TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đường Emmau hay đường đau thương?

Thứ năm - 13/04/2023 07:12 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   756
Chúng ta cũng hãy bẻ tấm bánh cuộc đời chúng ta cho người khác. Đó là niềm vui Tin mừng Chúa Phục Sinh.
Đường Emmau hay đường đau thương?
Đường Emmau hay đường đau thương?




Đường không xa nếu như từ Giêrusalem đến Emmau chỉ độ chừng 11,5 km. Tuy nhiên đường xa, không xa vì khoảng cách, nhưng xa bởi mang theo cõi lòng trĩu nặng. Họ vừa chứng kiến Thầy mình bị treo trên Thập Giá. Ta đã từng đưa tiễn người thân yêu nhất về bên kia cõi đời, lòng nặng niềm đau, chân bước đi quỵ xuống mới cảm nghiệm về một lòng đau.

Lòng đau vì chia cắt. Ta nhiều khi khó chấp nhận một cuộc chia ly đầy thương nhớ để tự hỏi, những câu tại sao? Tại sao một người tốt lành lại chịu chết oan ức như thế? Tại sao kẻ gian ác lại nhởn nhơ trước khổ đau của người khác? Như bao phiên toà oan ức, người không có tội bị gán ghép có tội? Như bao người phải chết do một nguyên nhân kẻ vô cảm gây ra?
Lắm lúc ta khô rát họng vì tiếng khóc không thành tiếng, khóc khô cho những oan ức của cuộc đời. Trước thập giá treo Đấng vô tội, có bao người đang cúi xuống cấu cào trên cát khô, nỗi khổ nhục của con người mọn hèn kêu cứu. Trời cao có thấu! bên cạnh những thượng tế, kinh sư, biệt phái, vừa hoàn thành loại bỏ một người chúng không ưa thích? Như hình ảnh người cha vô tội ôm hôn đứa con thơ của mình trước khi vào tù, bên cạnh một con người dửng dưng sắt lạnh, vừa thành công bỏ tù người cha vô tội kia.
Những gánh nặng của con người bé mọn, vô tội mang thân hình rệu rã, âm thầm bước đi trước kẻ bạo quyền, bạo thế. Đường xa bởi lòng đau quá ê chề giữa cuộc sống. Đau lòng quá, có những thước phim chỉ dừng lại ở những nóng nảy, sơ ý, mà không bao giờ dừng lại hay quay chậm lại những lúc chịu đựng, mệt mỏi, hết sức nhẫn nại để khuyên nhủ, yêu thương? Rồi phải chịu những búa rìu dư luận và cái sai sót, lỡ làng của những phán quyết vô tâm, vô cảm? Đâu là chân lý cho cuộc sống, đâu là hy vọng cho những niềm đau? Có quá nhiều đau thương vì lòng người chỉ biết vứt bỏ, loại trừ, thay vì nhẫn nại yêu thương! Một xã hội không có Chúa, ai giải thích cho những đau thương này?
Chúa đi bên cạnh họ. Giải thích nhiều điều, cho con người bé mọn thấy ánh sáng cuối đường hầm, những hy vọng cho ngày mới. Có phải chăng sự dữ chiến thắng? Có phải chăng kẻ mạnh thế, mạnh quyền sẽ đứng vững? Phải chăng khổ đau là chấm dứt hết mọi tia hy vọng?
Chúa nhắc lại cho hai môn đệ: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy." (Mt 17, 22- 23).  Con Người bị nộp, diễn tả một tình yêu phó nộp: Chúa Cha phó nộp Chúa Con (Ga 3, 16); Chúa con tự nộp chính mình (Ga 17, 19), Phó nộp Thần Khí (Ga 19, 30). Tất cả tình yêu phó nộp đó “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi” (Kinh Tin Kính).
Con đường Emmau của mỗi người có khác nhau, nhưng chung một suy nghĩ, ai sẽ giải cứu tôi khỏi đau khổ này? Không có niềm tin, thất vọng biết bao, vì chẳng có ai giải thích, nói với tôi, cho tôi một hy vọng. Người có niềm tin, vẫn còn nhiều hy vọng, bởi vẫn còn ai đó đang vấn an, giải thích cho tôi những gì đang trải qua sẽ dẫn tới một ngày tươi sáng. “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?36 Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.” (Rm 8, 36 – 37)
Các môn đệ nhận ra Người khi Người bẻ bánh. Các ông nhớ lại Lời Chúa đã nói với các ông: "Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa." (Lc 22, 15 – 16).
Đau khổ con người phải chịu, đó là dưới ách thống trị tội lỗi. Đau khổ con người chịu bởi tình yêu lại là cứu thoát. Chỉ có Tình Yêu chịu phó nộp mới cứu thoát thân phận con người khỏi ách khốn cùng tội lỗi. Chỉ có đau khổ mang lấy bởi tình yêu mới là tình yêu của hy sinh, của hy vọng. Nếu con người bước đi trong Ánh sáng Tin Mừng, tâm hồn họ sẽ nhẹ gánh, bước đi sẽ thanh thoát. Nỗi muộn phiền trở thành niềm vui. Hai môn đệ sau khi nhận ra Chúa, họ đã trở về Giêrusalem ngay trong buổi đêm hôm ấy (Lc 24, 33). 
Đau khổ chỉ giết chết được con người, khi con người không có niềm tin và hy vọng. Hai môn đệ trên đường Emmau có thể là những con người đau khổ của chúng ta. Có Chúa cùng đi, có Chúa ở lại với chúng ta chiều buồn ấy; chúng ta lại được thấy niềm vui khi nhận ra Chúa đang bẻ tấm bánh cuộc đời của Người cho chúng ta.
Chúng ta cũng hãy bẻ tấm bánh cuộc đời chúng ta cho người khác. Đó là niềm vui Tin mừng Chúa Phục Sinh.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây