TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kinh Truyền Tin -ngày 01/11/2021

Thứ hai - 01/11/2021 21:24 | Tác giả bài viết: |   838
Trưa thứ Hai 1/11, Lễ trọng kính các Thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu như vẫn thường làm trong các ngày lễ trọng.
Kinh Truyền Tin -ngày 01/11/2021

Kinh Truyền Tin 01/11: Không có sự thánh thiện nào mà không có niềm vui

Trưa thứ Hai 1/11, Lễ trọng kính các Thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu như vẫn thường làm trong các ngày lễ trọng. Trời Roma có mưa nhẹ từ sáng nhưng đông đảo các tín hữu vẫn đến quảng trường thánh Phêrô để đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn dành cho các tín hữu dựa trên bài Tin Mừng được đọc trong lễ Các Thánh về các Mối Phúc.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta mừng kính Các Thánh và trong Phụng vụ vang lên sứ điệp “hành động” của Chúa Giêsu, đó là Các Mối Phúc (x. Mt 5,1-12a). Chúng chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa và hạnh phúc: con đường khiêm nhường, nhân ái, hiền lành, công bằng và hòa bình. Nên thánh là bước đi trên con đường này. Chúng ta tập trung vào hai khía cạnh của lối sống này: Chính là hai khía cạnh của lối sống thánh thiện: niềm vuingôn sứ.

Niềm vui. Chúa Giêsu bắt đầu bằng từ “Phúc” (Mt 5, 3). Đây là lời loan báo căn cội, về một niềm hạnh phúc chưa từng có. Hạnh phúc, sự thánh thiện không phải là một chương trình sống chỉ được thực hiện bởi những nỗ lực và từ bỏ, nhưng trên hết là niềm vui khám phá ra rằng mình là con cái được yêu thương của Thiên Chúa. Điều này làm chúng ta tràn ngập niềm vui. Đây không phải là một cuộc chinh phục của con người, nhưng là món quà chúng ta nhận được: Chúng ta là thánh bởi vì Thiên Chúa , Đấng là Thánh, đến cư ngụ trong cuộc sống của chúng ta. Chính Người ban sự thánh thiện cho chúng ta. Vì điều này mà chúng ta có phúc! Vậy, niềm vui của người Kitô hữu không phải là cảm xúc nhất thời hay sự lạc quan đơn thuần của con người, mà là sự chắc chắn có thể đối diện với mọi tình huống dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa, bằng sự can đảm và sức mạnh đến từ nơi Người. Các thánh, ngay cả giữa nhiều hoạn nạn, họ đã sống niềm vui này và làm chứng về ​​nó. Nếu không có niềm vui, đức tin sẽ trở thành một bài tập nghiêm khắc và gò bó, và có nguy cơ đổ bệnh vì buồn. Một Cha của sa mạc đã từng nói rằng nỗi buồn là “con sâu của trái tim”, nó ăn mòn sự sống (x. EVAGRIO PONTICO, Tám thần gian ác, XI). Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này: chúng ta có phải là Kitô hữu vui tươi không? Chúng ta có lan tỏa niềm vui hay chúng ta là những người ủ rũ, buồn bã với khuôn mặt đưa đám? Chúng ta hãy nhớ rằng: không có sự thánh thiện nào mà không có niềm vui!

Khía cạnh thứ hai: ngôn sứ. Các Mối Phúc được hướng đến những người nghèo, những người khốn khổ, những người khao khát công lý. Đây là một thông điệp ngược dòng. Thật vậy, thế giới nói rằng để có được hạnh phúc, bạn phải giàu có, quyền lực, luôn trẻ và mạnh mẽ, tận hưởng danh tiếng và thành công. Chúa Giê-su đảo ngược những tiêu chuẩn này và đưa ra một lời loan báo ngôn sứ: sự sống tròn đầy thực sự đạt được khi bước theo Giêsu và thực hành Lời của Người. Và điều này có nghĩa là trở nên những người nghèo khó bên trong, dọn trống chính mình để có chỗ cho Thiên Chúa. Ai tin rằng mình giàu có, thành công và an toàn, thì đặt mọi thứ vào bản thân và khép mình trước Thiên Chúa và anh em mình, trong khi những người biết mình nghèo và không đủ thì vẫn mở ra với Thiên Chúa và người lân cận. Và người đó tìm thấy niềm vui. Vậy, các Mối Phúc là lời ngôn sứ về một nhân loại mới, về một lối sống mới: làm cho mình trở nên nhỏ bé và phó thác mình cho Thiên Chúa thay vì đè lên người khác; hiền lành thay vì tìm cách áp đặt; thực hành lòng thương xót, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình; dấn thân cho công lý và hòa bình thay vì đút lót, ngay cả bằng sự đồng loã, bất công và bất bình đẳng. Sự thánh thiện là chào đón và đem ra thực hành, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, lời ngôn sứ này, vốn tạo nên một cuộc cách mạng thế giới. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có làm chứng cho lời ngôn sứ của Chúa Giê-su không? Tôi có diễn tả tinh thần ngôn sứ mà tôi đã lãnh nhận nơi Phép Rửa không? Hay tôi làm quen với cuộc sống tiện nghi và sự lười biếng của mình, nghĩ rằng mọi thứ đều ổn nếu tôi ổn? Tôi mang vào thế giới sự mới mẻ vui tươi của lời ngôn sứ của Chúa Giê-su hay những lời phàn nàn thường hằng về điều chưa ổn? Đó là những câu tự hỏi làm chúng ta tốt hơn.

Xin Thánh Trinh Nữ ban cho chúng ta một điều gì đó nơi tâm hồn của Mẹ, tâm hồn diễm phúc đã hân hoan ca tụng Chúa, Đấng đã “hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (x. Lc 1,52).

Văn Yên, SJ - Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây