TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phải qua đau khổ để vào vinh quang

Thứ năm - 31/08/2023 09:20 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   590
“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”

Chúa Nhật XXII – TN – A
Phải qua đau khổ để vào vinh quang

tbd 310823a

 

Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng, Đức Giê-su: “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô, Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.”

Chúng ta, chúng ta đã tin như thế. Và, Giáo Hội gọi đó là niềm tin tông truyền. Gọi là niềm tin tông truyền vì niềm tin này do các tông đồ xưa, truyền dạy.

Các tông đồ đã truyền dạy. Thế nhưng, hồi đó, khi Đức Giê-su nói đến sự kiện Ngài sẽ “phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết”, thì các ông, đại diện là Phê-rô, “giãy nảy lên” phản đối. Sự phản đối của tông đồ Phê-rô được Đức Giê-su đáp lại bằng một bài giáo huấn để đời.

Bài giáo huấn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 16, 21-27).

**
Chuyện là thế này. Sau khi biết được dư luận thiên hạ nói về Ngài là ai, và ông Phê-rô đã có một lời tuyên xưng “đáng nhớ”, thì “Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết…”

Đức Giê-su tỏ cho các môn đệ biết điều gì? Thưa, “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Khi nghe lời tuyên bố này, tông đồ Phê-rô đã phản ứng ngay lập tức. Vâng, phản ứng của ông Phê-rô, đó là: “liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.” Ông ta trách rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy.”

Xin-Thiên-Chúa-thương… Vâng, đó là một “hảo ý”, một lời cầu xin tốt cho Thầy và cứ sự thường là đáng khen, phải không, thưa quý vị!

Ấy thế mà! Thế mà cái ý tốt đó, lại là nguyên cớ để Đức Giê-su khiển trách ông. Hôm ấy, Đức Giê-su đã khiển trách Phê-rô rằng; “Sa-tan, lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

***
Gọi Phêrô là “Satan”, nhưng Đức Giê-su không bảo Phê-rô “xéo đi”, như có lần Ngài đã nói với “tên cám dỗ” trong hoang địa.

Nhớ, một lần nọ, Đức Giê-su “vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ”. Trong hoang địa: “Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó Người thấy đói.”

Cơ hội ngàn năm một thuở đã đến, “tên cám dỗ đến gần Người” Ba lần đưa ra những lời cám dỗ đầy mưu mô, xảo quyệt, nhưng Đức Giê-su không sập bẫy. Cuối cùng, Ngài lớn tiếng nói: “Satan kia, xéo đi”.

Còn hôm nay, gọi Phê-rô là Satan đấy! Thế nhưng Đức Giê-su không đuổi ông ta. Trái lại, Ngài chỉ nói: “Lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy...”

Từ ngữ Satan mà Đức Giê-su nói với ông Phê-rô được hiểu như là “người cản trở”. Có một ý nghĩa khác có vẻ nặng lời hơn “người chống đối”. Vâng, Đức Giêsu muốn nói với Phêrô rằng, đừng “cản trở” phương cách cứu độ mà Thiên Chúa đã giao cho Người. Đừng “chống đối” chương trình cứu độ của Người.

Vào một đêm nọ, tại Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu cũng đã nói rõ phương cách “cứu nhân độ thế” của Ngài cho ông Nicôđêmô, rằng: “như ông Môse đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15).

“Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”. Giương cao như thế nào! Thưa, chính là giương cao trên thập giá. Đó... đó mới chính là “Tư Tưởng Của Thiên Chúa”.

Tư tưởng của Thiên Chúa là “qua đau khổ để vào vinh quang” Và, đó là lý do Đức Giê-su đã có lời phán truyền với các môn đệ, rằng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”

Có thể nói rằng, lời phán truyền này như là điều khoản then chốt của “bản hợp đồng” giữa Đức Giê-su và những ai muốn đi theo Ngài.

Có lẽ, có lẽ không ít người trong chúng ta sẽ cảm thấy “lạ lẫm” khi Đức Giê-su có lời khuyên rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”

Thế nhưng, với thánh Phao-lô, thì “điều khoản” này không có gì lạ lẫm. Sau cú “ngã ngựa” tại Damas, ông Phao-lô đã cảm nghiệm được rằng: “Thiên Chúa thương xót chúng ta” Và, ông đã có lời khuyên cộng đoàn Roma, lời khuyên rằng: “tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.”

Đón nhận “điều khoản” của Đức Giê-su và lời khuyên nhủ của ngài Phao-lô, vâng, chúng ta có thể nói rằng, đó là sự khôn ngoan, một sự khôn ngoan cho tiến trình “đi theo Chúa”. Nói cách khác, cho đời sống đức tin của mình.

Hãy nhìn ngôn sứ Giê-rê-mi. Mặc cho “Vì lời ĐỨC CHÚA mà (ông ta) bị sỉ nhục và chế diễu suốt ngày”, ngài ngôn sứ vẫn lớn tiếng tung hô: “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ.” (Gr 20, 7).

Thế nên, hãy đón nhận “điều khoản” của Đức Giê-su và lời khuyên của ngài Phao-lô. Bởi vì, Đức Giê-su chẳng phải là đã có lời truyền dạy rằng: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình”, đó sao?

****
Điều khoản của bản hợp đồng giữa Đức Giê-su và những ai muốn đi theo Ngài, là thế đó.

Xưa, các môn đệ đã ký. Thánh Phao-lô đã ký. Thánh Tê-pha-nô đã ký. Hơn hai mươi thế kỷ qua, nhiều người cũng đã ký. Còn chúng ta? Chúng ta cũng đã ký?

Hãy ký, đừng ngại ngùng! Đức Giê-su kêu gọi những “ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”, không có nghĩa là người đó phải “vác một chiếc thập giá bằng gỗ”, chân cao chân thấp đi lên Golgotha, như xưa kia Ngài đã phải làm.

Vác-thập-giá-mình, thánh Phao-lô có lời dạy, đó là: “Đừng có rập khuôn theo đời này, nhưng hãy biến cải con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo.” (Rm 12, 2).

Thế nào là rập-khuôn-theo-đời-này? Thưa, đó là: “ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trác, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa” (2Tm 3, 2-4).

Khi chúng ta không rập-khuôn-theo-đời-này, thì đó chính là lúc chúng ta biến cải con người mình, và khi đã biến cải con người mình, có phần chắc, tâm thần chúng ta sẽ đổi mới. Có phần chắc, chúng ta sẽ “nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo.”

Để có thể thực hiện những điều khoản trong bản hợp đồng mà Đức Giê-su đã đề ra, cũng như tuân hành điều thánh Phao-lô truyền dạy, Lm. Charles E.Miller có lời khuyên nhủ, rằng: “Hãy tham dự Thánh Lễ. Qua kinh nguyện Thánh Thể và đặc biệt là nghi thức Truyền Phép, anh chị em phải kết hợp với Đức Ki-tô - Tư Tế của chúng ta - để dâng mình lên Thiên Chúa là Cha, y hệt như Đức Giê-su đã tự hiến mình trên thập giá. Đó sẽ là cách nói lên chúng ta muốn thi hành ý Chúa trong cuộc sống, mặc cho hệ lụy có ra sao.”

Nói cách khác, kết hợp cuộc sống của mình với Thánh Kinh và Thánh Thể, đó sẽ là phương cách tốt nhất để chúng ta tuân thủ “bản hợp đồng”, một bản hợp đồng được đóng ấn bởi “cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô”.

Xưa, khi Đức Giê-su nói đến việc “phải lên Giê-ru-sa-lem”, dù đã có đôi lời “càm ràm” nhưng hầu hết các môn đệ, ai nấy đều tuân hành điều Thầy mình truyền dạy. Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô, như là những điển hình.

Còn hôm nay, mọi lời tuyên phán của Đức Giê-su “đã hoàn tất”. Và chúng ta, cũng đã tuyên xưng vào mỗi Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, rằng: “Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.” Thế thì, chúng ta lại càng phải tuân hành điều Đức Giê-su truyền dạy.

“Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ” Thế nên, chúng ta cũng phải, “phải qua đau khổ để vào vinh quang.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây