Thăm đảo Cát Bà (tiếp theo và hết)
Chụp hình lưu niệm tại Nhà nguyện Giáo họ Cát Bà
5g00 sáng (30.03.2022), Phái đoàn được cha Duy mời đến dâng lễ tại Nhà nguyện Giáo họ Cát Bà. Nhìn bên ngoài, Nhà nguyện cũng giống như mọi ngôi nhà bình thường cùng dãy phố, chỉ khác là phía trên có gắn cây Thánh giá nhỏ. Bên trong Nhà nguyện bài trí đơn sơ nhưng trang trọng. Nổi bật giữa cung thánh là tượng chịu nạn lớn. Nhà tạm thiết kế theo mô hình con thuyền ra khơi. Bên phải có tượng đài Gia đình Thánh gia. Bên trái là tượng đài Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang, thày giảng tử đạo, bổn mạng của Giáo họ.
Thánh lễ hôm nay là ngày thường nên chỉ có một vài giáo dân tham dự. Cha Duy cho biết, hàng tuần ngài ra đảo vào chiều ngày thứ Bảy, dâng lễ Chúa nhật vào sáng hôm sau, chăm sóc mục vụ và trở về Tòa giám mục trong ngày.
Ngài cho biết, Giáo họ Cát Bà thuộc giáo xứ An Hải, được chính thức thành lập ngày 14.2.2013. Đó là một ngày đáng nhớ. Hôm ấy, Ðức Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã dâng Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho đoàn chiên bé nhỏ nơi đây. Hôm ấy cũng là ngày Tình Yêu, là cột mốc nhắc nhở giáo dân đảo Cát Bà sống tinh thần yêu thương để loan báo Tin Mừng.
Thánh lễ sáng nay cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu chủ tế cùng với cha Duy và các cha trong Phái đoàn, hiệp ý cầu nguyện cho tất cả mọi người dân trên đảo Cát Bà, đặc biệt là các tín hữu, còn sống cũng như đã qua đời. Cầu nguyện cho đời sống kinh tế, xã hội phát triển, dân sinh thăng tiến. Cầu nguyện cho Giáo họ Cát Bà là điểm sáng về đức tin, kiên trung sống đạo, mang Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.
Sau Thánh lễ, Phái đoàn được mời đến nhà hàng điểm tâm sáng: bánh đa thập cẩm và cà phê Cát Bà.
Trước khi rời đảo, cha Duy lại đưa Phái đoàn đến tham quan Vườn Quốc gia Cát Bà. Vườn Quốc gia Cát Bà rộng 15.200 ha, có nguồn tài nguyên phong phú, cảnh quan đẹp và có nhiều loại động thực vật quý hiếm. Hệ thực vật ở đây có 620 loài, thuộc 123 họ có giá trị như Chó Ðãi, Trai Lý, Lát Hoa, Ðinh, Kim Giao… Hệ động vật cũng rất phong phú với 20 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng cư, đặc biệt có loài Voọc đầu trắng thường sống ở các vách đá cheo leo ven biển – đây là một loài thú rất quí hiếm mà bây giờ chỉ còn thấy ở Cát Bà. Ðịa hình nơi đây đa dạng, với nhiều đèo dốc, như: đèo Ðá Lát, đèo Eo Bùa, đèo Khoăn Cao… và nhiều suối lớn quanh năm có nước như suối Thuồng Luồng, suối Treo Cơm, suối Việt Hải… Vườn Quốc gia chủ yếu là núi đá vôi có nhiều hang động, như: động Trung Trang, động Hoa Cương, động Thiên Long.
Do thời gian có hạn nên Phái đoàn chỉ có thể đến thăm động Trung Trang. Đây quả là hang động kỳ vĩ, với những nhũ đá muôn hình, muôn vẻ, rất đẹp mắt như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Cát Bà ơi! Sóng nước hữu tình
Vịnh Lan Hạ, thiên đường huyền thoại
Bao cảnh đẹp, tiên trời mê mải
Mải… rong chơi, để lại chiếc hài.
Cát Bà ơi! Cảnh sắc tuyệt vời
Đèo Đá Lát, hòn Hài thơ mộng
Núi đá vôi tạo nên hang động
Bước chân vào, ngỡ chốn bồng lai.
Cát Bà ơi! Hẹn ngày trở lại!
Vườn quốc gia Cát Bà
Cầu thang lối vào động Trung Trang
Ánh sáng cuối đường hầm
Rời đảo trên chuyến phà Đình Vũ
Vũ Đình Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn