TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hàn gắn vết thương

Thứ bảy - 19/08/2023 10:49 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   579
Hàn gắn đau thương bằng việc chấp nhận nó bằng tình yêu. Khi có đủ tình yêu ta sẽ ghép lại đời ta bằng những ân sủng của Chúa, trở nên đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Hàn gắn vết thương

Người ta thường nói: “Nước đổ khó hốt”. Thực ra có một nghệ thuật hàn gắn của người Nhật, đó là Kintsugi, biến gốm vỡ thành đồ quý, bằng cách nối đường vỡ bằng vàng. Đây cũng là nghệ thuật hàn gắn tổn thương tâm lý.

Con người ta luôn có những đổ vỡ đau thương, nhất là để lại vết thương tâm lý. Ta có thể có những vết thương mang nhiều nét đau thương khác nhau cần được tự chữa lành, không ai giống ai.
Hàn gắn vết thương bằng việc phục hồi lại những gì đã mất. Khi một tâm hồn đau thương, ta thường tự chì chiết làm cho vết thương đau hơn. Ta tưởng tượng, phóng đại tội lỗi của ta. Ta là quan toà tệ nhất trong phiên xử chính ta, phán xét đủ điều, đòi hỏi những điều phi thực tế. Ta có thể phục hồi bằng cách học tha thứ, tha thứ cho chính mình hay tha thứ cho người khác. Khi tha thứ là ta nhận ra lòng thương cảm, đón nhận những tan vỡ như thể là điều tự nhiên không tránh khỏi trong cuộc đời. Ta luôn nhớ tha thứ là sức mạnh của tình yêu. Một tình yêu để yêu thương cuộc sống, làm cho sự sống tiếp tục tuôn trào. Chúa Giêsu trên thập giá đã biểu lộ sức mạnh của tình yêu khi Người xin Chúa Cha: “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). Thiên Chúa tha thứ cho ta, ta cũng hãy tha thứ như vậy cho ta và cho anh chị em ta.
Không có gì bị phá vỡ. Những mảnh vỡ vẫn còn đấy, ta không thể vất bỏ nó, vì cách nào đó nó vẫn ở đó tận sâu trong tâm hồn ta, như người ta thường nói: “Khi cố quên là khi lòng càng nhớ thêm”. Ta hãy chữa lành nó bằng cách đón nhận nó như một kinh nghiệm ta đã trải qua, để trưởng thành hơn. Có những nỗi đau uất nghẹn, những mất mát đau thương ta không thể tránh. Đón nhận nó như nó là một thứ “Thú đau thương”. Trong nỗi đau tìm thấy sức mạnh, trong nỗi đau ta tìm thấy một lối mở “Biết hơn và thấm thía hơn ý nghĩa cuộc đời”. Học trong đau thương để đạt tới hạnh phúc, học trong nỗi thất vọng lối mở thành công. “Chúa Giêsu mời gọi “Vác lấy thập giá đời mình theo Chúa” (Lc 9, 23). Thập giá là đau thương và những đổ vỡ trong cuộc đời, ta cần đón nhận để vượt qua nó.
Hàn gắn bằng vàng. Đọc cuốn Kintsugi của tác giả Thomas Navaro ta thấy nhiều điều thú vị trong những đau thương mất mát của ta. Ta có thể không giấu đi được những nét mảnh vỡ sau khi ghép lại, nhưng những đường nét ấy lại chính là những điểm tô cho một cuộc đời dày dạn kinh nghiệm đau thương. Ta có thể đọc thấy trong kinh nghiệm của Thánh Phanxicô Xavier: “Trải qua muôn vạn hiểm nguy chết người, học cho biết tình thương của Chúa”. Mỏng manh, dễ vỡ nhưng lại chất chứa trong đó những ân sủng của Chúa, Thánh Phaolô viết: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” (2 Cor 4, 7)
Hàn gắn đau thương bằng việc chấp nhận nó bằng tình yêu. Khi có đủ tình yêu ta sẽ ghép lại đời ta bằng những ân sủng của Chúa, trở nên đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây