TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chủ Chăn Gp. Xuân Lộc T04-2022

Chủ nhật - 27/03/2022 19:04 | Tác giả bài viết: Gm Gioan Đỗ Văn Ngân |   1177
Bóng tối và ánh sáng chuyển biến ngược xuôi, không cứ thời gian nào trong đời, cũng không cứ hoàn cảnh nào trong xã hội.
Lời Chủ Chăn Gp. Xuân Lộc T04-2022

LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC THÁNG 4-2022

KINH NGHIỆM TÂM LINH MÙA CHAY:
ĐỐI DIỆN BÓNG TỐI VÀ ĐỐI DIỆN ÁNH SÁNG

Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,

Mùa chay đi vào cái thực của cuộc đời mỗi người: Bóng tối và Ánh sáng. Hai thực tại có thể chuyển biến qua lại… Có thể mờ đi ánh sáng khiến bóng tối mù mịt hơn hay cũng có thể giảm bớt bóng tối làm cho ánh sáng tỏa lan… Không thể tự phụ mình dày kinh nghiệm mà đứng vững trong ánh sáng, nhưng khiêm nhường nhìn nhận thân phận trong bóng tối là dịp thuận lợi thông dự vào ánh sáng. Có những mảng đời chúng ta mê mẩn thích thú bóng tối nhưng phước thay cũng không thiếu những khoảnh khắc tỉnh ngộ khát khao ánh sáng… Bóng tối và ánh sáng chuyển biến ngược xuôi, không cứ thời gian nào trong đời, cũng không cứ hoàn cảnh nào trong xã hội.

Chúa Giêsu đã đối diện bóng tối… Satan cám dỗ phỉnh gạt. Chúa Giêsu cũng đã đối diện ánh sáng… Chúa Cha mạc khải về Đấng là Con chí ái…

Lời Thiên Chúa xóa tan bóng tối và đưa ta vào ánh sáng ‘khải huyền’.

1. Giáo hội từ thuở đầu, qua các Thánh sử viết Tin Mừng, không ngại lưu truyền hậu thế lời tường thuật Chúa Giêsu trải qua cám dỗ. Sự kiện này không đơn giản như một mẫu gương, không đơn giản như một cuộc chiến hư cấu vốn sẵn đó những tình tiết có hậu. Nhưng trang Kinh Thánh này đưa chúng về thực tại và thực trạng Con Thiên Chúa nhập thể làm người… Người ‘cảm thấy đói’… tên cám đỗ nắm vào ‘tính chất người’ tấn công Chúa. Chúa Giêsu thực sự làm người tới ‘mép’ vực tội lỗi là trải qua cơn cám dỗ: cái danh, lợi, thú… Chúa Giêsu trải qua cám dỗ như nguyên tổ nhân loại, nhưng Chúa không sa ngã mà đứng vững. Chúa Giêsu trải qua cám dỗ như dân xưa trên hành trình sa mạc, nhưng Chúa không ‘đúc bò vàng’ mà tín trung…

2. Trong không khí mùa chay thánh, Giáo hội là mẹ muốn soi sáng cho con cái chân dung Thầy Chí Thánh. Một vực thẳm phân ranh sâu rộng đến vô tận, từ Chúa Giêsu chiến thắng đến tên Satan thảm bại, từ ánh sáng Giêsu đến bóng tối Satan, từ tình yêu quyền năng cứu độ đến tên lưu manh lừa gạt… Đối diện tội lỗi nhân thế, trước viễn tượng thập giá… Chúa Giêsu, trong thân phận người, mướt mồ hôi máu… nhưng trước cám dỗ, Chúa bình tâm, không một chút nao núng… ‘Người ta sống không chỉ nhờ bánh, nhưng là nhờ vào mọi lời xuất từ miệng Thiên Chúa’ (Mt 4: 4), và ngay cả ‘khi ma quỉ đã xong mọi chước cám dỗ, thì nó lìa bỏ Ngài mà đợi dịp’ (Lc 4: 13), thì khi dịp đến, trên thập giá, Chúa vẫn nhẫn nại đón nhận: ‘Những người qua lại mắng nhiếc Ngài, lắc đầu mà rằng: Mày định triệt hạ đền thờ và trong vòng ba ngày sẽ xây cất lại, hãy cứu mình đi! Nếu mày là Con Thiên Chúa, Hãy xuống khỏi Thập giá đi nào!’ (Mt 27: 39.40)… Vẫn còn vang vọng nơi đây, ở khoảnh khắc bóng tối nắm ưu thế, trước điệp khúc ‘Nếu mày là Con Thiên Chúa’… Lời Giêsu uy nghi: ‘Ngươi chớ thử thách Chúa, Thiên Chúa của ngươi’ (Lc 4: 12).

3. Bước theo Chúa Giêsu, cùng Mẹ Giáo hội trên hành trình mùa chay, một phần quan trọng là học chiến đấu trước hai thực tại ‘bóng tối và ánh sáng’. Trong thân phận người, tất cả không vuột mất dù nhân tính bị đè bẹp, nếu ta bước đi trong ‘Lời Giêsu’… Từ mồ chết… Chúa Phục Sinh nâng ta trỗi dậy với Người.

- Chúa Phục Sinh truyền ơn trỗi dậy bằng ‘nguyện cầu’. Chúa lên núi Thabor để nguyện cầu. Nguyện cầu mạc khải chân dung Thiên Chúa… Chúng ta, nhờ nguyện cầu, là con cái ánh sáng ‘Ta được biến hình đổi dạng, từ vinh quang này đến vinh quang khác chiếu theo năng lực Thần Khí của Chúa’ (2Cr 3: 18).

- Chúa Phục Sinh truyền ơn trỗi dậy bằng ‘vác thập giá’. Thánh sử Luca  hướng cuộc hiển dung của Chúa Giêsu về Giêrusalem, nơi Chúa cử hành ‘lễ Vượt Qua’. Chủ điểm duy nhất hai Đấng cột trụ Cựu Ước, Môsê và Elia, hai Đấng từng chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa trên núi Horeb, trao đổi với Chúa Giêsu: ‘Hai Vị nói đến việc ra đi Ngài sắp hoàn tất tại Giêrusalem’ (Lc 9: 31). Vinh quang Thabor không làm Chúa Giêsu quên lãng Thập Giá Calvê. Chúa biết lý do đến trong trần gian. Chúa biết Chúa đi về đâu. Người tôi trung ‘vác thập giá’ xác định con đường cứu độ và đồng hành cùng chúng ta qua ‘vác thập giá’ bước vào cuộc phục sinh.

- Chúa Phục Sinh truyền ơn trỗi dậy bằng ban ‘chính mình là Lời của Chúa Cha’. Cả ba Thánh sử Matthêu, Marcô, Luca đều nối kết biến cố Chúa Giêsu hiển dung vào biến cố Chúa chịu phép rửa tại Jordan. Trong dòng nước Jordan và trên núi Thabor, Chúa Cha xác định căn tính của Chúa Con và truyền ‘Hãy nghe Lời Người’. Thánh sử Luca ghi nhận chi tiết ‘Trong khi tiếng phát ra, thì chỉ còn gặp một mình Đức Giêsu’ (Lc 9: 36). Phải chăng Chúa Giêsu là tuyệt đỉnh, là ánh sáng soi toàn bộ lịch sử cứu độ, là ‘Lời đem đến sự sống đời đời’ (Ga 6: 68).

Anh chị em rất thân mến,

Đời sống đức Tin, theo Kinh Thánh, là đón nhận Lời Thiên Chúa. Một lệnh truyền, vang lên từ Cựu Ước, tóm gọn thái độ sống cơ bản: ‘Hãy lắng nghe’. Lời Thiên Chúa rất giản dị người bình dân có thể dễ dàng lãnh hội, đồng thời rất uyên thâm đến không bao giờ múc cạn…

Cần con tim khiêm nhường để đón Lời Thiên Chúa qua lời phàm nhân và ‘Lời làm Người’. Thánh Augustinô chia sẻ cho ta một kinh nghiệm:

‘Tôi đây, đang nói với bạn, một thời gian, tôi đã lầm lạc, khi tôi còn trẻ, tôi đã tiếp cận Kinh Thánh. Tôi tiếp cận thiếu lòng đạo của kẻ khiêm tốn đi tìm, nhưng với tính tự phụ của kẻ đòi tranh luận. Thật bất hạnh! Khi ấy tôi nghĩ rằng mình bay lên được, nhưng trước khi biết bay, tôi đã tung ra khỏi tổ, tôi liền rơi xuống đất. Tuy nhiên Thiên Chúa xót thương đã đón lấy tôi, đặt lại tôi vào tổ trước khi một người bộ hành đạp chết tôi’.

Với lời chuyển cầu của Đức Trinh Mẫu Vô Nhiễm diễm phúc và Thánh Cả Giuse, nguyện xin Chúa Giêsu giúp ta biết đối diện bóng tối cách nào để chiến thắng… và biết thẩm thấu ánh sáng với một ‘dạ nhớ’ để thông dự hơn mỗi ngày vào ơn phục sinh.

Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Xuân Lộc

 

Nguồn: giaophanxuanloc.net (26.3.2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây