TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những Cái Chết Có Giá Trị Cứu Đời

Thứ năm - 27/05/2021 01:47 | Tác giả bài viết: Đanlê |   793
“không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Những Cái Chết Có Giá Trị Cứu Đời


Rạng sáng 23/3/2018 cơn hoả hoạn xảy ra tại toà chung cư Carina Plaza, Q8, Tp HCM, lúc ấy anh Trần Đức An 43 tuổi, một nhân viên bảo vệ, cùng các đồng nghiệp đã xả thân lao vào cứu 40 người thoát cơn hoả hoạn, không may anh đã tử nạn sau đó. Anh đã trở thành “người hùng” trong lòng mọi người đặc biệt là cư dân Sài thành.

Tháng 12/2019 dịch Corona Virut chớm phát ở thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, TQ, lúc này Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang, BS nhãn khoa) một Kitô hữu, đã phát hiện tính trầm trọng của cơn đại dịch, liền thông báo cho các đồng nghiệp, ông đã bị bắt, buộc viết kiểm điểm, không lâu sau, 07/2/2020 đã qua đời do nhiễm virut Corona. Bác sĩ Lý đã trở thành biểu tượng về lòng dũng cảm và sự hi sinh khi dám nói lên sự thật vì lợi ích cộng đồng.

Tối 2/4, trong khi truy đuổi một nhóm đối tượng đua xe và cướp giật, hai chiến sĩ công an quận Sơn Trà, Đà Nẵng, đã xảy ra va chạm giao thông và đã hi sinh sau đó. Hai anh đã nằm xuống cho sự bình yên quê hương.

Hôm 15/3 nhằm ngày lễ Thánh Giuse, cha Giuseppe Berardelli, 72 tuổi, đã qua đời tại một bệnh viện ở Lovere, Italy sau khi từ chối sử dụng máy thở do một giáo dân mua tặng để nhường cho một bệnh nhân trẻ. Đăng trên Twitter, linh mục James Martin tại New York, Hoa Kỳ đã viết: “Ông ấy đã qua đời vì tấm lòng thiện nguyện. Không có sự yêu thương nào tuyệt vời hơn con người ấy”. Ngài còn so sánh cha Berardelli với thánh Maximilian Kolbe, người đã tự nguyện chết thay cho một người khác ở trại tập trung Auchwits, Đức.

Và còn rất nhiều những tấm gương hi sinh khác nữa, dẫu họ là ai, thuộc thành phần nào, tôn giáo hay dân tộc nào... những hi sinh của họ đều được trân quý. Họ chính là những chứng nhân của một tình yêu cao độ, đã hoạ lại tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại: “không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Sau thời gian dài gài bẫy để củng cố chứng cứ nhằm kết tội Chúa Giêsu, thượng hội đồng đã được triệu tập. Giữa màn đêm tĩnh mịch, ngọn đèn dầu lập loè in bóng hình các nghị sĩ trên bốn vách tường... Nện nắm tay xuống bàn, Capha, vị chủ toạ đã phán một câu chắc như đinh đóng thập giá: Quý vị chỉ nhắm đến cái lợi trước mắt mà không tính đến cái lợi lâu dài, là thà một người chết hơn là cả toàn dân! (Ga 11, 49-50). Thánh Gioan bình luận: Ông ta không tự nói câu ấy, nhưng với tư cách là thượng tế năm đó, ông đã nói tiên tri là: Chúa Giêsu phải chết cách nào. Một người chết thay cho cả toàn dân được nhờ, và để quy tụ muôn dân về một mối! (Ga 11, 51-52).

Cái chết của Chúa Giêsu trên đồi Gongotha không phải là một tai nạn xảy ra tình cờ ngẫu nghiên, cũng không phải là hậu quả tất yếu phải đến của kẻ liều mình tìm cái chết như một mục đích ví tựa con thiêu thân nhắm mắt lao mình vào ngọn nến. Nhưng là cái chết đã nằm trong kế hoạch ngàn đời của Thiên Chúa, nhằm cứu độ nhân loại và để quy tụ muôn dân về một mối.

Trong trận chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 để giành giật sự sống cho cộng đồng, nhiều người, nhiều thành phần, nhiều tổ chức dân sự, xã hội, tôn giáo, tập thể, cá nhân... chung tay đẩy lùi dịch bệnh, đã rất nhiều y bác sĩ, linh mục tu sĩ nhiễm Virut, và đã nằm xuống...

Cái chết của Chúa Giêsu là hệ quả của một trận chiến giữa công bằng và bất công, giữa sự thật và gian dối, nói chung là giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối, để đem lại công bằng, công lý cho kẻ cô thế cô thân, và giành lại sự sống đời đời cho nhân loại. Khi đấu tranh cho người nghèo là động chạm đến quyền lợi của kẻ quyền thế. Và thế là Ngài đã bị loại trừ. Cuộc chiến này vẫn mãi còn đó giữa nhân loại ngày nay, và sự ác, bóng tối bao giờ cũng lấn lướt. Nhưng rồi ra chân lý sẽ thắng. “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 32). Và sự sống sẽ thắng sự chết.

Đức Hồng Y Geogre Pell, đã bị kết án về tội lạm dụng tình dục trẻ em vào ngày 11 tháng 12 năm 2018. Sau đó ngài đã kháng án lên Toà Tối Cao Pháp Viện. Sáng nay vào lúc 10 giờ (7.4.2020), toà án Tối Cao Pháp Viện của Úc tại Canberra đã tuyên bố: Đức Hồng Y George Pell vô tội, và xoá bỏ tất cả những phán quyết của toà trước tại Melbourne. 7 thẩm phán của toà án Tối Cao đã đồng bỏ phiếu THUẬN, mà không có bất cứ một ai phản đối. Từ sự tuyên án trên, Ngài đã được trả tự do ngay lập tức. Sau một hai tiếng, ngài đã ra khỏi nhà tù Barwon ở Melbourne.

Còn về những kẻ cáo gian, sau khi được trả tự do, ngài nói: “Tôi không có ác ý gì với người tố cáo, tôi không muốn sự tha bổng của mình làm tăng thêm sự tổn thương và cay đắng cho nhiều người; Chắc chắn là đã có đủ tổn thương và cay đắng lắm rồi!”. Yêu thương luôn cả kẻ thù.

Tưởng cũng nên biết, Đức HY Geogre Pell là một vị HY cương trực đã mạnh dạn công khai lên án hôn nhân đồng tính và nạn lạm dụng tình dục trẻ em, chính vì vậy “thế gian” đã tố cáo ngài ngay cùng tội danh. Gần ba năm ngồi tù, ba lần ra trước vành móng ngựa là ngần ấy năm tăm tối, chịu sỉ nhục, khổ đau... uy tín và danh dự “đã chết”.

Đến hôm nay, thứ ba Tuần Thánh, toà án kết thúc, trong đau thương đã trào tràn niềm vui nguồn ơn cứu độ của ngày phục sinh. 

Laudate Dominum omnes gentes- Hãy ngợi khen Thiên Chúa hỡi các chư dân thiên hạ!

 

 

Hoà Tiến, Thứ Ba Tuần Thánh 2020
Đanlê

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây