TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chạy

Thứ ba - 11/05/2021 10:02 | Tác giả bài viết: Gã Siêu |   735
Chạy

Chạy

Đêm. Ánh trăng vàng đổ xuống ê hề trên một khoảng sân rộng. Gió thổi mơn man. Xấp nhỏ đang chơi trò “Vân Tiên”. Chúng chia thành hai phe, đối đáp nhau bằng những vần thơ thật dễ thương, một phe vần a, còn một phe vần ô, để xem phe nào nhanh trí, còn phe nào bí lối thì liền bị thua. Bị thua thì phải cõng phe kia chạy một vòng quanh sân.

Một người xướng:

Vân Tiên cõng mẹ chạy ra,

Phe a:

Đụng phải bà già, cõng mẹ chạy vô.

Vân Tiên cõng mẹ chạy vô,

Phe ô:

Đụng phải nhỏ bồ, cõng mẹ chạy ra.

Vân Tiên cõng mẹ chạy ra,

Phe a:

Đụng phải… đờn bà, cõng mẹ chạy vô.

Vân Tiên cõng mẹ chạy vô,

Phe ô:

Đụng phải thầy đồ, cõng mẹ chạy ra.

Cứ thế và cứ thế… Những tiếng cười lanh lảnh, trong suốt như pha lê, không hề chất chứa một tí ti ý đồ đen tối nào cả vang lên giữa đêm khuya thôn dã…

Còn gã, đang ngồi căng mắt để đọc cho hết  một chồng báo mới mua. Nói theo kiểu con nhà có đạo thì:

Đã trót ăn cơm Chúa, thì phải múa tối ngày.

Còn nói theo kiểu mấy ông cán bộ nhà nước thì:

Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm.

Tiếng dế quyện lẫn với tiếng muỗi vo ve tạo thành một bản hợp xướng tuyệt vời mà dân thành thị bây giờ có nằm mơ cũng chẳng thấy. Bất ngờ gã liếc qua một bài viết ngăn ngắn có tựa đề: “Chạy + Y = ?” của tiến sĩ Phạm Văn Tình, đăng trên tờ “Tuổi trẻ Chủ Nhật” số 44-03, ra ngày 02 tháng 11 năm 2003. Càng đọc, gã lại càng cảm thấy “tâm đầu ý hợp” với tác giả:

Tuyệt… Thật là tuyệt vời!

Vì thế, hôm nay gã xin mượn đỡ một vài ý tưởng của bài viết ấy, để tán dài tán rộng hơn một chút xíu về động tác… chạy.

Động từ chạy trong ngôn ngữ Việt Nam mang rất nhiều nghĩa, và có những nghĩa chẳng liên quan gì tới chân, tới cẳng. Chẳng hạn:

Dãy núi này chạy dài từ Châu Đốc tới Tịnh Biên.

Chạy có nghĩa là chịu thua, như khi chúng ta bảo:

Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.

Chạy có nghĩa là lưu loát, thông suốt, không vấp váp và cũng không ế ẩm, như khi chúng ta xác quyết:

Anh ấy nói chạy tiếng Ăng Lê quá.

Cô ta bán hàng chạy đấy chứ.

Tuy nhiên, những nghĩa trên đây chỉ là những nghĩa phụ thuộc, những nghĩa lẻ tẻ mà thôi. Gã sẽ bàn đến những ý nghĩa chính yếu của động tác… chạy.

Trước hết, chạy có nghĩa là di chuyển thân thể với những sải bước nhanh, chân này chưa kịp động tới đất thì chân kia đã giơ lên:

- Đường dài ngựa chạy cát bay,

Nghĩa nhân thăm thẳm, một ngày một xa.

Hồi còn bé, gã được học trong sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” về một câu đố như sau:

Con gì ban sáng nó đi bốn chân, ban trưa nó đi hai chân, còn ban chiều nó đi ba chân. Xin thưa rằng:

Đó là con người. Ban sáng có nghĩa là khi mới sinh ra, chúng ta bò bằng cả hai tay lẫn hai chân, như vậy vị chi là bốn chân. Ban trưa có nghĩa là khi trưởng thành, chúng ta đứng thẳng và đi bằng hai chân. Còn ban chiều có nghĩa là khi đã về già, chúng ta phải chống thêm một chiếc gậy, như vậy vị chi là ba chân.

Nếu dựa vào câu đố này, thì chạy phải là một đặc tính của người trẻ. Trẻ về phần xác cũng như trẻ về phần hồn, bởi vì trên thế gian này có nhiều người “nhân lão, tâm bất lão”, hình dong bên ngoài thì già, nhưng cõi lòng bên trong thì vẫn trẻ măng và phơi phới. Con nít mới bảy tháng biết bò, thì không thể nào mà chạy. Còn các cụ mang nặng tuổi đời, phải chống gậy mà đi, thì cũng chẳng thể chạy nổi.

Tùy theo vận tốc, mà người ta có những kiểu chạy khác nhau, chẳng hạn bon bon, chạy như bay, chạy có cờ, chạy lút ga… Tùy theo hình hài vóc dáng, người ta có những cách chạy chẳng giống ai, thí dụ chạy cong đuôi, chạy cắm đầu, chạy đôn chạy đáo, chạy ngược chạy xuôi, chạy sấp chạy ngửa, chạy dọc chạy ngang… Riêng trong phạm vi máy móc, tùy theo nhiên liệu, người ta cũng có những hình thức chạy riêng biệt, chẳng hạn chạy hơi nước, chạy dầu, chạy điện…

Trên lãnh vực thể dục và thể thao, ngày xưa cũng như hôm nay,  chạy bộ đã trở thành một môn có tên trong những cuộc thi đấu quốc tế. Và người ta cũng có nhiều kiểu chạy, nhiều cách chạy và nhiều hình thức chạy. Chẳng hạn trong lễ khai mạc thì có chạy đuốc. Trong thi đấu, thì có chạy tiếp sức, chạy nhảy rào… Tùy theo khoảng cách, thì có chạy 500 mét, chạy 1000 mét… Đối với phong trào quần chúng, thì có chạy “việt dã”, tức là chạy trong địa hình tự nhiên như chạy băng đồng hay băng rừng. Còn chạy “marathon”, tức là chạy đường dài, những người thi đấu phải chạy một khoảng đường dài chừng 42km.

Ngoài ra, người ta còn tham dự những cuộc chạy bộ với những lý do khác nhau, chẳng hạn chạy bộ vì hòa bình và phản đối chiến tranh, chạy bộ vì bệnh Aids và cổ võ cho một nếp sống lành mạnh.

Trong những thập niên gần đây, thỉnh thoảng lại xuất hiện trên báo chí và truyền hình, lác đác một vài “độc chiêu” của việc chạy, đó là “truồng chạy”, nghĩa là người ta cởi truồng tô hô mà chạy khơi khơi ngoài đường phố cốt để phản đối một chuyện gì đó.

Chẳng hạn cách đây mấy năm ở bên Nhật mười mấy người cũng đã truồng chạy để phản đối việc thiên hạ mặc áo da thú, bởi vì để được mặc như vậy, người ta đã phải giết chết biết bao nhiêu nhiêu con vật đáng thương và vô tội, lấy da mới may thành một chiếc áo…

Nếu chỉ có vậy mà thôi, thì chạy vẫn còn là một việc làm lành mạnh và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các bác sĩ vốn thường khuyên những người đã lỡ mang nặng “tí tuổi” đời, cũng như những người vốn mắc phải một chứng bệnh nan y nào đó, chẳng hạn như cao huyết áp, tiểu đường, sạn thận… phải vận động bằng cách mỗi ngày chạy bộ hay đi bộ ít phút cho máu huyết được lưu thông.

Tuy nhiên, chỉ có một chút vẩn đục trong phạm vi này, đó là mấy chị  vận động viên hay mấy anh lực sĩ vì cá nhân quá ham thích những chiếc huy chương vàng, hay vì màu cờ sắc áo, vì tự ái dân tộc thúc đẩy, mới dại dột xơi “doping”, dùng chất kích thích để tăng thêm sức lực, hầu đạt tới mục đích mong muốn, nhưng họ cũng khó mà vượt qua được những xét nghiệm trước khi thi đấu.

Kinh nghiệm cho thấy cuộc đời không đơn giản và trong suốt như pha lê. Trái lại, luôn có những chữ “nhưng”, chữ “tại”, chữ “bởi vì”, chữ “ví như”… làm cho trở nên thật nhiêu khê và rắc rối. Nếu chỉ cắm đầu cắm cổ chạy thẳng một lèo, thì đâu còn chi phải nói, đằng này người ta có thể chạy vòng vo tam quốc, thành thử người ta cũng phát minh ra những kiểu chạy… trời ơi đất hỡi!!!

Với trò chơi của xấp nhỏ trong đêm trăng sáng, gã thấy được hai nhóm chạy:

Nhóm thứ nhất là chạy ra, nhóm thứ hai là chạy vô.

Còn trong việc giao tiếp hằng ngày, gã cũng nhận ra hai nhóm chạy:

Nhóm thứ nhất là chạy lui, nhóm thứ hai là chạy tới.

Theo sự phân tích của tiến sĩ Phạm Văn Tình, thì:

“Ở nhóm thứ nhất, người ta “chạy” là để tránh xa một sự thể đang nói tới, như chạy giặc có nghĩa là tránh xa vùng giặc giã, nguy hiểm… Còn ở nhóm thứ hai, thì ngược lại, người ta “chạy” là để mong có được cái đang nói tới, như chạy việc có nghĩa là lo liệu tìm được việc làm như lòng mong muốn…”

Từ đó, chúng ta có thể quả quyết: nhóm một chạy là để tránh xa hay thoát khỏi, còn nhóm hai chạy là để có được hay xáp vô. Gã xin dừng lại, bàn ngang tán dọc về hai nhóm này một chút.

Trước hết, nhóm thứ nhất chạy là để tránh xa hay thoát khỏi. Gã xin đưa ra những trường hợp điển hình.

Thí dụ thứ nhất, đó là chạy mưa. Đang đi khơi khơi trên đường phố vào một buổi chiều nhàn nhã, bỗng dưng trời đổ mưa. Một cơn ngoài dự tính, như người ta vốn thường diễn tả:

Trời Saigon, chợt mưa và chợt nắng.

Và thế là phải ba chân bốn cẳng mà “chạy mưa”, tìm một chỗ nào đó để trú cho khỏi bị ướt. Tương tự như vậy là chạy lụt, chạy bão… Gã nhớ hồi còn nhỏ, có một năm đồng bằng sông Cửu Long bị lụt lớn, nước dâng cao ngập đường đi, cũng như ngập nền nhà. Mọi sự đều bị nhận chìm trong biển nước bao la, cộng thêm vào đó, một cơn bão thổi tới, tạo thành những con sóng “bạc đầu” giữa chốn đồng không mông quạnh. Và để an toàn, cả nhà gã lập tức được di tản lên thành phố, ở trọ nhà một người quen, chờ cho tới khi nước rút mới trở về. Chỉ riêng một mình bố của gã là bám trụ ở lại để trông coi nhà cửa, vật dụng cùng những thứ lỉnh kỉnh khác nữa.

Thí dụ thứ hai, đó là chạy loạn. Chuyện này thì gã đã hơn một lần kinh nghiệm. Gã còn nhớ rất rõ, khoảng đầu năm 1975, gã đang sống yên ổn tại Đalạt, một thành phố thơ mộng và xinh đẹp nhất Việt Nam. Rồi bỗng dưng, con những ông lớn được gửi học tại đây, dần dần được di tản “chiến thuật” về Saigon. Thế là dân chúng lập tức ăn theo, cũng tìm cách chạy loạn, rút khỏi thành phố này một cách êm ru bà rù, không kèn không trống. Tới khoảng giữa tháng ba, thì thành phố này như đã trở nên một thành phố chết. Xe cộ không còn. Người ngợm thưa thớt. Đến ngày 20 tháng 3, thì một tin đồn được tung ra: Đalạt sẽ được bàn giao nội trong đêm nay.

Lập tức một đợt di tản cuối cùng được hình thành. Người ta hối hả chạy ra khỏi thành phố này bằng bất cứ phương tiện nào, tạo nên một chuỗi dài hàng cây số đủ thứ xe cộ, bò xuống đèo Ngoạn Mục, miễn sao mình phải “biến” trước khi màn đêm buông rơi. Riêng gã thì ngồi chung cùng với nhiều người khác trên một chiếc xe “be”, thứ xe được dùng để chở cây rừng. Rất may tối hôm đó cũng tới được Phan Rang và thở phào nhẹ nhõm. Rồi từ Phan Rang tìm đường vô Phan Thiết. Rồi từ Phan Thiết, kiếm ghe chạy vô Vũng Tàu.

Thí dụ thứ ba, đó là chạy tội hay chạy án. Một công dân rất mực lương thiện, nhưng chẳng may bị ma dẫn lối quỉ đưa đường, nghe theo những lời dụ dỗ đường mật, khiến cho lòng tham nổi lên đùng đùng, phạm vào một trọng tội, như cướp của, giết người, tham nhũng hối lộ hay biển thủ công quĩ… Những tội này, chiếu theo luật pháp, sẽ bị tử hình, hay ít nữa cũng vào nằm nhà đá mà đếm lịch mệt nghỉ. Và thế là bèn vội vã chạy tội hay chạy án, nghĩa là tìm cách làm sao cho thoát tội hay được giảm án phạt, bằng cách thuê luật sư giỏi, gân cổ cãi cho mình, biến đen thành trắng, hay mua đứt quí vị quan tòa, từ chánh án cho đến anh long tong chạy giấy.

Tiếp đến, nhóm thứ hai, đi ngược lại với nhóm thứ nhất. Trong nhóm này, người ta chạy là để có được hay sáp vô. Gã cũng xin đưa ra những trường hợp điển hình.

Thí dụ thứ nhất, đó là chạy gạo hay hạy tiền. Gia đình lâm vào cơn túng quẫn, thì vấn đề nổi cộm hiện ra trước mắt chính là vấn đề “cơm áo gạo tiền”. Vì thế, bụng đói thì đầu gối phải bò, nghĩa là phải vắt giò lên cổ, chạy gạo từng ngày, làm sao có được những hạt cơm lấp đầy những cửa miệng, dường như lúc nào cũng sẵn sàng ngoác tới tận mang tai để kêu đói như tàu… há mồm. Vì thế, người xưa đã bảo:

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Giải quyết được chuyện bao tử cũng chưa đủ, bởi vì muốn làm bất cứ việc gì, thì vấn đề đầu tiên bao giờ cũng vẫn là vấn đề tiền đâu. Không có tiền, thì cái khó bó cái khôn, đành phải thúc thủ chịu vậy mà thôi. Có bột mới gột nên hồ. Có tiền thì mới có cơ may phất lên. Vì thế, cũng phải vắt giò lên cổ mà chạy tiền, làm sao để có được tiền, càng nhiều càng tốt, mới cảm thấy được bảo đảm an toàn.

Thí dụ thứ hai là chạy thầy chạy thuốc. Phàm đã là người, thì ai cũng ham sống và không muốn chết, vì thế chẳng may bị đau yếu hay bệnh hoạn, thì lập tức phải chạy thầy chạy thuốc, để chóng được bình phục trở về với cuộc sống thường ngày.

Thí dụ thứ ba là chạy điểm, chạy trường. Muốn cho con em mình được lên lớp, thì phải lo chạy điểm, nghĩa là phải biết điều với thầy cô để con em mình có đủ số điểm cần thiết, không bị lưu lại lớp cho năm học tới. Rồi trước ngày khai giảng, muốn cho con em mình được học ở những trường nổi tiếng, bảo đảm chất lượng giảng dạy, thì phải lo… chạy trường, bằng cách ký sổ vàng, đóng góp kha khá cho Ban giám hiệu thì mới hy vọng con em mình được nhận.

Thứ tư là chạy việc. Hiện thời tại Việt Nam, biết bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp với bằng cấp rủng rỉnh, thế mà vẫn cứ bị thất nghiệp, vẫn cứ bị sao quả tạ chiếu tướng và vẫn cứ bị bà cả đọi viếng thăm dài dài. Vì thế, trước khi thò chân bước xuống cuộc đời, phải biết lo chạy việc, nghĩa là tìm cho mình một việc làm phù hợp với khả năng, và hơn thế nữa một việc làm đem lại tiền lương hậu hĩnh, khả dĩ nuôi sống bản thân và những người trong gia đình…

Thứ năm là chạy lên lương hay lên chức. Thực vậy, khi đã có việc làm ổn định, thì phải lo chạy để lên lương hầu có thể rủng rỉnh chi tiêu, mua sắm và trang bị cho mình những tiện nghi hiện đại, đỡ tốn sức lao động và bớt phần nhọc nhằn cho cái thân thể gầy còm ốm yếu. Trong khi đó nhiều người lại cắm đầu cắm cổ chạy để được thăng chức, mà nghênh ngang với đời, chứ làm phó thường dân, “vai nặng chân trơn” mãi cũng chán, đã đến lúc phải có danh gì với núi sông, phải có một cái nhãn hiệu trình tòa, một cái lon, cái chức nào đó gắn vào cái tên cúng cơm của mình thì mới… oai và mới được thiên hạ kiêng nể!

Gã biết một thầy sáu, được bề trên gọi tiến chức. Khi làm đơn nộp cho nhà nước xét duyệt, thầy tự vấn lương tâm, thấy mình chẳng có tí công trạng nào. Và thế là những người thân quen với thầy bèn làm một màn chạy thật đẹp mắt, đó là chạy… bằng khen.

Ai quen cơ quan nào, thì cố gắng khều cho thầy một bằng khen. Và cuối cùng thầy đã có được một bề dày thành tích đáng kể đối với… cách mạng. Những tấm bằng khen được nộp kèm theo đơn xin, tạo thành một tập hồ sơ nặng ký. Từ bằng khen nuôi lợn, nuôi cá, đến bằng khen cấy lúa, trồng cây. Từ bằng khen xóa đói giảm nghèo đến bằng khen xóa nạn mù chữ. Thầy anh dũng bước đi với những bằng khen che phía trước, chắn phía sau để tiến tới chức thầy cả!!!

Nói tóm lại trên cõi đời này, cái gì người ta cũng có thể chạy, hay nói cách khác, người ta lao đầu vào chạy đủ thứ, chạy tuốt luốt, chạy từ cái trường mẫu giáo cho con em đi học, chạy ngay cả đến cái ghế tổng thống cho cá nhân được vinh thân phì gia, nở mày nở mặt với bàn dân thiên hạ… tất tật đều có thể thực hiện được bằng cách… chạy.

Qua sự phân tích trên, gã thấy nguyên việc chạy mà thôi cũng đã gây nên biết bao nhiêu điều rắc rối. Và nói theo kiểu dự báo thời tiết thì:

Diễn biến còn nhiều phức tạp, quí vị cần theo dõi.

Trong cả hai nhóm chạy, nhóm chạy ra cũng như nhóm chạy vô, nhóm chạy lui cũng như nhóm chạy tới, nhóm chạy để mong tránh khỏi cũng như nhóm chạy để mong có được, đều xuất hiện những kiểu chạy chẳng liên quan gì tới chân, tới cẳng, bởi vì người ta chạy bằng những phương tiện khác nhau.

Chẳng hạn người ta chạy bằng… ô dù, nghĩa là lợi dụng tình nghĩa thân quen, hay chức quyền để tránh khỏi điều xấu và đạt được điều tốt.

Một ông bố quyền cao chức trọng, chạy tội cho cậu ấm vì đã phóng xe vượt ẩu, gây tai nạn chết người. Một bà mẹ làm lớn chạy việc cho cô chiêu để có được một ghế ngồi vững chắc với lương tháng hậu hĩnh trong công ty. Thật đúng như người xưa đã diễn tả:

Con vua thì lại làm vua,

Con nhà kẻ khó, bắt cua tối ngày.

Con vua thì lại làm vua,

Con nhà thầy chùa, lại quét lá đa.

Chẳng hạn người ta chạy bằng… bao thư, bằng phong bì, nghĩa là dùng tiền bạc để thực hiện điều mình mong muốn. Đưa bệnh nhân tới nhà thương cũng phải sắp sẵn bao thư hay phong bì, dĩ nhiên trong đó phải có nhân, có ruột, nghĩa là phải… có tiền. Tiền này được gọi là tiền “bồi dưỡng” cho y tá, cho bác sĩ để bệnh nhân được chăm sóc đến nơi đến chốn.

Muốn chạy tội và trắng án, cũng phải lo lót bao thư hay phong bì cho chánh án, cho thẩm phán.

Muốn con em có được một nơi học tốt, cũng xùy bao thư hay phong bì ra cho Ban giám hiệu.

Thời buổi bây giờ, bao thư hay phong bì đang nở rộ, như hoa đào khoe sắc vào mỗi độ xuân về. Thật đúng như người xưa đã nói:

Nén bạc đâm toạc tờ giấy.

Có tiền việc ấy mà xong nhỉ.

Người ta còn có thể chạy bằng những phương tiện “âm u” khác nữa, như chạy bằng tửu, bằng sắc, nghĩa là giải quyết công việc bằng tiệc nhậu hay bằng đờn bà con gái… Những cách chạy này, gã xin được “nô-tế-bồn”, nghĩa là xin được miễn bàn tới ở đây, mong bàn dân thiên hạ thông cảm cho gã.

Một khi đồng tiền đi trước và chức quyền theo sau, người ta chẳng cần phải tốn sức lao động mà chạy tới chạy lui, chạy ra chạy vô, chẳng cần phải giơ chân nhấc cẳng bước một bước nào sốt, cứ việc ung dung ngồi chơi xơi nước ở nhà, chỉ cần nói một lời nói êm dịu, nhắc một cú “phôn” ngắn ngủi là xong. Khỏe re! Thế nhưng, khỏe cho bản thân mình, nhưng lại phá vỡ các tiêu chuẩn đạo đức và làm cho xã hội bị băng hoại.

Để kết luận, gã xin kể lại hai mẩu chuyện tiêu biểu cho hai kiểu… chạy đáng chạy vì chúng mang tích cách xây dựng.

Mẩu chuyện thứ nhất, đó là cuộc chạy đua giữa rùa và thỏ.

Vào một buổi sáng đẹp trời, thỏ rủ rùa ra đường chạy đua xem ai tới đích trước. Ỷ vào tài chạy nhanh của mình, thỏ nằm dưới gốc cây cổ thụ. Gió thổi hiu hiu đưa thỏ vào giấc ngủ. Trong khi đó, rùa chậm chạp bò lê từng bước, từng bước một. Khi thỏ chợt tỉnh, dụi mắt nhìn thì thấy rùa đã gần tới đích. Bấy giờ thỏ mới ba chân bốn cẳng, chạy vắt giò lên cổ thế mà cũng chẳng đuổi kịp, bèn thúc thủ chịu thua.

Chuyện này khuyên chúng phải kiên nhẫn, bởi vì sự kiên nhẫn sẽ dẫn tới thành công:

Nước chảy đá mòn.

Kiến tha lâu cũng đầy tổ.

Có công mài sắt, có ngày nên kim.

Mẩu chuyện thứ hai, đó là chạy nhân chạy nghĩa.

Mạnh Thường Quân nhà giàu cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Huyền sang đất Tiết đòi nợ. Lúc sắp đi, Phụng Huyền hỏi:

Tiền nợ thu được, có định mua gì về không?

Mạnh Thường Quân nói:

Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua.

Khi đến đất Tiết, Phùng Huyền cho gọi dân lại, bảo rằng:

Các ngươi còn nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều tha cho cả.

Rồi đem văn tự ra đốt sạch.

Lúc về, Phùng Huyền thưa với Mạnh Thường Quân rằng:

Nhà tướng công châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy buồng, không còn thiếu sự gì nữa. Chỉ còn thiếu một cái “nghĩa” mà thôi, nên tôi trộm phép vì tướng công đã mua về.

Mạnh Thường Quân nghe nói thế, cũng không hỏi han gì đến tiền bạc nữa.

Sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, phải về ở đất Tiết. Dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa, ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Huyền rằng:

Trước tiên sinh vì tôi mua nghĩa, nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy.

Đúng là Phùng Huyền đã mua nhân mua nghĩa, hay nói cách khác, đã “chạy nhân chạy nghĩa” cho Mạnh Thường Quân. Thế nhưng, ngày hôm nay có được bao nhiêu người cũng biết “chạy nhân chạy nghĩa” cho mình như vậy?

Gã Siêu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây