TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tuyên xưng Đức Kitô (Mt 16, 13-20)

Thứ bảy - 26/08/2023 06:16 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   585
“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

TUYÊN XƯNG ĐỨC KITÔ
Chúa Nhật 21 Thường Niên năm A: Mt 16, 13-20.

LmTN 260823a

 

Suy niệm

Nhìn vào bối cảnh dân Israel trước Đức Giêsu, chúng ta thấy toàn dân đang trông chờ một Đấng Mêsia, để giải phóng họ khỏi kiếp sống lầm than và đưa dân tộc họ lên bá chủ thế giới. Đến khi Chúa Giêsu xuất hiện với những lời giảng dạy mới mẻ, đầy quyền năng, thì dân chúng lầm tưởng Ngài là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hoặc là một ngôn sứ thời xưa đã sống lại. Đức Giêsu không quan tâm đến việc dân chúng nghĩ gì về mình mà chỉ nhằm đến các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô liền tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Câu trả lời đúng như Chúa Giêsu muốn, nhưng Ngài cho biết, không phải tự ông biết điều đó, mà do Chúa Cha mạc khải.

Sự kiện trên lại xảy ra trong giai đoạn cuối của thời kỳ Đức Giêsu ở trần gian. Chính lúc đó, Ngài biết rằng đã đến lúc Ngài phải khởi đầu việc đặt nền móng xây dựng một tòa nhà thiêng liêng, nên đã tuyên bố Phêrô là Tảng Ðá để xây Hội Thánh của Ngài, và trao cho ông chìa khóa Nước Trời. Một quyết định xem ra bất ngờ, và làm mọi người ngỡ ngàng, vì Phêrô cũng chỉ là một ngư phủ bình thường, ít học, chỉ có sự nhiệt tình, nhưng lại không vững vàng, bị Thầy khiển trách nhiều nhất. Nhưng vì hiểu được Ý Cha trong biến cố này, nên Đức Giêsu đã đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội, đại diện cho Ngài là Đá Tảng duy nhất.

Nhìn lại cuộc trắc nghiệm của Chúa Giêsu, chúng ta thấy niềm tin của đám đông rõ ràng còn phiến diện, nhưng niềm tin của các tông đồ cũng chưa hoàn chỉnh. Niềm tin ấy dường như còn bám rễ vào một quan niệm Thiên Sai ái quốc và duy quốc gia. Vì vậy mà Đức Giêsu cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Ngài là Đấng Kitô”, bởi vì một lời tuyên xưng đúng đắn vẫn không đảm bảo cho một đức tin trung thực. Và điều này được chứng minh ngay sau đó, qua phản ứng của Phêrô khi nghe Đức Giêsu loan báo cuộc Thương Khó. Ông tỏ vẻ tài khôn khuyên can Thầy đừng làm như vậy, và đã bị Thầy quở trách nặng nề, gọi ông là Satan vì đã cản bước đường Ngài.

Bài Tin Mừng cho chúng ta xác tín sâu xa về Giáo Hội trần thế mà Chúa Giêsu đã thiết lập, là con đường đưa tới Nước Trời. Nếu ai nói rằng, mình có thể đạt tới Đức Kitô hay có thể hòa nhập với Ngài mà không cần đến Giáo Hội, là đi tới nguy cơ lầm đường lạc lối. Làm như vậy là dựng nên một Đức Kitô theo tầm mức của mình, là tưởng tượng ra một Đức Chúa cho vừa vặn với suy nghĩ và ý muốn của mình, là từ khước một Đức Kitô như Ngài đã tự mạc khải cho chúng ta.

Tuy nhiên, cũng có một số người dị ứng với quyền bính trong Giáo Hội. Chúng ta biết rằng, quyền chìa khóa được ban cho các mục tử là để phục vụ việc đi theo Đức Kitô, là giúp người ta đến với Ngài và trở thành môn đệ của Ngài, chứ không phải là quyền ép buộc đoàn chiên đi theo sở thích hoặc ngẫu hứng của mình. Quyền này được trao để phục vụ sự sống, chứ không phải quyền sinh sát trên đoàn chiên. Trong tiếng La Tinh, quyền bính auctoritas”, do động từ augere” có nghĩa là “làm cho lớn lên”. Quyền bính trong Giáo Hội là phương tiện chỉ để phục vụ cho sự tăng trưởng mà thôi. Cho dù có những cá nhân lạm dụng quá đáng quyền bính này, nhưng không vì thế mà Giáo Hội rơi vào sai lạc, hay đánh mất vai trò và bản chất đích thực của mình.

Quả thực, Hội Thánh là thực tại nhỏ bé nhất, nghèo hèn nhất, yếu đuối nhất, vì qui tụ quanh một máng cỏ và một cây thập giá. Nhưng Hội Thánh cũng là thực tại cao cả nhất, giàu có nhất, vinh hiển nhất, mạnh mẽ nhất, bởi vì Đấng sinh ra trong máng cỏ cũng là Đấng chịu đóng đinh trên đồi Sọ, và là chính Đấng đã sống lại, và đang hiển trị trên muôn loài muôn vật. Cuối cùng, bài Tin Mừng đặt ra cho mỗi người chúng ta hai câu hỏi hết sức quan trọng:

- Chúa Giêsu là ai và có ý nghĩa gì trong cuộc đời tôi?

- Tôi là ai và như thế nào dưới cái nhìn của Chúa Giêsu?

Mỗi người phải tự trả lời cho mình. Đây là cuộc khám phá cá nhân mà mỗi người chúng ta phải thực hiện cho chính mình. Phêrô đã khám phá ra được chân lý quan trọng, nên ông đã được trao ban đặc đặc ân và trách nhiệm lớn lao. Chúng ta cũng vậy, muốn được vinh dự góp phần với Chúa thì tự mình phải khám phá ra Ngài sâu hơn mỗi ngày. Nếu ta thực sự muốn kiện toàn đời mình, muốn trở nên trọn vẹn là chính mình, muốn nhận ra sứ mạng của đời mình, thì không chỉ tuyên xưng Đức Kitô, mà còn tuyên xưng cả lòng yêu mến thẳm sâu, nghĩa là để Chúa chiếm hữu hoàn toàn cuộc đời mình như thánh Phêrô xưa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Giáo lý của Chúa sẽ không đánh động,
không sâu rộng và lôi cuốn hiệp thông,
nếu như không có những mầu nhiệm thánh.


Khát vọng nơi con người là như thế,
chiếm hữu rồi mà lòng vẫn chưa thôi,
đạt tới đích mà trí chẳng đặng yên,
vì ngoài Chúa chẳng có gì mãn nguyện.


Mầu nhiệm mở cho con tầm nhìn mới,
hướng về “phía bên kia” mọi tri thức,
mời gọi con vươn lên mãi không ngừng,
nên con thích suy gẫm những mầu nhiệm,
mà Giáo Hội là mầu nhiệm đầu đời,
đã cho con trở thành con cái Chúa.


Giáo Hội không “nảy sinh từ bên dưới”,
do ý muốn toan tính của con người,
nhưng Giáo Hội “phát xuất từ trên xuống” 
chính là lòng nhân hậu Chúa xót thương,
xem ra như một tổ chức bình thường,
nhưng bản chất vẫn luôn là siêu vượt,
vì là vừa nhân loại vừa thần linh,
vừa phẩm trật vừa mang tính siêu hình.


Giáo Hội còn là thân thể nhiệm mầu,
bởi vì chính Đức Ki-tô là Đầu,
nhưng Giáo Hội vẫn mang thân lữ khách,
bước đi giữa cám dỗ và thử thách.


Xin cho Giáo Hội biết luôn thanh tẩy,
sống trung tín trong ngần và thánh thiện,
như một hiền thê xứng đáng của Chúa mình,
biết nương theo tác động của Thánh Linh,
để hoàn thành chính mình trong nguồn cội,
là công trình cứu độ của Ba Ngôi. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây