TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hiếu Ca

Thứ bảy - 26/08/2023 08:00 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   690
Hiếu ca là một bản nhạc dân tộc từ hơn ngàn năm để lại trên mảnh đất hiếu đạo tại Việt Nam .
Hiếu Ca
Hiếu Ca



Hiếu ca là một bản nhạc dân tộc từ hơn ngàn năm để lại trên mảnh đất hiếu đạo tại Việt Nam. Là lời ca ru con từ tấm bé, là bài học cho con ghi lòng tạc dạ từ thưở phôi thai, ai lớn khôn mà chẳng nhớ ít lời mẹ ru. Con đường hiếu ca làm nên hiếu đạo ngay từ trong tâm thức để kiến tạo gia đình, một làng và cả một nước.

 “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng”. (Hc 3, 3 – 6).
Lược lại một số ca dao trong nguồn kho tàng đất Việt để nhận ra lời dạy của Thiên Chúa mạc khải trong Thánh Kinh. Người Kitô hữu chúng ta sẽ khám phá ra mảnh đất của Thánh Kinh đã được Thiên Chúa chuẩn bị cho trên mảnh đất Việt dễ dàng đón nhận.
Công ơn:
Ghi nhận đầu tiên nơi mọi con người sống là “Ơn nghĩa sinh thành”. “Không cha không mẹ, làm sao có mình”. Quy luật của tự nhiên của sự sống con người là quy luật bất biến được Thiên Chúa chúc lành trên người cha, người mẹ: “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất”. Lời chúc phúc này dù hồng thuỷ hay tội lỗi cũng không xoá bỏ được.
"Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ Hiếu, mới là đạo con".



hay:
"Công cha nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.
Đội ơn chín chữ cù lao,
Sanh thành kể mấy non cao cho vừa".



Lúc người con ở xa, không về chăm nom cha mẹ được thì ước nguyện, cầu khấn cho cha mẹ được an vui, khoẻ mạnh, ở đời với con:
"Biển đông còn lúc đầy vơi,
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng".



 "Đêm đêm khấn nguyện Phật trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con".



"Muốn cho gần mẹ gần cha,
Khi vào thúng thóc, khi ra quan tiền".
Ai về tôi gửi buồng cau,
Buồng trước kính Mẹ, buồng sau kính Thầy.
Ai về tôi gửi đôi giầy,
Phòng khi mưa gió để Thầy Mẹ đi".



 "Ơn hoài thai, to như bể!
Công dưỡng dục, lớn tợ sông!
Em nguyện ở vậy không chồng,
Lo nuôi cha mẹ hết lòng làm con".



Người con gái đi lấy chồng xa cũng bị trách:
"Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lấy, để lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu, mẹ già.
Bát cơm đôi đũa, kỹ trà ai dâng?"



 "Nếu mình hiếu với mẹ cha
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công".



hay là:
"Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận
Ngỗ nghịch nào con có khác chi!
Xem thử trước thềm mưa xối nước
Giọt sau giọt trước chẳng sai gì".



"Ở đời ai cũng có lần
Làm cha mẹ mới biết ơn sinh thành.
Người xưa khó nhọc nuôi mình
Khác chi mình đã hết tình nuôi con".



Nhưng người con cũng biết cha mẹ thương con không phải giống nhau, cha có lòng thương của người cha, mẹ có lòng thương của mẹ, nên người con cũng biết phân biệt:



"Mẹ dạy thì con khéo,
Bố dạy thì con khôn".



"Mồ côi cha ăn cơm với cá,
Mồ côi mẹ, lót lá mà nằm".



 "Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ".



"Ai rằng công mẹ như non,
Thật ra công mẹ lại càng lớn hơn".



"Lòng mẹ như bát nước đầy,
Mai này khôn lớn, ơn này tính sao".



"Nhớ ơn chín chữ cù lao,
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình".



"Con ho lòng mẹ tan tành,
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi".



"Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn".



"Mẹ ngảnh đi, con dại,
Mẹ ngảnh lại con khôn".



"Mẹ giàu con có, mẹ khó con không".



"Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau".



"Bồng cho con bú một hồi,
Mẹ đã hết sữa, con vòi con la".



"Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời".



"Những khi trái nắng trở trời,
Con đau mà mẹ đứng ngồi không yên".



"Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con".
Lớn lên theo chồng nơi xa. Lập gia đình rồi con ra riêng không còn ở gần cha mẹ thì thương:
 "Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều".



"Giữa đêm ra đứng giữa trời,
Cầm tờ giấy bạch chờ lời mẹ răn".



"Trải bao gian khổ không sờn,
Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền".



 "Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con".



"Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già".



"Đói lòng ăn đọt chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng".



"Đói lòng ăn trái ổi non,
Nhịn cơm nuôi mẹ, cho tròn nghĩa xưa".



"Dấn mình gách nước làm thuê,
Miễn nuôi được mẹ quản gì là thân".



"Vô chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền".



"Nuôi con chẳng quản chi thân
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.
Biết lấy gì đền nghĩa khó khăn,
Lên non xắn đá, xây lăng phụng thờ".



"Đây bát cơm đầy nặng ước mong,
Mẹ ôi, đây ngọc với đây lòng,
Đây tình con nặng trong tha thiết,
Ơn nghĩa sanh thành, chưa trả xong".



Ai rồi cũng một lần buồn khóc khi cha mẹ không còn nữa, những nuối tiếc đau thương tràn về.



"Ngó lên trời thấy cặp cu đang đá,
Ngó ra ngoài biển, thấy cặp cá đang đua,
Đi về lập miếu thờ Vua,
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha".



"Đi đâu bỏ mẹ ở nhà,
Gối nghiên ai sửa, chén trà ai dâng".



"Năm xưa tôi còn nhỏ, Mẹ tôi đã qua đời.
Lần đầu tiên tôi hiểu,
Thân phận kẻ mồ côi".
"Quanh tôi ai cũng khóc,
Im lặng tôi sầu thôi,
Để dòng nước mắt chảy,
Là bớt khổ đi rồi...".
"Độ nhỏ tôi không tin,
Người thân tôi sẽ mất
Hôm ấy tôi sững sờ
Và nghi ngờ trời đất".
Hoàng hôn phủ trên mộ,
Chuông chùa lạnh rơi rơi,
Tôi thấy tôi mất mẹ,
Mất cả một bầu trời!".



"Từ nay tôi hết thấy
Trên trán mẹ hôn con
Những khi con phải đòn
Đau lòng mẹ la lẫy".
Lúc cô đơn, mồ côi thấy cảnh gia đình khác còn cha mẹ thì:
 "Kìa nhà ai sung sướng
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm mẹ con không có
Khi buồn biết trốn đâu".
 "Con có cha như nhà có nóc,
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi".



"Khôn ngoan nhờ ấm ông cha,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ,
Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem kính yếu mà thờ từ nghiêm".



"Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha mất, gót con đen sì".



"Cha tôi tuy đã già rồi,
Nhưng còn làm lụng để nuôi cả nhà,
Sớm hôm vừa gáy tiếng gà,
Cha tôi đã dậy để ra đi làm".



 "Nghiêng bình mở hộp nút ra,
Con ơi, con bú cho cha yên lòng".



 "Mẹ đánh một trăm, không bằng cha ngăm một tiếng".



Một số ca dao, lời thơ, nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục nên ta viết thành hiếu ca. Hiếu là một con đường của tự nhiên xuất phát từ cội rễ: “uống nước nhớ nguồn” để dẫn tới hiếu đạo siêu nhiên. Tạ ơn Thiên Chúa tác tạo nên ta, cha mẹ là những người trực tiếp cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.



“Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc.” (Hc 3, 8)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây