Bối cảnh viếng thăm
Tại Canada, các thổ dân bản xứ được gọi là “Các dân tộc đầu tiên”. Họ thuộc 634 bộ lạc chia thành một số sắc dân chính và hiện nay có hơn 975 ngàn người theo thống kê hồi năm 2016.
Trong những thế kỷ trước đây, nhà cầm quyền thực dân Anh và Pháp tại Canada thi hành chính sách đồng hóa các thổ dân bản xứ: các trẻ em bị đưa ra khỏi gia đình và bộ lạc của mình và đặt trong các trường nội trú ở nhiều nơi tại Canada. Người ta ước lượng có tới 150 ngàn trẻ em thổ dân ở trong tình cảnh như thế: các em phải học tiếng Anh, hoặc Pháp, từ bỏ phong tục truyền thống và ngôn ngữ của mình. Nhà Nước bấy giờ kêu gọi các dòng tu và tổ chức của Công giáo, Anh giáo và Tin Lành hỗ trợ trong kế hoạch này. Có nhiều trường hợp các em chết tại các trường nội trú vì thiếu thốn, bệnh tật, ngược đãi và cẩu thả, hoặc bị lạm dụng.
Gần đây, tương quan của các thổ dân với Giáo Hội Công Giáo căng thẳng lên mức cao độ sau vụ: ngày 22/5 năm ngoái (2021) người ta phát hiện 215 bộ xương các học sinh, trong đó có trẻ em nhỏ nhất 3 tuổi, tại khu vực trường nội trú thổ dân thuộc giáo phận Kamploops, được chính phủ bang British Colombia ủy thác cho dòng Hiến sinh thừa sai Đức Mẹ Vô nhiễm, gọi tắt là OMI, đảm trách từ năm 1890 đến năm 1969 khi chính phủ lấy lại quyền điều khiển trường này và đóng cửa từ năm 1978 sau đó.
Vụ khám phá này gây xúc động lớn trong dư luận tại Canada. Nhiều vụ khác cũng được phát hiện sau đó tại nước này tạo nên một làn sóng thù nghịch với Giáo Hội Công Giáo, kèm theo những cuộc biểu tình và những hành động phá hoại. Gần 45 nhà thờ Công Giáo ở Canada bị “tấn công” và xúc phạm, trong đó có 4 nhà thờ ở các khu vực thổ dân bị thiêu rụi.
Phản ứng
Ngay trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6/6 năm ngoái (2021), ĐTC đã nhắc đến vụ khám phá di cốt các học sinh tại Kamploops và ngài nói: “Tôi hiệp ý với các Giám mục và toàn thể cộng đồng Công Giáo tại Canada bày tỏ sự gần gũi với nhân dân Canada đang xúc động mạnh mẽ và bị chấn thương vì tin khủng khiếp này. Sự khám phá đau buồn ấy càng gia tăng ý thức về những đau khổ quá khứ. Ước gì Chính quyền và các vị lãnh đạo tôn giáo của Canada tiếp tục cộng tác quyết liệt để làm sáng tỏ vụ đau buồn này và khiêm tốn dấn thân trong một hành trình hòa giải và chữa lành.”
“Những lúc đau buồn này là một lời mời gọi mạnh mẽ cho tất cả chúng ta, để xa tránh kiểu mẫu thực dân và trào lưu thực dân hóa ý thức hệ ngày nay, và tiến bước song song trong cuộc đối thoại, tôn trọng nhau và nhìn nhận các quyền cũng như các giá trị văn hóa của mọi con dân Canada. Chúng ta hãy phó thác cho Chúa các linh hồn mọi trẻ em chết tại trường nội trú Canada và cầu nguyện cho các gia đình và các cộng đoàn thổ dân Canada bị đau khổ...”
Khúc quanh lớn
Một khúc quanh lớn trong tiến trình hòa giải là các cuộc tiếp kiến ĐTC dành cho các nhóm đại diện các bộ lạc Canada. Sau khi tiếp riêng từng nhóm trong những ngày trước đó, hôm 1/4 năm nay, ngài đã tiếp chung 30 đại diện của 3 nhóm thổ dân Canada, kết thúc 1 tuần lễ viếng thăm và gặp gỡ tại Roma. Trong dịp này, hiệp với các Giám mục Canada, ĐTC công khai xin lỗi các thổ dân vì những hành động đáng tiếc của một số thành phần Giáo Hội Công Giáo đối với các bộ tộc này, và đồng thời cảm tạ Chúa vì bao nhiêu tín hữu, nhân danh đức tin đã làm cho lịch sử của các thổ dân được phong phú.
ĐTC nói: “Qua những tiếng nói của anh chị em, tôi đã có thể động chạm cụ thể và mang trong tâm hồn tôi, với tâm tình rất đau buồn, những trình thuật về đau khổ, thiếu thốn, phân biệt đối xử và nhiều hình thức lạm dụng mà nhiều người trong anh chị em đã chịu, đặc biệt trong các trường nội trú. Thật là điều gây ớn lạnh khi nghĩ đến ý muốn gieo rắc một mặc cảm tự ti, làm mất căn tính văn hóa của một người, cắt bỏ căn cội, với tất cả những hậu quả gây ra cho cá nhân và xã hội và còn tiếp tục: những chấn thương kéo dài, trở thành những chấn thương từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
“Tất cả những điều đó khơi lên trong tâm hồn tôi hai tâm tình là phẫn nộ và xấu hổ. Phẫn nộ vì thái độ chấp nhận sự ác, và càng tệ hơn nữa khi trở nên quen thuộc với sự ác, như thể đó là một năng động không thể tránh được do những biến cố lịch sử tạo nên... Tôi cũng cảm thấy xấu hổ vì vai trò của nhiều tín hữu Công Giáo, đặc biệt những người có trách nhiệm giáo dục, trong tất cả những gì đã làm thương tổn anh chị em, trong những vụ lạm dụng và thiếu tôn trọng đối với căn tính của anh chị em, văn hóa và thậm chí cả những giá trị tinh thần của anh chị em. Tất cả những điều đó là trái ngược với Tin Mừng của Chúa Giêsu. Vì đường lối cư xử đáng trách ấy của những thành phần của Giáo Hội Công Giáo, tôi xin lỗi Chúa và tôi thành tâm nói với anh chị em: tôi rất đau lòng. Hiệp với các anh em Giám mục Canada của tôi, tôi xin lỗi anh chị em. Điều hiển nhiên là không thể thông truyền các nội dung đức tin một cách trái ngược với chính đức tin: chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta đón nhận, yêu mến, phục vụ và đừng xét đoán; thật là điều kinh khủng khi mà, nhân danh đức tin, người ta làm chứng trái ngược với đức tin”.
ĐTC nói thêm rằng: Đồng thời với những điều trên đây, “với lòng biết ơn, tôi nghĩ đến bao nhiêu tín hữu tốt lành, nhân danh đức tin, với lòng tôn trọng, yêu thương và tử tế, đã làm cho lịch sử của anh chị em được phong phú nhờ Tin Mừng. Ví dụ tôi vui mừng khi nghĩ đến sự tôn sùng nơi nhiều người trong anh chị em đối với thánh nữ Anna bà ngoại của Chúa Giêsu...”.
Dự án viếng thăm
ĐTC muốn đi xa hơn nữa và ngài quyết định viếng thăm Canada để đích thân tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hòa giải giữa hai bên. Và ngày 23/6 vừa qua, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến tông du.
Các nhóm thổ dân đều muốn ĐTC ghé lại vùng của mình, nhưng rất tiếc vì tình trạng sức khỏe của ngài bị suy yếu vì bệnh đau đầu gối, nên ngài chỉ có thể dừng lại tại 3 nơi chính: Edmonton bang Alberta cho vùng tiếng Anh, Québec cho vùng tiếng Pháp, và Iqaluit ở mạn cực bắc Canada cho vùng của thổ dân.
Ban tổ chức các chuyến viếng thăm nước ngoài của ĐTC cho phía Canada biết một loạt những giới hạn: mỗi ngày ngài chỉ có thể chủ tọa 1 biến cố lớn, ngoại trừ sinh hoạt thứ 2 ngắn và ngài có giờ để nghỉ ngơi giữa hai biến cố. Các sinh hoạt này phải tương đối ngắn vì ĐTC không thể ở trên khán đài quá 1 tiếng. Để di chuyển, ngài không thể dùng trực thăng và chỉ có thể dùng xe hơi 1 thời gian giới hạn. Điều này hạn chế khoảng cách di chuyển và số nơi ngài có thể viếng thăm...
Ưu tiên dành cho các thổ dân bản địa tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC, đặc biệt là các cựu học sinh các trường nội trú. Họ được gọi là “những người sống sót” và ngài đặc biệt muốn gặp họ. Nhưng vấn đề là phần lớn những người này nay đã già yếu.
Một tin vui được loan đi hôm 13/7 vừa qua là: chính phủ liên bang Canada dành hơn 35 triệu Đôla Canada để tài trợ cho các cộng đoàn thổ dân, các tổ chức và các cựu học sinh sống sót từ các trường nội trú, trong những ngày ĐTC viếng thăm.
Bộ trưởng liên bang liên lạc với các thổ dân, ông Marc Miller, cho biết chính phủ cũng sẽ tài trợ việc di chuyển và trú ngụ cho các thổ dân muốn tham dự các cuộc gặp gỡ, Thánh Lễ và sinh hoạt với ĐTC tại 3 thành phố ngài dừng lại là Edmonton, Québec, và Iqaluit. Ngoài ra có 3 triệu đô để hỗ trợ các nhóm ở những vùng nơi ĐGH dừng lại.
Sinh hoạt của ĐTC sẽ bắt đầu từ lúc 10 giờ sáng thứ Hai 25/7, với cuộc sẽ gặp những người bản địa thuộc các dân tộc đầu tiên (First Nations), người lai và người Inuit, ở Maskawacis, cách Edmonton khoảng 70 cây số về hướng nam. Lúc gần 5 giờ chiều cùng ngày, ngài sẽ gặp các thổ dân cùng với các thành phần của cộng đoàn giáo xứ tại Nhà thờ Thánh Tâm ở thành phố Edmonton.
Chặng thứ hai trong cuộc viếng thăm sẽ bắt đầu thứ Tư, 27-7, tại thành phố Quebec, gặp gỡ chính quyền. Sáng hôm sau ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Đền thánh quốc gia thánh Anna de Beaupré. 70% chỗ trong buổi lễ này được dành cho các thổ dân.
Sáng thứ Sáu 29/7, ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm, lúc 9 giờ, ĐTC sẽ gặp một phái đoàn thổ dân Québec, rồi đáp máy bay đến thị trấn Iqaluit có khoảng 7.500 thổ dân ở mạn cực bắc Canada vào lúc gần 4 giờ chiều. Tại đây, ĐTC sẽ gặp riêng một số cựu học sinh các trường nội trú thổ dân tại trường tiểu học Iqaluit, trước khi gặp gỡ giới trẻ và người già vào lúc 5 giờ chiều tại sân trường tiểu học Iqaluit và sau đó là nghi thức từ biệt trước khi ĐTC bay về Roma.
Chính phủ Liên bang cũng dành 2 triệu đôla cho các dịch vụ thông dịch các biến cố và sinh hoạt ra các thứ tiếng của thổ dân bản xứ.
Giuse Trần Đức Anh O.P