TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy

Thứ bảy - 18/03/2023 06:38 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1102
“Anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được” (Ga 9, 7).
tbd 180323a


Chúa Nhật IV – MC – A
Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, nếu đem so sánh giữa người bị mù bẩm sinh được trông thấy sự sáng sủa ở thế gian, với người có thể trông thấy hết thảy sự vật kể từ khi sinh ra, thì ai sẽ là người cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn, đối với sự vật được trông thấy!

Vâng, có phần chắc, chúng ta sẽ trả lời, rằng: người cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn, chính là người bị mù bẩm sinh.

Quả đúng là vậy. Bởi vì, không có gì đau khổ cho bằng khi vừa mới sinh ra đã phải sống trong cảnh “Lần mò phận lấy thương thân; Làm sao biết được phương gần phương xa”. Và có gì bất hạnh hơn khi người đó chỉ: “Nghe tiếng Cha, biết vậy mà! Nghe tiếng Mẹ, Mẹ ấy à, Mẹ ơi!” (thơ Mặc Giang).

Mà, có phải là chỉ đau khổ về thể xác thôi đâu! Còn đó là nỗi đau khổ về tinh thần. Nỗi đau khổ về tinh thần phát xuất từ “thói đời” mà ra. Thói đời, khi một ai đó bị hoạn nạn tật nguyền, người ta thường nghĩ rằng, chắc tại “kiếp trước” người đó sống thất đức, nên họ phải gánh chịu những bất hạnh khổ đau cho kiếp này. Hoặc, đại loại là “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Do Thái giáo xưa, cũng cùng một quan điểm nêu trên. Với Ki-tô giáo thì sao? Thưa, niềm tin Kitô giáo không cho phép nghĩ như vậy. Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã thẳng thừng lên tiếng bác bỏ luận điệu phi nhân bản như thế. Không chỉ bác bỏ, Đức Giê-su còn đưa ra quan điểm riêng của mình. Vâng, quan điểm của Ngài đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gioan, qua câu chuyện: “Đức Giê-su chữa một người mù từ thuở mới sinh” (Ga 9, 1-41).

**
Chuyện kể rằng: Hôm ấy, khi Đức Giê-su ra khỏi Đền Thờ, Ngài “nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh.”

Những người môn đệ đi theo Ngài cũng nhìn thấy. Nhưng thay vì nhìn anh mù với một tấm lòng nhân ái, các ông lại nhìn anh ta với một cái nhìn theo tập tục Do Thái giáo. Theo tập tục Do Thái giáo, với những ai bị tật nguyền như đui mù què quặt, họ cho rằng, kẻ đó bị Thiên Chúa trừng phạt.

Chính vì thế, các môn đệ đã hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy! ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”

Ai, ai đã phạm tội! Hôm ấy, Đức Giê-su đã trả lời, rằng: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh”.

“Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy… Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” Vâng, Đức Giê-su đã tiếp lời như thế đấy.

Và, không để các môn đệ luẩn quẩn trong một mớ tập tục phản nhân bản, “Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và sức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa”. Chuyện kể tiếp rằng: “Anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được” (Ga 9, 7).

Vâng, anh mù bẩm sinh đã đến Si-lô-ác. Đó là hành động của niềm tin. Chính niềm tin này đã giúp anh ta vượt thắng dư luận của thế gian lẫn của thần quyền.

Hôm ấy, từ Si-lô-ác trở về, dư luận thế gian đã bủa vây anh ta với tất cả sự hoài nghi: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” Có người nói: “Chính hắn đó”. Kẻ khác nói: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!”.

Thế nhưng, dù dư luận thế gian có: “nói ngả nói nghiêng” lòng tin anh mù “vẫn vững như kiềng ba chân”. Hôm ấy, anh mù vẫn một lời quả quyết: “Chính tôi đây… Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy.” (x.Ga 9, 11).

Còn dư luận thần quyền! Vâng, khi biết được người chữa lành anh là một “Người tên là Giê-su”. Những ông kẹ Phariseu đã ra sức gây cho anh sự hoang mang. Họ nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabat”. Có người lại nói: “Một người tội lỗi sao có thể làm những dấu lạ như vậy?” Hôm ấy, giữa họ đã xảy ra sự chia rẽ. Riêng anh mù, anh ta vẫn lớn tiếng nói, Đức Giê-su “là một vị ngôn sứ”.

Lời tuyên bố của anh mù như một thách thức lớn đối với người Pha-ri-sêu. Họ đã “gọi cha mẹ anh ta đến” để làm một cuộc điều tra. Kết quả, cha mẹ anh ta đã khéo léo trả lời, rằng: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đó mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó, nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.”

Mà, thật vậy. Anh mù đã tự mình “khai” tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh, rằng: “Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được”. Rằng: “Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi, còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”.

Chính, chính những lời khai của anh ta đã làm “cáu tiết” quý ông Pha-ri-sêu. Và rồi quý ông Pha-ri-sêu đã “trục xuất anh”. Như họ đã từng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.

Nghe người ta trục xuất anh, Đức Giê-su tìm gặp lại anh và hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?… Chính Người đang nói với anh đây”. Trước mặt Đức Giê-su, anh mù nói: “Thưa Ngài, tôi tin. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người”.

***
“Trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được.” Vâng, một người mù bẩm sinh lại được trông thấy hết thảy mọi sự vật nhờ vâng lời Đức Giê-su, sau khi đi đến hồ Si-lo-ác rửa đôi mắt mình.

Cũng giống như vậy, đối với chúng ta chăng! Chúng ta đã sinh ra giữa sự tăm tối mù mịt phần linh hồn, thế rồi một ngày nọ, “ánh sáng trong Đức Giê-su là ơn đức tin được ban cho chúng ta nhờ Bí Tích Rửa Tội”, nhờ đó chúng ta được biết và được “trông thấy” lẽ thật.

Lẽ thật là chúng ta có một Thiên Chúa là Cha. Người “…yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16).

Ơn đức tin còn được tăng cường bởi Bí Tích Thêm Sức. Nói rõ hơn, đó chính là Thần Khí sự thật. “Khi nào Thần Khí sự thật đến”. Đức Giê-su nói: “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”.

Vâng, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã đến “Hồ Rửa Tội”. Thế nên, hãy tự hỏi lòng mình rằng: Từ giếng rửa tội, trở về với đời sống đức tin, chúng ta có lớn tiếng nói, như anh mù bẩm sinh đã nói: “Thưa Ngài, tôi tin” – “Lạy Chúa Giê-su – con tin Ngài”!

Về điều này, Lm Charles E.Miller có lời chia sẻ: “Kẻ không có đức tin ‘nhìn’ người anh em đồng loại và chỉ thấy một con vật có lý trí. Còn ai có niềm tin thì ‘thấy’ đó là một người con của Thiên Chúa”.

“Kẻ không có đức tin ‘nhìn’ cảnh đau khổ và chỉ thấy một thảm kịch. Còn ai có niềm tin thì ‘thấy’ và xác tín rằng đau khổ là được thông phần vào thập giá của Đức Ki-tô”.

“Kẻ không có đức tin cầm một quyển Kinh Thánh trong tay và ‘chỉ thấy” toàn là những dòng chữ. Còn ai có đức tin thì ‘nhìn thấy’ đó là ‘đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi” v.v…

Thế nên, thật phải đạo khi chúng ta ghi khắc trong con tim mình, lẽ thật rằng: “mù mắt sáng hồn hơn mù hồn sáng mắt”.

Hôm nay, mù-thể-lý không còn là điều đáng sợ. Y học ngày nay cho biết, những bệnh có thể gây mù, lé, nhược thị ở trẻ em thường gặp nhất, đó là: bệnh ROP, glocom bẩm sinh, đục thủy tinh thể và bướu nguyên bào võng mạc. Nhưng, nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ ngăn ngừa được mù lòa, giảm thiểu biến chứng.

Có sợ, chúng ta hãy sợ mình rơi vào căn bệnh “mù quáng”. Người mù quáng thấy rõ những “cái rác trong đôi mắt của người anh em”, nhưng lại không nhìn thấy “cái xà trong con mắt của mình”. Thật đúng với câu: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng.”

Mù thể lý là một mất mát lớn, nhưng không làm hại ai. Còn người bị bệnh “mù quáng”, họ có thể gây ra vô số điều tai hại cho mình cũng như cho tha nhân.

Kinh Thánh cho chúng ta thấy những ai mắc căn bệnh mù quáng đều trở thành kẻ sát nhân.

Trường hợp Vua David như một điển hình. Tuy đã có nhiều thê thiếp, nhưng David lại say mê bà Bát-sa-bê là vợ của Uria. Sự say mê đó đã làm cho nhà vua trở nên “mù quáng”. Bất chấp đạo lý, ông ta tìm cách chiếm đoạt Bát-sa-bê.

Một âm mưu thâm độc được ông ta vạch ra. Đó là mượn tay quân thù giết chết Uria chồng bà Bát-sa-bê, ngoài mặt trận. Uria chết, ông David công khai lấy bà Bát-sa-bê.

Thế là cùng một lúc David phạm hai tội ác: tội ngoại tình và tội giết người. Thế mà, nhà vua vẫn bình thản như không thấy gì. Nhờ Ngôn Sứ Na-ta-an đến cảnh tỉnh, David mới nhận ra căn bệnh “mù quáng” của mình, ông ăn năn thống hối. (II Sm 11,1-12,12).

Tưởng chúng ta cũng nên nhắc đến một ông vua nữa, ông Hê-rô-đê. Trước “một điệu vũ làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích” của con gái bà Hê-rô-đi-a, Hê-rô-đê trở nên “mù quáng” chém đầu Gio-an Tẩy Giả, để đáp ứng lời yêu cầu của nàng vũ nữ.

Căn bệnh “mù quáng” rất đáng sợ. Nó làm cho ta sơ cứng tâm hồn. Sơ cứng tâm hồn làm cho ta mù nhân đức. Mù nhân đức… vâng, những con virus-ích-kỷ, virus-vô-cảm, virus-thành-kiến, virus-tự-cao-tự-đại v.v… tha hồ tung hoành ngang dọc trong tâm hồn ta.

Điều hiển nhiên, đó là chúng ta “mù bác ái, mù nhân hậu, mù từ tâm, mù nhẫn nhục, mù-sự-thật, mù-niềm-tin, mù-khiêm-nhường” v.v…

Thế nên, hãy xem lại đôi mắt tâm hồn của ta và tự hỏi: tôi có đang mắc phải căn bệnh mù quáng? Nếu có, hãy đến, không phải là đến hồ Si-lô-ác năm xưa, nhưng là “hồ Thánh Kinh”, nơi đây đôi mắt tâm linh của ta sẽ được chữa lành, nơi đây chúng ta sẽ được “nhìn thấy” đâu chính là “Đường, là Sự Thật và là sự sống” cho cuộc sống của mình.

Tại “hồ Thánh Kinh”, đôi mắt chúng ta sẽ nhận được một thứ ánh sáng, một thứ ánh sáng “lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5, 9). Vâng, đó chính là liều thuốc công hiệu nhất để ta “rửa sạch” đôi mắt mù quáng, của chúng ta.

Khi đã rửa sạch đôi mắt mù quáng của mình, chúng ta có thể nói, như người mù bẩm sinh xưa, đã nói: “Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây