TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy theo Ta

Thứ hai - 10/05/2021 07:57 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   593
tbd 080521a46
tbd 080521a46

Hãy theo Ta

Lễ ngũ tuần đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cứu độ. Đó là sự kiện Giáo Hội tiên khởi được hình thành. Giáo hội tiên khởi ra đời với khoảng ba ngàn người tin và theo đạo. Không dừng ở đó, nhờ ơn Chúa, Giáo Hội tiên khởi mỗi ngày lại có thêm nhiều người được cứu độ.

Sách Công Vụ ghi lại rằng: Thánh Phêrô cùng với nhóm mười một, sau khi được “tràn đầy ơn thánh thần” đã có một bài truyền giảng đầy ơn Chúa trước những người Do Thái từ khắp nơi đang quy tụ tại Giêrusalem.

Bài truyền giảng của thánh Phêrô đã dứt dấy tâm hồn các cử tọa đến nỗi họ “đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các tông đồ khác rằng: thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì? Ông Phêrô đáp “Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội” (Cv 2, 37-38) 

“Anh em hãy sám hối”. Vâng. Không ai có thể phủ nhận rằng, đây là một lệnh truyền.

Và có ai ngờ đâu, ông Phêrô lại chính là “khán thính giả” nghe lệnh truyền này tại Galilê cách nay hơn ba thập niên, tính từ lúc ông đứng trước hàng ngàn cử tọa tại Giêrusalem để đưa ra lệnh truyền này.

Vâng. Hãy trở về Palestin của hơn hai mươi thế kỷ trước, chúng ta sẽ thấy ông Phêrô đã nghe lệnh truyền này từ ai và ông ta đã thực thi lệnh truyền này như thế nào.

…..

Bối cảnh khi công bố lệnh truyền này được chép trong Tin Mừng thánh Maccô. Câu chuyện được kể rằng: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. (Mc 1, 14-15).

Không thấy thánh sử Macco ghi lại phản ứng của công chúng trước mệnh lệnh của Đức Giêsu. Nhưng tại biển hồ Galilê thì khác hẳn.

Tại nơi biển hồ, khi đi ngang qua, Đức Giêsu đã kêu gọi những người môn đệ đầu tiên. Để làm gì? Thưa rằng, để sau này Ngài sẽ giao cho họ một trọng trách, đó là họ phải tiếp tục sứ mạng loan báo mệnh lệnh này. Một mệnh lệnh như là điều kiện tiên quyết để được nhận lãnh ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Những người môn đệ đầu tiên Đức Giêsu gọi tên là: “Simon và người anh là ông Anrê”.

Thánh sử Maccô kể tiếp rằng, sau khi gọi Simon và Anrê. Đi xa hơn một chút, Đức Giêsu thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêdê, và người em là Gioan. Hai người này đang vá lưới trong thuyền. “Người liền gọi các ông” (Mc 1, 16-… 19).

Vâng. Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng, biển hồ là nơi tụ tập rất nhiều ngư dân và chắc hẳn khi Đức Giêsu đi ngang qua đó không thiếu những ngư phủ đang ngồi “vá lưới”, nhưng tại sao Đức Giêsu lại gọi đích danh Simon, Anrê, Giacobê và Gioan mà không phải là Calep… Ariel… Netanyahu… hay là một ai khác nào đó?

Phải chăng Đức Giêsu đã biết bốn nhân vật này?

Thưa, đúng vậy, sự kiện hôm ông Gioan tẩy giả thấy Người đi ngang qua và đã giới thiệu các môn đệ của ông ta rằng, Đức Giêsu chính là “Chiên Thiên Chúa”, và hai trong bốn người được Đức Giêsu gọi hôm nay là ông Anrê và một người môn đệ khác, đã đi theo Đức Giêsu. Chính vì thế, họ đã, một cách nào đó, tiết lộ thân thế và nghề nghiệp của họ.

Vì thế, hôm nay, không ngỡ ngàng cho lắm khi Đức Giêsu gọi đích danh họ. Cũng đừng nghĩ rằng khi gọi họ, Đức Giêsu không kêu gọi họ “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Hãy nhớ lại hôm ông Gioan Tẩy giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê. Ông ta đã công bố rằng “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3, 2). Vì thế, có phần chắc họ cũng đã được nghe mệnh lệnh này.

Đã nghe lời thầy Gioan kêu gọi “hãy sám hối”. Đã nghe lời thầy Gioan công bố “Nước Trời đã đến gần”. Đã nghe lời thầy Gioan giới thiệu ông Giêsu người Nazareth là “Chiên Thiên Chúa”. Đã đến xem chỗ Đức Giêsu ở và đã ở lại với Người.

Và hôm nay, đích thân Người đến gọi “các anh hãy theo tôi”… Vì thế, có gì phải ngần ngại, các ông đã đáp lời mời gọi mà đi theo Đức Giêsu.

Thánh sử Maccô đã kể rằng: Các ông đã “bỏ chài lưới… bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công”...

Vâng. Nói tắt một lời, các ông đã bỏ hết mọi sự “mà đi theo Người” (Mc 1, …20).

Một chút tâm tình

Những người môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu đã “bỏ hết mọi sự mà theo Ngài”. Đúng vậy. Tin Mừng Thánh Luca đã kể lại như thế.

Còn chúng ta hôm nay, để đi theo Chúa, phải chăng chúng ta cũng phải “bỏ hết mọi sự”?

Phải chăng chúng ta cũng phải bỏ sự nghiệp, bỏ gia đình, bỏ thân bằng quyến thuộc để đi theo Chúa như Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã thực hiện năm xưa?

Xin thưa, có lẽ Chúa không quá nghiệt ngã với chúng ta như thế.

Vấn đề là chúng ta cần hiểu thế nào là “bỏ hết mọi sự”.

Vâng, “bỏ hết mọi sự” có nghĩa là chúng ta dám sống một cuộc sống hy sinh ngay cả bản thân của mình cho chân lý mà chúng ta tin theo. “Bỏ hết mọi sự” có nghĩa là chúng ta dám sống một đời sống phục vụ cho một lý tưởng mà chúng ta đã chọn lựa.

Chúng ta chọn đời sống tu trì ư! Dĩ nhiên là chúng ta sẽ phải thực hiện giống như bốn môn đệ đầu tiên đã thực thiện. Có nghĩa là chúng ta phải “bỏ hết mọi sự” theo đúng nghĩa đen của nó.

Nhưng chúng ta có dám “bỏ ngay chính bản thân mình” để bênh vực cho chân lý, cho sự thật, cho công bằng, bất chấp bạo quyền, bạo lực như Gioan tẩy giả đã làm?

Không phải tự nhiên mà hôm nay Gioan tẩy giả lại được nhắc đến trước khi nhắc đến sứ vụ kêu gọi môn đệ của Đức Giêsu.

Thế còn khi chúng ta chọn lựa đời sống hôn nhân gia đình? Xin thưa, chúng ta vẫn phải “bỏ hết mọi sự”. 

Phải “bỏ hết mọi sự” có liên đới đến “tội gian dâm”... những trang Web đen chẳng hạn. Phải “bỏ hết mọi sự” có nguy cơ chung đụng với kỹ nữ… những quán bia, những quán nhậu, những phòng karaoke, những tiệm thanh nữ hớt tóc trá hình chẳng hạn. 

Nói tắt một lời, dù chọn lựa đời sống tu trì hay đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta vẫn phải “bỏ hết mọi sự”. “Từ bỏ ma quỷ và những việc làm của nó” như chúng ta thường tuyên xưng đức tin trong những dịp lễ trọng.

Từ bỏ ma quỷ và những việc làm của nó! Vâng. Với thân phận yếu đuối của con người, sự sa ngã là điều luôn xảy ra. Niên trưởng Phêrô còn “rớt đài” huống hồ gì chúng ta.

Thế nhưng, Thiên Chúa luôn mở cho chúng ta một lối thoát. Câu chuyện dân thành Ninivê là một minh chứng hùng hồn về ơn tha tội cho những ai “sám hối và ăn năn”.

Chuyện kể rằng: Dân thành Ninivê đã có những hành động “gian ác thấu tận trời cao” nhưng nhờ nghe tiếng cảnh cáo của Thiên Chúa, qua lời ngôn sứ Giôna, rằng “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ”. 

Từ vua quan cho tới dân đen, họ đã “khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình” (Gn 3, 8). Cuối cùng “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại. Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (Gn 3, 10).

Một phút suy tư

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay trích Tin Mừng thánh Maccô với tiêu đề “Đức Giêsu khai mạc công việc rao giảng - Đức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên”. (Mc 1, 14-20).

Nhưng nếu được phép thay đổi tiêu đề. Vâng, chúng ta có thể đặt một tiêu đề mới, đó là “những tiếng gọi của Đức Giêsu”.

Những tiếng gọi của Đức Giêsu. Đúng vậy. Tiếng gọi thứ nhất “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Tiếng gọi thứ hai “Hãy theo Ta”.

Những tiếng gọi này không chỉ dành riêng cho các môn đệ năm xưa. Nó vẫn là tiếng gọi dành riêng cho mỗi chúng ta hôm nay.

Những tiếng gọi này không ở thì “quá khứ”. Nó luôn ở thì “hiện tại”.

Chúng ta vẫn lắng nghe mỗi ngày?

Hay chúng ta chỉ nghe những tiếng gọi nơi trần gian, những tiếng gọi của nhục dục, những tiếng gọi của tiền bạc, của danh vọng, của quyền lực, là những tiếng gọi của ma quái, của quỷ thần!!!.

Ôi! Nếu quả là như thế thì hiểm nguy đang chờ chực nơi chúng ta.

Hãy nghe lời Chúa cảnh báo qua môi miệng thánh Phaolô. Vâng, thánh nhân đã nói rằng “thời gian chẳng còn bao lâu nữa… bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cor 7, 29…31).

Hôm nay, chúng ta vẫn đang chấp nhận “bỏ hết mọi sự” cho những việc “đang biến đi” trên trần gian này! Hay chúng ta chỉ chấp nhận “bỏ hết mọi sự” cho những việc có liên quan đến Tin Mừng Cứu Rỗi, có lợi ích cho công việc “lưới người” ?

Nếu chúng ta chấp nhận “bỏ hết mọi sự” cho công việc “lưới người”…

Vâng, hãy có một cử động của tâm hồn để nghe lời Chúa Giêsu tuyên phán: “Này con lặng nghe Giêsu phán tuyên. Hãy theo Ta, mau bước đi, hãy theo Ta. Lời đây trọn đêm ngày luôn nhắc khuyên. Hãy theo Ta, mau đến đây, hãy theo Ta. Ta nếm mùi cay đắng thay con rồi. Chuộc con Ta đã chết cách nhục nhã. Đau khổ vì con trả xong nợ tội. Hãy theo Ta, mau đến đây, hãy theo Ta” (*)

Petrus.tran

……..
(*) Hãy theo Ta: tác giả George D. Watson

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây