TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mắt nhẫn (Giải Nhất VVĐT 2018)

Thứ ba - 11/05/2021 09:54 |   866
Mắt nhẫn (Giải Nhất VVĐT 2018)
Mắt nhẫn
(Giải Nhất VVĐT 2018)
Antôn Trần Văn Dũng (ĐCV Vinh - Thanh)




Tôi là một chiếc nhẫn làm bằng vàng tây, chìm lỉm trong triệu triệu chiếc nhẫn trên khắp thế gian này. Nhưng tôi là một chiếc nhẫn cưới, nghĩa là chiếc nhẫn được Chúa chúc lành. Đúng ra phải gọi tôi là chiếc nhẫn thánh.

Chủ nhân của tôi tên Khôi. Cách đây hai mươi hai năm, tại một ngôi nhà thờ nhỏ, gã kết hôn với người phụ nữ tên Sương, trẻ hơn gã chừng một giáp. Tôi và một chiếc nhẫn khác được đặt mua ở tiệm vàng lớn nhất tỉnh. Trong ngày lễ cưới, tôi được chính tay chị Sương đeo vào ngón áp út tay gã. Chiếc kia thì yên vị ở ngón áp út của chị. Tôi nhớ mãi phút ấy, gã và chị tình tứ lắm, mắt họ trao nhau những ánh nhìn đê mê. Mãi sau này tôi mới biết mắt ấy là mắt cười. Thế là bắt đầu những ngày tháng lênh đênh...

Người ta kể gã sinh ra trong một gia đình có thế giá ở làng Đông. Ba gã là Phật tử, vì trót yêu mẹ gã nên cải theo đạo vợ. Ông bà sinh được mụn con trai nên bao nhiêu yêu thương đều dồn vào gã cho bằng hết.

Gã học giỏi, nức tiếng cả huyện, thi đỗ vào trường Bách khoa Hà Nội. Cũng vào những năm đó, nhà gã xảy ra chuyện, nợ nần túng bấn. Ba gã hục hặc với mẹ một thời gian dài.

Tốt nghiệp đại học, gã đôn đáo chạy việc khắp nơi. Chỗ này người ta chối đây đẩy. Chỗ kia người ta huỵch toẹt có quen ông lớn nào không, trong túi có bao nhiêu mà chạy vào đây.

Một đêm tháng Bảy, gã mang tấm bằng đại học ra đốt, vừa nhìn đám cháy vừa cười ho sặc sụa. Gã đi lao động ở Đài Loan chừng dăm bảy năm rồi về quê lấy vợ.
 
* * *
 
Sau bao nhiêu năm rong ruổi thì cuối cùng người đàn ông nào cũng cần có một gia đình, một thiên hạ nhỏ bé của riêng mình. Gã nảy ra ý nghĩ ấy lúc chạy xe đi làm sáng nay. Tối qua mưa. Nước đọng thành vũng. Một cậu choai rú ga vụt qua, nước bắn vào áo gã. Có sao đâu, gã đang vui mà. Hôm nay kỷ niệm mười sáu năm ngày gã cưới vợ.

Chắc vợ gã không nhớ đâu. Chị bận tối mặt với đống vải vóc quần áo nên chẳng thể nhớ nổi hôm nay là ngày gì đâu. Song có một việc vợ gã không bao giờ quên. Lát nữa đây, khi vào tầm ca trưa, kiểu gì chị cũng gọi nhắc gã uống thuốc. Gã bị viêm phổi mấy năm nay nên hôm nào chị cũng dậy thật sớm sắc thuốc Nam bỏ vào chai cho chồng mang theo.

Rồi cả Vy, con gái út của gã nữa. Như thường lệ, nó gọi khoe với gã về bức vẽ mới ở trường mẫu giáo. Thú thật là con bé vẽ khá tệ. Hai năm với hằng trăm bức vẽ mà chả có bức nào ra hồn cả. Nhưng tối đến bao giờ gã cũng ôm lấy con gái cùng với bức tranh mới nhất, xoa xoa mái tóc xoăn của nó một lúc lâu rồi thể nào cũng chốt cái câu quen thuộc: “Thiên tài đây rồi chứ còn gì nữa. Sắp đẹp rồi con gái. Gắng lên!”.

Vừa dắt xe vào cổng, tay trưởng phòng kinh doanh mặt mày xám ngoét đứng chặn ở đó từ bao giờ: “Sếp cho gọi cậu. Lão đang bực. Liệu mà ăn nói cho cẩn thận!”. Sếp là một tay giám đốc trẻ mới được bổ nhiệm, đang muốn bứng tận gốc tàn tích của vị giám đốc tiền nhiệm cho dễ bề thao túng.

- Tôi đã bảo anh sửa lại nội dung hợp đồng rồi cơ mà. Cứ theo bản thảo của anh có mà húp cháo! - Hắn vứt tập hồ sơ xuống bàn khi gã đến.


- Dạ thưa, nhưng nếu đẩy thêm nữa thì tôi e là đối tác sẽ gặp quá nhiều bất lợi. Mà ta còn phải giữ mối làm ăn lâu dài.


- Vứt mẹ cái đạo đức hão của anh đi. Cái tôi và cả ngàn công nhân ở đây cần là tiền, là miếng cơm bỏ vào miệng hàng ngày, anh hiểu chưa? Về sửa ngay lại cho tôi, gấp đấy!


Gã ngồi thẳng lưng, hít một hơi thật dài.

- Thưa ông, tôi không làm được. Tôi muốn chén cơm bưng lên miệng ăn hàng ngày là chén cơm sạch. Hoặc ít ra là không quá bẩn.
- Được. Vậy thì tôi nghĩ đã đến lúc anh nên biến đi với chén cơm chết tiệt của mình! - Tay giám đốc mặt bừng bừng, cười nhếch miệng.
- Tự tôi biết sẽ phải làm gì…


Gã tạt vào một quán rượu, ngồi đến tận khuya mới khật khưỡng mò về nhà. Vợ gã đang ngồi bên máy khâu. Trên bàn đặt mâm cơm đậy bằng cặp lồng đỏ.

- Anh đi đâu đến tận giờ này? Về mà dạy con.
- Chuyện gì? - Gã xẵng giọng.
- Con Vân trộm tiền mua điện thoại. Hỏi còn cãi mẹ nhem nhẻm.
Gã không nói gì, nằm thượt ra ghế. Chị giãy nảy:

- Ơ, anh hay nhỉ! Dạy con là việc của mỗi mình em đấy à?
- Con hư tại mẹ. Lải nhải lắm thế. Hôm nay tôi nghỉ việc rồi. Mệt mỏi lắm!
- Sao tự dưng lại nghỉ? Rồi lấy gì mà ăn? Sao cái nhà này toàn vô tích sự thế! - Chị ném cái áo may dở xuống sàn, cất giọng oang oang.
 
Hơi men trong người phả ra nồng nặc, gã điên lên:

- Tôi thích nghỉ đấy, được chưa. Mà cô vừa bảo ai là vô tích sự, hả? Tôi có vô tích sự thì cũng không đáng sợ bằng một con điếm!
- Anh, anh vừa nói gì? Anh vừa bảo ai là con điếm?
- Còn phải hỏi! Bao nhiêu năm cô giấu nhẹm tôi những gì, tôi biết tỏng hết. Thế nên phiền cô đi tìm thằng bố nó mà dạy nhé!
- Khốn nạn. Cút đi! - Chị bưng tai lại, hét toáng lên.
- Cút à, haha… Đuổi ai chứ đuổi cái thằng đang nai lưng ra làm mà nuôi không bọn mày đấy. Mẹ kiếp! Tao cút cho chúng mày đón thằng kia về đoàn tụ là được chứ gì.
Vợ gã ôm mặt khóc, bỏ vào phòng. Gã với chai rượu đặt trong tủ. Thực ra gã định bỏ đi một lần rồi, ba năm về trước. Cái ngày mà gã biết mình bị vô sinh. Hôm đó bé Vy ốm, gã túc trực ở bệnh viện. Nhìn cái xi-lanh bác sĩ xọc vào cánh tay con bé lấy máu làm xét nghiệm, tự nhiên trong đầu gã nảy ra ý định quái gỡ. Xét nghiệm ADN.

Nhiều lần trà dư tửu hậu, đám bạn gã vẫn thường rỉ tai: “Cả ba đứa con sao chả có đứa nào giống ông thế. Cẩn thận, vợ ông phơi phới như thế cơ mà. Khéo cốc mò cò xơi”. Dĩ nhiên là lần ấy gã bỏ ngoài tai. Gã tin vợ chẳng phải hạng gái thập thành. Nhưng hôm nay gã tặc lưỡi. Cuối giờ chiều, cầm tờ kết quả trong tay, gã đứng chôn chân khi biết mình không có liên hệ huyết thống gì với con gái. Rồi gã gục xuống. Có mấy người xúm lại. Gã xua tay. Sau một thoáng định thần, gã đứng phắt dậy. Phải lôi ra cho bằng hết những trò mèo sau lưng gã.

Sau đận ấy, gã bí mật lấy mấy sợi tóc và móng tay của con Vân, thằng Khanh làm xét nghiệm. Kết quả ở ba trung tâm khác nhau đều cho một mẫu số chung giống nhau đến kinh ngạc. Thì ra bấy lâu nay gã bị cắm sừng.

Trời ơi, người vợ mà gã rất mực tin tưởng lại cam tâm bán đứng gã. Những đứa con mà gã dành trọn tình yêu thương, rốt cuộc chẳng có ai mang giọt máu của gã, của dòng họ gã. Đời gã vứt đi rồi.

Thế thì còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ nữa. Gã còn trách cứ được ai, còn có tư cách gì mà đi ghen với một người đàn bà khao khát hạnh phúc đến quặn lòng. Giờ mà mở miệng chẳng khác nào gã đang tự sỉ vả chính mình là một kẻ nhỏ nhen chỉ biết nghĩ, chỉ biết vun vén cho riêng mình. Có người đàn bà nào mà không khao khát có một đứa con để nương tựa khi về già. Một đời theo chồng, khổ đau bao nhiêu cũng được, cay đắng thế nào rồi cũng xong, chẳng lẽ không được mơ ước một mụn con để mà sống, mà gửi gắm giấc mộng của mình.

Một thời gian dài gã chìm vào rượu. Một hôm, gã đến gặp ba gã bây giờ là một cụ già sống một mình trong căn gác nhỏ ở thị trấn. Không gian lạnh lẽo, sực mùi ẩm mốc, hai người đàn ông ngồi đối ẩm bên cửa sổ, không nói với nhau câu nào. Đến lúc gã lảo đảo đứng lên, ông cụ mới hắng giọng: “Phàm là một thằng đàn ông, vinh nhục gì cũng được, nhưng tuyệt đối đừng để mất tổ ấm của mình. Trăm lối đi nhưng duy nhất một nơi để về”.

Men rượu không làm gã say. Giá mà say rồi ngủ quên một giấc thì có hơn không. Đằng này nó làm gã tỉnh. Có ng-hĩa là nỗi đau cứ nhấp nhổm, thi thoảng buốt lên nhức nhối. Nhà chẳng còn là nơi để về nữa, thế thì gã còn gì mà ở lại. Chẳng còn gì hết. Nhưng trước khi chấp nhận mất trắng, gã phải trả thù. Ba gã sau khi phát hiện vợ có nhân tình bên ngoài đã treo khắp nhà những bức hình mà thám tử chụp lại được cảnh ôm ấp của hai người. Chưa hết, cứ đến bữa ăn, ông cho mở đoạn ghi âm cuộc nói chuyện của mẹ gã và tay nhân tình. Mẹ gã trầm uất, điên loạn rồi phát bệnh mà chết.

Gã rùng mình ngồi hẳn dậy. Chỉ trong vòng hai mươi tư tiếng đồng hồ thôi mà gã mất trắng. Mất vì những vụn vặt không đáng mất. Gã nheo mắt nhìn lên bức ảnh gia đình Nazareth treo ở phòng khách vốn là quà cưới của một người bạn. Gã lờ mờ nhớ ra là thánh Giuse khi phát hiện Đức Mẹ mang thai, đã không tố cáo mà chọn cách rời đi lặng lẽ...
 
* * *
 
Chiều nay Sài Gòn bất chợt đổ mưa. Trời đang trong xanh là thế tự nhiên mây đen ở đâu kéo đến. Mưa tầm tã. Gã hốt hoảng tạt xe vào quán cà phê ven đường. Quán nhỏ, bên trong kê vài ba bộ bàn ghế cho có lệ, chừa khoảng không cho lối đi dẫn vào buồng phía sau. Không khó để khách nhận ra chủ quán thực sự bán gì. Nhưng ấn tượng của gã về quán là sự sạch sẽ. Thoang thoảng mùi nước hoa dễ chịu. Sạch và thơm thường khiến đàn ông quyến luyến.
Cô chủ quán ngoài ba mươi, nét son đậm, bận cái váy hoa có cổ khoét sâu. Lúc bưng khay đựng cà phê ra, cô cố tình chạm cả khuôn ngực ngồn ngộn vào vai gã. Chao ôi, mùi đàn bà ngầy ngậy. Gã ngước lên hít hà.

Sáu năm rồi gã chưa chạm đến da thịt đàn bà. Bỏ làng đi, gã khăn gói vào Sài Gòn xin làm nhân viên cho một xưởng in. Ngày theo việc, tối mịt mới mò về phòng trọ. Gã thấy Sài Gòn hay hay. Vừa là chốn dung thân cho tất cả vừa chẳng dành riêng cho ai cả. Nhiều đêm nằm vật ra, mắt mở trừng lên trần nhà, gã thèm một hơi ấm.

Công bằng mà nói, Sài Gòn đối đãi với gã không tệ. Tiếc là nó không khiến gã cảm thấy bớt phần lạc lõng. Nhưng nhà với gã bây giờ cũng có gì khác, cũng lạc lõng hệt như thành phố này. Mà lạc lõng trong căn nhà của chính mình còn đáng thương và đáng sợ hơn nhiều.

Nào phải một mình gã, chiếc nhẫn là tôi cũng lạc lõng không kém. Đang yên đang lành tự dưng theo chủ nhân vào đây, biền biệt xa cách với chiếc nhẫn kia. Trong phòng trọ, tôi bị tháo ra ném đi không biết bao nhiều lần. Trầy xước. Méo mó. Đau đớn đến phát khóc. Tôi nhớ những lúc hai chiếc nhẫn bọn tôi kề nhau. Ấy là những lúc cả nhà gã ngồi đọc kinh mỗi tối. Là khi gã với vợ thủ thỉ trước lúc đi ngủ, bao nhiêu chuyện trên đời. Ấy là khi mấy đứa con bị ốm, vợ chồng gã trắng đêm lo lắng…

Chủ quán khe khẽ hát. Chân cô ả vắt chéo, chiếc váy lệch sang hớ hênh, để lộ cặp đùi mời mọc. Gã liếc nhanh rồi lại ngước cổ hít hà. Hai chân xoắn xuýt, hết nhấc lên rồi đặt xuống. Ngoài trời, mưa vẫn không ngừng rơi.

Đột nhiên gã đặt bàn tay phải lên tay trái, ngón cái và ngón trỏ siết lấy tôi mà riết. Tôi gần như chết ngạt. Gã dùng sức day đi day lại, có lúc đã gần như tháo tuột tôi ra khỏi ngón nhưng rồi lại nhanh chóng đẩy ngược vào.

Lần gần đây nhất gã làm như thế này cũng đã hơn hai năm. Là lễ cưới của con gái bà chủ xưởng in. Trên cung thánh, chú rể trao nhẫn cho cô dâu: “Em hãy nhận lấy chiếc nhẫn này làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành của anh”, thì bên dưới gã nhay nhay tôi, miệng lầm rầm: “Không dễ đâu chú em”.

Chưa hết, gã còn đưa tay trái lên, để thật sát miệng, như thể sợ tôi không nghe thấy mà nhả rành rọt từng chữ một: “Mày là cái giống nặng nhất mà người ta có thể nghĩ ra được”. Nếu mà nhẹ thì hẳn tôi đã không bị vứt đi như thế. Đọc kinh Lạy Cha đến đoạn “và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” thì gã đứng dậy, bỏ ra ngoài.

Tôi không rõ những lời đính ước, những chiếc nhẫn mà bao nhiêu người con gái con trai trao cho nhau có chất chứa một thiên mệnh khủng khiếp nào không?

Người ta rung cảm mà yêu nhau. Người ta vì sắc mà say nhau. Có người vì tiền mà mê nhau. Mà khi đó thì nói gì chẳng được. Trèo đèo lội suối còn được nữa huống hồ là nói một vài câu nhẹ bẫng. Mất chưa đầy một phút để nói một câu kết ước. Nhưng để sống và giữ nó thì mất cả một đời.

Mưa vẫn rơi, nhưng hạt nhỏ dần. Gã liếc nhìn đồng hồ. Bốn giờ kém mười. Bà chủ xưởng in đang đợi. Gã gọi tính tiền rồi uể oải đứng lên. Cô váy hoa mặt buồn như đưa đám. Gã bỏ đi trong hoàn cảnh thế này thì đúng là có lỗi với thời tiết lắm.

Bà chủ xưởng in bị phát hiện ung thư gan hơn một năm nay. Chồng bà mất được tám năm, để lại cho bà xưởng in và đứa con gái. Vợ chồng đứa con gái vẫn sống chung với bà, nhưng vắng nhà suốt, chỉ thuê một người giúp việc trông nom bà và phục vụ cơm nước. Thành thử bà cô đơn lắm. Lúc gã đến bà đang ngồi trên chiếc xe lăn, mắt nhìn ra phía cửa sổ, nơi có mấy giò phong lan rất đẹp. Với bà thì mấy giò lan kia mới là thứ của nả lớn nhất mà ông để lại. Nghe tiếng chào, bà quay lại, nụ cười ấm áp. Tuồng như chưa hề có cơn mưa chiều bất chợt ngoài kia. Bà ra hiệu cho gã ngồi, trong khi mắt vẫn không ngừng dán vào tấm ảnh cầm trên tay:

- Có những điều bình dị mà vui mất cả buổi chiều.
Gã hơi rướn mình đón lấy tấm ảnh bà đưa, mặt bỗng dưng biến sắc, miệng há hốc như không thể tin vào những gì mắt thấy. Trời đất ơi, bức ảnh của vợ con gã đây mà! Bức ảnh chụp chung với bà chủ trên giường bệnh. Mà tại sao đầu vợ gã lại rụng hết tóc, trắng hớn thế này. Gã lật phía sau, những nét chữ quen thuộc hiện ra:

“Bà ơi, mẹ bảo cháu gửi hình và viết cho bà mấy dòng. Mẹ bảo mẹ khỏe nhiều rồi. Bà chịu khó uống thuốc nha bà. Bốn mẹ con cháu vẫn đang cố gắng đây, thêm cả phần của bố cháu nữa. Lúc nhà, bố vẫn hay dặn cháu là không được bỏ cuộc. Cháu mong gặp lại bà, nhưng không phải ở cái nơi đáng sợ đó nữa đâu bà nhỉ! Cháu chào bà! Lê Vy”.

Từ khóe mắt đã hằn vết chân chim của người đàn ông khắc khổ, những giọt nước chảy ra. Bà chủ trố mắt nhìn, hỏi xem có chuyện gì. Đợi cho phút nghẹn ngào qua đi, gã cố lấy lại vẻ điềm tĩnh, nói dối là không quen nhìn bà với cái đầu trọc và mấy dòng thư đọc rất cảm động. Bà mỉm cười hiền hậu. Cứ theo lời bà kể thì bà và vợ gã nằm chung phòng điều trị ở bệnh viện K vài tháng trước. Cả hai vừa trải qua một đợt hóa trị, tóc rụng hết. Bà tỏ ra rất thiện cảm với mấy đứa trẻ, bảo chúng ngoan và rất thương mẹ.

- Buồn nhất bọn chúng là trẻ mồ côi. Gã cuống quýt:
- Mồ côi?
- Đúng. Chị kia cũng không phải là mẹ ruột của chúng.
Đến lúc này thì gã hoàn toàn mất kiểm soát, không thể kết nối những gì đã và đang xảy ra. Bà chủ vẫn tiếp tục kể, chất giọng trầm đều. Cưới nhau mấy năm không có con, đi khám, bệnh viện kết luận gã bị vô sinh. Sợ gã suy sụp, có thể vì chuyện này mà sinh quẫn trí làm liều nên chị vợ giấu tiệt, chỉ động viên anh đi xin ơn ở La Vang, Tắc Sậy. Chị tìm đến một cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi của các nữ tu. Ba lần nhận con, chị vờ ốm nghén, rồi lấy cớ là con cầu tự nên thuyết phục chồng cho vào ở hẳn trong nhà dòng để an thai, sinh nở xong hẵng về. Sau ngày gã bỏ đi, chị nói dối mấy đứa con là bố đi công tác xa. Ngày lễ tết, sinh nhật, chị tự tay mua cho con cái áo, đôi giày rồi bảo quà bố gửi về…

* * *
 
Đường về làng mùa mưa, se sắt những cơn gió mang hơi lạnh phả vào da thịt. Gã cắm đầu bước như chạy. Người làng túa ra nhìn. Gã chỉ cúi chào cho có lệ rồi mãi miết bước. Mà có lẽ gã cũng chẳng còn quan tâm người ta nghĩ gì, bàn tán gì về gã nữa. Có một nơi gã cần phải về. Không cần biết nơi đó có chào đón gã không, có cần gã không. Còn gã, gã cần họ, rất cần.

Lạ là cửa không khóa. Không có cánh cửa nào chốt bên trong. Có lẽ giờ này Khanh và Vy đang ở trường, Vân thì đi làm phụ mẹ. Đồ đạc trong phòng khách hình như đã vơi đi nhiều. Vợ gã đang thiếp ngủ trên chiếc giường xếp, mặt hướng ra phía cửa sổ, tay buông thõng xuống. Chiếc nhẫn trở nên lỏng lẻo trong ngón áp út xanh xao. Nó không tuột hẳn ra nhưng mắc lại ở khớp ngón tay.

Gã quỳ mọp xuống. Sáu năm rồi, và đằng đẵng mười mấy năm trước đó nữa, bao nhiêu là gió mưa ràn rạt, bao nhiêu bão tố quần quật giáng xuống trên thân thể người đàn bà bé nhỏ, mà vẫn không thể bứt nổi chiếc nhẫn ra khỏi ngón tay gầy rộc kia sao?

- Đừng tha thứ cho anh… Vì anh không cầu xin sự tha thứ… Mà anh cũng… không đáng được… tha thứ. Anh về để xin em… một ân huệ cuối cùng, ân huệ… được chăm sóc em và các con… những ngày còn lại…
 

Chị mở mắt, tay run run đặt lên miệng gã. Cổ họng nghẹn ứ, nhưng chị không khóc. Mà có lẽ cũng chẳng còn nước mắt mà khóc nữa.

- Anh về… là đủ rồi… Em chỉ sợ… không kịp… nói với anh, em chỉ sợ… không kịp…

Ra là thế. Trên đời này, nếu là vì nhau, người ta cần đến những hi sinh thầm lặng, cả những nỗi đớn đau. Nhưng để giữ được nhau, để đi với nhau cả chặng đường dài thì chưa đủ. Người ta còn phải kể cho nhau nghe về nỗi chông gai của riêng mình.


Nhà là nơi để về. Đó không phải là nơi không còn giông bão. Có thứ giông bão đến từ bên ngoài, có thứ từ bên trong. Gió vẫn quần quật thổi. Mưa vẫn táp xuống liên hồi. Nếu không khéo chằng chéo, nhà vẫn cứ tốc mái, đổ sập như thường. Đúng hơn, nhà là nơi học cách sống chung với giông bão. Nhà dạy người ta cách vượt qua giông bão, thậm chí là cách dựng lại nhà sau hoang tàn đổ nát.

Lễ Thánh Gia Thất năm nay trùng với dịp tổ chức lễ kim khánh, ngân khánh cho một số cặp vợ chồng trong giáo xứ. Cha xứ chuẩn chước cho vợ chồng gã được mừng lễ bạc trong dịp này, có lẽ vì tiên lượng xấu về khối u ác tính của chị. Gã mặc vest đen, đẩy chiếc xe lăn đưa vợ đến nhà thờ. Vợ gã diện bộ áo dài gã mới đặt may ở tiệm, mặt đánh một lớp phấn nhẹ, cái đầu trọc đung đưa theo nhịp đẩy của chiếc xe. Mắt môi tươi tắn, chị cười bẽn lẽn. Người dự lễ xúm lại trầm trồ.
 
Gã đưa tay trái lên, nói thật khẽ: “Cũng có lúc mày nhẹ đấy chứ”. Tôi phì cười. Hôm nào đó, tôi sẽ kể cho chiếc nhẫn kia nghe về những ngày đơn độc khốn khó của mình. Và còn thủ thỉ rằng, trong những ngày tháng chia lìa, chiếc nhẫn kia có cảm thấy đơn chiếc, có thấy thương nhớ tôi không, có phút nào trở nên nặng nề trong ngón tay kia?

Những chiếc nhẫn như chúng tôi, dù làm bằng chất liệu gì, có lấp lánh đến đâu, trong những ngón tay tròn trịa hay gầy guộc, nếu thiếu đi một chiếc, sự tồn tại của chiếc còn lại chẳng còn ý nghĩa. Đó chỉ là những chiếc nhẫn mồ côi.

Tan lễ, gã đẩy xe ra phía cửa. Ba đứa con tíu tít chạy theo. Chốc chốc, gã dừng lại, cúi xuống hôn lên cái đầu trọc của vợ, rồi đẩy xe đi tiếp. Tôi ngước lên, rõ là mắt gã đang cười.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây