TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin cho con thứ bánh ấy

Thứ sáu - 14/05/2021 04:26 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   684
Xin cho con thứ bánh ấy

Chúa Nhật XVIII – TN – B

Xin cho con thứ bánh ấy

Sinh-lão-bệnh-tử… một vòng tuần hoàn, không ai trong chúng ta lại không phải đối diện. Khi nói tới “sinh tử”, có thể nói rằng, đó là nỗi băn khoăn, trăn trở suốt chiều dài lịch sử con người.

Đã có không ít người, (nhất là các vị vua chúa ngày xưa và những quan tham ngày nay), đau đáu với những ước mơ làm thế nào để có thể trường sinh bất tử. Không… Không bao giờ ước mơ đó có thể thành hiện thực.

Niềm tin Ki-tô giáo cho chúng ta biết rằng: vì nguyên tổ là Adam và Eva phạm tội bất trung, cho nên hai ông bà đã bị Thiên Chúa đoán phạt. Hình phạt đó, chính là sự chết. Vì tội nguyên tổ, cho nên con người, ai ai cũng đều phải chết.

Tuy nhiên, như lời Kinh Thánh nói, Thiên Chúa “không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (x.Ed 18, 23).

Và rồi, để thể hiện lòng thương xót, Thiên Chúa “…đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. “Con của Người”, chính là Đức Giê-su Ki-tô, hơn hai mươi thế kỷ trước, đã đến thế gian.

Đến thế gian, Đức Giê-su đã loan báo cho thế gian biết về một Tin Mừng cứu độ, một Tin Mừng cứu độ đem đến cho thế gian “phúc trường sinh”.

Ca-phác-na-um, chính là nơi đã được Ngài loan báo Tin Mừng này. và thánh sử Gio-an, đã ghi lại như sau:

**

Vâng, chuyện được ghi lại, rằng: Hôm đó, sau biến cố hóa bánh ra cho năm ngàn người ăn, Đức Giê-su đã lánh mặt, đi lên núi một mình. Lên núi, vì Ngài “biết họ sắp bắt mình đem đi mà tôn làm vua”.

Riêng nhóm môn đệ thì họ xuống bờ Biển Hồ, rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um, bên kia Biển Hồ. Và rồi một đêm trôi qua. Một đêm trôi qua, Thầy và trò cứ tưởng rằng không còn ai đến quấy rầy nữa.

Thực tế thì không phải vậy. Hôm ấy, (tức là hôm sau của biến cố phép lạ), bờ Biển Hồ lại nhốn nháo một rừng người. Một rừng người nháo nhác tìm kiếm Đức Giê-su.

Than ôi! Ngài đã đi rồi… Trong niềm nuối tiếc đó, họ lập tức cùng nhau “xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người”.

Đi tìm Đức Giê-su ư! Để làm gì? Không thấy thánh sử Gio-an cho biết, chỉ thấy ngài ghi rằng: Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”

Vâng, một câu hỏi xem ra rất tự nhiên. Thế nhưng, với Đức Giê-su thì khác. Cái khác đó là, họ hỏi là thế, thế nhưng tâm can của họ, là một tâm can nặng phần thế gian. Thế nên, hôm ấy, Đức Giê-su đã trách họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”.

Mặc cho đám đông đang còn kinh ngạc về lời nhận xét đó, Đức Giê-su tiếp lời truyền dạy, rằng: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (x Ga 6, 27).

Hôm ấy, sau khi nghe những điều Đức Giê-su nói, đám đông dân chúng nhao nhao lên chất vấn Ngài. Họ chất vấn đủ điều, nào là: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”. Nặng nề nhất, là lời chất vấn, rằng: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?”

Vâng, không thể tin được về những lời chất vấn đó. Thế là, cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu, đã không có tiếng nói chung. Đức Giê-su đã không thể thỏa lòng họ, là những kẻ, chỉ nghĩ đến những chuyện liên quan tới “bánh trần gian”.

Theo như điều họ mong đợi, đó là, phải chi Đức Giê-su là Mô-sê tái thế, một Mô-sê đã xin Thiên Chúa cho họ ăn man-na trong sa mạc, (một thứ bánh ăn rồi cũng phải chết).

Đó là một sự mong đợi sai lầm. Sứ điệp Đức Giê-su muốn gửi đến họ, (cũng như cho chúng ta hôm nay), đó là sự nhận biết về một sự sống “trên trời”. Sự sống đó phải được nuôi dưỡng bởi “bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.

Bánh đó, không phải là loại bánh được cung cấp bởi một “lò bánh” nào đó ở thế gian này. Nó được cung cấp từ chính Đức Giêsu. Vâng, hôm ấy, chính Đức Giê-su đã dõng dạc tuyên bố trước cử tọa rằng: “Chính tôi là bánh trường sinh” (x.Ga 6, 35).

***

“Chính tôi là bánh trường sinh”. Đức Giê-su đã tuyên bố như thế.

Thưa bạn, bạn muốn được “nếm và biết” loại bánh này, chứ?

Hay, chúng ta lại thích những loại bánh do những “lò bánh” của thế gian sản xuất, những loại bánh được nhồi bởi những loại bột-dâm-bôn, bột-phóng-đãng, bột-hận-thù, bột-bất-hòa, bột-chia-rẽ, bột-bè-phái, bột-ganh-tỵ, bột-say-sưa-chè-chén v.v…?

Hay chúng ta lại thích thưởng thức những loại “bánh vẽ”, những loại bánh dán mác chủ nghĩa duy vật – vô thần, trông thì đẹp nhưng ăn thì chát đắng, những chát đắng của bất công và bạo lực, của thờ ơ và lãnh đạm v.v…

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, những kẻ “ăn” bánh được nhồi bởi những loại bột (nêu trên), thánh Phao-lô nói: “sẽ không được thừa hưởng Nước Trời”.

Chúng ta là những con người có hồn có xác. Để nuôi dưỡng thể xác, chúng ta phải ăn, nếu không ăn, chúng ta sẽ chết. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng: “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”. Và, đừng quên lời Kinh Thánh đã dạy: “Người ta sống không chỉ bởi cơm bánh, nhưng còn nhờ vào lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

Vâng, như lời thánh Augustino nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”

Hôm nay, cũng vậy trước lời mời gọi của Đức Giê-su: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi…không hề phải đói”, chúng ta cũng cần “phải đến” với Ngài…

Phải đến với Đức Giê-su, và nói với Ngài: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”.

Vâng, nếu chúng ta muốn được hưởng phúc-trường-sinh, phải đến trước bàn Tiệc Thánh Thể và nói: Lạy Chúa, “xin cho con thứ bánh ấy”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây