Chúa Nhật XIII – TN – B
Xin Ngài đặt tay lên con
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất ổn và bất an. Những bất ổn và bất an đến từ muôn phía. Có những bất ổn đến từ thiên nhiên như: động đất, mưa bão, sóng thần, môi trường ô nhiễm, khiến nảy sinh bệnh tật chết chóc. Có những bất an do con người gây ra, như: chiến tranh, khủng bố, tai nạn giao thông v.v…
Thật ra, từ ngàn xa xưa, thế giới này không ngày nào mà không có bất an và bất ổn. Và, lịch sử con người, có thể nói: là một lịch sử của những bất an và bất ổn.
Trong viễn cảnh đó, có bao giờ chúng ta tự hỏi: Ở đâu mới thật sự đem đến cho ta sự bình an đích thật? Làm thế nào để tôi có sự bình an trong một thế giới đầy bất an và bất ổn?
Kinh Thánh, vâng, chính nơi đây đã cho chúng ta câu trả lời, rằng: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”.
Mà, thật vậy, Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Quyền năng của Người chế ngự trên thiên nhiên, trên bệnh tật, trên sự chết và trên cả quỷ thần. Với bệnh tật và sự chết, phép lạ “chữa một người bị băng huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại” mà Đức Giê-su đã thực hiện, như một minh chứng điển hình.
**
Phép lạ này đã được thánh sử Mác-cô ghi lại như sau: Hôm ấy, sau khi Đức Giêsu “xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia”. Vâng, sang “bờ bên kia” là phía đối diện “vùng đất của dân Ghê-ra-sa”, nơi mà Ngài vừa mới chữa lành một người bị quỷ ám. Và, ngay lập tức “một đám rất đông tụ lại quanh Người”.
Trong đám đông đó, có một người đàn ông đi tới chỗ Đức Giê-su đang đứng. Người đàn ông đó chính là “ông trưởng hội đường”. Tên ông ta là Gia-ia.Vừa thấy Ngài “ông ta sụp xuống dưới chân Người”.
Ô hay! Là một ông trưởng nhiệm đầy quyền uy, thế mà lại tìm đến một anh thợ mộc vô danh tiểu tốt, để làm gì!
Thưa, chuyện lớn đấy… Sau khi sụp xuống dưới chân Đức Giê-su, ông ta liền cất tiếng khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”.
Nghe xong, không một chút đắn đo, Đức Giê-su “liền ra đi với ông”. Ghi nhận lại sự kiện đó, người ta thấy có “một đám rất đông đi theo, và chen lấn Người”.
Đám đông đi theo để làm gì? Hiếu kỳ ư! Hay để xem Đức Giê-su thực sự là người có quyền năng cải tử hoàn sinh!
Vâng, không thấy thánh sử Mác-cô nói đến, chỉ thấy ngài cho biết, khi Đức Giê-su và ông trưởng hội đường vẫn còn trên đường về nhà, thì có mấy người từ nhà ông đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?”
“Làm phiền Thầy chi nữa” ư! Phải chăng, đây là một lời trách móc! Phải chăng đây là một lời giận hờn, giận hờn vì Ngài coi nhẹ sinh mạng một con trẻ “sắp chết” mà lại quan trọng hóa một con bệnh “băng huyết” chưa đến nỗi chết!
Thật ra, Đức Giê-su, rất yêu mến trẻ thơ. Một ngày nọ, Ngài đã chẳng từng nói: “Hãy để con trẻ đến cùng ta” đó sao! Sau này, Ngài cũng đã chẳng từng cứu con trai của một bà góa tại thành Naim, đã chết nay được sống, đó sao!
Hôm đó, quả là thời gian đi về nhà ông trưởng hội đường có một chút chậm chạp. Chậm chạm do bởi có một người phụ nữ bị bệnh băng huyết đã mười hai năm, gây cản trở.
Chuyện kể rằng: bà ta “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác”.
Bà ta “Được nghe đồn về Đức Giê-su”. Đồn về chuyện gì? Thưa, có lẽ bà ta nghe đồn về một ông Giê-su “giàu lòng thương xót”, một ông Giê-su có thể chữa trị “mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền” v.v…
Mà thật vậy, hôm ấy, bà ta đã “lách qua đám đông tiến về phía sau Người, và sờ vào áo của Người”.
Ơ hay! sao lại “sờ vào áo của Người”! Sao không nói với Đức Giê-su, như những người khác, vẫn thường nói: “Xin Ngài cứu con!”
Thưa, không nói không có nghĩa là bà ta không tin vào quyền năng của Đức Giê-su. Trái lại, bà ta có một lòng tin rất mãnh liệt.
Thật vậy, sờ vào áo Đức Giê-su, cùng lúc đó, bà ta nhủ thầm: “Tôi mà sờ được vào áo Người là sẽ được cứu”. Quả đúng như bà ta nghĩ. Hôm đó, sau khi “sờ vào áo” Đức Giê-su, “tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh” (x.Mc 5, 29).
Câu chuyện chưa dừng ở đó. Sau cú đụng chạm của bà ta, Đức Giê-su thấy một năng lực từ mình phát ra và đó là lý do khiến Ngài lên tiếng “Ai đã sờ vào áo tôi?”.
Câu hỏi đó, khiến các môn đệ ngạc nhiên. Thầy hỏi gì mà kỳ quá! Vâng, hôm ấy, các ông đã nói với Đức Giê-su: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi…”
Nhưng, người đàn bà bị bệnh băng huyết thì không, bà ta đã “sợ phát run lên” vì sự thắc mắc của Đức Giê-su. Trước một sự việc không thể che dấu, bà ta đã “đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người”.
Thấu suốt ước muốn của bà, Đức Giê-su nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”.
Vâng, chỉ “một cú chạm… sờ vào áo Ngài”, cộng với một niềm tin mãnh liệt, người phụ nữ bị bệnh băng huyết đã được khỏi.
Tất cả sự việc xảy ra rất nhanh, chẳng có gì ảnh hưởng đến việc Đức Giê-su chậm trễ đến nhà ông Gia-ia.
“Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Không, với Đức Giê-su, không có chi phiền cả. Có “phiền” đó là phiền trước sự “chế nhạo” cũng như việc “cứng lòng tin” của những thân nhân trong gia đình ông Gia-ia.
Họ nghi ngờ về quyền năng của Đức Giêsu. Đứa bé đã chết rồi, Ngài có phải là thần thánh đâu mà chỉ cần “đặt tay lên cháu, để nó… được sống”... như lời khẩn khoản của ông Gia-ia!
Có lẽ họ chưa được nghe về quyền phép của Đức Giêsu, chưa chứng kiến người đàn bà băng huyết đã được Ngài chữa “khỏi hẳn bệnh”.
Chính vì thế, Đức Giê-su lịch sự mời họ ra ngoài, sau khi Ngài nói “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5, … 39). Đứa bé ngủ! Đúng thế, đứa bé chưa chết.
Và rồi, khi bước vào nhà, Đức Giê-su cầm lấy tay đứa bé và nói: “Talithakum… Thầy truyền cho con trỗi dậy”.
Chuyện kể tiếp rằng: “lập tức con bé đứng dậy và đi lại được”. Hôm ấy, những người chứng kiến đã phải “kinh ngạc sững sờ”. Cuối cùng, Đức Giê-su nói với họ: “cho con bé ăn”.
Vâng, người phụ nữ bị bệnh băng huyết và ông trưởng hội đường đến với Đức Giê-su chẳng mang theo gì cả, họ chỉ mang theo niềm tin, một niềm tin phó thác.
***
Khi nói về đức tin, thánh Augustinô chia sẻ: “Có đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin”.
Ông trưởng hội đường cũng như người phụ nữ bị bệnh băng huyết đã “tin những gì không thấy” và họ đã “thấy những gì họ tin”.
Vào một lần nọ, Đức Giê-su đã công bố một thông điệp, thông điệp rằng: “nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17, 20)
Mà, thật vậy. Lịch sử Giáo Hội, từ thuở khai sinh cho đến bây giờ, có không ít con cái Chúa đức tin chỉ “bằng hạt cải thôi”, thế mà họ đã có thể “rời” được biết bao nhiêu ngọn núi.
Vâng, làm sao quên được một người phụ nữ tên là Monica, với đức tin chỉ bằng hạt cải, thế mà bà ta đã “rời” được “ngọn núi của bạo lực, của cộc cằn thô lỗ” đè nặng trên người chồng của mình, đem người chồng đó đến một bình nguyên của hiền hòa và yêu thương.
Chưa hết, với đức tin chỉ bằng hạt cải, bà ta còn “rời” được “ngọn núi của phóng đãng” đè nặng trên người con của mình là Augustino, đem anh ta về với bình nguyên của hiến dâng, của phục vụ, của an hòa.
Làm sao quên được một mẹ Te-rê-sa Calcutta, với đức tin chỉ bằng hạt cải, thế mà mẹ đã “rời” được “ngọn núi khổ đau của bệnh hoạn tật nguyền, của già nua nghèo đói bị bỏ rơi” đè nặng lên biết bao con dân Ấn Độ, đem họ về một bình nguyên của yêu thương và của bình an.
Và, làm sao quên vị Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, cũng chỉ là một đức tin bằng “hạt cải”, thế mà ngài đã “rời” được “ngọn núi của hận thù”, đè nặng trên cuộc đời sát thủ Mehmet Ali Ağca, đem anh ta về với bình nguyên của nhân hậu và từ tâm.
****
Với chúng ta hôm nay, thì sao? Đức tin của chúng ta thế nào! Có bằng hạt cải? Có thể “rời núi rời non”! Nếu không thể… nếu không thể… đừng chần chờ gì nữa, hãy củng cố đức tin của mình.
Củng cố bằng cách nào? Thưa, không gì tốt hơn là hãy noi gương người phụ nữ bị bệnh băng huyết và ông trưởng hội đường. Nói rõ hơn, hãy “chạm vào áo Đức Giê-su” và hãy để Ngài “đặt tay lên” cuộc đời mình.
Nói cách khác, hãy chạm vào “Lời Chúa”, bởi vì “Lời Ngài là ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi”. Và, hãy để Chúa đặt tay lên cuộc đời mình qua việc tham dự “Tiệc Thánh Thể”, bởi vì Thánh Thể, như lời truyền dạy của Đức Giê-su, đem lại cho ta “sự sống đời đời”.
Có “ánh sáng” của Chúa, có “đèn” của Chúa, có “sự sống” nơi Chúa… là ta đã chạm vào áo Đức Giê-su và Ngài đã đặt tay lên cuộc đời ta. Nói tắt một lời, ta đã có thể, như cô con gái ông hội đường, “đứng dậy mà đi”, tất nhiên là đi “rời núi rời non”.
Thưa quý Bạn, chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng tục hóa, tục hóa do satan và bè lũ chúng tạo ra. Có biết bao nhiêu là cám dỗ, (cám dỗ về tiền bạc, về danh vọng, về địa vị xã hội, về tình dục) bủa vây chúng ta, dụ dỗ chúng ta, lôi kéo chúng ta.
Với sức riêng của mình, có phần chắc, chúng ta không thể chống cự lại những cơn cám dỗ đó. “Chỉ trong Thiên Chúa”, vâng, chỉ có Chúa bên ta, chỉ có Chúa trong ta, ta mới có thể “vượt thắng”, mà thôi.
Cho nên, ngay bây giờ, chúng ta hãy cất tiếng nguyện xin Chúa, nguyện rằng: Lạy Chúa! Xin Ngài đến đặt tay lên con.
Vâng, “Xin Ngài đặt tay lên con”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn