Một đời dấn thân
Đẹp thay bước chân, tay người tăng ni, tu sỹ phục vụ mùa đại dịch Covid! Họ là những con người xả thân vì anh chị em mình, "Ra công làm việc vì của ăn trường tồn" (Ga 6, 27). Với bao vất vả, hy sinh nhưng luôn nở nụ cười "Cho đi là tất cả".
Nửa đêm nghe tiếng chuông cửa, những người trực khuya bừng tỉnh, mau dậy đón chuyến xe hàng cứu trợ từ những vùng xa chở về. Trong khi mọi người đang giấc ngủ ngon, đâu biết rằng các tu sỹ đang xuống hàng thoăn thắt như những anh chàng bốc xếp ngoài bến. Sân nhà dòng đầy ắp rau củ quả như buổi đêm của phiên chợ đầu mối. Những giọt mồ hôi không kịp chảy, những bó rau, củ, mau mắn được phân loại, rồi nhặt ra những rau không còn tươi ngon. Tất cả chỉ mong muốn đến tay người nhận những món quà rau xanh, tươi ngon nhất.
Tiếng chuông lại reo lần nưa, tiếng chuông nhà nguyện mời gọi. Thu xếp mau mắn, rửa tay, lau mặt, áo quần lên nhà nguyện kinh sách, kinh sáng, dự lễ. Không chỉ là những bó rau tươi xanh, mà còn là một lương thực thiêng liêng ướp trọn trong mớ rau củ quả. Không chỉ là lo lương thực chóng qua cho anh chị em nghèo khó, dịch bệnh mà còn lương thực trường tồn, để cùng Chúa cứu giúp.
Bữa sáng không như những ngôi nhà ngày cách ly, nhiều người chầm chậm thức dậy, thể dục, nhâm nhi cà phê, điểm tâm. Các tu sỹ, người vội vã gói mì tôm, người chén cơm nguội. Rồi lại mớ rau, xếp hàng chuyển đi, đóng gói, chia bao… Tất cả chỉ mong muốn món hàng trao sớm đến tay người nhận nhất. Vui đời phục vụ là thế! Cuộc sống khi bình thường, câu kinh, tiếng hát, làm việc. Khi đại dịch, như anh hùng vào trận, quên mình dấn thân.
Hôm rồi có những tu sỹ theo lời mời gọi, nhiều tăng ni, tu sỹ dấn thân vào tâm điểm vùng dịch. Họ mau mắn ghi danh, khám sức khoẻ, tiêm vaccine, lên đường ra tuyến đầu. Họ là những tu sỹ chưa bao giờ được đào tạo nghành y, khác với các tu sỹ học y đã dấn thân lâu rồi ở nơi bệnh viện. Họ lên đường với một tâm tình phó thác mọi sự như cuộc đời đã từng hiến dâng.
Ra tuyến đầu ở tâm dịch, nơi điều trị các ca bệnh F0, mới xếp đặt vào chỗ làm, họ đã làm việc quên thân mình. Họ mặc chiếc áo bảo hộ, người ta sẽ không nhận ra họ là những tu sỹ qua đồng phục thường ngày. Những bệnh nhân nghĩ là mấy người ăn lương phụ việc. Luôn bị nghe chửi, bị gào thét, kể cả lời thô tục, đòi hỏi điều này điều kia, bởi các bệnh nhân đang căng thẳng vì dịch bệnh.
Các tu sỹ quen rồi nhẫn nhịn, chịu khó lắng nghe. Rồi có những câu lời an ủi, khuyến khích, các bệnh nhân nóng tính, bức bách kia, dần dần nhận ra tốp người mới đến này có gì đó khác lạ, làm ấm lòng.
Dù các tu sỹ không chữa lành cho các bệnh nhân bằng những viên thuốc, bằng những kỹ thuật y khoa, nhưng họ có một thứ thuốc tinh thần làm tăng thêm sức khoẻ để kháng bệnh. Một thứ thuốc thiêng liêng chữa bệnh tâm hồn và gia tăng niềm vui sống, vượt qua bệnh tật.
Khi được hỏi các tăng ni, tu sỹ, vào tâm dịch có sợ chết không? Họ vui cười và bảo: Đời hiến dâng có gì đáng giá đâu ngoài mạng sống. Cha mẹ hiến dâng con cho Chúa trong nhà dòng, họ cũng đâu còn thuộc về cha mẹ nữa. Chính họ hiến dâng đời sống mình cho anh chị em, cho Thiên Chúa, họ cũng đâu còn thuộc chính họ nữa, họ thuộc về anh chị em, thuộc về Thiên Chúa.
Của lễ dâng không bao giờ đòi lại, thuộc về anh chị em, thuộc về Thiên Chúa, nên việc xả thân vì anh chị em, vì Thiên Chúa, đó cũng là lý tưởng sống, niềm vui sống và hạnh phúc của đời người tu sỹ.
Các tăng ni, tu sỹ họ là những chiếc bánh bẻ ra cho con người, nhất là những con người bất hạnh, đau khổ, bệnh tật, và nghèo khổ.
Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả những người "ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh" (Ga 6, 27)
Lm Giuse Hoàng Kim Toan