Bảo Chứng Tình Yêu
Thứ Năm Tuần Thánh, với Thánh Lễ Tiệc Ly, bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua, kỷ niệm cuộc khổ nạn – Phục sinh của Đức Kitô.
Trong thánh lễ này, Giáo Hội nhắc lại việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, cùng một trật Ngài lập nên chức linh mục. Và để làm nổi bật ý nghĩa của hai bí tích này, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ.
1. Bí tích Thánh Thể.
Ngày tết, ghé thăm chúc tết một gia đình lương dân, trước cửa có ít tiền, gạo, một tấm bánh chưng. Hỏi ý nghĩa. Chủ nhà trả lời: “Hôm nay mời ông bà về ăn tết với con cháu, ra về có chút quà ông bà đi đường”.
Đó là niềm tin của người ta, tôi không xúc phạm và cũng không cười chê. Dân gian tin rằng: bánh trái, là quà, là của ăn đi đường cho người đã khuất. Vậy, với người Công Giáo của ăn đi đường là gì?
Ở trần gian ta cần cơm bánh nuôi sống phần xác. Phần hồn cũng cần được nuôi sống bởi những của ăn thần thiêng.
Thuở xưa ông Môisen dẫn dân lòng vòng trong sa mạc 40 năm trời, Thiên Chúa đã ban cho họ Manna làm của ăn đi đường. (x. Xh 16,14-15). Cuộc sống trần gian này cũng được ví là cuộc hành trình về Quê Trời, như Manna của ăn phần xác, Thiên Chúa cũng định liệu cho chúng ta có của ăn phần hồn, đó chính là Thịt Máu Con Chí Ái của Ngài.
Trong đêm bị trao nộp, một đêm như đêm hôm nay, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh và rượu dâng lời chúc tụng và nói: Anh em hãy cầm lấy mà ăn này là mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Với chén rượu Ngài cũng truyền: Anh em hãy cầm lầy mà uống đây là máu của Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy! (x. Lc 22, 19-20).
Quả thật, Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập là của ăn được trao hiến ngay trong đêm bị trao nộp. Hay nói khác đi, đó là một thứ lương thực được “chiết xuất” ngay trong cuộc khổ nạn. Và mục đích là để cho con người được sống, được ơn tha tội.
Như vậy, của ăn đi đường của người Kitô hữu trên hành trình về quê trời không phải là lúa gạo… mà là thịt máu Con Thiên Chúa. Và khi thiết lập của ăn này, Chúa Giêsu còn muốn trở nên bảo chứng lưu lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Chính vì vậy, mà đồng thời với việc lập Bí Tích Thánh Thể, Ngài đã lập nên chức linh mục, để có người thừa hành sứ mạng của Ngài. Qua linh mục, Chúa Giêsu hiện diện giữa nhân loại.
2. Chức linh mục.
Vậy linh mục là ai? Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái nói: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng tế phẩm cũng như lễ vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy”. (Dt 5,1-3). Thánh Phaolô vị tông đồ dân ngoại cũng tự nhận rằng: Chúng tôi chỉ là chiếc bình sành dễ bể, chứa đựng ơn sủng (x. 2 Cr 4,7). Ân sủng thì cao quý, còn bình chứa đựng ân sủng chỉ là bùn đất. Bùn đất có bể đi, ân sủng còn đó. Ân sủng là chủ yếu, bình sành chỉ là phụ tùy, nhưng cần thiết để chứa đựng ân sủng. Nhưng cần thiết đến mấy cũng chỉ là xác đất vật hèn.
Một người bạn vô thần hỏi cha Piô Ngô Phúc Hậu, tác giả cuốn Như Trái Mắm, khi biết ngài là một linh mục: - Bộ anh không có vợ thiệt hả? – Ngài hỏi lại: Bộ anh không tin thiệt hả? – Ông ấy thắc mắc: Không có vợ thì chịu sao nổi? Ngài hài hước: Không nổi thì chìm. Chìm thì chết. Nếu không muốn chết thì ráng mà nổi!
Vì linh mục cũng mang thân phận mỏng dòn yếu đuối như mọi người, rất cần được mọi người thêm lời cầu nguyện. Tuy mỏng dòn nhưng lại cần thiết như chiếc bình cần để chứa đựng ơn thánh.
Nếu ai còn khao khát với ơn thánh thì thấy rằng linh mục cần thiết biết bao?!
Đặt mình vào trường hợp của những người giáo dân chân chính vùng kinh tế mới. Điều đau khổ nhất của họ là khi đặt chân đến một vùng đất hoang sơ, không nhà thờ, thiếu thánh lễ, vắng bóng linh mục. Đời sống đức tin trở nên hụt hẫng. Thế mới hay những ai còn thiết tha với bí tích hòa giải, khát khao ơn thánh, thiếu vắng linh mục, đau khổ vô cùng. Trái lại, một người 10 năm 20 năm không lãnh bí tích giao hòa, vì lương tâm không còn cảm thức tội lỗi, chắc hẳn không cần linh mục.
Cha Đamien, một linh mục người Bỉ, tình nguyện dấn thân phục vụ người phung ở đảo Molokai giữa thái bình dương. Lâu lâu mới có tàu từ lục địa ra đảo tiếp phẩm một lần. Mỗi lần như thế, điều mong mỏi nhất của ngài là được gặp linh mục tuyên úy. Chính vì vậy, mỗi lần tàu đến ngài đều hỏi: Có linh mục tuyên úy đến không? Có lần những hành khách không thể lên đảo, ngài phải đứng trên bờ xưng tội bằng tiếng Latin vọng qua vị linh mục tuyên úy hãy còn trên tàu. Linh mục lúc này đối với Ngài còn quý hơn cả thuốc lá và mì tôm lúc đói.
Đời linh mục có khi như một bông hoa trong kẽ đá. Âm thầm nở. Âm thầm tàn. Trở lại cuộc đời của cha Đamien, theo Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận trong cuốn Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng, một hôm Đức Giám mục đặc trách quần đảo kêu gọi các linh mục Châu Âu, có ai tình nguyện đến phục vụ cho người cùi ở đảo Molokai? Cha Đamien một linh mục trẻ, đẹp trai, không bệnh tật đã hăng say đáp trả. Mấy hôm sau ngài cùng Đức Giám Mục ra đảo. Đức Cha giới thiệu: “Các con thân mến, các con hằng mong ước có linh mục đến ở với các con, yêu thương săn sóc các con, thì đây, cha Đamien, một linh mục người Bỉ, sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết. Các con có sung sướng không?” Cả nhà thờ nhao nhác, những người cùi không thể tin vào mắt mình, ai cũng đến sờ vào ngài xem có thật không. Thấy người cùi ngài đã tởm lợm, quay qua hỏi Đức Cha: “Thưa Đức Cha, họ đang làm gì vậy?” – “Họ cảm ơn Con!”
Cha Đamien đã đến để chia sẻ kiếp người khổ đau bệnh tật với người cùi. Một thời gian sau ngài cũng chung số phận. Báo chí Bỉ đăng ảnh và đưa tin về sự hy sinh cao cả của ngài. Bà cố vì già cả mắt mờ không còn đọc được chữ, cầm tờ báo hỏi: “Hình ai mà ghê tởm vậy?” Con cháu bảo: “Đó là một người cùi bên đảo anh Đamien!” Mọi người, không ai nói với ai lời nào, nhìn nhau nghẹn ngào ứa lệ!
Cha Đamien như một đóa hoa trong kẽ đá. Ngài đã sống và chết giữa người cùi.
Cũng theo tác giả Như Trái Mắm: Sau đệ nhị thế chiến, bên Ý, tại nhà ga xảy ra một vụ án mạng. Sau đó thủ phạm đến gặp một linh mục chánh xứ gần đấy xưng thú tội lỗi. Hắn vừa ra khỏi, cảnh sát ập tới. – Ủi tại sao lại có khẩu súng lục ở đây?
Để giữ bí mật tòa giải tội, trước vành móng ngựa, vị linh mục chỉ trả lời một câu duy nhất: - Tôi không biết! Ngài bị kết án chung thân vì tội giết người cướp của. Mười ba năm sau, tội nhân ra đầu thú, vị linh mục ấy được trả tự do. Cao quý vô cùng, nhưng cũng oan khiên nghiệt ngã vô cùng.
Đời linh mục có khi cũng như một người phu quét lá, quét cả sáng chiều, quét cả mùa thu.
Vào mỗi dịp Mùa Vọng, hoặc Mùa Chay, nhiều giáo xứ thường mời các linh mục về ban bí tích hòa giải cho bổn đạo, cũng là phu quét lá đó vậy!
Ai còn quý đời linh mục thì chào hỏi đôi câu. Ai không quý, kệ! Việc ai nấy làm!
3. Việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ.
Phong tục của người Do-thái, mỗi lúc chủ đi xa về, nhiệm vụ của đầy tớ là rửa chân cho chủ. Hoặc lúc vào bàn ăn, đầy tớ cũng phải rửa chân cho chủ. Rửa chân là một việc hèn hạ mà chỉ có tôi tớ mới phải làm cho chủ (1Sm 25, 41). Như vậy, việc rửa chân đối với người Do-thái là một việc làm rất quen thuộc hằng ngày, một công việc thấp hèn của người nô lệ.
Vậy mà trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho 12 anh thuyền chài. Ngài là thầy nhưng lại làm công việc của một người nô lệ. Một sự thế chỗ, khiến cho thánh Phêrô không thể chấp nhận. Tương tự, rửa chén lau nhà, thường là việc của cô dâu mới về nhà chồng. Thế mà nàng lại giao khoán cho mẹ chồng, còn mình cứ mặc sức ngồi bấm điện thoại. Mẹ chồng có thể làm vì bất đắc dĩ. Ở đây Chúa Giêsu đã không vì bất đắc dĩ, Ngài tự nguyện hạ mình làm một việc của người nô lệ. Qua đó Ngài dạy các môn đệ và cả chúng ta, bài học: “Thầy đã rửa chân cho anh em, anh em cũng hãy rửa chân cho nhau!” (Ga 13, 14). Chúa không dạy: “Thầy đã rửa chân cho anh em, anh em hãy rửa chân cho Thầy”, Nhưng là “cho anh em”. Một bài học về sự phục vụ. Phục vụ không tìm tư lợi, không vun vén cho mình và gia đình, trái lại, hoàn toàn cho người khác.
Hành động rửa chân của Chúa Giêsu trong đêm tiệc ly, cũng như cái chết trên cây thập giá, là đỉnh cao của cả một đời yêu thương phục vụ và hy sinh.
Trong thánh lễ Tiệc Ly linh mục quản xứ theo nghi thức sẽ rửa chân cho 12 người tượng trưng cho 12 tông đồ. Việc rửa chân này chỉ dừng lại như một nghi thức phải làm, sẽ chẳng ý nghĩa gì, nếu những tháng ngày sống giữa cộng đoàn ngài đã chẳng phục vụ hy sinh?! Năm nay vì dịch bệnh Covid-19 trong Thánh Lễ Tiệc Ly- Thánh Lễ không có giáo dân tham dự, nên không có nghi thức rửa chân, nói chung linh mục không phải rửa chân cho 12 tông đồ, nhưng không có nghĩa ngài không được mời gọi phải “rửa chân” cho bổn đạo mỗi ngày!
Vậy xin mỗi người hãy cầu nguyện cho các linh mục biết noi gương Chúa Giêsu trong tinh thần phục vụ. Và mỗi người cũng hãy khiêm nhường hạ mình xuống phục vụ nhau.
Như vậy, ba hành động, lập Bí tích Thánh Thể, lập chức linh mục, và rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu đã thực hiện trong đêm Tiệc Ly, nhằm nói lên một điều: Vì yêu thương Ngài đã hạ mình xuống phục vụ nhân loại, bằng cách trở nên của ăn của uống để nuôi linh hồn chúng ta, và để ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Một người mẹ có đứa con gái khuyết tật. Vốn có đam mê du lịch đó đây, bà gửi con vào một trung tâm nuôi dạy trẻ, phần mình chu du mãi trời Tây. Một lần khi còn phè phớn trên đất Ý, chợt nhớ đến ngày sinh nhật con gái. Bà gửi về cho con món quà sinh nhật là chiếc bình bông. Tính toán làm sao món quà gửi về đúng ngày sinh nhật của con, và căn dặn cô giáo nhắn hộ bà: Mẹ yêu con lắm!
Đúng ngày sinh nhân cô bé, cô giáo đưa món quà sinh nhật của mẹ và nói: Đây là quà sinh nhật của con, mẹ con đã cẩn thận gửi về từ nước Ý, mẹ rất thương con!
Cô bé ngắm nghía bình bông giây lát, thốt lên: Mẹ ơi là mẹ! Con không cần bình bông, con không cần sách vở. Cô vứt chiếc bình bông này ra xa dùm con. Con chỉ cần có mẹ thôi!
Con chỉ cần có mẹ thôi!
Chúa biết chúng ta không cần bình bông, Chúa biết chúng ta cần có Chúa. Nên Ngài đã đến và đã ở lại bên cạnh chúng ta mọi ngày cho đến tận thế!
Hoà Tiến, Thứ Năm Tuần Thánh 2020
Đanlê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn