TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG

Thứ ba - 11/05/2021 09:40 | Tác giả bài viết:  Giuse Trần Ngọc Hồng Tuyến |   812
BBT xin giới thiệu tác phẩm đạt Giải Nhì: truyện dài của Giuse Trần Ngọc Hồng Tuyến (ĐC: Chủng viện Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột)
fIMG 0214
fIMG 0214
Trong tâm tình cảm tạ, Ban Văn hoá - Truyền thông tổ chức cuộc thi Sáng tác Văn Thơ mừng 50 năm Hồng ân Giáo phận Ban Mê Thuột, khởi xướng ngày 26/9/2017 và kết thúc vào ngày 25/3/2018. Sáng ngày 21.6.2018, tại Hội trường Nhà Lưu trú Têrêxa (99 Trần Nhật Duật, Tp. Buôn Ma Thuột), Ban tổ chức đã trao 11 giải thưởng, bằng khen cho các tác giả, gồm: 02 truyện dài, 03 truyện ngắn, 05 tập thơ và 01 bài thơ.

BBT xin giới thiệu tác phẩm đạt Giải Nhì: truyện dài của 
Giuse Trần Ngọc Hồng Tuyến (ĐC: Chủng viện Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột)


         MUỐI VÀ ÁNH SÁNG
         Gấp cuốn sách nguyện lại, vị linh mục trẻ ngước nhìn ra sân Nhà thờ, lớp bụi đỏ bị gió cuốn tung lên dường như làm cho cái nắng chói chang trở nên oi bức hơn. Giáo xứ nghèo, nhà xứ cũng nghèo. Nhà xứ với mái trần thấp khiến không khí càng trở nên ngột ngạt. Chiếc quạt cũ kĩ đang gắng gượng chạy hết sức, nhưng xem ra chẳng thể giúp được gì nhiều cho Cha trong việc xua tan cái nóng như đổ lửa. Tuy thế, Cha lại chẳng lấy điều đó làm phiền. Cha còn trẻ, nhiệt huyết đời linh mục của Cha vẫn đang bùng cháy mãnh liệt. Là linh mục của Chúa, Cha sẵn sàng chịu khổ; một chút nóng bức như vậy làm sao sánh nổi với cái nắng cháy da khi Chúa đang lê tấm thân đau đớn rã rời vác cây Thánh giá nặng lên đồi Gon-go-tha xưa. Cha ước mình có thể thông phần đau khổ cùng Chúa.
         Mới chỉ phải chịu một chút oi bức bởi khí trời thì đâu phải là khổ. Huống hồ, nhà xứ xem ra vẫn còn dễ chịu lắm. Cha thấy xót xa cho những mái nhà lợp tôn của bà con chỉ có thể che nắng mà không thể ngăn nổi hơi nóng hầm hập tràn vào nhà, nhất là những nhà có người già và con trẻ. Ngay mé bên Nhà thờ còn có nhà vợ chồng anh Tường đau bệnh triền miên nên hai vợ chồng chẳng kham nổi cho bốn đứa con nheo nhóc đi học. Đứa lớn nhất mới mười ba tuổi.
         Đứa bé nhất còn ẵm ngửa trên tay. Ban ngày bố mẹ chúng nó đi làm hết, bốn chị em chúng nó cùng lũ trẻ hàng xóm hay chơi luẩn quẩn trong sân Nhà thờ. Hàng cây xà cừ rợp lá trong sân Nhà thờ trở nên một chốn lý tưởng cho bọn trẻ tránh nóng. 
***
         “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi”.
         “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà”.
         “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5, 13-16)
         Thường sau giờ kinh trưa, Cha luôn xem qua đoạn Tin Mừng ngày tới để chuẩn bị bài giảng cho thật chu đáo. Riêng bản văn Tin Mừng này luôn khơi gợi trong Cha một cảm giác thật bồi hồi xao xuyến. Ngày xưa, chính bản văn này đã hun đúc trong Cha ý muốn đi tu làm linh mục. Trong tâm trí Cha vẫn rõ mồn một những kí ức về ngày xưa, những ký ức kể từ ngày Cha còn là một cậu bé.
         Sẽ chẳng bao giờ cậu quên được những ký ức ngày ấy. Tuổi thơ của cậu và em gái không hề biết đến tình thương của người cha. Hai anh em cậu có cha hay không? Cậu không hề biết. Cậu chỉ biết rằng chỉ có ba mẹ con cậu phải nương tựa vào nhau để sống. Hay nói đúng hơn, chỉ có mẹ cậu phải chịu gánh cái gánh nặng nuôi con cùng với bao gánh nợ nần và một cuộc sống nghèo khổ đến cùng cực. Người đàn ông đã bị cái nghèo và cái khổ đẩy đến tận cùng của giới hạn chịu đựng nên đành nuốt nước mắt dứt áo ra đi.
         Chỉ có người đàn bà không nỡ đang tâm bỏ lại những đứa con mình đứt ruột sinh thành nên đành cam phận chịu khổ. Những con người bé nhỏ không có một chút vốn lận lưng ấy, sẵn sàng nhận lấy bất cứ công việc hèn mạt nào người ta bố thí cho để có được chút gì lót vào dạ, để được sống. Cứ như vậy, ba mẹ con cậu sống lay lắt qua ngày, hứng chịu tất cả những lời dè bỉu ác nghiệt của người đời. Ngỡ rằng cái khổ ở đời chỉ đến thế là cùng; ngờ đâu số phận éo le như muốn đày đọa mẹ con cậu nhiều hơn thế nữa. Ngày ấy, giả như có người nào nói với cậu rằng mẹ cậu đã chết, cậu sẽ vu cho người ấy là bịa đặt những chuyện xấu xa. Hẳn cậu sẽ không đắn đo gì mà lao vào cấu xé người ấy, làm tất cả những gì cậu có thể làm để thỏa nỗi căm hờn trong lòng cậu.
         Nhưng không, chính mắt cậu đã trông thấy mẹ mình bị con nước dữ cuốn trôi. Cậu chẳng thể nào tự lừa dối chính mình. Nhưng sự thật là vậy. Trong lúc đang đi vớt củi, người đàn bà bất hạnh ấy đã sảy chân rơi xuống sông, ngay chỗ xoáy nước mạnh nhất, bà chỉ kịp kêu lên một tiếng cuối cùng, chới với hướng về phía hai đứa con bất hạnh; rồi nước cuốn bà chìm hẳn. Có lẽ lúc ấy, người đàn bà ấy chẳng thấy nuối tiếc gì cho mình, nhưng nỗi đau khổ vì lo lắng cho hai đứa con bé bỏng quặn xé trong lòng bà. Nhưng tất cả đã quá muộn, tâm trí bà dần lịm tắt. Đó là lần cuối cùng người ta nhìn thấy bà.
         Cũng có những người tốt bụng mò tìm xác bà, nhưng có lẽ số phận quyết đày đọa mẹ con bà cho đến cùng, con nước ngày hôm ấy dường như lên cao hơn so với thường ngày và ngày càng chảy xiết. Hai đứa trẻ giương đôi mắt quạnh quẽ nhạt nhoà nhìn những cái lắc đầu ái ngại. Lần đầu tiên, những người hàng xóm láng giềng của cậu, mà hầu hết là chủ nợ của gia đình cậu, cảm thấy thương xót cho số phận của hai đứa trẻ: Đứa em gái lên sáu, còn thằng anh mới được chín tuổi.
         Tuổi thơ của một đứa trẻ vốn dĩ phải êm đềm hạnh phúc lại trở nên cơ cực sầu thảm. Tương lai của một con người vốn dĩ phải tươi vui xán lạn lại trở nên nhạt nhoà xám xịt. Cậu nhìn đời bằng ánh mắt chua cay hằn học và không còn dám hy vọng vào bất cứ điều gì trên đời.
         Cậu đã từng nghe mẹ thủ thỉ rằng có một vị Chúa Toàn Năng sẽ che chở cho ba mẹ con cậu. Nhưng giờ này, ôm chặt em gái nhỏ trong tay, cậu chua chát nói với em rằng chẳng hề có một Chúa Toàn Năng nào trên đời cả; hay có chăng đó cũng chỉ là một ông Chúa vô tâm, hoặc có khi Chúa quá nhẫn tâm khi đày ải mẹ con cậu đến bước khốn cùng như vậy.
         Thế là hai anh em cậu trở thành trẻ mồ côi. Không biết qua bao lâu, cũng không biết bằng cách nào mà người ta tìm ra được người dì của hai đứa trẻ ở một miền cao nguyên và gửi chúng đến cùng bà. Người dì phúc hậu cũng chưa lập gia đình; nay quyết định ở vậy để nuôi nấng hai đứa trẻ. Như muốn thay chị mình bù đắp tình yêu cho hai đứa cháu bất hạnh, bà hết mực yêu thương chúng như yêu thương chính con ruột của mình vậy.
         Dù phải một thân một mình lam lũ vất vả, dù cuộc sống còn thiếu thốn trăm bề, bà vẫn cố lo liệu cho hai anh em cậu ăn học đầy đủ. Về phần cậu, tuổi đời chưa được bao nhiêu nhưng cũng đã từng trải nhiều, cậu không thể sống hồn nhiên như bao đứa trẻ đồng lứa khác. Biết dì mình phải sống cơ cực, cậu đòi nghỉ học, vừa để giảm gánh nặng cho đôi vai của dì, vừa mong muốn đỡ đần dì một chút, vả chăng cậu cũng không muốn mắc nợ ai, kể cả dì mình. Tuy nhiên, người dì nhất mực bắt ép cậu phải tiếp tục học hành. Ngày ấy, cậu vẫn chưa thể hiểu tại sao.
         Coi sóc xứ đạo nơi gia đình cậu sinh sống là một linh mục già tốt lành và thánh thiện. Mọi người ở nơi đó ai cũng quý mến Cha lắm. Đó là một cụ già tóc đã ngả sang bạc trắng nhưng bước chân vẫn còn nhanh nhẹn. Khuôn mặt ông xương xương nhưng lại có gì đó khiến người ta có cảm giác dễ gần. Ông tận tâm làm mọi việc vì đàn chiên trong Giáo xứ nghèo nàn của ông. Đặc biệt là những người già và con trẻ. Những đứa trẻ quý mến ông đến nỗi nếu ông bụt có thật trên đời, hẳn ông bụt ấy phải trông giống như Cha già.
         Cha già tốt lành và thánh thiện là vậy. Thế mà có một đứa trẻ không bao giờ chịu tin Cha lẫn Chúa đáng kính của Cha. Chúa đối xử với cậu quá hà khắc khiến cậu mỉa mai tất cả những ai tin vào Chúa. Đối với cậu, có thể Cha xứ đang cố tỏ ra là một người đạo đức, hoặc có chăng nếu ngài là một người thánh thiện thật thì có lẽ ngài bị Chúa của ngài đánh lừa mà thôi. 
         Khi không muốn bị những nỗi đau khổ xâu xé, người ta thường tự xây nên những bức tường chắc chắn để bảo vệ tâm hồn mình. Vô hình trung, chiến lũy mà con người bé nhỏ kia dựng lên để bảo vệ mình, lại cũng hóa thành một rào cản ngăn trở cậu với trái tim con người. Trái tim bé nhỏ bị cô lập ấy dần trở nên lạnh lẽo và nghi hoặc tất cả những gì được coi là đẹp đẽ ở trên đời.
         Cha già tốt lành và thánh thiện là thế. Vậy mà cậu cũng nhìn thấy khuyết điểm của Cha và rêu rao cái khuyết điểm ấy cho toàn dân thiên hạ đều hùa theo. Ấy là Cha già sống hà tiện quá. Người ta bảo rằng: ăn Cha chẳng dám ăn, mặc Cha chẳng dám mặc. Cha chẳng bao giờ dám sắm sửa gì mới cả, cứ khư khư dùng mấy món đồ cũ rích mà chẳng chịu thay đổi. Chỉ cần xem thấy mấy cái áo dòng Cha mặc thường ngày là biết: chúng đã chuyển sang màu bạc phếch tưởng chừng như chẳng thể nào bạc hơn được nữa. Chuyện ăn uống của Cha cũng là chủ đề bàn tán của các bà, các chị. Nhiều người thương cảm và thấy xót xa cho thân thể gầy gò ốm yếu của Cha.
         Tuổi già sức yếu rồi, ăn uống đạm bạc mãi thì làm sao Cha chống chịu nổi. Cũng không ít người hiếu kỳ tỏ ra thắc mắc vì sao Cha lại quá hà tiện như vậy. Cha xứ thiếu gì tiền. Nào là công việc của Giáo xứ xem như đã ổn cả rồi, nào chẳng còn mấy việc to tát nữa mà Cha phải nhịn ăn nhịn mặc như vậy. Cha già đã luống tuổi rồi, thực sự chẳng còn sống được bao nhiêu nữa, tiền bạc Cha phải dành dụm rồi để làm gì đây. Chẳng việc gì Cha lại phải tự làm khổ mình như vậy.
         Cha già tốt lành và thánh thiện, nhưng lại giữ những bí mật cho riêng mình khiến người ta chẳng thể nào hiểu nổi. Miệng lưỡi thế gian vốn ác nghiệt, chẳng thể nào thiếu những kẻ ác miệng nói ra những điều không hay làm tổn hại đến danh dự Cha già. Cha già biết điều ấy và Cha âm thầm dâng cho Chúa tất cả. Cha nương tựa vào Chúa để tìm ơn nâng đỡ ủi an. Cha chẳng hề biết cậu bé có hận Chúa hay không. Mà dẫu cho cậu bé có hận Chúa, hận lây sang cả Cha, Cha chẳng vì thế mà có thể buông lơi việc cầu nguyện cho cậu mỗi ngày.
         Thiên nhiên miền cao nguyên vốn không quá khắc nghiệt. So với nhiều vùng đất khác, mảnh đất này nổi tiếng là một người mẹ hiền hoà biết chiều chuộng con cái. Nhưng cũng có đôi lần, người mẹ ấy nổi giận một cách vô cớ để rồi trút xuống đầu con cái biết bao nhiêu bực dọc muộn phiền. Do vậy, sẽ chẳng lạ gì khi mỗi một mùa mưa lại thấy có những cơn mưa lớn kèm lốc xoáy quét qua ngôi làng. Nhưng có lẽ sẽ chẳng một ai trong làng quên được trận mưa kinh hoàng đã quét qua làng hồi mùa hè năm ấy, hồi cậu bé được mười lăm tuổi.
         Gió giật từng hồi như muốn xé tan tất cả những mái tôn đã han gỉ. Mưa trút xuống như muốn cuốn trôi tất cả những gì vững chắc nhất trên mặt đất. Những lằn chớp kinh hoàng nối tiếp nhau như muốn xé tan bầu trời đen kịt. Ba dì cháu cậu ngồi thu mình kín đáo nơi góc nhà. Con bé em cứ ôm chặt lấy dì mà khóc thút thít.
         Cậu khẽ an ủi đứa em nhưng chính bản thân cậu cũng thấy hoang mang lo sợ. Nhìn những mái tôn han gỉ bị lật lên từng hồi, cậu thầm cầu mong cho những miếng tôn ấy sẽ bám trụ được đến sáng hôm sau. Nhưng trong thâm tâm cậu lại biết chắc chắn rằng sẽ rất sớm thôi, những mái tôn ấy sẽ bị cuốn bay mất. Cậu băn khoăn lo sợ tìm cách tránh bão. Nhưng tránh đi đâu bây giờ? Những ngôi nhà trụ vững được qua cơn bão chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Khi tai họa bỗng dưng đổ ập xuống như thế, tất cả mọi người đều phải chịu chung một hoàn cảnh.
         Trong cơn nguy biến đó, không còn nhớ rõ mọi chuyện diễn ra như thế nào, nhưng bỗng tất cả mọi người dân trong làng được sơ tán đến ngôi nhà vững chãi nhất mà người ta biết. Đó là Nhà thờ, phải rồi, dù dân có nghèo thì cũng phải xây nhà Chúa cho thật vững chắc. Giờ đây chính Chúa lại dang tay ra cứu giữ con cái Người trong chính ngôi nhà họ dựng lên cho Người. Hình như trong đêm ấy, cậu có nhìn thấy Cha già đội một chiếc nón tơi đi tới từng nhà giúp sơ tán những người đau yếu. Cha có một cái áo mưa ông Trùm chuẩn bị cho Cha từ sớm mà có lẽ Cha đã khoác nó cho một cụ bà. Hình như có người trao cho Cha một tấm áo mưa khác nhưng Cha cũng đã trao nó lại cho ai đó nữa rồi. Trong lúc chạy bão như thế, không mấy ai có thể để tâm nhiều đến chuyện ấy. Nhưng hẳn là có những chuyện đã xảy ra như thế.
         Mười lăm tuổi chẳng là bao nhiêu với một đời người nhưng lại là tất cả quãng đường đời mà một đứa trẻ đã đi qua. Sống mười lăm năm trên đời, đây là lần đầu tiên cậu đặt chân vào nhà Chúa. Dù không muốn, cậu cũng chẳng thể làm được gì khác. Ngồi giữa một đoàn người đông đảo, lần đầu tiên cậu thấy mình là một phần của họ, lòng cậu dần cảm thấy ấm áp hơn. Ít nhất đêm nay cậu và người thân của cậu được bình an. Ngước nhìn lên tượng chịu nạn, cậu thấy Chúa bị treo thân trên đó, nhẫn nhục và chịu đựng; đôi cánh tay Chúa như vẫn đang dang ra rộng lớn và chan chứa tình yêu.
         Tổng kết những thiệt hại sau đêm đó, có hơn một nửa số nhà trong làng bị tốc mái, nhưng không hề có bất cứ thiệt hại nào về nhân mạng. Người ta giúp nhau sửa lại mái nhà. Nhà cửa đều dần được được khôi phục, nhưng sức khỏe của một con người lại xuống dốc trầm trọng. Tuổi già sức yếu, lại dầm mưa suốt một đêm dài khiến Cha già bị viêm phổi. Những tưởng con người ấy chẳng bao giờ chịu bó tay trước bất cứ khó khăn nào, vậy mà nay đành lòng bị khuất phục trước một cơn bệnh nặng. Cơn bệnh không giết nổi Cha, nhưng nó làm cho sức khỏe của Cha trở nên suy kiệt không bao giờ hồi phục nổi. Thế là con người đáng kính ấy đành chấp nhận về hưu, rời xa cái xứ nghèo Cha hằng yêu dấu. Ngày qua tháng lại, Cha già rồi cũng mất. Một vị linh mục đáng kính khác đến thay thế Cha và những câu chuyện về Cha già rồi cũng vơi dần.
***
         Khi khó khăn không thể đánh gục nổi một con người, nhiều lúc nó lại trở thành một thứ động lực mạnh mẽ để giúp họ phấn đấu vươn lên tất cả mọi khó khăn và trở thành một vĩ nhân. Có lẽ hai anh em cậu bé thuộc vào trường hợp đó. Cậu bé bây giờ đã trưởng thành hơn trước kia. Việc học hành của cậu không quá xuất sắc nhưng đủ để cậu hãnh diện ngẩng cao đầu tự tin bước vào đời. Số phận dần mỉm cười với cậu. Nhưng trước khi được hưởng ánh sáng chan hòa, một chút mây mù còn ráng đeo đuổi cậu. Dẫu biết rằng tất thảy những chuyện phải đến rồi có ngày cũng sẽ đến, nhưng cậu không ngờ nó lại đến bất chợt như vậy: Ngày cậu tốt nghiệp, người dì đã không còn gắng gượng nổi nữa. Chốn nương tựa cuối cùng của hai anh em cậu đã không còn.
         Bấy lâu nay hai anh em cậu đã xem bà như chính mẹ mình. Nay thêm một lần nữa, người mẹ thân yêu ấy lại lìa bỏ hai anh em. Thời gian và bệnh tật khéo bào mòn sức khỏe của bà. Ngày ra đi, bà chỉ kịp trối lại cho anh em cậu một món tiền nhỏ và một bí mật bà âm thầm giữ kín ngót mười mấy năm trời.
         Theo đúng di nguyện của bà, cậu dùng số tiền đó để chu toàn việc học hành cho em gái. Còn bản thân cậu, ít lâu sau đó, đã xin lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và xin được chọn mang tên thánh của Cha già - một người tưởng như đã dần đi vào quên lãng. Ít năm sau đó, cậu lại gác sang một bên tất cả công danh sự nghiệp và xin gia nhập vào chủng viện.
         Người dì đã trối lại cho cậu biết, bản thân bà sẽ chẳng bao giờ có thể cáng đáng nổi cho hai anh em cậu ăn học. Thế là cậu hiểu ra tất cả. Cậu chợt nhận ra rằng, dù ngôi làng của cậu nghèo nàn khốn khó nhưng chẳng hề có lấy một đứa trẻ nào phải chịu cảnh thất học. Hai anh em cậu không phải là hai đứa trẻ may mắn duy nhất trong làng. Tâm hồn bồi hồi xao xuyến nghĩ về Cha già, cậu cũng lại chợt nhận thấy rằng: Đã từ bao giờ, cậu không còn hận Chúa như trước nữa. Thay vào đó là một niềm tiếc thương yêu mến vô hạn. Vì yêu mến Cha già, cậu yêu luôn cả Chúa của Cha. Bức tường mà cậu dựng lên trong tâm hồn, chiến lũy kiên cố của cậu đã tan biến đi tự bao giờ, cậu không hề biết. Cậu cũng không biết rằng đó chỉ là một trường hợp nhỏ nhoi trong muôn vàn trường hợp khác trong suốt lịch sử nhân loại. Những chiến lũy kiên cố nhất ngăn cách tâm hồn con người không thể bị đánh sập bởi những vũ khí sắc bén nhất, nhưng phai nhạt dần trước khí cụ của tình yêu; và trong hầu hết mọi trường hợp, còn bằng cả lời cầu nguyện.
         Hạt muối thường bị người ta lãng quên sau khi nó đã thẩm thấu vào thức ăn; tuy nhiên chính hạt muối mới làm cho thức ăn trở nên đậm đà ngon dịu. Ngọn đèn bị lửa đốt cháy cho đến khi lụi tắt dần, nhưng chính vì vậy mà ngọn đèn mới có thể chiếu tỏa ánh sáng sống động tươi đẹp. Muối và ánh sáng để có thể giúp ích cho đời thì phải chịu thiệt thân. Còn nếu không, chúng vẫn trường tồn nguyên vẹn nhưng lại chỉ tồn tại một cách vô nghĩa.
         Chúa nhân từ đã gửi Cha già đến ướp mặn cuộc đời cậu và thắp sáng tâm hồn cậu. Có lẽ chưa bao giờ Cha già hy vọng rằng sẽ có ngày cậu bé lạc đường ấy lại hiến dâng cuộc đời mình cho lý tưởng Linh mục. Một cách đơn sơ, con người thánh thiện ấy chỉ mong muốn giúp đỡ những linh hồn bé nhỏ yếu đuối thôi. Cha già đã ra đi lâu lắm rồi. Một lời cảm ơn cậu cũng chẳng kịp nói với người đã khuất. 
         Tiếng cười giòn giã của đám trẻ con đưa vị Linh mục trẻ trở về với thực tại. Nắng vẫn đổ xuống những tia vàng chói lọi, nhưng Cha không còn nhìn thấy chúng quá gay gắt nữa. Những tia nắng như đang nhảy múa trên những bông cúc vàng rực rỡ và những làn gió nhẹ thoang thoảng như đang vờn quanh những mái đầu của bọn trẻ. Đâu đó vẳng lại tiếng chim dẫn dắt Cha về một biển trời mênh mông vô hạn; tiếng chim rả rích như có ý thúc giục, hối hả đợi chờ.
         Lắng nghe tiếng cười trong veo của mấy đứa trẻ, Cha ngồi yên lặng nhìn bọn chúng thật lâu, trầm ngâm suy nghĩ rồi bất chợt mỉm cười. Ngọn lửa hy vọng Cha già đã thắp sáng trong lòng Cha, Cha tự hứa với lòng mình rằng sẽ chẳng bao giờ giữ nó cho riêng mình.


 Giuse Trần Ngọc Hồng Tuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây