TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thiên đàng ở trên cao

Thứ ba - 11/05/2021 09:46 | Tác giả bài viết: Giu-se Lê Ngọc Thành Vinh |   849
BBT xin giới thiệu tác phẩm đạt Giải Khuyến khích: truyện ngắn của Giu-se Lê Ngọc Thành Vinh (ĐC: Số nhà 28, Ngách 41/20, Phố Tương Mai, Phường Giáp Bát, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội.)
fIMG 0214
fIMG 0214
rong tâm tình cảm tạ, Ban Văn hoá - Truyền thông tổ chức cuộc thi Sáng tác Văn Thơ mừng 50 năm Hồng ân Giáo phận Ban Mê Thuột, khởi xướng ngày 26/9/2017 và kết thúc vào ngày 25/3/2018. Sáng ngày 21.6.2018, tại Hội trường Nhà Lưu trú Têrêxa (99 Trần Nhật Duật, Tp. Buôn Ma Thuột), Ban tổ chức đã trao 11 giải thưởng, bằng khen cho các tác giả, gồm: 02 truyện dài, 03 truyện ngắn, 05 tập thơ và 01 bài thơ.

BBT xin giới thiệu tác phẩm đạt Giải Khuyến khích: truyện ngắn của 
Giu-se Lê Ngọc Thành Vinh (ĐC: Số nhà 28, Ngách 41/20, Phố Tương Mai, Phường Giáp Bát, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội.)

          Thiên đàng ở trên cao
         - Thế nhà đó có Đạo không?
         “Có à, vậy tốt quá!” - Mẹ dừng điện thoại - “Bác Hạnh nói nhà đó đạo đức lắm, thỉnh thoảng còn mời các cha đến ăn cơm. Con yên tâm được đi lễ hàng tuần nhé”.
         Có lẽ điều bố mẹ băn khoăn nhất khi nó lên Đà Lạt làm giúp việc là sợ nó mất Lễ. Nó cũng thế, lễ Chúa nhật không phải nghĩa vụ mà luôn là niềm vui, được nghe cha giảng và được rước Mình Thánh Chúa nữa, dù từ nhà nó đến Nhà thờ hơn năm cây số và phải đi bộ từ rất sớm. Cha xứ thường giảng về Thiên Đàng và nó dần được khai mở những thắc mắc: Thiên Đàng ở đâu và như thế nào. Nó tin mình sẽ được lên Thiên Đàng bởi nó rước lễ hàng tuần, đó là “lương thực Nước Trời”, là “điều kiện cần” theo cách nói của Cha xứ. Nó chỉ thắc mắc vì sao “người giàu vào Nước Trời khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”, nhưng chẳng sao vì giờ này nhà nó nghèo mà…
         Nó không phải dân gốc ở đây. Quê Nội Ngoại tận Giáo phận Vinh cơ, là do bố vỡ nợ phải bán hết nhà cửa vào đây làm “kinh tế mới”. Ban đầu thu nhập chủ yếu dựa vào việc thu hoạch café thuê cho người ta, mấy năm nay mới mua được rẫy café nhỏ của riêng mình thì café lại sụt giá nên nó đi làm giúp việc kiếm sống là giải pháp hợp lý, đến mùa thu hoạch café cũng có thể xin về ít ngày đỡ bố mẹ.
***
         Mẹ đưa nó lên Phước An gửi cho nhà xe, đến Đà Lạt sẽ có người đón - là bác Hạnh, “cò” giúp việc (theo lời mẹ). Lúc này là tháng Ba, thời điểm hoa cà phê bung nở nhanh và đồng loạt, mới đêm qua, cả rẫy còn xanh mướt mà sáng nay khắp nơi đã trắng xóa. Nhìn qua cửa xe, những ngọn đồi nhỏ nối liền nhau và dọc hai bên đường đầy sắc trắng tựa như tuyết phủ lên cây lá tạo nên khung cảnh thơ mộng, đẹp như bồng lai tiên cảnh khiến nó chưa rời Đắk Lắk đã thấy nhớ cồn cào…
         Đường phố khá đông và hơi ồn ào là cảm nhận đầu tiên khi nó đến Đà Lạt - thành phố du lịch - đúng như những gì nó từng thấy qua ti vi. Nhưng hồ Xuân Hương dường như không đẹp bằng hồ Tân An và các quán café bên hồ cũng “nho nhỏ xinh xinh”, thua xa “Tân An coffee” của Krông Pắk.
         Bác Hạnh dẫn nó đến một ngôi nhà to và đẹp hơn cả tưởng tượng, ngay mặt đường. Hai bác cháu thả dép ở bậc thềm vào thẳng nhà luôn, khỏi bấm chuông. Chủ nhà kinh doanh đồ gỗ có khác, nội thất của ngôi nhà xem ra còn hoành tráng hơn cả vẻ bên ngoài.
         Đón hai bác cháu là chị Nga, trạc tuổi ba mươi, da trắng, dáng cao và khá xinh (tất nhiên là có hỗ trợ của áo quần, trang điểm và trang sức). Chị đon đả:
         - Lên sớm thế ạ? Mà con bé này nó mười lăm tuổi ư, sao nó bé dzẫy?
         - Nhà nghèo có gì ăn đâu mà lớn chị - Bác Hạnh đỡ lời…
         Nó cau mày. Dù nhà nghèo nhưng cha mẹ cũng đâu bắt nó phải thiếu thốn, chẳng qua là “cái nòi nhà nó” thế thôi, cả họ nội ngoại có ai cao to đâu mà bảo nó lớn, với cả nó mới mười lăm tuổi, còn đang tuổi cao mà. Nhưng thôi, mẹ đã dặn phải nghe lời người lớn nên nó không dám ý kiến gì. Chị Nga cười cười bảo nó chào tạm biệt bác Hạnh rồi dẫn nó lên gác tư, chỉ cho một căn phòng nhỏ ở cuối tầng, bảo tắm rửa nghỉ ngơi, ăn cơm rồi chiều vào việc luôn. Đó là một căn phòng nhỏ, sạch sẽ nhưng hơi tối, không có giường hay bàn ghế, chỉ trải một chiếc chiếu nhỏ. Ở góc phòng là cái nệm gập bọc trong túi ni-lông to, bám bụi, có lẽ để dành cho khách nhưng chẳng mấy khi dùng đến. Cũng không thành vấn đề, có phòng riêng là tốt rồi.
         Thế là nó trở thành người giúp việc, có vẻ “đơn giản gọn nhẹ” quá chừng. Nhưng ấn tượng tốt đẹp ban đầu về chị chủ và sự tưởng tượng mọi người trong nhà cũng tốt như chị thì nhanh chóng tan biến…
***
         Người “đáng sợ” nhất trong nhà là bà Ngân, mẹ chồng chị Nga. Bà soi mói từng li từng tí, từng mớ rau nó nhặt, từng chiếc bát nó rửa, thậm chí cả phòng riêng của nó bà cũng nhòm ngó và la lối mỗi khi cái mền không gấp vuông vức hay chiếc gối đặt lệch chiếu vì dậy vội. Nhưng cái vô lý là bà căn ke cặn kẽ giờ nó đi lễ Chúa nhật, kinh lắm, thời gian đi về đúng một giờ đồng hồ, không được quá một giây nên nó phải “cắt đầu cắt đuôi” buổi Lễ. Khi nào Cha xứ giảng lâu một chút là rước lễ xong nó phải “ba chân bốn cẳng” chạy về ngay. Quái lạ, bả giữ đạo thì ghê, đi lễ trước nửa tiếng đồng hồ để đọc kinh, sau lễ còn hội đoàn đủ kiểu cả giờ mà keo kiệt với mình hết biết. Thôi đành chịu, nó hiểu thân phận mình, người ta vẫn gọi nó là oshin, chưa phải ăn cơm độn củ cải như nhân vật chính trong phim là tốt lắm rồi!
         Nhưng cái gì đến cũng phải đến. Hôm đó cả nhà về quê bà Ngân dự Lễ Bổn mạng. Nó dĩ nhiên “được miễn Lễ” để chuẩn bị cơm nước. Lúc này nó nhớ nhà, nhớ Giáo xứ vô cùng. Thuận Hiếu là một trong những Giáo xứ hơn 50 năm lịch sử, trước cả khi có Giáo phận Ban Mê Thuột, thành phần dân Chúa rất đa dạng, là nơi tập trung nhiều người khắp nơi đến làm ăn rồi định cư, song mọi người đều thân thiện, tốt tính và sẵn lòng giúp đỡ nhau, đặc biệt là trong đạo nghĩa. Năm mươi năm thật dài với đời người nhưng thật non trẻ so với lịch sử Giáo hội, Giáo phận Ban Mê Thuột cũng tựa như tuổi nó bây giờ, cũng nghèo, đường về Quê Trời hẳn còn nhiều chông gai, thử thách lắm…
         Đang mải suy tư thì có tiếng loa từ Nhà thờ, vậy là nó có thể vừa rửa rau vừa xem lễ được rồi. Mải nghe giảng, nó quên cho lá lốt vào món canh cá nấu cà đắng, đã thế còn quên chắt nước cơm vào, thế là món canh dở tệ. Có vị khách nhăn mặt. Bà Ngân giận lắm, vừa về đến nhà đã la lối om sòm, quẳng luôn ba-lô của nó ra đường, rít lên: “Mày biến đi đâu thì biến, tao chịu hết nổi rồi”.
         Nước mắt lã chã, cổ họng nghẹn đắng, nó nấc lên, vai rung liên hồi, lầm lũi thu dọn đồ. Đang tính gọi cho bác Hạnh nhờ giúp đỡ thì có người vỗ vai nó:
         - Này con, bác biết con cần việc, hay sang giúp nhà cháu của bác nhé?
         - Dạ… dạ… con…
         - Nhà chị ấy không theo đạo, nhưng hiền lắm, chỉ là có em bé mới sinh, chồng đi làm xa, bà nội yếu nên hơi vất vả. Con chịu khó giúp nhé, không phải lo tiền lương, bác cũng sẽ bảo chị cho con đi Lễ hàng tuần, được chứ?
         Mẹ dặn lên đây chỉ qua lại với bác Hạnh thôi, nhưng bác Huyền hàng xóm của bà Ngân, cũng là người Công Giáo, hiền và tốt tính lắm, sẽ không lừa mình đâu…
         Thế là nó “khăn gói quả mướp” tới nhà chị Thủy. Căn nhà không rộng lắm nhưng đồ đạc khá “xịn”, nó cảm giác vậy. Đồ gỗ trong nhà tuy nhỏ hơn nhưng chất lượng gỗ chẳng kém nhà bà Ngân. Nó biết thế bởi bố là “đồng nghiệp” của Thánh Giu-se mà. Năm xưa nếu bố không bị bọn lái gỗ lừa bán gỗ lậu khiến kiểm lâm đến tịch thu hết, còn hối lộ cả đống tiền để tránh tù tội thì đã không phải bán hết cơ ngơi, nhà xưởng để tha phương vào tận Krông Pắk. Nó có hẳn bộ tượng Đức Mẹ đủ loại chất liệu gỗ do chính tay bố tạc, đang để ở nhà, vì nặng chỉ mang theo mình bức tượng nhỏ nhất. Nó được ở một căn phòng có giường bằng gỗ lim hẳn hoi, rất tuyệt, có lẽ khách sạn cũng không bằng (chắc là vậy vì nó chưa ở khách sạn bao giờ). Anh là công an biên phòng nên ngay cả tết cũng không về nhà. Mẹ anh phải ngồi xe lăn nhưng không bao giờ cáu gắt. Chị là cô giáo, dễ tính, còn em bé thì trộm vía, bụ bẫm và rất ngoan lại ít ốm vặt. Cuộc sống thật tuyệt vời, cho đến khi…
         Gần một năm sau, anh về nghỉ phép, nó thoáng thấy cái nhíu mày của anh khi biết nó theo Đạo, biết ngay là có chuyện. Tối khuya tự dưng nó khát nước, xuống tầng thì nghe anh chị to tiếng với nhau.
         - Cô phải cho nó nghỉ ngay. Năm xưa tôi khốn đốn vì cô chưa đủ hay sao mà còn rước một con bé có Đạo về đây?
         - Không được, con bé rất tốt, gần năm nay không có nó ai giúp đỡ mẹ con em, ai chăm mẹ anh nữa. Nó có lỗi gì đâu mà đuổi nó?
         - Con lớn rồi, với cả tôi đang được cân nhắc lên Trưởng đồn nhé, thời điểm “nhạy cảm”, cô ít qua lại với dân Đạo cho tôi nhờ.
         - Năm xưa tôi bỏ hết để theo anh là quá lắm rồi, “lời lãi cả thế gian mất linh hồn nào được ích chi”…
         “Bốp”, hình như anh tát chị, chị khóc to lên, nói qua tiếng nấc:
         - Anh… anh… anh bảo con lớn rồi thì ẵm nó ngủ nhé…
         Nghe vậy, biết chị sắp ra khỏi phòng, nó vội chạy lên tầng, không kịp uống nước. Việc đầu tiên là với lấy tượng Đức Mẹ cho vào ba-lô, sợ lỡ như anh trút giận lên nó. Hình ảnh oai hùng của “Chú công an biên phòng rạp mình trên lưng ngựa” trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhạt nhòa trước mắt. Đêm ấy nó không tài nào ngủ được. Không thể vì mình mà chị phải tan cửa nát nhà. Em bé cũng lớn rồi, nó rời đi chắc sẽ không sao, nhưng đi đâu, quay về nhà bà Ngân chăng, vì rằng bà ta đã gửi trả tiền lương tháng cuối cho nó qua bác Hạnh với lời chào mời sẽ nhận nó lại bất cứ khi nào, chứ mấy người giúp việc sau nó “chẳng ra gì”…
         Nó vác ba-lô rón rén bước ra cửa. Trời mờ sáng, phía đông, sao mai lấp lánh báo hiệu một ngày nắng đẹp. Trên ấy là Thiên Đàng chăng? Hay nơi nó vừa ở gần một năm qua mới thực sự là Thiên Đàng? Krông Pắk ở vị trí địa lý thấp hơn Đà Lạt, vậy lẽ nào xa Thiên Đàng hơn và đường về nhà sẽ không khó như “con lạc đà chui qua lỗ kim” chăng…

Giu-se Lê Ngọc Thành Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây