TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng bế mạc Đại hội THĐ -Á châu

Thứ năm - 02/03/2023 02:22 | Tác giả bài viết: |   605
Đại hội cấp Châu lục của Giáo hội Á châu chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục XVI, đã diễn ra từ ngày 24 -26. 02. 2023 tại trung tâm Huấn luyện Mục vụ Baan Phu Waan của Tổng giáo phận Bangkok, Thái Lan.
Bài giảng bế mạc Đại hội THĐ -Á châu

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC HỒNG Y CHARLES BO
TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC

ĐẠI HỘI THƯỢNG HỘI ĐỒNG CẤP CHÂU LỤC CỦA GIÁO HỘI Á CHÂU

 

WHĐ (01.03.2023) - Đại hội cấp Châu lục của Giáo hội Á châu chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục XVI, đã diễn ra từ ngày 24 -26. 02. 2023 tại trung tâm Huấn luyện Mục vụ Baan Phu Waan của Tổng giáo phận Bangkok, Thái Lan. Thánh lễ tạ ơn Bế mạc Đại hội, nhằm Chúa Nhật I Mùa Chay, do Đức Hồng y Charles Maung Bo, Chủ tịch của FABC chủ sự với sự đồng tế của Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavier Kriengsak Kovitvanit; Đức Tổng Giám mục George Alencherry, và Đức Giám mục Mathias Ri Iong-Hoon.

Sau đây là nội dung bài giảng trong Thánh lễ của Đức Hồng y

Tuần vừa qua, chúng ta bắt đầu Mùa Chay thiêng liêng, nơi chúng ta được mời gọi bước vào thời kỳ đổi mới và biến đổi. Mỗi khi bắt đầu giai đoạn này trong đời sống Giáo hội, chúng ta thường nghe nhiều người đặt câu hỏi: Tôi nên từ bỏ điều gì trong Mùa Chay này?. Nếu Mùa Chay chỉ quy về việc “từ bỏ” một số thứ và rồi lấy lại sau Mùa Chay, thì Mùa Chay sẽ chỉ là một khoảnh khắc trôi qua mà không có tác động lâu dài nào đến cuộc sống của chúng ta. Mùa Chay phải có âm hưởng lâu hơn trong đời sống của chúng ta.

Hàng năm vào Chúa nhật Thứ I Mùa Chay, chúng ta nghe bài Phúc âm nói về Sự cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa ngay sau khi Người chịu Phép Rửa. Đã có nhiều cách giải thích và suy tư về đoạn văn Tin Mừng này. Về cơ bản, trong cả 3 lần cám dỗ Chúa Giêsu, ma quỷ thách thức căn tính của Người bằng cách nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa”; trong khi Chúa Giêsu vừa được xác nhận bởi tiếng nói từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta”.

Lộ trình Hiệp hành cũng phần nào giống với hành trình của Chúa Giêsu trong hoang địa, đầy thử thách nhưng cần thiết. Cần thiết bởi vì nó sẽ giúp Giáo hội làm chứng cho Tin Mừng tốt hơn thông qua một tiến trình lắng nghe, gặp gỡ và phân định.

Những vấn đề trước mắt, như chúng ta đã nghe trong những ngày này, có lẽ quá sức và nan giải, nhưng điều cần thiết trên hết là thay đổi cách chúng ta thực hiện điều đó như thế nào? Tôi muốn đưa ra từ L.E.N.T như một từ viết tắt cho sự thay đổi thái độ này khi chúng ta cùng nhau bước đi.

L = Letting Go: Buông bỏ. Nếu việc cùng nhau bước đi này có ý nghĩa thì chúng ta cần học cách buông bỏ tất cả những gì ngăn cản chúng ta trở thành một Giáo hội Hiệp hành. “Lột da” là điều kiện tiên quyết để lớn lên. Một phần của sự phản kháng mà chúng ta gặp phải trong Giáo hội trong lộ trình Hiệp hành này là sự miễn cưỡng buông bỏ – buông bỏ những định kiến, thành kiến, nỗi sợ hãi và thậm chí cả địa vị đặc quyền mà chúng ta đã có được trong một khoảng thời gian.

Để tiến về phía trước, chúng ta cần buông bỏ sự vật và thái độ, những thứ cản trở chúng ta tiến lên. Chúa Giêsu còn dặn các môn đệ đừng mang theo gì khi đi đường (x. Lc 9, 3). Buông bỏ cũng có nghĩa là chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn của mình cho dù điều đó có thể gây lo lắng và phiền toái, đây là cách duy nhất để chúng ta có thể tiến bước như là một dân của Thiên Chúa. Buông bỏ cũng có nghĩa là sẵn sàng để mình bị tổn thương. Tôi tin rằng sự tổn thương cho phép chúng ta thừa nhận sự bất toàn của mình và của người khác, và quan trọng nhất là chấp nhận rằng mọi người vẫn xứng đáng để được yêu thương.

E = Encounter (Gặp gỡ). Hành trình trên con đường của tư cách môn đệ có một mục tiêu cụ thể – đó là gặp gỡ Đức Kitô. Tuy nhiên, trên lộ trình này, chúng ta gặp nhiều người, nhiều sự kiện và nhiều trải nghiệm trên đường đi. Chúng ta chẳng bao giờ có thể đi trên con đường này mà bịt mắt lại, vì nếu làm thế, chúng ta sẽ chỉ vấp ngã hoặc lạc lối. Văn hóa gặp gỡ phải là trung tâm sứ mạng của Giáo hội. Tại châu Á, chúng ta gặp gỡ nhiều nền văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị và tâm linh khác nhau.

Trong bài suy niệm buổi sáng ngày 13. 9. 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến nền văn hóa gặp gỡ. Ngài nói: “Một lời mời gọi thể hiện nền văn hóa gặp gỡ, một cách đơn giản như Chúa Giêsu đã làm, đókhông chỉ nhìn, mà còn nhìn vào; không chỉ nghe, mà còn lắng nghe; không chỉ đi ngang qua, mà còn dừng lại với người khác; không chỉ nói Ôi, thật là tội nghiệp!’ mà còn để mình bị lay động với lòng trắc ẩn; “và sau đó đến gần, chạm vào và nói: ‘Đừng khóc nữa và dành ít là một lời an ủi”. Nếu chúng ta (Giáo hội) muốn trở thành “chiếc cầu nối” giúp mọi người gặp gỡ Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải bắc cầu trong việc khắc phục những chia rẽ không ngừng cản trở chúng ta tiến bước.

N = Neighbourliness (Thân cận). Dụ ngôn về người Samaria nhân lành đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra trước đó: Ai là người thân cận của tôi?(x. Lc 10, 29). Cuối cùng, người thân cận với người khác chính là người đã thể hiện lòng thương xót. Tại châu Á, chúng ta là một thiểu số và chúng ta sống giữa những căng thẳng xã hội, chính trị và thậm chí cả tôn giáo. Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, sự cám dỗ có thể là thoái lui, xây dựng một lá chắn phòng thủ xung quanh, hoặc trong những điều kiện quá khích, để trả đũa đến mức cực đoan. Chúng ta nhận ra rằng ở châu Á, nhiều cuộc xung đột thường bắt nguồn từ sự khác biệt sâu xa về tôn giáo và sắc tộc, cũng như những cuộc đấu tranh giành quyền của các nhóm thiểu số. Những căng thẳng như vậy sẽ chẳng được giải quyết khi tôn giáo bị sử dụng cho mục đích chính trị. Làm sao chúng ta có thể sống “tình thân cận” trong những điều kiện khắc nghiệt này?

Công cuộc hòa giải, chữa lành và xây dựng hòa bình phải là trọng tâm của đời sống và thừa tác vụ của Giáo hội. Giáo hội hiện hữu cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho những người đã được rửa tội. Chúng tôi nhận thức rằng Giáo hội “hiện hữu để loan báo Tin Mừng” nhưng trong bối cảnh châu Á, có những nơi mà một lời loan báo trực tiếp sẽ vấp phải sự phản đối và thậm chí là đàn áp. Làm người môn đệ thừa sai không phải là bảo tồn mà là trở thành người thân cận với người khác - là gương mặt của lòng thương xót và trắc ẩn của Thiên Chúa đối với người khác.

T = Transformation (Biến đổi). Trong Thánh Vịnh 104, chúng ta đọc thấy những lời này: “Thần Khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này. Trong lộ trình Hiệp hành này, chúng ta được mời gọi để nghe những gì Chúa Thánh Thần đang nói với chúng ta. Bất kể tất cả những nỗ lực của con người, chúng ta phải không ngừng nhắc nhở mình rằng việc biến đổi là đến từ Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài mà thôi. Trong lời cầu nguyện ‘Ad sumus’, chúng ta thân thưa rằngchỉ duy mình Ngài hướng dẫn chúng con, xin ngự đến trong tâm hồn chúng con”. Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta có thể và thực sự biến đổi cuộc đời chúng ta, biến đổi Giáo hội, và biến đổi thế giới.

thế, nếu chúng ta cùng nhau bước đi để mang lại sự đổi mới trong đời sống Giáo hội, thì chúng ta luôn cần đến sức mạnh biến đổi của Chúa Thánh Thần. Tự sức mình, chúng ta chẳng thể đạt được bất cứ điều gì, nhưng chúng ta cần ân sủng biến đổi của Chúa để biến tất cả những điều này thành hiện thực. Phần lớn sự lo lắng về lộ trình Hiệp hành này là do sự không chắc chắn liệu sự thay đổi có xảy ra hay không. Chúng ta phải học để giao phó hành trình này cho Chúa Thánh Thần bởi vì chỉ duy mình Ngài mới có thể đưa ra định hướng và định nghĩa cho chứng tá của chúng ta, như là một Giáo hội.

Tóm lại, nếu cơn cám dỗ kết thúc bằng những lời này của Chúa Giêsu: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Thiên Chúa của ngươi và chỉ phụng sự một mình Ngài, thì lộ trình Hiệp hành của chúng ta cũng phải bắt đầu bằng chính những lời này. Nhìn nhận rằng chúng ta cần sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, sau đó chúng ta bước đi trên lộ trình Hiệp hành này để tìmphục vụ một mình Ngài. Ước mong trên hành trình này, chúng ta nắm lấy thái độ buông bỏ, gặp gỡ, thân cận, và để cho quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần thực sự đổi mới bộ mặt trái đất. Amen.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: ĐHY Charles Bo’s Homily

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây