TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vai trò LBTM của các Đại học Giáo hoàng

Thứ năm - 02/03/2023 22:27 | Tác giả bài viết: |   619
Trong các trường Đại học, cao đẳng và học viện Công giáo này, các sinh viên được trải nghiệm ơn gọi sinh viên và ơn gọi loan báo Tin Mừng.
Vai trò LBTM của các Đại học Giáo hoàng

Vai trò loan báo Tin Mừng của các Đại học Giáo hoàng

Trong năm 2022, ở thánh đô Roma có gần 16.000 sinh viên đến từ hơn 120 quốc gia của năm châu lục, được chia thành 22 cơ sở giáo dục. Trong các trường Đại học, cao đẳng và học viện Công giáo này, các sinh viên được trải nghiệm ơn gọi sinh viên và ơn gọi loan báo Tin Mừng.

Cách đây năm năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông hiến “Veritatis gaudium - Niềm vui Chân lý”, về các trường Đại học của Giáo hội, trong đó ngài kêu gọi các cơ sở giáo dục của Giáo hội dấn thân loan báo Tin Mừng trước những thách đố và nhu cầu mới.

Đáp lại lời kêu gọi này, 22 cơ sở đào tạo Công giáo ở Roma, gồm các trường Đại học, cao đẳng và học viện đã liên kết tạo lập Hội đồng các Đại học và Học viện Giáo hoàng ở Roma ( CRUIPRO) do cha Luis Navarro, giáo sư, Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Thánh Giá làm Chủ tịch.

Chính nhờ Hội đồng này mà trong tuần vừa qua, lần đầu tiên Đức Thánh Cha đã tiếp kiến khoảng 5.000 sinh viên thuộc các trường Đại học Giáo hoàng tại Đại thính đường Phaolô VI.

Tiếp kiến Đức Thánh Cha

Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã khẳng định với các giáo sư, nhân viên và sinh viên của các trường Đại học Công giáo ở Roma rằng, tất cả đều thuộc về một hệ thống nghiên cứu rộng lớn và đa dạng của Giáo hội, đã phát triển qua nhiều thế kỷ nhờ vào sự khôn ngoan của Dân Chúa, ở khắp nơi trên thế giới và được liên kết chặt chẽ với sứ mạng rao giảng Tin Mừng của toàn thể Giáo hội.

Theo Đức Thánh Cha, các sinh viên của Đại học Công giáo là một phần của sự giàu có đã phát triển dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần trong hoạt động nghiên cứu, đối thoại, phân định các dấu hiệu của thời đại và trong việc lắng nghe nhiều cách diễn đạt văn hoá khác nhau. Hơn nữa, vì các trường ở tại Roma nên các sinh viên có sự gần gũi về mặt địa lý với Người Kế vị Thánh Phêrô và với thừa tác vụ của ngài trong việc hân hoan loan báo chân lý của Chúa Kitô.

Để thực hiện điều này, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hoà đồng với nhau, tham gia vào dàn hợp xướng, như thánh John Henry Newman mô tả. Thánh nhân nói các trường đại học là nơi mà các kiến thức và quan điểm khác nhau thể hiện một cách hài hòa, bổ sung, sửa chữa và cân bằng lẫn nhau. Sự hòa hợp này đòi hỏi phải được trau dồi trước hết ở chính các sinh viên, giữa ba trí thông minh rung động trong tâm hồn con người: trí tuệ, trái tim và đôi tay.

Để bảo đảm sự hài hoà trong mỗi trường Đại học và giữa các trường với nhau, Đức Thánh Cha kêu gọi thành lập “ca đoàn”, với sự phối hợp hiệu quả, ổn định và hữu cơ giữa các tổ chức học thuật, nhằm tôn vinh tốt hơn các mục đích cụ thể của từng tổ chức và thúc đẩy sứ mạng phổ quát của Giáo hội. Như thế mọi người có thể tuân theo tác động sống động của Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng qua các thế kỷ, nhờ lòng quảng đại và nhìn xa trông rộng, các dòng tu, theo đoàn sủng riêng, đã làm cho Roma được phong phú nhờ một con số đáng kể các phân khoa và đại học. Nhưng ngày nay, đứng trước con số sinh viên và giáo viên giảm bớt, sự đa dạng của các trung tâm nghiên cứu này có nguy cơ phân tán các năng lực quý giá. Sự giảm bớt này nhiều khi có nguy cơ làm trì trệ và gây khó khăn cho việc thông truyền.

Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, cần khởi động một tiến trình dẫn tới sự hiệp lực hiệu quả, bền vững và có tổ chức hơn giữa các tổ chức học vấn, đạt tới những mục tiêu cụ thể của mỗi tổ chức và thúc đẩy sứ mạng phổ quát của Giáo hội. Vì thế, ngài mời gọi mọi người không hài lòng với những giải pháp ngắn hạn, và đừng nghĩ tới tiến trình tăng trưởng này như một hoạt động tự vệ, nhắm đối phó với sự giảm sút về tài nguyên kinh tế và nhân sự. Đúng hơn cần coi nó như một đà tiến hướng về tương lai, như một lời mời gọi đón nhận những thách đố của một thời điểm lịch sử mới

Ở điểm này, Đức Thánh Cha khuyến khích các trường Đại học sớm bắt đầu một tiến trình tín thác theo chiều hướng này, với sự thông minh, thận trọng và táo bạo, luôn ý rằng thực tế thì quan trọng hơn là ý tưởng. Chính Bộ Văn hóa và Giáo dục Công giáo, với sự ủy nhiệm của ngài, sẽ đồng hành với các trường trong hành trình này.

Tính chất quốc tế của các trường Đại học Giáo hoàng

Cũng tuần qua, trong một cuộc họp báo tại hội trường của Bộ Truyền thông, do cha Luis Navarro, Chủ tịch Hội đồng các Đại học và Học viện Giáo hoàng ở Roma chủ toạ, một phúc trình về các trường Đại học đã được trình bày. Theo đó, trong năm 2022, ở thánh đô Roma có gần 16.000 sinh viên đến từ hơn 120 quốc gia của năm châu lục, được chia thành 22 cơ sở giáo dục.

Trong số 22 cơ sở này, có 7 đại học, trong đó lâu đời nhất là Gregoriana, được thành lập năm 1551, và trường trẻ nhất là Santa Croce-Thánh Giá, 40 năm; có 2 trường cao đẳng, và 9 học viện.

Phần lớn sinh viên không phải là người Ý, cụ thể chỉ 1 trong 8 sinh viên là người Ý. Về tỉ lệ giữa giáo viên và sinh viên: với hơn 2.000 giáo viên, thì một giáo sư đảm trách 6 sinh viên, điều này cho phép các khóa học được cá nhân hóa, theo đó sinh viên được giáo viên hướng dẫn trực tiếp.

Năm 2022, có 3.000 chứng chỉ, từ cử nhân đến tiến sĩ đã được trao cho sinh viên. Các trường đều có văn phòng trên khắp thế giới, có 221 đại học hoặc phân khoa trên thế giới kết nối với các Đại học và Học viện Giáo hoàng ở Roma.

Tất cả những điều trên cho thấy tính quốc tế của các trường đại học Giáo hoàng.

Sứ vụ loan báo Tin Mừng của các Đại học Giáo hoàng

Liên quan đến sứ vụ loan báo Tin Mừng của các Đại học Giáo hoàng, Vatican News đã có cuộc phỏng vấn dành cho cha Navarro.

Trước hết về tình hình của các trường Đại học Giáo hoàng ở Roma hiện nay, cha nói: “Mọi sự hiện tốt, nhưng chúng tôi phải cải thiện, phát triển, khuyến khích sự hợp tác hơn nữa giữa các tổ chức khác nhau. Chúng tôi đã thực hiện những bước mà tôi đánh giá là to lớn trong ba mươi năm qua, nhưng chúng tôi phải cố gắng hơn nữa vì có những thách đố lớn đối với mọi người. Nhưng tình hình nói chung là tốt”.

Đi vào cụ thể những thách đố, Viện trưởng trường Đại học Giáo hoàng Santa Croce cho biết: Tính liên văn hóa và “cùng đào tạo để rao giảng Tin Mừng” là một trong những thách đố hiện nay của các trường Đại học Giáo hoàng. Bởi vì chúng ta phải biết thế giới mà chúng ta phải đem Tin Mừng đến như thế nào. Loan báo và biết rõ về thế giới cũng có nghĩa là biết văn hóa của mọi thực tại xã hội để nhập thể sứ điệp Tin Mừng ở đó. Và đồng thời hoạt động loan báo này cũng phải là một thách đố đưa chúng tôi tiến lên. Cùng nhau học hỏi, nghiên cứu có nghĩa là chúng tôi phải hợp tác với nhau nhiều hơn để đáp ứng thích đáng hơn với xã hội ngày nay, một xã hội rất đa dạng trên toàn thế giới.

Một trong những điểm sáng về sự hợp tác mà các trường đã thực hiện được là ngoài trường chính thức của mình, các sinh viên có thể theo học thêm ở các trường khác. Cha Navarro khẳng định đây là một bước tiến rất quan trọng vì sinh viên có thể làm phong phú thêm việc học bằng các khóa học do các trường Đại học Giáo hoàng khác ở Roma cung cấp. Điều này rất hữu ích cho họ, nhưng nó cũng hữu ích và khuyến khích giáo viên làm tốt hơn khi có sinh viên đến từ các trường đại học khác, những sinh viên không chính quy, nhưng được thu hút bởi khóa học cụ thể đó, một khóa học mang lại cho họ điều gì đó mà sinh viên không tìm thấy ở trường của mình. Và điều này mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Ở các khoá học này, theo thỏa thuận đạt được giữa tất cả các hiệu trưởng, các sinh viên không cần phải đăng ký hoặc trả tiền.

Kết thúc cuộc phỏng vấn, Chủ tịch Hội đồng các Đại học và Học viện Giáo hoàng ở Roma cho biết, học tại Roma là một lợi ích cho mọi người, cho các Giáo hội địa phương, cho Giáo hội hoàn vũ. Một lợi ích cho tất cả các sinh viên và cho các Giáo hội họ thuộc về. Cha nói: “Tôi nghĩ rằng với sự hợp tác của chúng tôi giữa các hiệu trưởng và các trường đại học, chúng tôi đang đưa ra câu trả lời cho lý do tại sao nên đến học tập tại Roma”.

Ơn gọi sinh viên và ơn gọi loan báo Tin Mừng

Vatican News cũng đã có buổi trò chuyện với cô Rafaella, sinh viên người Venezuela đang sống ở Hoa Kỳ, và hiện là sinh viên của Đại học Giáo hoàng Latêranô. Với câu hỏi “Điều gì đã thôi thúc bạn đến học tại Roma?”, cô Rafaella trả lời: Ở Roma, sự kết hợp giữa ơn gọi sinh viên và ơn gọi loan báo được cảm nhận rất rõ ràng. Trong trường hợp cụ thể của tôi, tôi cũng có thể học ở Hoa Kỳ, nơi tôi lớn lên, nhưng tôi được khuyên nên đến Roma, vì tôi muốn tham gia một khóa thần học một cách nghiêm túc và gần gũi với những gì Giáo hội nói với chúng tôi và những gì chúng tôi sẽ phải loan báo. Vì vậy, là một giáo dân, theo tôi, đó là một trách nhiệm lớn, nhưng cũng là một đặc ân lớn, để có thể tạo ra một sự khác biệt nhỏ trong sự bé nhỏ của tôi. Và điểm cộng mà tôi muốn nói chính là việc người ta tìm thấy chính mình trong một môi trường rất gần Ngai Tòa Thánh Phêrô, rất gần trung tâm tâm linh, một điểm tựa khiến bạn bớt cảm thấy cô đơn nhưng cũng sẵn sàng hơn, chuẩn bị sẵn sàng hơn để ra đi ra thế giới để loan báo và chia sẻ kiến thức nhận được trong một trường Đại học Giáo hoàng.

Nói về ích lợi khi cùng một lúc có thể theo học các trường Đại học khác như Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Thánh Giá trình bày, cô Rafaella cho biết cô đang tận hưởng điều này. Cô nói: “Chúng tôi thực sự không muốn chỉ giới hạn mình trong kiến thức mà học viện chúng tôi cung cấp cho chúng tôi và kiến thức cũng liên quan đến việc hình thành một não trạng nhất định. Bởi vì nếu chúng ta tiếp xúc với các trường đại học khác, chúng ta không chỉ thu được kiến thức khác, nhưng trên hết là những cách suy nghĩ và cách tiếp cận khác. Tất cả đều rất hữu ích cho chúng tôi và do đó chúng tôi hy vọng rằng sáng kiến trao đổi này có thể tiếp tục”.

Ngọc Yến - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây