TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy tư tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu

Thứ sáu - 14/05/2021 04:08 | Tác giả bài viết: Ứng sinh Lê Bảo Tịnh |   743

TÌNH YÊU ĐỨC KITÔ – TỰ NGUYỆN, TỰ DO VÀ TỰ HIẾN

(Suy tư tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu – 6/2018)

Tiếp nối nhịp sống đức tin, mỗi dịp tháng Sáu về, người tín hữu Công giáo được mời gọi trở về bên TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU – cung thánh chứa đựng tình yêu trổi vượt hơn cả thế giới này.

Có lẽ, những ai đã từng một lần cảm nghiệm một thoáng cảm xúc nào đó của tình yêu, đều có thể nhận ra nơi trái tim có những lý lẽ thật khó lý giải. Một khi đã bị cái nhìn của tình yêu cưỡng đoạt, mỗi cá nhân chẳng còn khả năng ấp ủ cuộc sống riêng tư cho chính mình, nhưng luôn quy hướng về những gì đã được đặt để và lập trình nơi trái tim. Tình yêu của Đức Ki-tô cũng không nằm ngoài định luật đó. Trái Tim Ngài đã ôm trọn nhân loại bằng một tình yêu tự nguyện, tự do và tự hiến.

Sự hiện hữu của mỗi con người trên cuộc đời này ít nhiều ẩn chứa cội nguồn nơi tình yêu, cho dầu đó có thể mới chỉ là một tình cảm non nớt đượm tính phàm tục. Vì thế, hấp lực của tình yêu luôn mời gọi và quyến rũ con người trong bất kì hoàn cảnh nào. Sinh ra trong cuộc đời, chẳng ai muốn mình bị hắt hủi; ai cũng có khát vọng được yêu, ngay cả khi đã gặt hái cho mình một thành công, một ảnh hưởng nào đó trong cuộc sống. Huống chi, một nhân loại biết bao thể kỷ đã ngụp lặn trong lịch sử tăm tối, thăng trầm, thì cơn khát “tình yêu cứu rỗi” lại càng dày vò mãnh liệt. Tuy thế, tình yêu vốn dĩ vẫn chỉ có thể là một đối tượng để khao khát, để hoài mong, để thực hiện một cách tự nguyện, không thể chiếm hữu bằng bạo lực và cưỡng ép. Không ai có thể ép buộc tha nhân phải yêu và dành tình yêu cho mình một cách trọn vẹn. Tình yêu tự nhiên đã được mặc định một quy luật như thế, thì làm sao nhân loại giới hạn có thể cưỡng ép tình yêu của Đấng vô hạn? “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến; phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8, 7). Nếu Đức Ki-tô không tự nguyện dâng hiến Trái Tim mình cho thế giới, đem tình yêu thánh thiện nhen nhóm vào bóng tối kiếp phàm nhân, ơn cứu độ mãi mãi xa vời đối với nhân loại khốn cùng.

Khởi nguồn từ tình yêu sâu thẳm nơi Đấng Tạo Hóa, Đức Ki-tô đã tự nguyện hướng đến cuộc đời, nhập cuộc với những khủng hoảng của nhân loại bằng chính thân phận của một con người thực sự. Không chờ đợi cho đến khi loài người thống khổ phải kêu trách đến cõi thiên thai, từ ngàn đời, Con Thiên Chúa đã tự nguyện đi bước trước trong tình yêu. Khi thời thuận tiện đã đến, Ngài không do dự khi băng qua thân phận của một người nghèo, một lữ khách tha hương, một nông dân chân quê, một kẻ hành khất lang thang không ngừng nghỉ trên những chặng đường cuộc đời bụi bặm. Để rồi đi đến đâu, Ngài cũng “chạnh lòng thương” với một nhân loại lưu vong. “Chạnh lòng thương” - đó là khởi đầu đặc biệt nơi trái tim, nơi mà tình yêu được thắp lên, lan tỏa và bùng cháy ngọn lửa sưởi ấm sứ vụ của Người Được Sai Đi giữa lòng nhân loại.

Trải dài trên những trang Tin Mừng, đi đến đâu, người ta cũng nhìn thấy hình bóng của một Đức Ki-tô “lưu vong”, một con người không nơi tựa đầu; nhưng lại là một thân phận lưu vong trong tâm thế tự nguyện. Có lẽ, trong cuộc đời này, chẳng có một thân phận lưu vong nào có thể nắm rõ hành trình cho tương lai và cùng đích tối hậu cho cuộc đời. Riêng với Đức Ki-tô, Ngài đã biết con đường Ngài phải bước đi băng qua nhân loại, và đích điểm Ngài phải đến chính là Hy Tế Thập Giá Can-vê. Ngài tự nguyện đón nhận mọi sự. Ngay cả khi nỗi cô đơn xâm chiếm bởi sự ngủ quên của nhân loại, Chúa Giêsu vẫn nhận diện thời điểm cho sứ vụ của mình, và hơn thế, Ngài còn tự nguyện tiến bước, đối diện với sự liêm sỉ và tàn ác của nhân loại mà không hề có ý định thoái lui: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao. Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!” (Mt 26, 45-46).

Nếu như tự nguyện là điểm khởi đầu cho mối tình muôn thuở của Đấng Tối Cao có thể kết nối đến nhân loại, thì tự do lại thúc đẩy cho mối tình thẳm sâu đó được bùng cháy và lan tỏa không ngừng. Tình yêu của Chúa Giêsu không bị cầm tù trong những triết lý băng giá của con người, không bị ngăn cách bởi những vực thẳm của giai cấp, không bao giờ bị chết yểu trong những lối mòn của nền đạo đức giả hình nhân tạo. Trái tim của Chúa Giêsu tự do đến nỗi có thể chất chứa cả những thân phận chẳng hề đáng yêu, những gì đã bị cả nhân loại chê bỏ. Âm thầm dõi theo bước chân của Chúa Giêsu, người ta tìm thấy nơi trái tim của Đấng Messia vô số khuôn mặt tội lỗi bị rẻ rúng, những khuôn mặt sắp bị hòn đá tàn nhẫn của cuộc đời ném vào, những khuôn mặt chẳng còn chứa nổi một ánh mắt hy vọng, những khuôn mặt khắc khổ chán chường, những khuôn mặt bệnh tật yếu ớt, những khuôn mặt yếu đuối nhát đảm, hay cả những khuôn mặt phản bội khi lương tâm đã bị tha hóa...

Trái tim của Chúa Giêsu đã họa lại những cuộc đời ấy bằng chất liệu của lòng thương xót, sự cảm thông và tha thứ không giới hạn. Trái tim Ngài đã đụng chạm đến cuộc đời họ; chính tình yêu của Ngài đã giải thoát họ khỏi tình cảnh tù đày trong tâm hồn, và mời gọi họ bước vào một cuộc đời mới: từ những con người yếu đuối trở nên những chứng nhân mạnh mẽ cho Tin Mừng, từ những thân phận cần được thương xót trở nên những dấu chỉ của lòng thương xót, từ cuộc sống nô lệ cho tội lỗi trở nên những con người tự do trong một phẩm giá mới.

Trong khi tự do làm cho Trái Tim của Đức Ki-tô tràn trề sức sống đến độ vô hạn, đáng tiếc thay, tự do trong thế giới hiện đại lại bị biến thành một thứ axit ăn mòn trái tim con người. Tự do ngày nay dường như đã mất đi những vẻ đẹp căn bản xuất phát từ Đấng Tạo Hóa, khiến nó trở nên một công cụ để con người thỏa mãn cá tính của mình giữa cộng đồng. Thay vì đặt để tự do như một ngưỡng cửa để tâm hồn có thể tiếp nhận thế giới, nhiều người ngày nay lại xem đó như một lý lẽ để gạt bỏ lẫn nhau, triệt hạ những gì đang cản trở cái tôi. Lắm lúc, tự do lại là tấm áo giáp lý tưởng cho một lối sống chất đầy bản năng: “Vì tôi tự do, nên tôi hành động theo ý tôi, theo sở thích của tôi, theo những ham muốn của tôi, theo những gì có lợi cho tôi...” Bên cạnh đó, lại tồn tại những chủ nghĩa tự do thái quá không những đè nặng lên những mối tương quan nhân bản, mà còn phá hủy tương quan tâm linh: vì những thực tại vật chất hữu hình, người ta chẳng còn muốn để cho tiếng lương tâm soi lối cho cuộc đời; vì muốn thoải mái tận hưởng cuộc đời chóng vánh, nhiều người đành gạt bỏ những yếu tố linh thiêng ra khỏi cuộc sống. Thật vậy, nếu tự do không được vận hành sóng đôi với nhịp đập của con tim, không mặc lấy khởi nguồn căn bản nơi tình yêu, sự hiện diện của nó sẽ như một chất độc nguy hiểm hơn là một phương tiện hữu hiệu phục vụ đời sống con người.

Chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu, người Ki-tô hữu còn có thể cảm nghiệm nơi tình yêu của Ngài một sự tự hiến cao cả. Tình yêu tự hiến chính là đỉnh cao và vẻ đẹp huyền nhiệm nhất nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nếu tình yêu chỉ dừng lại ở một cảm giác dễ chịu, một sự khỏa lấp lỗ trống trong tình cảm, đó vẫn chưa phải là một tình yêu đích thực. Nhưng cốt lõi nơi tình yêu đích thực chính là cho đi, là hy sinh. Cho đi càng nhiều, hy sinh càng lớn, tình yêu càng tìm về được ý nghĩa cội nguồn của nó. Băng qua hành động tự hiến, Đức Ki-tô lôi kéo nhân loại về với ý nghĩa đó. Đức Ki-tô đã không yêu một cách chung chung, nhưng Ngài yêu từng cá nhân bằng cả cuộc đời và mạng sống mình: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15, 13). Ngài gọi con người là “bạn hữu” và đánh đổi tình bạn ấy bằng mạng sống của Ngài. Tình bạn chẳng phải là một biểu thị nguyên sơ của tình yêu của Thiên Chúa đối với con người sao? Đó chẳng phải là ý nghĩa khởi đầu của tình yêu sao? Quả thế, tình bạn là mối liên kết tuyệt hảo đầu tiên giữa con người với Đấng Tạo Hóa từ thuở bình minh của vũ trụ. Vì nơi thời khắc ấy, con người được dựng nên giống hình ảnh của Đấng Tạo Hóa và cùng hưởng nếm chung một hạnh phúc địa đàng. Thật là một điều đau khổ khi con người lại mang khuôn mặt của kẻ phản bội. Chính vì thế, Con Thiên Chúa đã phải tự hiến chính mình để hàn gắn lại tương quan ấy. Ngài đã chọn một cái chết đau khổ trên Thập Giá, treo thân lơ lửng giữa trời và đất như một dấu chỉ: Đức Ki-tô chính là trung gian kết nối trời cao và đất thấp, giữa Đấng Tối Cao và nhân loại, giữa đỉnh trọn lành và những gì đã hư vong.   

Theo quy luật nhân sinh, nhịp đập trái tim vừa biểu lộ tình yêu, nhưng cũng là dấu hiệu của sự sống: sự sống và tình yêu luôn song hành trong hoạt động của trái tim. Nhưng đối với Đức Ki-tô, tình yêu vẫn có thể lan tràn ngay cả khi sự sống thể lý chẳng còn hiện hữu: “Khi đến gần Chúa Giêsu, và thấy Người đã chết, họ không đánh dập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 33-34). Khi hơi thở cuối cùng đã trút bỏ khỏi thân xác, chỉ còn một chút dưỡng chất gần cạn kiệt nơi Thánh Tâm, Đức Ki-tô cũng trút cả cho nhân loại. Trái Tim Chúa ngay khi đã ngừng đập, vẫn tự hiến cho con người như suối nguồn ơn cứu độ. Từ nơi Thánh Tâm bị đâm thâu, Máu cùng Nước chảy ra khơi nguồn các Bí Tích, là sức sống của Giáo Hội và của mỗi người tin vào Đức Ki-tô hôm nay. Vì thế, tình yêu của Đức Ki-tô có sức mạnh vượt qua “trình trạng chết chóc” của nhân loại – một tình trạng đang hoành hành dữ dội trên thế giới. Trong cuộc sống hiện đại, thật không khó để tìm thấy những tòa nhà lộng lẫy, những công trình mang đậm vẻ kiêu hãnh của loài người, nhưng bên trong lại ẩn chứa nhiều “xác chết” – chết vì chẳng còn biết nhạy cảm trước nhu cầu của đồng loại, chết vì chẳng còn khả năng yêu mến và hiến dâng.

Đứng trước thách đố của tình yêu, làm sao con người có thể tìm được một lời giải đáp cho đúng nghĩa, chỉ còn cách bất lực trút lời than thở với trời cao: “Để xem trời giải nghĩa yêu” (Thi sĩ Công giáo Hàn Mạc Tử). Và rồi, trời cao đã nghe tiếng thở than ấy, đã trả lời cho nhân loại bằng hình ảnh Con Người nơi Đức Ki-tô với Trái Tim đã nát tan trước khối tội của nhân loại. Thánh Tâm chịu tan nát vì đã tự nguyện, tự do tự hiến tất cả cho loài người. Chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhân loại sẽ khám phá được đâu là ý niệm đích thực về tình yêu. Nhưng là một Ki-tô hữu, những người đã được cứu vớt nhờ tình yêu của Đức Ki-tô, mỗi người cũng đừng quên chiêm ngắm về trái tim mình: Tôi phải lý giải tình yêu như thế nào cho cộng đồng nhân loại mà tôi đang hiện diện?... Hãy tìm lời giải đáp trong giây phút hiện tại...

Ứng sinh chủng viện Lê Bảo Tịnh, BMT

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây