TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sai con đi

Thứ sáu - 14/05/2021 04:20 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   695
Sai con đi

Chúa Nhật XV – TN – B

Xin hãy sai con đi

Đức Giê-su, trước khi về trời, Ngài đã có lời truyền dạy với các tông đồ, rằng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy”.

Thật ra, không đợi tới lúc về trời, mà ngay khi còn tại thế, Đức Giêsu đã coi sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng là một việc hệ trọng. Chính vì thế, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã tuyển chọn một số người để họ trở thành những người thực thi sứ mạng quan trọng này.

Những người được tuyển chọn, đó là: Simon-Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariôt.

Nhóm Mười Hai này, được Đức Giê-su thành lập không ngoài mục đích là “để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng”. Tin Mừng thánh Mác-cô có ghi lại chuyện Đức Giê-su “sai các ông đi rao giảng”, như sau:

**

Thánh Mác-cô kể rằng: Sau chuyến về thăm quê nhà Na-da-rét đầy thất vọng, Đức Giêsu tiếp tục đi các làng chung quang rao giảng Tin Mừng.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã “gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” (x.Mc 6, 7).

Vâng, rao giảng Tin Mừng, với Đức Giê-su, đó không phải là chuyện của riêng cá nhân Ngài, nó còn là chuyện của các môn đệ. Người môn đệ không chỉ tin-và-theo-Ngài nhưng còn phải “được sai đi” cũng giống như “chủ gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Theo lời chỉ thị của Đức Giê-su, “các ông không được mang gì… chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng…” Vâng, nói tắt một lời: hành trang của các ông chỉ là hai tiếng “xin vâng”.

Nhiệm vụ chính của các ông, đó là “kêu gọi người ta ăn năn sám hối”.

Thật ra, khi cầm trong tay “lệnh lên đường”, các ông đã được Đức Giê-su “ban cho quyền trừ quỷ”. Chỉ có thế thôi, thế mà, lần “xuất quân” của các ông, hôm đó, đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp.

Vâng, thật tốt đẹp, tại những thôn làng các ông đi qua, người ta đã thấy “Các ông trừ được nhiều quỷ…”. Các ông còn “xức dầu cho nhiều người đau ốm, và chữa họ khỏi bệnh” (x.Mc 6, 13)

Câu chuyện được thánh sử Mác-cô ghi lại rất ngắn gọn, ngắn gọn nhưng cũng đủ để chúng ta nhận thấy, Nhóm Mười Hai, tuy chỉ là những tập hợp của nhiều giai cấp khác nhau trong xã hội. Có người làm nghề thu thuế, có người là ngư phủ. Và chắc chắn, không một ai là người có “trình độ” triết học hay thần học hoặc tốt nghiệp ở một trường truyền giáo nào đó. Thế nhưng họ vẫn tiếp nhận “bài sai”, bài sai do chính Đức Giê-su sai đi một cách hăng say, nhiệt thành.

Và, họ đã để lại khắp thôn làng những hình ảnh đẹp của vị sứ giả. Rất đẹp… Vâng, rất đẹp, đúng như lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52, 7)

***

Sự kiện Đức Giê-su “gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” đã xảy ra hơn hai ngàn năm lịch sử. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, phải chăng, lời mời gọi này, cũng là lời mời gọi cho mỗi chúng ta, hôm nay? Thưa, đúng vậy.

Đúng vậy, nhưng thực tế lại không là vậy. Không là vậy, là bởi, không ít người vẫn cứ ngộ nhận rằng, việc loan báo Tin Mừng (hay còn gọi là truyền giáo), là việc của Giám mục, Linh mục, tu sĩ nam nữ.

Nhiều người nghĩ rằng, họ còn phải lo việc mưu sinh, lo cho gia đình (cha, mẹ, chồng, vợ, con cái), còn đâu thời giờ truyền giáo. Hơn nữa, họ có được đào tạo đâu?

Nghĩ như thế, quả là một sự suy nghĩ hoàn toàn ngược lại với lời truyền dạy của Đức Giê-su, cũng như của Giáo hội.

Hãy nhớ rằng, với Đức Giê-su, ngoài việc sai Nhóm Mười Hai, Ngài còn sai nhóm “Bảy Mươi Hai người khác”, không phải là Nhóm Mười Hai. Đa số những nhà giảng thuyết Kinh Thánh đều cho rằng nhóm “Bảy Mươi Hai” này chính là nhóm đại diện cho những người tín hữu (giáo dân), hôm nay.

Với Giáo Hội, tuyên bố chung của Hội nghị Giám mục về Tông đồ giáo dân lần thứ X, có lời mời gọi tín hữu (giáo dân), rằng: “Hãy quyết tâm làm biến đổi các lãnh vực trần thế và chăm lo cho công trình tạo dựng. Hãy hỗ trợ các gia đình để các gia đình có thể trở nên nơi ươm mầm cho công cuộc truyền bá Phúc âm và ơn gọi phục vụ Giáo hội. Hãy nhận thức nhiều hơn và hãy sắm lấy vai trò của mình trong sứ mệnh của Giáo hội và trong trần thế”.

Thế nên, với sứ vụ truyền giáo, chúng ta không chịu trách nhiệm gì về việc này, khi mình chưa sinh ra. Nhưng, đã là một Ki-tô hữu, thì, đây là một trọng trách.

Chúng ta sẽ nhận “bài sai” này? Chúng ta sẽ nhận lời làm “sứ giả thay mặt Đức Ki-tô”? Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng, trước hết, đó là đừng quên lời khuyến cáo của thánh Phao-lô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng”.

Đừng… đừng khó chịu về lời khuyến cáo quá mạnh mẽ của thánh Phao-lô, nhưng hãy bận tâm đến hành trang mà chúng ta sẽ phải mang theo để thi hành sứ vụ.

Chúng ta sẽ mang gì? Vâng, nếu hôm nay, Đức Giê-su có hiện ra và trực tiếp sai chúng ta đi, chắc hẳn Ngài cũng “chỉ thị” cho chúng ta như đã chỉ thị cho các môn đệ, xưa kia.

Chắc chắn Đức Giê-su cũng sẽ cho chúng ta “quyền trừ quỷ”, như đã cho các môn đệ, xưa kia. Thật thế, chỉ cần chúng ta có một đức tin mạnh mẽ, một đức cậy vững vàng, một đức mến tràn đầy.

Nói cách khác, hành trang của chúng ta chỉ cần “có một con tim tràn ngập lòng thương xót” như Thầy Giê-su luôn luôn chạnh lòng thương xót, là chúng ta đủ khả năng ‘trừ quỷ”.

Thật vậy, một khi chúng ta “ra đi rao giảng” với một con tim tràn ngập lòng thương xót như Thầy Giê-su luôn luôn chạnh lòng thương xót, có phần chắc, chúng ta sẽ đánh bại những con-quỷ-hận-thù, chúng ta sẽ trừ khử được những con-quỷ-bất-hòa, những con-quỷ-ghen-tương, nóng-giận, chia-rẽ, bè-phái, ganh-tỵ, v.v…

Một khi chúng ta “ra đi rao giảng” với một con tim tràn ngập lòng thương xót như Thầy Giê-su luôn luôn chạnh lòng thương xót, hãy tin, những con-quỷ-của-khổ-đau, những-con-quỷ-của-nghèo-đói sẽ không còn đất sống, nơi chúng ta đi qua.

Như vậy, tất cả mọi người, khi đã là Ki-tô hữu, bất luận là người lớn tuổi hay còn ở tuổi thanh niên, là người bình dân ít học hay là những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh hay là những người đau yếu bệnh tật, ai ai cũng có thể là người sứ giả loan báo Tin Mừng. 

Vâng, giờ đây, chúng ta hãy để một phút thinh lặng, và nghe lại lời Chúa Giêsu đã nói, “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Nghe xong, hãy tự hỏi, tôi đã là “thợ gặt” của Chúa? 

Là một Ki-tô hữu, tại sao không nhỉ! Tại sao chúng ta không đến đứng trước Thánh Giá Chúa Giê-su – Thánh Giá sinh ơn cứu độ, và mượn lời ngôn sứ Isaia mà cất tiếng thưa với Ngài, rằng: Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi. 

Vâng, hãy đến và nói: “Lạy Chúa, xin hãy sai con đi”.

Petrus.tran

 Tags: sai con đi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây