Sơ Abby Avelino, Giám đốc của Talitha Kum châu Á cho biết phòng ngừa là ưu tiên của các mạng lưới châu Á. Điều này được thúc đẩy qua các chiến dịch đào tạo và nâng cao nhận thức trong các trường học, giáo xứ và cộng đồng địa phương, đặc biệt là hướng đến phụ nữ, thanh niên, các cộng đoàn tôn giáo, bộ lạc và người lao động nhập cư.
Theo nữ tu, nạn buôn người ở châu Á ngày càng trầm trọng hơn do tình hình kinh tế xã hội. Nhiều quốc gia châu Á phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế trầm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị, như Myanmar, Sri Lanka và Pakistan.
Trong năm qua, hàng tháng, Mạng lưới Talitha Kum ở châu Á đã tổ chức các hội thảo trên web về buôn người để tăng cường công tác phòng ngừa, bảo vệ, nâng cao năng lực và mạng lưới, cũng như hợp tác và bảo vệ. Với hoạt động này mạng lưới Talitha Kum ngày càng được mở rộng. Talitha Kum Bangladesh và Talitha Kum Việt Nam được thành lập trong năm 2021 là kết quả của tầm nhìn xa của mạng lưới trong hoạt động.
Talitha Kum đã tổ chức các hoạt động bằng cách sử dụng Chương trình Kinh tế Đầy đủ, giúp phụ nữ và thanh niên ở các làng mạc và vùng núi quản lý các nguồn thực phẩm tự nhiên. Sơ Avelino nhận xét rằng chương trình này đã đáp ứng yêu cầu của các cộng đồng địa phương trong việc hỗ trợ và thúc đẩy nâng cao năng lực.
Sơ nói: “Trong năm 2021, chúng tôi đã khởi động chương trình Đại sứ Thanh niên Chống nạn Buôn người Talitha Kum, nhằm thu hút nhiều người trẻ hơn với tầm nhìn và sứ vụ của Talitha Kum. Các bạn trẻ, đại diện cho mười quốc gia châu Á, đã được đào tạo để trở thành 'đại sứ' thanh niên chống nạn buôn người ở cấp cơ sở”.
Các lãnh đạo trẻ được đào tạo đã phát triển các kỹ năng của họ trong việc thúc đẩy hoạt động của Talitha Kum ở cơ sở, theo những cách thức sáng tạo và đổi mới, với sự phối hợp của các nữ tu hoạt động trong mạng lưới. Chương trình này đã làm cho nhận thức của nhiều người trẻ về các vấn đề buôn người tăng lên khi họ tham gia vào các chiến dịch chống buôn người của Talitha Kum.
Talitha Kum là một mạng lưới quốc tế của các nữ tu, được thành lập bởi Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ (UISG). Talitha Kum châu Á hợp tác với 65 tổ chức Công giáo, 56 tổ chức phi chính phủ, 18 tổ chức quốc gia và 42 cơ quan chính phủ quốc tế. Ở khu vực châu Á, Talitha Kum có 3.521 thành viên đến từ 205 dòng tu tại 20 quốc gia. Năm 2021, Talitha Kum châu Á đã hỗ trợ và giúp đỡ 3.972 nạn nhân của nạn buôn người, và cũng đã tổ chức 3.909 khóa đào tạo và hội thảo.
Ngọc Yến - Vatican News