thắng...  Sau 404 ngày ngồi tù trong ô nhục, sáng 07/4/2020 Toà Án Tối Cao Pháp Viện Úc tuyên bố ngài vô tội. Ngài được trả tự do ngay lập tức. Báo chí lặng im... Điều đó nói lên vấn đề gì?

Hoặc, cơn đại dịch Covid-19 đang lan rộng đến nhiều nước trên thế giới làm chết nhiều người. Số tử vong mỗi ngày một tăng, vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Tính đến 14 giờ 08/4/2020 cả thế giới đã có 82.124 ca tử vong. Tất cả đó cũng là những dấu chỉ nhắc nhở chúng ta nhiều điều:

Tối 24/12/2019 chính quyền Trung Quốc cấm tổ chức lễ Giáng Sinh vì cho rằng đó là lễ hội ngoại lai, từ đây chỉ được tổ chức lễ hội dân gian mang truyền thống dân tộc. Đúng một tháng sau, tối 24/01/2020 giao thừa tết Canh Tý, dịch virut Corona bùng phát Trung Quốc vỡ trận, Vũ Hán và mười thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc buộc phải dẹp tiệm, ba ngày tết cổ truyền không được tụ tập đông người... Lệnh giới nghiêm được ban hành, đường phố không một bóng người qua lại, tiếng quạ thay tiếng hát thiên thần. Vũ Hán trở thành thành phố ma...

Có người hỏi đó có phải do Chúa phạt? Câu hỏi gợi nhớ trường hợp dân thành Giêrusalem ngày xưa. Khi thấy cảnh quan Philato tàn sát mấy người ở Galile đang hành lễ làm cho máu của họ hoà lẫn với máu các tế vật họ dâng trên bàn thờ, và 18 người ở Giêrusalem bị tháp Siloe đổ xuống đè chết, họ hỏi: Có phải Chúa phạt? Đức Giêsu trả lời: Đừng nhìn tha nhân, tốt nhất hãy nhìn lại mình mà sám hối và chuẩn bị, kẻo mình cũng gặp cảnh tương tự! (Lc 13, 1-5).

Một tháng sau con virut Corona Vũ Hán đã xé rào, thay tên đổi họ thành con Covid-19 chu du thiên hạ, sang tận mãi trời Tây, trong đó Ý là nước chịu hậu quả nặng nề nhất. Toà Thánh Vatican trung tâm đầu não của đạo Công Giáo nằm trong thành phố Roma cũng không miễn trừ... Linh mục, tu sĩ cùng chung số phận với cộng đồng, lần lượt nằm xuống như những chiếc lá lìa cành... Đường phố Roma vắng người, quảng trường Thánh Phêrô, nơi hằng ngày tấp nập khách hành hương nay nằm trơ gan chịu mưa nắng cùng nhật nguyệt, mọi nhà thờ nhà nguyện buộc đóng cửa, các sinh hoạt tôn giáo tạm ngưng. Tuần Thánh là đỉnh cao phụng vụ Kitô Giáo lặng lẽ trôi... Điều này có dấu chỉ gì?

Trong đau thương đã bừng lên niềm hy vọng. Vì dịch bệnh, Tuần Thánh không thể tụ tập đông người, hiện đã có hai quốc gia là Cu Ba và Indonesia thông báo: Các kênh truyền hình quốc gia sẽ phát trực tiếp các lễ nghi Tuần Thánh để người Công Giáo theo dõi hiệp thông. Tưởng cũng nên biết Cu Ba là một nước Xã Hội Chủ Nghĩa, Indonesia một nước đông dân thứ tư trên thế giới, và là nước Hồi Giáo, Công Giáo chỉ thiểu số. Dấu chỉ gì ở đây?

Từ những câu hỏi trên, chợt nhớ đến giây phút Chúa Giêsu chịu tử nạn. Đứng dưới chân thập giá, thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh trong ô nhục và đau đớn, một tên trộm cướp cùng chịu đóng đinh với Ngài, mỉa mai: Ông hãy tự cứu mình cùng cứu tôi với! Mấy người qua đường lại rằng: Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy xuống khỏi thập giá, chúng tôi tin ngay! (Mt 27, 49-43). (Tương tự có người bảo: Chúa ở đâu trong cơn đại dịch sao không ra tay? Chúa đâu hãy cứu các linh mục và tu sĩ, tôi sẽ tin Ngài?!) Trái lại, cùng lúc ấy bầu trời xám xịt và nặng trĩu tựa đeo chì, mây đen vần vũ, trời đất động địa. Trông cảnh trời đất, một người lính ngoại đạo đấm ngực tuyên xưng: “Người này là Con Đức Chúa Trời thật!” (Mt 27, 45).

Qua diện mạo trời đất, người ngoại giáo đã nhận ra được Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Qua các biến cố xảy đến trong đời, ta nhận ra được điều gì? Khi nào con người biết quỳ gối, Thiên Chúa sẽ cúi xuống!

Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã là dấu chỉ cho mọi thời đại về sự hy sinh và lòng yêu thương tha thứ. Và chính Ngài đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho thế gian. Liệu nhân loại có nhận ra?!

Hoà Tiến, thứ Tư Tuần Thánh 2020

Đanlê

Lm. Dom Lê Văn Thế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây