TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ điệp Ngày Quốc gia vì Sự sống lần thứ 45

Thứ năm - 17/11/2022 18:54 | Tác giả bài viết: |   691
“Chúa đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại” (Kn 1, 14).
Sứ điệp Ngày Quốc gia vì Sự sống lần thứ 45

Sứ điệp Ngày Quốc gia vì Sự sống lần thứ 45 của Hội đồng Giám mục Ý

Ngày Quốc gia vì Sự sống lần thứ 45 ở Ý sẽ được cử hành vào ngày 05/02/2023. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, Hội đồng Giám mục Ý đã cho công bố sứ điệp với chủ đề “Cái chết không bao giờ là một giải pháp”, dựa theo ánh sáng của Lời Chúa trong sách Khôn ngoan: “Chúa đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại” (Kn 1, 14).

Sứ điệp gồm 5 số, nội dung liên quan đến văn hoá bảo vệ sự sống.

1. Lan truyền “văn hoá sự chết”

Số đầu tiên có tựa đề: Lan truyền “văn hoá sự chết”. Các Giám mục nhận định: “Trong thời đại chúng ta, khi sự hiện hữu trở nên phức tạp và đòi hỏi nhiều cố gắng, khi dường như thử thách không thể vượt qua và gánh nặng không thể chịu đựng được, người ta ngày càng đi đến một ‘giải pháp’ bi thảm: cái chết”.

Các Giám mục nhấn mạnh rằng, mặc dù như thế mỗi con người và hoàn cảnh phải được tôn trọng, với cái nhìn đầy cảm thông và lòng thương xót bắt nguồn từ Tin Mừng. Thực tế, chúng ta nhận ra rằng một số quyết định nảy sinh trong điều kiện cô đơn, thiếu sự quan tâm, sợ hãi khi đối diện với những điều chưa biết... Đó là mầu nhiệm sự dữ làm mọi người khiếp sợ, cả những người tin và không tin. Tuy nhiên, điều này không loại bỏ mối lo ngại nảy sinh khi thấy rằng việc làm cho chết đang dần trở thành một phản ứng nhanh chóng, kinh tế và có sẵn đối với một loạt các vấn đề cá nhân và xã hội. Hơn thế nữa, đằng sau “giải pháp” này, người ta có thể nhận ra những lợi ích kinh tế quan trọng và những hệ tư tưởng loan truyền cho đó là hợp lý và trắc ẩn, trong khi hoàn toàn không phải như vậy.

Các vị mục tử đưa ra một số hoàn cảnh thực tế: Khi tôi không thể nuôi một người con, mà tôi không muốn, khi tôi biết người con này sẽ bị tật bẩm sinh hoặc tôi nghĩ rằng con tôi sẽ hạn chế tự do của tôi hoặc làm cho tính mạng của tôi nguy hiểm... giải pháp thường là phá thai. Khi tôi không thể chịu đựng được bệnh tật, khi tôi cô đơn, mất hy vọng, khi tôi thiếu sự chăm sóc giảm nhẹ, khi tôi không thể chịu đựng được trong lúc chứng kiến người thân đau khổ..., lối thoát có thể là cái chết êm dịu hoặc “trợ tử”. Khi tương quan với đối tác trở nên khó khăn, vì không đáp ứng mong đợi của tôi..., thì kết quả đôi khi là bạo lực, giết người yêu thương, đến cả trẻ em cũng phải hứng chịu. Khi điều xấu của cuộc sống trở nên không thể chịu đựng nổi và dường như không ai có thể vượt qua bức tường cô đơn... người ta thường quyết định tự kết liễu cuộc đời. Khi sự chào đón và hòa nhập những người chạy trốn chiến tranh hoặc khốn khổ dẫn đến các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội..., thì người ta thích phó mặc những người này cho số phận, kết án họ bằng một cái chết oan uổng. Khi những lý do xung đột giữa các dân tộc ngày càng gay gắt... thì những người cầm quyền và những thương gia của cái chết ngày càng đề xuất “giải pháp” chiến tranh, lựa chọn và tuyên truyền ngôn ngữ tàn khốc của vũ khí, trước tiên cho lợi ích của họ. Như thế, từ từ “văn hóa sự chết” lan tràn và lây nhiễm chúng ta.

2. Vì một “văn hóa sự sống”

Đi từ thực tế coi thường sự sống - “văn hoá sự chết”, Hội đồng Giám mục Ý đề nghị hướng tới “văn hóa sự sống”. Các Giám mục giải thích rằng, Chúa chịu đóng đinh và phục sinh chỉ ra cho chúng ta một con đường khác. Con đường này không đưa đến cái chết nhưng trao ban sự sống, luôn tạo ra và phục vụ sự sống; cho chúng ta thấy làm thế nào để có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị của sự sống ngay cả khi chúng ta cảm thấy sự sống mong manh, bị đe dọa và mệt mỏi; giúp chúng ta chào đón sự kiêu ngạo bi thảm của bệnh tật và cái chết đến từ từ, mở ra mầu nhiệm về nguồn gốc và sự kết thúc; dạy chúng ta chia sẻ những khó khăn của đau khổ, bệnh tật hiểm nghèo, của việc mang thai làm đảo lộn các dự án và sự quân bình... trao ban các tương quan đầy tình thương, sự tôn trọng, gần gũi, đối thoại và phục vụ.

Con đường này hướng dẫn chúng ta để cho mình được thử thách bởi khao khát sống của trẻ em, người tàn tật, người già, bệnh tật, người di cư và nhiều người nam nữ, những người trên hết đòi hỏi sự tôn trọng, phẩm giá và sự chào đón; thúc giục chúng ta giáo dục các thế hệ mới lòng biết ơn đối với sự sống đã lãnh nhận và dấn thân bảo vệ sự sống một cách cẩn thận, cho chính mình và người khác; làm chúng ta vui mừng vì nhiều người nam và nữ, những người tin và những người không tin, những người phải đối diện với những vấn đề trong cuộc sống, đôi khi phải trả giá đắt cho sự dấn thân. Thực tế, trong tất cả, chúng ta nhận ra hoạt động mầu nhiệm và đầy sinh khí của Thánh Thần, Đấng làm cho những thụ tạo trở thành “những người truyền tải ơn cứu độ”.

Ở điểm này, các Giám mục bày tỏ lòng biết ơn và khích lệ các tổ chức và những cá nhân đang tham gia vào hoạt động bảo vệ sự sống.

3. Làm cho chết có thực sự mang lại hiệu quả?

Ở số ba của sứ điệp các Giám mục đặt câu hỏi “Chúng ta phải tự hỏi liệu nỗ lực giải quyết vấn đề bằng cách loại bỏ con người có thực sự hiệu quả hay không. Chúng ta có chắc rằng tầm thường hóa việc chấm dứt thai kỳ cách tự nguyện sẽ xóa bỏ được vết thương sâu mà nó tạo ra trong tâm hồn của nhiều phụ nữ đã từng thực hiện không?”

Hội đồng Giám mục trả lời rằng, trong nhiều trường hợp, phụ nữ có thể được hỗ trợ theo một lựa chọn khác và không hối tiếc, như khoản 5 của luật 194 quy định. Đây là nhận thức dựa trên cơ sở bất ổn về văn hóa và xã hội hiện đang gia tăng ở nhiều quốc gia, và điều này, vượt ra ngoài những phân cực ý thức hệ thái quá, dẫn đến một cuộc tranh luận sâu sắc nhằm đổi mới các quy định và công nhận sự quý giá của mọi sự sống, ngay cả khi chưa nhận thấy: sự hiện hữu của mỗi người là độc nhất và vô giá trong mọi giai đoạn.

Sứ điệp tiếp tục đặt ra một loạt các câu hỏi khác: “Chúng ta có chắc chắn rằng trợ tử hoặc làm cho chết êm dịu là hoàn toàn tôn trọng quyền tự do của những người chọn giải pháp đó - thường kiệt sức vì thiếu sự quan tâm và các tương quan - và thể hiện tình cảm chân thành và có trách nhiệm của những người đồng hành với họ đến cái chết không? Chúng ta có chắc rằng gốc rễ sâu xa của những vụ giết hại phụ nữ, bạo lực đối với trẻ em, sự hung hãn của các băng buôn bán trẻ em... chẳng phải là văn hóa ngày càng coi thường sự sống sao? Chúng ta có chắc là đằng sau hiện tượng tự tử ngày càng gia tăng, ngay cả trong giới trẻ, không có tư tưởng ‘sự sống là của tôi và tôi làm điều tôi muốn?’ Chúng ta có chắc chắn rằng việc đóng cửa với người di cư và người tị nạn và thờ ơ với những nguyên nhân khiến họ phải di chuyển là chiến lược hiệu quả và xứng phẩm giá nhất để quản lý những gì không được xếp loại trường hợp khẩn cấp? Chúng ta có chắc rằng cuộc chiến ở Ucraina cũng như ở các quốc gia có nhiều “cuộc xung đột bị lãng quên”, có thực sự có khả năng khắc phục được những lý do gốc rễ không?”

Để nhấn mạnh thêm tư tưởng này Hội đồng Giám mục trích một đoạn bài giảng của Đức Thánh Cha: “Trong khi Thiên Chúa thực hiện công trình sáng tạo, và chúng ta con người được kêu gọi cộng tác trong công trình của Người, thì chiến tranh đã hủy diệt. Chiến tranh cũng phá hủy những gì Thiên Chúa đã tạo ra đẹp nhất, là con người. Chiến tranh làm đảo lộn mọi thứ, ngay cả sự gắn bó giữa anh chị em với nhau. Chiến tranh là điên rồ, kế hoạch phát triển của nó là sự hủy diệt” (Bài giảng của ĐTC Phanxicô tại Redipuglia, ngày 13/9/2014).

4. “Văn hóa sự chết”: một vấn đề nghiêm trọng

Các Giám mục viết tiếp số 4 với những lời nhấn mạnh: Làm cho chết như một giải pháp đặt ra một vấn đề nghiêm túc về đạo đức, vì nó đặt ra câu hỏi về giá trị của sự sống và của con người. Niềm tin cơ bản vào sự sống và vào sự tốt đẹp của nó - đối với những người có đức tin - thúc đẩy ý thức khả năng và giá trị của mọi điều kiện hiện hữu, bị thay thế bằng sự kiêu ngạo khi đánh giá một sự sống, thậm chí là của chính mình, có đáng sống hay không, khi cho rằng mình có quyền chấm dứt nó. Cũng cần lưu ý rằng hơn bao giờ hết những tiến bộ vượt bậc về khoa học và công nghệ đặt vào tay chúng ta khả năng thao túng và hủy diệt sự sống một cách nhanh chóng và rộng lớn, không tương ứng với sự suy tư đầy đủ về mầu nhiệm sinh và tử, mà rõ ràng chúng ta không làm chủ. Mối lo ngại của nhiều người, khi đối diện với hoàn cảnh của rất nhiều người và gia đình đã trải qua bệnh tật và cái chết trong thời Covid, đã cho thấy cách tiếp cận duy chức năng đối với các chiều kích hiện hữu này là không đủ. Có lẽ vì chúng ta đã mất khả năng hiểu và đối diện với những giới hạn và nỗi đau vốn là bản chất của hiện hữu, mà chúng ta tin rằng chúng ta có thể khắc phục chúng qua cái chết?

5. Canh tân dấn thân

Kết thúc sứ điệp, các Giám mục mời gọi: Ngày vì Sự sống canh tân sự gắn bó của người Công giáo với “Tin Mừng sự sống” và dấn thân vạch trần “văn hóa sự chết”, canh tân khả năng thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động cụ thể bảo vệ sự sống, ngang qua việc huy động ngày càng nhiều năng lượng và tài nguyên. Ngày này khơi dậy một đức ái biết cách trở thành lời cầu nguyện và hành động: khao khát và loan báo sự sống tràn đầy mà Thiên Chúa mong muốn cho con cái Người; một lối sống hôn nhân, gia đình, Giáo hội và xã hội, có khả năng gieo điều tốt, niềm vui và hy vọng ngay cả khi bị bủa vây bởi bóng đen của cái chết.

Ngọc Yến - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây