TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin thêm lòng tin cho chúng con

Thứ bảy - 01/10/2022 08:00 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   718
“Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).



Chúa Nhật XXVII – TN – C

Xin thêm lòng tin cho chúng con

Là một Ki-tô hữu, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không đặt niềm tin vào Đức Giê-su. Đặt niềm tin vào Đức Giê-su, thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, niềm tin của tôi có phải là một niềm tin tuyệt đối vào Ngài! Vâng, đây là một câu hỏi khó trả lời. Khó là bởi, có những lúc chúng ta nửa tin nửa ngờ!

Có rất nhiều lý do khiến chúng ta nửa tin nửa ngờ. Một điển hình mà ai trong chúng ta cũng đều trải nghiệm, đó là “cầu xin mãi mà Chúa vẫn không cho”, thế là chúng ta nản lòng, và kết quả là thiếu niềm tin vào Chúa. Thiếu niềm tin vào Chúa, ngày này qua ngày khác, chúng ta sẽ kém lòng tin. Kém lòng tin lâu ngày, chúng ta sẽ mất đức tin.

Thật ra, thiếu niềm tin hay kém lòng tin là “căn bệnh” không của riêng ai. Các vị môn đệ xưa cũng từng bị Đức Giê-su khiển trách rằng: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!”.

Lời khiển trách đó đã làm cho các môn đệ thật sự ý thức được sự kém lòng tin của mình. Do vậy, một lần nọ, các môn đệ đã xin Thầy Giê-su “thêm lòng tin cho chúng con”. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mng thánh Luca.

**

Theo lời thánh Luca ghi lại: Một ngày nọ: “Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.”

Sao hôm nay các ông lại xin thêm lòng tin! Thưa, do bởi các ông hiểu rằng mình là những kẻ kém lòng tin. Là những người đã trải nghiệm biến cố hãi hùng trên Biển Hồ bởi trận cuồng phong khiến con thuyền lâm nguy, và đã được Thầy Giê-su giải cứu, thế nên các môn đệ hiểu rằng, chỉ có xin Thầy thêm-lòng-tin thì các ông mới có thể đối diện với những nghịch cảnh trên cuộc hành trình theo Ngài với sứ vụ loan truyền Tin Mừng.

Hôm đó, đáp lại lời xin của các Tông Đồ, Đức Giêsu nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. (Lc 17, 6).

Lòng tin không phải là món đồ trang sức để khoe khoang, nhưng là một ân sủng. Một ân sủng để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Thế nên, nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã dạy cho các ông bài học về sự khiêm tốn trong phục vụ, lời dạy rằng: “Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

***

“Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải…” Vâng , “Lòng tin lớn bằng hạt cải” là lòng tin như thế nào? Thưa, đó là một lòng tin phó thác và vâng phục. Và, Đức Maria chính là mẫu mực cho việc thể hiện lòng tin này.

Thật vậy, chính nhờ có một lòng tin phó thác và vâng phục, Đức Maria đã đáp lời truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người, Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”, bằng hai lời “xin vâng”.

Chính nhờ có một lòng tin phó thác và vâng phục, Đức Maria đã không ngần ngại xem mình chính là “nữ tỳ của Chúa”, một người nữ tỳ sẵn sàng để “Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Chính nhờ có một lòng tin phó thác và vâng phục, Đức Maria đã đi Belem, qua Ai Cập, về Nadaret và cuối cùng “trên đồi Golgotha. Mẹ đứng gần bên thánh giá. Mẹ nhìn Chúa trút hơi thở cuối cùng…”

Chúng ta cũng không thể không nhắc đến lòng-tin-lớn-bằng-hạt-cải của thánh Phao-lô. Với một lòng tin phó thác, ngài Phao-lô đã: “Cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời.” (x.2Tm 2, 10).

****

Như đã nói ở trên, không ai trong chúng ta lại không hơn một lần “kém lòng tin”. “Vì thế, Lm Jos.Vinc. Ngọc Biển, có lời khuyên: “lời cầu xin của các tông đồ khi xưa cũng là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta ngày hôm nay.”

Ngài Lm. chia sẻ tiếp, rằng: “Quả thật, xã hội ngày hôm nay nhiều người sống rất vô cảm, ít tương trợ lẫn nhau, và nhiều khi còn cắn xé lẫn nhau, hệ quả xảy ra là tham nhũng, bóc lột, đàn áp những người thấp cổ bé họng… đứng trước những bạo nạn đó, nhiều khi chúng ta thấy mình quá nhỏ bé nên không dám lên tiếng, không dám nói lên chính kiến của mình, không dám thể hiện một nghĩa cử liên đới với những anh chị em đang lâm nạn. Những lúc chúng ta cảm thấy bất lực vì sợ hãi như vậy, ấy là lúc chúng ta cần phải: Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta”.

Và, đây… đây là điều chúng ta hay gặp phải. Đó là: “Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta xin Chúa mãi mà vẫn không được những ơn chúng ta xin. Những lúc đó, chúng ta hay phàn nàn trách móc Chúa vì Ngài không nhận lời. Ta thấy tâm trạng của mình lúc này có phần giống tiên tri Kha-ba-cúc trong bài đọc I, ông phải chịu đựng những điều nghiệt ngã tương tự: “Con la lên: Bạo tàn! Mà Ngài không cứu vớt”; “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu van mà Ngài chẳng đoái nghe?” (Kb 1,2-3).

Vâng, một lần nữa, ngài Lm Jos.Vinc. Ngọc Biển có lời khuyên rằng: “Tuy nhiên, chúng ta đâu biết được rằng: ‘Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người’. Chúng ta chưa nhận được là vì chúng ta chưa có niềm tin đủ mạnh. Vì thế, chúng ta cũng cần: xin Chúa thêm lòng tin cho chúng ta.”

Chúng ta “phải” xin Chúa thêm lòng tin cho chúng ta. Bởi vì, trước một xã hội hôm nay, một xã hội tràn đầy sự cám dỗ, cám dỗ làm ăn bất chính, cám dỗ thỏa hiệp với gian dối để trục lợi, cám dỗ mua gian bán lận v.v… nếu chúng ta “kém lòng tin” không sớm thì muộn chúng ta sẽ sa vào những chước cám dỗ này.

“Thiên Chúa”, thánh Phao-lô nói: “đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ.”

Đó… đó là lý do Lm. Charles E.Miller có lời khuyên, rằng: “Chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa không những với lòng sùng kính mà còn với sự bền đỗ, không những khi dự thánh lễ mà còn bất cứ lúc nào ta cầu nguyện. Một kinh nguyện ‘đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ’ giúp ta nhìn nhận Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất, đúng là đối tượng để kêu ca, bởi lẽ Ngài là Đấng dảm trách duy nhất”.

Đúng vậy, là một Ki-tô hữu, chúng ta đặt niềm tin vào Đức Giê-su. Mà, Đức Giê-su chẳng phải chính là Ngôi Hai Thiên Chúa! Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa thế thì cớ gì chúng ta không chạy đến “để kêu ca” với Ngài!

Vâng, hãy đến… hãy đến và kêu ca với Đức Giê-su, rằng: “Lạy Chúa! Xin thêm lòng tin cho chúng con”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây