TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chân dung Gã Siêu

Thứ ba - 11/05/2021 09:57 |   917
Chân dung Gã Siêu

Chân dung Gã Siêu

Có một thời gian, Gã Siêu hay gửi Chuyện Phiếm đăng trên lebaotinh.com. Kẻ khen hay, người chê rông rài. Nhưng chẳng mấy ai biết Gã Siêu mặt mũi ra sao, cứ đoán già đoán non loạn cả lên.

Gã Siêu viết chuyện phiếm từ thời học sinh. Bài phóng sự “chuyện phiếm” đầu tiên xuất hiện trên tờ nội san của lớp, ký tên Nham Nhở, trêu ghẹo hết tất cả mọi người trong lớp, không trừ một ai. Chẳng ai nhận ra tác giả, vì chính tác giả là người bị chọc ghẹo cay độc về đôi mắt lệch lạc của anh ta, mắt nhắm một đàng, lại nhìn một nẻo. Về sau, anh lấy tên Gã Siêu, bởi: Siêu thị, nghĩa là người có tài nhìn phía bên này mà lại thấy bên kia.

Gã Siêu ấy chính là linh mục Phanxicô Xaviê Hoàng Đình Mai, sinh ngày 28/07/1947 tại làng Tụy Hiền, An Tiến, Mỹ Đức, Hà Đông (nay là Hà Nội), vào Tiểu Chủng viện Piô XII (Chủng viện di cư của Giáo phận Hà Nội) năm 1959, lên Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X năm 1967, thụ phong linh mục ngày 03/12/1975 tại nhà thờ Tân Hiệp. Sau đó, Cha phục vụ tại Giáo xứ Ngọc Thạch (từ 1976 – 1979), Chính xứ An Sơn (1979-2008) rồi về Tòa Giám mục Long Xuyên làm quản lý Giáo phận năm 2008 và qua đời ngày 01/09/2018. Cha ra đi an bình trong đêm khuya, bên cạnh những sổ sách giấy tờ của chức vụ quản lý Nhà Chung, đèn bàn và đèn phòng vẫn sáng, cửa chỉ khép hờ. Thánh Lễ An táng đã được cử hành vào lúc 15h chiều ngày thứ Ba 04/09/2018 tại nhà thờ Giáo xứ An Tôn, Kênh 1A, Cái Sắn.

Chân dung Gã Siêu: Lm. Phanxicê Xaviê Hoàng Đình Mai

 

 

Chuyện đời Gã Siêu Hoàng Đình Mai cũng có lắm giai thoại. Thời ở chủng viện Piô XII của giáo phận Hà Nội di cư tại số 223 Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn, Gã là chuyên gia “mì gõ”. Nghe tiếng rao, Gã liền ra lan can, đứng trên lầu, ra hiệu cho người bán mì gõ, rồi thòng cả bộ đồ nghề và tiền xuống cho anh ta. Chỉ một lát, Gã thao tác như kéo gàu nước dưới giếng lên, xong là cả bọn có bữa tiệc nóng sốt trong đêm.

Sau này, lên Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X ở Đà Lạt cũng thế, Gã Siêu Hoàng Đình Mai thường ra phố Đà Lạt, cặp nách cái hộp bánh quy tròn bằng thiếc, nhẹ hều, màu đỏ. Đi ngang quán phở, Gã ghé vào, giao hộp bánh quy cho chủ quán, rồi nhận lại cái hộp màu đỏ ấy, nặng, bọc trong bịch ni-lông. Về phòng, Gã mời anh em đến ăn phở, bàn chuyện phiếm rôm rả. Cha giám luật đi ngang qua cứ tưởng các Thầy ăn bánh quy, uống trà!

Những chuyện nghịch ngợm, Gã không thua ai, nhưng bắt tay vào việc lại nghiêm túc chẳng ai bằng. Hồi đó, ở Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt nở rộ nhiều nhóm dịch thuật. Gã cũng lập thành nhóm sáng tác, lấy bút danh Tụy Hiền dành cho những chuyện ngoan ngùy, đứng đắn. Tác phẩm đầu tay của Gã là bút ký Hình Bóng Cũ, viết về người mẹ đã ra đi khi tác giả còn ấu thơ. Bút ký khiến độc giả xúc động đến ứa nước mắt. Gã còn là chủ biên tập san Lửa Hồng quy tụ một số cây bút trẻ là học sinh các trường trung học tại Đà Lạt cùng cộng tác, in ronéo xinh xắn trên giấy hồng, rất ấn tượng.

Sự ra đi của Gã để lại cho đời bao nuối tiếc. Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định rằng, một trong những nét tiêu biểu của sự thánh thiện ngày nay là biết hài hước, nhìn đời cách hóm hỉnh, lạc quan: “Các thánh vui tươi và rất biết đùa. Mặc dù không xa rời thực tế, các ngài tỏa ra tinh thần tích cực và đầy hy vọng. Sống đời Kitô hữu là sống ‘hoan lạc trong Chúa Thánh Thần’ (Rm 14,17), vì tình bác ái nhất thiết sẽ đem lại niềm vui; hễ đã yêu thì bao giờ cũng vui mừng khi được kết hợp với người mình yêu mến... hoa quả của tình bác ái là niềm vui”. (trích Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay, số 122).

Để tưởng nhớ một nhân tài - Lm PX. Hoàng Đình Mai, BBT lebaotinh.com sẽ tiếp tục đăng tải những câu chuyện phiếm của Gã Siêu trên mục Thư Giãn. Xin kính mời Quý Cha và Quý vị đón xem.

BBT lebaotinh.com

 

Những kiểu làm vợ

Chuyện phiếm của Gã Siêu

Kinh nghiệm chiến trường khiến gã mở mắt ra và nghiệm thấy rằng:

- Cuộc sống càng văn minh, thì người ta lại càng trang bị cho mình nhiều tiện nghi, mà càng nhiều tiện nghi thì lại càng tốn tiền và hao bạc. Cái này véo một tẹo, cái kia cấu một tí, thành thử “ngân khố” của bản thân cũng như của gia đình cứ liên tục bị rách nát te tua.

Gã xin đan cử một thí dụ: hồi chưa có điện, ông bà mình chỉ cần một ngọn đèn dầu leo loét cũng đủ để soi sáng cả nhà. Ban tối trải manh chiếu rách xuống khoảng sân đất cho cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm dưới ánh trăng vàng. Vừa thoáng mát lại vừa… tình tứ ra phết. Đến khi có điện, phải vội sắm thêm chiếc tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, chiếc điện thoại, dàn vi tính... cuối tháng nhìn những tấm biên lai thu tiền mà toát cả mồ hôi hột.

Cũng vì sính những tiện nghi này, mà có một anh chàng đã sánh ví đờn bà con gái như một chiếc điện thọai. Anh chàng này bèn tự hỏi:

- Vì cớ làm sao mà điện thoại lại thuộc giống cái?

Sau khi đã bóp trán suy nghĩ, anh ta đã đưa ra những lý do sau đây:

- Vì sử dụng điện thoại là một việc tốn tiền.

- Nói nhiều bao nhiêu, điện thoại càng thích bấy nhiêu.

- Ở mọi nơi và trong mọi lúc, điện thoại vẫn có cách làm cho người khác chú ý đến mình.

- Dù là lúc nửa đêm, điện thoại vẫn có thể kéo bạn dậy để nói một điều gì đó.

- Nếu giận ít, điện thoại sẽ cho bạn ra “ngoài vòng phủ sóng”, còn nếu giận nhiều thì sẽ “cắt” không cho bạn tiếp cận.

- Chỉ mình bạn là người có lỗi, chứ điện thoại thì không bao giờ.

- Nói chung, thái độ của điện thoại là: Ừ, em vậy đó, anh không ưng thì thôi hà.

- Có loại điện thoại “mẹ bồng con”.

Không hiểu những suy luận của anh chàng hâm hâm này đúng được bao nhiều phần trăm. Chuyện này thì chỉ có ông trời và quí bà quí cô biết được mà thôi. Còn gã thì xin chào thua. Thế nhưng, từ những món khai vị kể trên, gã xin đi vào món chính của thực đơn hôm nay, đó là nghệ thuật làm vợ với câu hỏi:

- Có mấy kiểu làm...vợ? Và thế nào là một người vợ lý tưởng?

Nghe xong câu hỏi trên, hẳn có người nghĩ rằng gã chỉ là một kẻ ấm ớ hội tề. Đã là vợ thì là vợ chứ còn là cái chi chi nữa, đơn giản chỉ có vậy. Hỏi vớ vẩn, chỉ vẽ chuyện, thêm rách việc mà thôi.

Thế nhưng, xin quý vị chớ nổi nóng, bởi vì chuyện đời đâu có êm ru bà rù như vậy. Ngay đến chữ “tu” kia mà cũng còn có dăm bảy đường, như các cụ ta ngày xưa đã xác quyết:

- Thứ nhất thì tu tại gia,

- Thứ hai tu chợ,

 - Thứ ba mới tới tu... nhà dòng.

Làm vợ cũng vậy, có cả một lô kiểu làm vợ khác nhau. Con tắc kè đổi màu như thế nào thì khuôn mặt các bà vợ cũng thiên biến vạn hóa, đến quỉ thần cũng không lường nổi. Chả thế mà có kẻ đã “miêu tả”:

 - Vợ là tình cảm sâu xa,

 Vợ là gió mát, vợ là bão dông.

 Vợ như một đóa hoa hồng,

 Vợ là sư tử Hà Đông kinh người.

 Vợ là êm ái tuyệt vời,

 Vợ là bão táp rụng rời chân tay.

 Vợ là một chất men say,

 Vợ là cái đắng cái cay trong lòng.

 Có người nhờ vợ nên ông,

 Nhiều người vì vợ mất không cơ đồ.

 Và rồi tác giả đã kết luận:

 - Tốt số lấy được vợ hiền,

 Vô duyên vớ phải bà điên bà khùng.

Trước khi trình bày những kiểu... làm vợ, gã xin thành thật khai báo rằng: gã có mượn tạm cái sườn bài viết của Vương Huyền Cơ trên báo Phụ nữ Chủ nhật, số 3 năm 2002. Tuy nhiên, gã xin bổ túc thêm một vài kiểu nữa cho được đầy đủ hơn, đồng thời như một người đầu bếp, gã cũng xin bỏ vào đó chút hành tiêu tương tỏi để được đậm đà ý vị hơn.

Kiểu thứ nhất: vợ là như một người mẹ.

Cố nhạc sĩ Y Vân đã để lại cho đời một bài hát bất hủ và tuyệt vời, đó là bản “Lòng mẹ” với những lời ca mang nặng ý thơ:

 - Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,

 Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào,

 Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào

 Tiếng ru êm đềm qua nhiều năm tháng triền miên.

 Tình mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu...

Đối với những người vợ kiểu này, thì lòng mẹ còn bao la hơn biển Thái Bình cả ngàn vạn lần, bởi vì họ không chỉ lấy tình mẹ mà cư xử đối với con, nhưng còn lấy cả tình mẹ mà cư xử đối với chồng mình nữa. Vì thế, dưới mắt họ, ông chồng chẳng khác gì một đứa con cần được cưng chiều mà thôi. Chỉ tiêu được đề ra cho những người vợ kiểu này là:

 - Nuôi chồng khỏe, dạy chồng ngoan.

Giống như chỉ tiêu nhà nước Việt Nam đã đề ra cho các bà mẹ là:

 - Nuôi con khỏe dạy con ngoan.

Họ chăm sóc ông chồng như chăm sóc con mọn. Họ là người quyết định cho ông chồng ăn gì, dù món ấy ông chồng đã ngấy tới cần cổ. Họ là người quyết định cho ông chồng phải mặc gì, dù bộ quần áo đó ông chồng chả thích tí nào. Họ là người quyết định cho ông chồng phải ngủ vào giờ nào và phải thức vào giờ nào, dù ông chồng có việc phải thức thêm một tí, hay muốn nằm ngủ nướng thêm một tẹo. Thiếu điều họ đánh thức ông chồng như gọi đò sông cái:

 - Anh! Dậy, đi đái, lấy nước, đánh răng, súc miệng, ăn sáng.

Làm chồng của những người vợ kiểu này thật là sướng rên mé đìu hiu, chẳng phải động não hay động tay chân vào bất cứ công việc nào. Ngoại trừ những giờ đi làm là được thoát khỏi sự chăm sóc chiều chuộng, còn thì a lê hấp cứ việc: về nhà vợ nuôi. Người vợ sẽ lo cho ông chồng từ A đến Z và trang bị cho ông chồng tới tận răng.

Tuy nhiên, phàm cái gì thái quá cũng bất cập. Nhiều khi ông chồng lại cảm thấy ngượng nghịu và bực bội với những chăm sóc chiều chuộng ấy, bởi vì mình chỉ là như một con ngỗng được vỗ cho mập và hơn thế nữa trong thẳm sâu cõi lòng, bất kỳ ông chồng nào, không nhiều thì ít cũng có cái bản lĩnh đàn ông và muốn hét to lên cho bàn dân thiên hạ nhận ra rằng:

 - Ta là đờn ông đây.

Và rồi cuối cùng, ông chồng ấy sẽ đi tìm một đối tượng nào đó để xả xú bắp, tỏ lộ cái bản lãnh đàn ông của mình.

Kiểu thứ hai: vợ là như một đứa con.

Kiểu thứ hai hoàn toàn trái ngược với kiểu thứ nhất. Có vợ kiểu này chẳng khác gì có một đứa con bé bỏng hoàn toàn lệ thuộc vào mình. Từ việc to cho chí việc nhỏ, người chồng phải quyết định hết ráo, bởi vì cô nàng sẽ chẳng biết làm gì cả nếu không có sự bảo ban hướng dẫn của người chồng.

Suốt ngày từ sáng đến tối, cô nàng sẽ không ngừng mở miệng như một đứa con nít với điệp khúc muôn thuở:

 - Anh ơi, cái này làm thế nào?

 - Anh hỡi, cái kia ra sao hử?

 - Anh à, làm vậy có được hông?

Mọi việc từ đầu tới chân, nếu không có ý kiến ý cò của người chồng là chẳng xong. Và nếu có lỡ mồm nói nặng với cô nàng một tiếng, thì lập tức cô nàng sẽ khóc, như chưa bao giờ được khóc. Và những trận khóc dầm dề ấy đôi lúc biến thành lũ lụt, cuốn phăng lập trường sáng suốt của ông chồng.

Làm chồng những người vợ kiểu này, tuy bản lĩnh đờn ông được liên tục phát triển, lúc đầu cảm thấy thỏa mãn sung sướng vì mình là nhân vật số một, nhưng về lâu về dài lại cảm thấy vô cùng mệt mỏi để rồi cuối cùng sẽ đi tìm những sự vuốt ve chiều chuộng khác, như một sự bù lỗ.

Kiểu thứ ba: vợ là như bà chủ, bà chằng.

Gã không phải là một nhà sử học, cũng không phải là một nhà nhân chủng học, nên chẳng thể nào biết rõ được chế độ mẫu hệ đã xuất hiện ở đâu và vào thời nào trên mặt đất này. Có lẽ từ rất xa xưa, trước khi nông nghiệp phát triển. Gã chỉ nắm một cách qua quít và hiểu một cách lơ tơ mơ rằng: trong chế độ mẫu hệ, người đờn bà làm chủ gia đình và nắm quyền sinh sát trên chồng con. Chỉ có một cái khoái duy nhất trong chế độ mẫu hệ là chị con gái sẽ đi cưới anh con giai làm chồng, chứ không phải anh con giai đi cưới chị con gái làm vợ như ngày hôm nay.

Phải, nếu như ngày hôm nay, chế độ mẫu hệ mà tái xuất giang hồ, hẳn thế giới này sẽ bị đảo lộn tùng phèo, như bài thơ “Thí dụ như” của một tác giả nào đó mà gã đã quên béng mất tên rồi. Xin thành thực cáo lỗi và sẵn sàng nhận một thẻ vàng của trọng tài Fifa.

 - Bây giờ thí dụ như là:

 Chồng thì làm bếp vợ ra quán hè,

 Vợ nhậu đến bữa quên về,

 Chồng sang hàng xóm, ngồi lê cả ngày.

 Vợ đi bia bọt gác tay,

 Chồng mua mỹ phẩm mất bay triệu đồng.

 Vợ mê em út lung tung,

 Chồng diện áo váy hở mông hở đùi.

 Vợ thời phóng khoáng ham vui,

 Chồng thì bủn xỉn ví như ngân hàng.

 Vợ quen cái thói làm tàng,

 Chồng thì mê tín thắp nhang đêm ngày.

 Lên xe vợ phóng như bay,

 Chồng thì tỷ mỉ vá may thêu thùa.

 Vợ lo điện nước búa xua,

 Chồng lo giữ trẻ sớm trưa ru hời.

 Vợ thèm thuốc lá chờ mời,

 Chồng ham tứ sắc mê chơi quên ngày.

 Vợ thời ở bẩn một cây,

 Chồng thì sạch sẽ đêm ngày soi gương.

 Vợ thời phải nộp sạch lương,

 Chồng thì tính toán đủ đường, đủ đôi.

 Vợ thời đi biển có đôi,

 Chồng thì đi biển mồ côi một mình.

 Mới nghĩ mà đã phát kinh.

Tạm gác lại chuyện thế giới này bị đảo lộn tùng phèo khi những “thí dụ như là” xảy ra, để được trở về với kiểu vợ làm bà chủ. Dòng máu “mẫu hệ” lưu thông ào ào trong huyết quản, nên họ bèn vùng lên, không những đòi quyền... sướng và bình đẳng với giới mày râu, mà còn giành lấy mọi quyền hành, quyết định tất tật mọi chuyện to nhỏ trong gia đình. Lúc bấy giờ thân phận ông chồng thật là hãi hùng và bi đát:

 - Làm trai rửa bát quét nhà,

 Vợ gọi thì dạ, bẩm bà con đây.

Và một khi quyền hành rơi vào tay người vợ, thì tình hình sẽ trở nên não nề, bởi vì từ cái ghế bà chủ, người vợ không ngần ngại nhảy phóc lên ngôi... bà chằng. Bởi vì chữ chằng chẳng gần với chữ chủ lắm ru?

Từ cổ chí kim, những khuôn mặt bà chằng thì quả là ê hề và đầy rẫy. Gã chỉ xin đan cử hai khuôn mặt “điển hình tiên tiến”. Một bên đông và một bên tây.
Bên đông thì đó là khuôn mặt bà vợ Trần Quí Thường, vốn được mang biệt danh “sư tử Hà Đông”. Điển xưa tích cũ kể lại rằng: Thi hào Tô Đông Pha có người bạn tên là Trần Quí Thường. Quí Thường lại có người vợ nổi tiếng hung dữ. Mỗi lần Tô Đông Pha đến chơi, thì đều nghe tiếng bà vợ của Quí Thường quát tháo, la hét ầm ỉ. Thấy vậy, họ Tô mới làm thơ chế diễu ông bạn hiền có cô vợ dữ như sau:

 - Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền,

 Đàm không thuyết pháp dạ bất miên.

 Hốt văn Hà Đông sư tử hống,

 Trụ trượng lạc thủ tâm mang mang.

Có nghĩa là:

- Ai hiền hơn cữ sĩ Long Khâu,

 Đọc kinh, giảng đạo suốt canh thâu.

Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,

Tay run gậy rớt lòng kinh hãi.

Từ đó, biệt danh “Sư tử Hà Đông” vốn được dùng để ám chỉ người vợ có tính hung dữ. Nếu ở các rừng châu Á, cọp là vua của loài thú, thì ở châu Âu, sư tử là chúa sơn lâm. Các loài thú khác khi nghe sư tử rống, đều cúp đuôi hoảng sợ, vắt giò lên cổ mà chạy trốn.

Còn bên tây thì đó là khuôn mặt bà vợ Socrate. Ông là một triết gia lừng danh của Hy Lạp cổ xưa. Lý thuyết của ông ngày nay vẫn còn giá trị. Nhưng ác thay, đang khi ông là một bậc thày đáng kính của đông đảo các môn đệ và sau này muôn thế hệ vẫn coi ông như một bậc tôn sư, thì ông lại là nạn nhân của một bà vợ. Bà đã chanh chua, khinh rẻ ông là hạng trói gà không chặt, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm. Lần kia, sau khi đã chửi ông một trận kịch liệt, bà đã tặng cho ông nguyên cả một chậu nước dơ lên người, nhưng ông vẫn thản nhiên và nói:

- Tôi biết mà, sau khi đã có sấm chớp thì tất nhiên trời sẽ đổ mưa.

Lần khác ông mời bè bạn đến nhà dùng bữa, bà hầm hầm nét mặt, bưng cả mâm cơm hắt ra ngoài sân. Ông vẫn bình tĩnh lượm lên, tái phối trí rồi cùng với bè bạn ngồi ăn ngoài sân. Trời không chịu đất, thì đất đành phải chịu trời chứ còn sao nữa.

Kiểu thứ bốn: vợ như một đầy tớ.

Kiểu thứ bốn hoàn toàn trái ngược với kiểu thứ ba. Người vợ kiểu này bị coi như là một đầy tớ, một con ở trong nhà. Sở dĩ như vậy vì ông chồng còn mang nặng đầu óc phong kiến “xuất giá tòng phu”, người con gái một khi đã lấy chồng thì phải phục tùng chồng, để rồi “phu xướng phụ tùy” chồng chỉ việc phán, còn vợ phải cúi đầu vâng nghe đến tối tăm cả mặt mũi. Hay độc tài quân phiệt “chồng chúa vợ tôi”, chồng là chủ còn vợ chỉ là tôi đòi.

Và như chúng ta đã biết: lòng đầy thì mới tràn ra ngoài. Vì khắc sâu trong đầu một lập trường như thế, nên cái óc phong kiến và quân phiệt luôn được tuôn trào bằng lời nói và bằng hành động.

Trước hết bằng lời nói. Những ông chồng độc tài này chẳng bao giờ có được những lời nói êm tai với cô vợ của mình. Đâu rồi thuở ban đầu lưu luyến ấy:

- Anh anh, em em.

Hay:
- Mình ơi, mình à.

Nếu không có được những cách gọi nhau ngọt như đường cát mát như đường phèn ấy, thì chí ít cũng phải như người bình dân:

- Mẹ thằng cu ơi, má cái đĩ à...

Thế nhưng, những ông chồng bạo chúa này nhìn cô vợ bằng một cặp mắt khinh bỉ: đờn bà con gái chẳng biết đí gì sốt, nên mở mồm mở miệng ra, toàn là:

- Cái con mẹ mày... cái con mụ kia...

- Ta thế này, ta thế nọ...

Rõ thật oai hơn cóc chết. Vợ mà không vâng, thì chỉ có nước ăn chửi và ăn đòn mà thôi.

Tiếp đến bằng hành động. Những ông chồng độc tài này chẳng buồn thò tay giúp cô vợ một công việc nào, để mặc cô vợ đầu tắt mặt tối, còn mình thì chỉ việc ngồi uống trà và hút thuốc, hay nằm đọc báo và coi truyền hình... bởi vì họ nghĩ rằng: thò tay giúp vợ là mất mặt đấng nam nhi đại trượng phu. Xem ra họ rất thích đóng vai chỉ đạo nghĩa là chỉ cho người khác làm, còn mình thì xin miễn. Hay đóng vai giám đốc, nghĩa là đốc cho người khác làm, còn mình thì xin được hai chữ bình yên.

Gã đã từng thấy có những bà vợ buôn thúng bán mẹt, suốt ngày gánh hàng đến chai cả vai, vẹo cả cổ, bòn từng đồng xu, cốt để tới bữa ăn, phải có tí thịt tí cá và xị rượu cho ông chồng. Thậm chí còn phải bày cả một mâm riêng cho ông chồng xơi trước, dư lại bao nhiêu mới tới lượt bà và các con.

Để kết luận cho kiểu thứ ba và thứ tư này, gã xin mượn lời suy diễn của thánh Tôma, đấng tiến sĩ Hội Thánh, như sau:

- Thiên Chúa không lấy xương đầu của ông Adong mà dựng nên bà Evà, vì e rằng bà sẽ thừa thắng xông lên mà coi mình là bậc đờn chị để rồi cai trị ông và gây nên những hậu quả tai hại sau này. Thiên Chúa cũng không lấy xương gót chân của ông Adong mà dựng nên bà Evà, vì e rằng ông sẽ xem thường và đày đọa bà, coi bà chỉ là một thứ tôi đòi. Trái lại, Thiên Chúa đã lấy chiếc xương sườn của ông Adong mà dựng nên bà Evà. Hẳn mọi người đều biết: xương sườn là một thứ xương ở giữa thân thể con người và nằm sát trái tim, nên bà cần phải được bình đẳng với ông và cần phải được ông yêu thương chăm sóc.

Kiểu thứ năm: vợ như một người quản lý.

Gã đã có một kinh nghiệm thật cay đắng về ngân hàng. Số là sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả những người mắc nợ ngân hàng đều phải thanh toán, trả lại cho bằng hết, tới tận đồng xu cuối cùng. Trong khi đó số tiền thiên hạ gửi vào thì ngân hàng lại... lờ tít, thành thử mất cả chì lẫn chài, mất cả vốn lẫn lãi.

Vì thế, có người đã sánh ví vợ như là một ngân hàng sống. Khi ta lấy vợ, có nghĩa là ta mở một trương mục ở ngân hàng để ký thác toàn bộ cuộc đời và tiền bạc của ta vào đó. Có người cảm thấy rằng nhờ vậy mà cuộc đời được an toàn và tiền bạc được sinh lời, dù rằng lãi suất rất thấp.

Thế nhưng cũng có kẻ cảm thấy rằng mình bị... mất cắp. Mất cắp cuộc đời cũng như mất cắp tiền bạc. Thực vậy, suốt bao năm tháng học tập đèn sách, đổ mồ hôi sôi con mắt, mới khều được cái mảnh bằng bác sĩ, kỹ sư hay ngoi lên làm ông chánh, ông trùm... còn cô nàng ấy hả, chỉ cần ừ một phát để làm vợ người ta và nghiễm nhiên được cả và thiên hạ gọi là bà bác sĩ, bà kỹ sư hay bà chánh, bà trùm.

Còn chuyện tiền bạc. Trước kia làm đồng nào mình xào đồng ấy, còn bây giờ, làm được bao nhiêu đem về nộp bấy nhiêu. Chẳng được thiếu một đồng một cắc. Không nộp hết là không xong. Nhưng phiền một nỗi đó là nộp vào thì dễ mà rút ra thì khó. Thành ra đôi lúc phải nói quanh nói co, nói gian nói dối để có tí tiền còm cà phê cà pháo hay chi dùng chuyện nọ chuyện kia.

Tuy nhiên, gã không thích sánh ví vợ với ngân hàng, dù là ngân hàng sống bởi vì nó có vẻ tiền bạc vật chất quá đi thôi, mà muốn sánh ví vợ với một người quản lý hơi tham lam. Người quản lý tham lam này sẽ coi ông chồng như một công cụ kiếm tiền và cô nàng sẽ bòn rút cho đến hơi thở và đồng xu cuối cùng. Khi ông chồng đem tiền về thì cô nàng vui như tết. Khi ông chồng bị thất nghiệp hay không kiếm ra tiền nữa thì chỉ có cách biến đi chỗ khác chơi, chứ ở nhà thì cũng phát điên lên mất vì những lời chì chiết và bóng gió. Khi ông chồng ngửa tay xin mấy đồng tiền lẻ, thì hãy đợi đấy nghe cô nàng ca vọng cổ sáu câu có mùi cái đã.

Dân Mỹ mới có mấy người chết vì bệnh than thì đã cuống cà kê, còn những ông chồng đáng thương này chịu đựng “bệnh... than” của cô nàng suốt bao nhiêu năm tháng mà có chết chóc gì đâu.

Quản lý thì phải dính liền với tiền bạc vật chất. Đó là chuyện thường tình. Tích lũy hay ky cóp nhằm bảo đảm đời sống vật chất cho gia đình thì tốt, dù cô nàng có hơi chặt chẽ, keo kiệt hay bủn xỉn một tí cũng không sao. Vì lợi ích chung, mình vì mọi người kia mà. Như chị kiến, tha lâu cũng đầy tổ, mùa hè vẫn ra sức thu gom để mùa đông không bị túng quẫn.

Tuy nhiên, có những cô nàng keo kiệt với chồng với con, nhưng lại hào phóng với bản thân theo kiểu vung tay quá trán, con nhà lính tính nhà quan, mắc phải hội chứng đi “shop”, nay mua cái này, mai sắm cái kia, thành thử chẳng mấy chốc mà ngân quĩ trong gia đình bị bốc hơi hay đội nón ra đi lúc nào cũng không hay.

Kiểu thứ sáu: vợ như người tình.

Những bà vợ kiểu này thường hay dẩu mỏ chê bai ông chồng của mình là kẻ “chỉ biết có nồi cơm chứ chẳng hề biết còn có cả hoa hồng trong cuộc sống”. Hay trách móc ông chồng của mình “khô như ngói, chẳng hề biết lãng mạn, để hâm nóng tình yêu”.

Và thế là dù đám cưới đã xong xuôi và mọi việc đều đã trở về với nhịp điệu bình thường của nó, ông chồng vẫn cứ phải tiếp tục đóng vài trò người tình, tức là phải săn đón cô nàng, căng óc ra mà đoán xem cô nàng đang muốn gì để mà chiều chuộng.

Ngày sinh nhật, ngày cưới nhau, ngày tình yêu, ngày phụ nữ, ngày tết, ngày lễ...tất tần tật đều phải lên lịch để mua hoa, mua quà kèm theo những lời lẽ lâm ly bi đát nhất không kém gì tuồng cải lương. Nếu trót dại mà lỡ quên thì chắc chắn chiến tranh lạnh sẽ xảy ra, mặt mũi cô nàng sẽ ủ dột như bánh bao chiều:

- Anh không còn thương em nữa... dồi. Hay là lại anh có người ta.

Còn cô nàng thì chăm sóc đến nhan sắc của mình hơn là chăm sóc việc nhà bởi vì cô nàng đang đóng vai người tình kia mà.

Kiểu thứ bảy: vợ là như người... vợ.

Có một truyền thuyết cho rằng: người đàn bà không phải được tạo nên từ chiếc xương sườn của người đàn ông, mà được làm ra bằng một loại hợp chất. Đúng vậy, thuở ban đầu, người đàn ông sống trơ trụi một mình. Vừa đơn độc lại vừa buồn phiền. Thượng đế nhìn thấy bèn lấy làm tội nghiệp, nên dủ lòng thương, bèn lấy một chút dịu dàng của hoa lan, một chút xinh đẹp của bông hồng và một chút tinh khiết của cánh huệ. Tất cả được trộn lẫn với nhau. Nhưng chưa đủ. Ngài còn hòa vào hợp chất ấy một chút tinh ranh của con khỉ già, một chút độc ác của con rắn hổ mang và một chút hung dữ của con sư tử. Tất cả được nhào nặn và quyện lẫn vào nhau mà tạo nên người đàn bà.

Thượng đế bèn trao cái khối hợp chất kỳ diệu và quái quỉ ấy cho người đàn ông. Và từ đó người đàn ông không còn cô đơn trơ trụi nữa. Thế nhưng, vào một buổi sáng u ám, người đàn ông bỗng cảm thấy không còn chịu đựng nổi sự tinh ranh, độc ác và hung dữ của cái hợp chất quái quỉ ấy, nên đã mang trả người đàn bà lại cho Thượng đế. Song cuộc ly hôn đầu tiên này diễn ra chưa đầy một tuần trăng, thì người đàn ông bỗng cảm thấy nhớ day nhớ dứt cái vẻ dịu dàng, xinh đẹp và tinh kết của cái hợp chất kỳ diệu ấy, bèn chạy đến xin Thượng đế trả lại người đàn bà cho mình. Từ đó họ sống hòa thuận, đầm ấm và hạnh phúc với nhau.

Dầu vậy, người đàn ông vẫn không ngừng kêu cầu:

- Xin cho nàng mãi mãi dịu dàng như hoa lan, xinh đẹp như bông hồng và tinh khiết như cánh huệ.

Từ truyền thuyết trên, chúng ta thấy người vợ lý tưởng chính là người vợ kiểu thứ bảy. Cô nàng đích thị phải là người vợ “một chăm phần chăm”, người vợ chính hiệu con nai vàng.

Muốn được như thế, cô nàng phải là tổng hợp của sáu kiểu trên với một thành phần vừa đủ cho mỗi kiểu. Cô nàng phải biết lúc nào nên chăm sóc và hỏi ý kiến ông chồng, lúc nào nên nũng nịu và vòi vĩnh còn lúc nào phải nghiêm khắc và cứng rắn. Cô nàng cũng phải biết lúc nào phải thu gom tiền bạc và lúc nào phải ban phát. Có đầu vào thì cũng phải có đầu ra. Vừa có tình lại vừa có lý. Vừa cương lại vừa nhu...

Nhưng trên cõi đời này, hỏi có mấy anh đờn ông tìm được một chị vợ như vậy. Và một người vợ lý tưởng kiểu thứ bảy liệu có thực sự tồn tại trên mặt đất này không?

Gã Siêu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây