TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm B

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,28b-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chiếc cầu nối trong đại dịch Covid-19

Chủ nhật - 17/07/2022 20:18 | Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Đinh Chí Hiền |   854
Chúa Giêsu để lại một tâm tư vàng ngọc trong sứ mạng tại thế, “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Chiếc cầu nối trong đại dịch Covid-19

CHIẾC CẦU NỐI TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

WHĐ (17.7.2022)Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào tháng 5/2021, tôi đã mong ước bản thân được trải nghiệm sống thực tế trong sứ mạng phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện. Khi Tổng Giáo phận Sài Gòn gửi thư kêu gọi thiện nguyện viên tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến hay các trung tâm cách ly, tôi nghĩ ngay đến việc đăng ký tham gia. Tuy nhiên, liền sau đó tôi lại bị từ chối vì giới hạn tuổi. Không lâu sau đó, Đức cha Giáo phận Xuân Lộc gửi thư kêu gọi thiện nguyện viên phục vụ cho người dân bị nhiễm bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tôi ghi danh ngay lập tức để mong được lên đường sớm. Thế là tôi được chọn đi phục vụ tuyến đầu tại bệnh viện dã chiến vào tuần cuối tháng 7/2021.

Viết lại đôi dòng cảm nhận và bài học kinh nghiệm cho riêng mình, tâm trí tôi vẫn liên tưởng đến giây phút bệnh nhân đối diện với cuộc đấu tranh sinh tử: thở để sống và muốn sống thì phải cố thở; quý y bác sĩ dốc toàn bộ sức lực, tài năng và khả năng để cố gắng giành được hay ít ra kéo dài sự sống cho bệnh nhân; hình ảnh anh chị em nhân viên với lòng tận tâm và tinh thần tận tụy phục vụ... Đọc lại kinh nghiệm này, tôi càng thêm xác tín tâm nguyện của thánh Phaolô trong thư Philipphê dường như được thể hiện cách sống động tại bệnh viện trong thời gian cao điểm của dịch bệnh. Thánh Phaolô khát khao, “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.[1] Quả thật, Đức Giêsu Kitô đã đến ở với nhân loại và đã sống phục vụ con người.[2]

Tại bệnh viện, nhân viên và bệnh nhân từ nhiều nơi trong địa bàn tỉnh nhưng không có ai thắc mắc về tôn giáo của người khác; không có cảnh ngồi khoe bằng cấp hay thành tích; cũng chẳng có giờ để kể công danh sự nghiệp... tất cả cùng một thao thức chăm sóc bệnh nhân, cùng tâm tình phục vụ sự sống-sức khỏe của bệnh nhân, cùng một mong ước cho bệnh nhân mau bình phục và sớm xuất viện. Đó chắc chắn là mục đích và lẽ sống của Đức Giêsu, “Ta đến cho họ được sống và sống dồi dào.”[3]

Đến hôm nay, tôi vẫn sống lại cảm xúc bận tâm và trăn trở về những bệnh nhân. Họ nặng trĩu tâm hồn hoang mang, bất an và nhiều âu sầu khi nghe tin bà nội mới qua đời đêm qua, mẹ đang thở oxy, con gái đang sốt ly bì; chồng ở bệnh viện này mà vợ và con lại ở bệnh viện khác hay nơi cách ly khác; con ở bệnh viện này mà mẹ ruột tuổi già mắt kém đang ở bệnh viện khác; khi người mẹ trẻ mang thai đứa con đầu lòng sắp đến ngày sinh mà chưa biết mình sẽ đi đâu về đâu. Sức khỏe thể lý cũng là điều đáng lo nhưng chỉ với ai có bệnh nền, còn sức khỏe tinh thần mới đáng sợ vì ảnh hưởng mọi người. Họ hoảng loạn, sợ hãi, hoang mang, cô đơn, buồn bã. Tôi nhận thấy tâm bệnh ngày càng tăng nhanh. Cảm nghiệm từ mắt thấy tai nghe, tôi rút được ba điều quý báu này.

1. Chiếc cầu yêu thương để nối kết

Chúa Giêsu để lại một tâm tư vàng ngọc trong sứ mạng tại thế, “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.[4]

Virus Corona nhỏ lắm và chẳng ai thấy được nó bằng mắt thường nhưng nó đi tới đâu là gieo sợ hãi và chia cắt đến đó. Nó vào nhà ai thì thành viên trong nhà bị chia rẽ và phân tán đến đó. Nó xuất hiện ở đâu, đám đông tan tác tới đó. Một nghịch lý thật khó hiểu là không ai thấy con virus nhưng ai cũng cố xây thành kiên cố để chống và ngăn chặn nó. Vì không ai thấy nó nên gặp người nào cũng bị nghi ngờ là chứa nó. Từ đó, tôi cảm nhận rằng tên khác của virus này được gọi là ‘sợ hãi.' Sợ hãi con virus mà họ không thấy nên ai ai cũng sợ hãi ‘con người' mà họ thấy.

Khi biết tôi vào phục vụ tại bệnh viện dã chiến, một chị hỏi tôi: “Phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid cha có sợ không?” Tôi trả lời, “Hạnh phúc hơn là sợ hãi chị ạ.” Chị nói với tôi rằng, “Phải can đảm và có lòng bác ái lắm thì mới dám dấn thân như vậy.” Một lời chia sẻ thật cảm động mà tôi chưa hề nghĩ tới. Bởi lẽ, khi quyết định dấn thân vào bệnh viện để phục vụ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là muốn được sống cùng, lắng nghe trực tiếp được trăn trở, lo lắng và cả khó khăn của những ai đang bị đặt tên “bệnh nhân nhiễm virus Covid”. Điều đơn giản ấy tạo một động lực mạnh giúp tôi dấn thân và yêu thích những công việc mình được làm.

Qua những gì anh chị em nhân viên cùng làm, tôi nhận thấy đang dần khơi lớn trong lòng “anh chị em bệnh nhân” chút tình người. Tình người và tâm hồn phục vụ khơi dậy cảm xúc của bệnh nhân sức mạnh của hy vọng, và khơi gợi trong họ ước muốn tinh thần quan tâm phục vụ lẫn nhau. Ngang qua tinh thần dấn thân, tình người dần được gần lại; nỗi sợ hãi dần được rút ngắn bởi sự quan tâm giữa người với người trao tặng cho nhau. Một nhân viên và cũng là chủng sinh chia sẻ với tôi, “Ban đầu con vào bệnh viện phục vụ mang theo nỗi sợ hãi nhưng nhìn thấy sự dấn thân của anh chị em nhân viên thì nỗi sợ bắt đầu giảm. Khi con mặc bộ áo trắng để phục vụ bệnh nhân, nỗi sợ không còn mà thay vào đó là tình yêu thương và vui thích được phục vụ nhiều, nhiều hơn.”

Điều rõ nhất tôi nhận thấy là tình thương như một chiếc cầu đang nối kết con người lại với nhau. Cụ thể, các nhóm nhân viên phục vụ quan tâm đến nhau hơn, lời hỏi thăm và động viên nhau mỗi ngày nhiều hơn. Ngoài công việc chuyên môn của giới y bác sĩ, các công việc không tên khác mọi người đều san sẻ giúp nhau. Sự nhiệt thành phục vụ bệnh nhân và quan tâm đến nhau thể hiện qua các việc nhỏ như lấy phần cơm cho nhau, chuẩn bị sẵn ly sữa, ly nước cho anh chị em vừa phục vụ bệnh nhân đã thấm mệt. Chiếc cầu yêu thương nối kết tương quan giữa bệnh nhân và nhân viên. Chẳng hạn, công việc mà nhân viên làm những ngày đầu như dọn rác quanh hành lang, khu vực, thu gom rác từ các thùng, giữ sạch sẽ khu vực, mang cơm cho người già, trao bát cháo cho người mệt, thêm ít sữa cho trẻ em_ ban đầu bệnh nhân không triệu chứng cứ đứng nhìn từ xa hay chờ sự ban phát của nhóm phục vụ. Những ngày sau, chính họ đảm nhận những công việc ấy. Họ làm với tinh thần tương thân, mỗi người một tay cho khuôn viên thêm sạch, mỗi người một việc cho khu vực bệnh viện thêm trật tự, ngăn nắp, và mỗi thành viên một chút hy sinh để người người đều cảm thấy yên tâm ấm lòng. Họ cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi làm các công việc đó. Một anh đã chia sẻ, “Khi nhìn nhân viên làm các việc này, con cũng muốn được làm thay nhưng vì nội quy không được tiếp xúc gần với y bác sĩ nên con cũng e dè không dám ngỏ lời. Giờ được cộng tác con thấy vui lắm.” Chiếc cầu tình thương đã được xây lên và đã tạo một sự thông thương nối kết giữa người với người; giữa bác sĩ và bệnh nhân; giữa nhân viên và “những người tạm trú bất đắc dĩ tại bệnh viện.”[5]

Đồng thời, nhân viên phục vụ cũng không còn cảm giác sợ lây bệnh như ban đầu mà né tránh tiếp xúc như trước đây. Họ gần gũi, thăm hỏi, và khích lệ bệnh nhân nhằm nâng đỡ tinh thần. Chiếc cầu yêu thương đã làm giảm nỗi sợ hãi, giảm sự e dè nhau và dần gỡ bỏ hàng rào vô hình. Thay vào đó, bệnh nhân và nhân viên gần gũi nhau hơn, dành cho nhau nụ cười, hỏi thăm, động viên, và chia sẻ công việc cho nhau. Một chị chia sẻ với tôi, “Cha ơi, sáng nay con và một anh đang nuôi mẹ già tình nguyện lau chùi sạch sẽ hết phòng cấp cứu, không còn mùi nữa cha ạ. Bác sĩ và y tá vui lắm. Họ cảm ơn chúng con. Con cảm thấy vui vì được làm công việc nhỏ bé đó.” Chiếc cầu của yêu thương đã phần nào xoa dịu nỗi đau, xóa tan sợ hãi và kết nối tương quan tình người thêm gần gũi. Đọc lại những cảm nghiệm có được từ nhóm nhân viên phục vụ cũng như bệnh nhân, tôi thấm thía lời hứa ban bình an của Chúa Giêsu khi các Tông đồ đang trong tâm trạng xao xuyến, lo sợ, “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” [6] Ơn bình an của Chúa Giêsu đã được thánh Phaolô sống và nghiệm sâu sắc. Thánh Phaolô đã chia sẻ trong thư Êphêsô, “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” [7]

 

2. Chiếc cầu cảm thông để gần gũi

Một tâm tình khác mà tôi học được chính là nỗi trăn trở của Chúa Giêsu, “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn. [8] Cụm từ “chạnh lòng thương” mà Chúa Giêsu thể hiện ở đây là chìa khóa để mở cánh cửa đi vào bên trong tâm hồn anh chị em. “Chạnh lòng thương” nghĩa là trái tim chạm đến trái tim, tâm hồn thấu cảm nỗi đau của tâm hồn, tình yêu chung nhịp được yêu. Trong thời gian dịch bệnh, khi một ai đó bị phát hiện nhiễm virus Covid, điều đầu tiên họ nhận là sự cô lập và chia cắt với tất cả những tương quan gia đình, họ hàng hay bạn bè. Virus Covid-19 chưa kịp hành họ thì ‘sự hoảng loạn và sợ hãi' đã dường như hạ gục họ rồi. Họ rơi vào bất an, tâm hồn chất chứa đầy hoang mang. Một người chia sẻ: “Cha biết không, con gái con phải đi bệnh viện khám định kỳ. Vừa làm test Covid và biết bị nhiễm bệnh, xe cứu thương đến bắt gia đình con đi ngay lập tức. Họ đưa gia đình con đi như ‘phạm nhân' vậy. Chúng con không kịp chuẩn bị gì luôn, phải làm theo họ vì sợ mình trở thành người mang tội lây bệnh cho cộng đồng. Nói chuyện với cha mà con vẫn còn cảm giác hoảng loạn đó và tim đập mạnh vì sợ.”

Những ngày sống và phục vụ tại bệnh viện, tôi nghiệm ra rằng người “bị đến bệnh viện” không thiếu cái ăn nhưng là thiếu sự cảm thông và nâng đỡ. Sợ hãi bị lây nhiễm trở thành hàng rào vững chắc để bảo vệ cá nhân. Mặc dù phải ở chung phòng 8 đến 10 người mà cứ bị nhắc phải giữ khoảng cách. Sáng sớm xuống sân đi bộ hay hít thở chút khí trong lành ngày mới thì bị đuổi lên phòng vì sợ họ thở ra virus lây cho người khác. Sợ! Sợ! lúc nào cũng sợ... Họ không đói về thể xác nhưng đói về sự quan tâm của tình người. Chúng tôi (nhóm thiện nguyện) đến và làm những công việc bình thường nhưng sự khác thường là chúng tôi đặt vào trong công việc chút yêu thương chứa đựng sự cảm thông. Chúng tôi không đặt mục tiêu làm công việc nhưng là phục vụ con người. Cho nên, chúng tôi (anh em linh mục và chủng sinh) muốn hiện diện để gần gũi, cảm thông và chia sẻ. Chúng tôi không chỉ muốn hoàn thành công việc nhưng qua công việc ấy, bệnh nhân cảm nhận gì và chúng tôi học được gì? Ngoài các công việc làm chung với anh chị em nhân viên, anh em linh mục chúng tôi còn dành thời gian thăm từng phòng, trò chuyện và chúc lành cho bệnh nhân. Chúng tôi đọc rõ được niềm vui, sức mạnh tinh thần và ơn nâng đỡ thể hiện trên khuôn mặt anh chị em bệnh nhân và cả nhân viên.

Một lần, tôi đến bên giường một bệnh nhân nữ đang thở oxy. Chị bị liệt hai chân đã mười bốn năm và đôi mắt cũng không thấy gì từ 8 năm nay. Suốt mười bốn năm qua, người mẹ dũng cảm đã đi với chị bằng đôi chân của bà. Nước mắt chảy tràn, bà ngỏ với tôi, “Xin cha cầu nguyện cho con gái con. Bé sốt cả đêm qua và khó thở lắm cha ạ.” Tôi lặng thinh cầu nguyện và chúc lành cho bé. Sau đó, niềm an ủi và sức mạnh tinh thần thể hiện trên khuôn mặt người mẹ. Chiều đó, chị gọi điện cho tôi biết là con gái chị đã qua cơn sốt, ăn cháo và uống nước cam được rồi. Vậy là chiếc cầu cảm thông được xây lên và tạo một sự gần gũi giữa người với người.

Khi tôi đến những phòng bệnh nhân khác để chào thăm và lắng nghe họ, một bác tuổi trung niên chặn tôi lại ngay hành lang và cuộc đối thoại mini bắt đầu:

- Con chào cha, con tên là Đầy nhưng người con thì rỗng vì ốm nhom. Bác thật dí dỏm.

- Con không phải người Công giáo nhưng con rất ngưỡng mộ quý cha và quý thầy. Con làm theo những lời hướng dẫn của quý cha và quý thầy mỗi ngày là dọn dẹp rác và lau chùi phòng sạch sẽ.

- Cám ơn bác Đầy đã cộng tác với nhân viên chúng con.

- Thưa cha, con có một lời thỉnh cầu xin cha giúp đỡ.

- Bác cứ nói, giúp được gì con sẵn sàng.

- Con nuôi mẹ già 82 tuổi đang nằm đây. Bà yếu và sốt nhiều nên không ăn cháo được. Con xin cha giúp đỡ cho bà ít sữa Ensure và nước yến.

- Con sẽ gửi cho bà trong sáng nay.

- Con xin đội ơn cha và quý thầy.

Trong một lần thăm bệnh nhân tại Hội trường, tôi đang trò chuyện với một bác lớn tuổi thì 4 em bé tuổi 8 đến 12 đến nói với tôi,

“Chú ơi, chú cho chúng con đồ chơi nhé. Ở đây không có gì chơi, chán quá.

Okay, chú sẽ mua đồ chơi gửi cho nha. Thích đồ chơi gì?

Cho cháu Lego, cho cháu súng....

Chú sẽ tìm cho nha.

Khuôn mặt rạng rỡ tươi cười, một bé nói: Cám ơn chú nhiều. Bé nói tiếp, chú mặc đồ kín như vậy nóng lắm.”

Nhìn nét mặt vui tươi hồn nhiên của các bé mà lòng quặn đau. Dẫu các bé cũng là mang tên “bệnh nhân nhiễm bệnh Covid” nhưng không hề sợ hãi và tránh né ai. Tâm hồn các bé hướng tìm niềm vui hơn là chìm ngập trong nỗi buồn. Đúng là trẻ thơ của Chúa đã dạy tôi bài học đầy giá trị. Khi tôi bận tâm tìm và sống niềm vui, tôi sẽ không còn giờ để nỗi buồn và lo sợ chiếm chỗ. Tôi càng hiểu hơn bài học Chúa Giêsu dạy về hạnh phúc Nước Trời, “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.[9]

Trong những ngày đó, tôi còn nhận được nhiều tin nhắn và nhiều cuộc điện thoại gọi đến:

“Cha ơi, bà con mới qua đời sáng nay, xin cha cầu nguyện cho linh hồn Maria nhé....”;

“Cha ơi, mẹ con đang thở oxy trong phòng cấp cứu”;

“Cha ơi, chồng con sốt cả đêm, mất vị giác cha ạ”;

“Cha thương cầu nguyện cho gia đình con được chữa lành và bình an nhé. Gia đình con nhiễm bệnh hết gần 20 người cha ạ”;

“Cha ơi, mua giùm con ít sả để xông, mua giùm con cam tươi, mua cho con nhỏ của con sữa nha. Cha xin tã cho mẹ của con được không?”   

Đọc những dòng tin nhắn hay lắng nghe cuộc điện thoại, tâm hồn mang cả nỗi buồn và niềm vui: buồn vì sự mất mát to lớn của anh chị em mình và vui vì họ nhận sự cảm thông của chúng tôi. Họ không coi chúng tôi là người xa lạ nhưng là người nhà, là anh chị em với họ để gọi nhau lúc cần, chia sẻ cho nhau khi thiếu và động viên nhau lúc đang đau khổ. Đó là những của lễ tôi dâng lên Thiên Chúa trong thánh lễ sáng sớm mỗi ngày. Đồng thời, chiếc cầu cảm thông cho tôi cơ hội gần-rất gần với bệnh nhân, cho tôi dịp cảm nhận đau khổ của họ, cho tôi cơ hội đặt đời mình vào hoàn cảnh hiện tại của họ để mong tình người không còn khoảng cách, cảm thông gỡ bỏ hàng rào, và cảm nhận mở ra cánh cửa gặp gỡ. Bên cạnh đó, chiếc cầu cảm thông cũng giúp tôi chia sẻ vất vả với đội ngũ nhân viên y tế và anh chị em thiện nguyện. Bác sĩ Giám đốc bệnh viện nói với tôi, “Cám ơn quý cha và quý thầy đã đến đây. Từ ngày có sự hiện diện của quý cha và quý thầy, nhân viên chúng con được nâng đỡ và khích lệ rất nhiều. Những lời nói động viên và sự làm việc tận tâm của quý cha quý thầy cho con sự cảm phục. Bệnh nhân nhận được rất nhiều sự nâng đỡ, bầu khí bệnh viện thay đổi thấy rõ.”

Một kinh nghiệm tôi học được là thái độ và cách nhìn mới, đầy thiện cảm và trân quý của y bác sĩ, anh em công an, quân đội và dân phòng dành cho chúng tôi dẫu không cùng tôn giáo. Sự cảm thông được gói trong yêu thương trở thành quà tặng có thể trao đến bất kỳ ai, bất kỳ nơi đâu và thời khắc nào. Sống trong thời gian dịch bệnh này, tôi khám phá ra rằng thành tích, địa vị, danh tiếng... chẳng ai ngưỡng mộ và chẳng thèm bận tâm nếu không có tình yêu thương để cảm thông giữa người với người. Tâm nguyện về đức ái của thánh Phaolô như được thể hiện trong những tháng ngày tại bệnh viện, “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi... Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.[10] Nhịp cầu cảm thông có khả năng nối kết anh chị em bất kể họ là ai và họ đang ở địa vị nào. Cảm thông trong đức ái Kitô giáo được lan tỏa mùi thơm yêu thương của Chúa Giêsu khi chúng tôi, những môn đệ của Ngài học cách trung thành với kiểu sống Giêsu. Đức thánh cha Phanxicô nhắc lại lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II rằng, “Nếu chúng ta thật sự bắt đầu lại từ việc chiêm ngắm Đức Kitô, thì chúng ta phải biết nhìn thấy Người cách đặc biệt nơi khuôn mặt của những kẻ mà chính Người muốn đồng hóa với họ.”[11]

3. Những chuyến xe chở ‘tấm lòng'

Một bài học sống động khác mà tôi gặt hái được trong thời gian phục vụ tại bệnh viện, đó là tấm lòng yêu thương của nhiều người từ nhiều nơi mà tôi muốn gọi tên là “những chuyến xe chở tấm lòng.” ‘Tấm lòng' được hiểu ở đây là những ân nhân xa gần gửi đến bệnh nhân sự quan tâm, đồng cảm và chia sẻ tình người của họ qua hành động cụ thể. Tôi muốn nói đến 2 chuyến xe: chuyến xe tâm linh và chuyến xe nghĩa tình.

Chuyến xe tâm linh: Những ngày phục vụ tại bệnh viện dã chiến, anh em linh mục và chủng sinh chúng tôi trải nghiệm đời sống dã chiến đầy thú vị. Chúng tôi khởi đầu ngày mới bằng Thánh lễ được cử hành cùng một căn phòng dùng cho mọi sinh hoạt được diễn ra hằng ngày như kinh nguyện, ăn uống, ngủ nghỉ, tán gẫu... Giây phút đầu ngày mới, chúng tôi dâng cuộc đời cho Chúa, các công việc sẽ làm, những người sẽ gặp, bệnh nhân sẽ phục vụ... Chúng tôi cũng dâng cả những ý nguyện của ai xin cầu nguyện, đặc biệt những “bệnh nhân” và những người mới qua đời. Đây là món quà và nguồn động lực thiêng liêng quý báu nâng đỡ cho chúng tôi và các bệnh nhân Kitô hữu. Tôi cảm nhận ý nghĩa rõ rệt hơn khi của lễ dâng lên Chúa là các linh hồn mới qua đời đêm qua và sáng sớm nay, ý nguyện mà bệnh nhân gửi đến, những cảm xúc của nỗi buồn, thất vọng, cô đơn, lo lắng, sợ hãi vì bệnh tật. Tôi tin Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu từng nhu cầu cũng như từng hoàn cảnh sống của mỗi người. Tôi cảm nhận Thánh lễ như một ‘chuyến xe thiêng liêng' chở Thiên Chúa đến với bệnh nhân và anh em chúng tôi. Tôi xác tín lời Chúa Giêsu bảo đảm, “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”[12]; và lời trấn an liên tục, “Thầy đây, đừng sợ.”[13] Ngược lại, đó cũng là chuyến xe chở ước nguyện của bệnh nhân và các linh hồn đến cho Thiên Chúa. Chúa ở đó, trong bệnh viện và với mỗi người, cả bệnh nhân lẫn nhân viên phục vụ. Chúa nhìn thấu từng tâm hồn, thấu cảm nỗi đau, thấu hiểu nỗi khổ của họ, Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.[14] Chúa hiện diện qua các bác sĩ, y tá nói lời động viên khơi dậy niềm tin và khơi lớn niềm hy vọng “Bình an cho anh em.”[15] Chúa ở đó trong các nhân viên phục vụ để khơi rộng lòng xót thương và khơi sâu tinh thần yêu thương phục vụ. Tôi nhận ra cung cách phục vụ của anh chị em nhân viên như đang họa rõ khao khát của Chúa Giêsu, “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”[16]

Chuyến xe nghĩa tình: Nếu “chuyến xe thiêng liêng” chở Thiên Chúa đến cho con người thì một chuyến xe khác mà khi lên đường tôi chưa hề nghĩ tới. Đó là chuyến xe chở tấm lòng yêu thương, quan tâm của những người bên ngoài cổng bệnh viện (ân nhân xa gần). Tôi càng thấm thía biết bao lời của Chúa Giêsu nói với các Tông đồ, “Chính anh em hãy cho họ ăn đi.[17] Tôi tin chắc rằng phép lạ hóa bánh ra nhiều đang được làm hôm nay và tại nơi này. Nếu bệnh nhân cần sự quan tâm nâng đỡ bao nhiêu thì những “tấm lòng” cũng muốn gửi đến và trao cho họ bấy nhiêu, có khi còn nhiều hơn thế nữa. Nói cách khác, khát khao chia sẻ của nhiều người đang cùng một nhịp yêu, cùng một ước mong thương anh chị em đang nhiễm bệnh rất lớn. Họ có thể là người trong gia đình, họ hàng, khu xóm hay chưa hề quen biết. Họ đang quan tâm, muốn giúp đỡ và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với “bệnh nhân” chỉ vì muốn dành cho nhau một tấm lòng, muốn gửi đến nhau chút yêu thương, muốn nói cho nhau lời cảm thông... dẫu rằng không gian bị phong tỏa và thời gian không cho phép hiện diện thăm viếng.

 

Thật vậy, trong những ngày phục vụ, tôi liên tục nhận những cuộc điện thoại hay tin nhắn của nhiều người từ nhiều nơi: “Sáng mai mình gửi xôi và bánh vào cho bệnh nhân ăn sáng nhé. Một cha bạn nhắn tin;”

“Có người ủng hộ sữa và tã cho em bé cha nhé, chiều con chuyển vào, cha nhớ giữ điện thoại nha;”

“Trưa nay có người ủng hộ ổi và thanh long cho bệnh nhân nhé cha;”

“Cha Hiền ơi, chiều có người ủng hộ cam cho bệnh nhân nha;”

“Cha em ơi, công ty chị ủng hộ khẩu trang cho bệnh nhân và sữa Ensure cho nhân viên để giữ sức khỏe cha nhé....”

Theo sau những cuộc điện thoại hay dòng tin nhắn là những chuyến xe chở nhu yếu phẩm mà tôi gọi tên là chở ‘nghĩa tình' đến với bệnh nhân. Thật ấm lòng! Thật ý nghĩa! Trăm con tim cùng đập chung một nhịp ‘yêu' và diễn tả bằng lòng ‘thương' cách cụ thể. Những chuyến xe này từ các giáo xứ, công ty hay những ân nhân âm thầm xa gần và cả nước ngoài. Dẫu họ không biết bệnh nhân bằng thể lý nhưng trái tim yêu thương của họ đã hiểu, cảm thông và gần gũi. Muôn tấm lòng cùng hòa chung một nhịp đập của yêu thương, nâng đỡ, động viên, mong ước và hy vọng. Những chuyến xe chở nhu yếu phẩm này đồng thời chở theo cả những con tim đầy trìu mến của bao người từ khắp nơi đến bệnh viện và trao tận tay cho anh chị em bệnh nhân. Tấm lòng như thế ý nghĩa biết bao. Con tim như vậy ngọt ngào dường nào. Kinh nghiệm quý báu này cho tôi cảm nghiệm lời khuyên của thánh Phaolô, “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái.[18]

Ngồi phân chia từng quả cam, quả ổi, nải chuối gói chung với vài hộp sữa, cái bánh để trao cho bệnh nhân, lòng tôi rộn lên một niềm vui khi nghĩ rằng họ ăn thêm trái cam ngọt cho có vitamin C, quả ổi chứa nhiều vitamin A, hộp sữa chứa dưỡng chất. sẽ giữ sức khỏe tốt và bệnh sớm bình phục. Dưỡng chất từ rau củ quả... được gói bằng dưỡng chất yêu thương của ân nhân xa gần làm tăng sức đề kháng tinh thần và làm bổ sức khỏe tâm linh. Một nhân viên chia sẻ, “Nhận được nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cho bệnh viện, con cảm thấy vui lắm. Con phải công nhận sự rộng lượng của bà con Công giáo. Sự hiện diện và làm việc nhiệt tâm của quý cha và quý thầy, tiếp thêm sức mạnh cho nhân viên chúng con và nối kết được nhiều người ghê luôn.”

Tôi không còn được phục vụ bệnh nhân nhưng còn đó muôn tấm lòng của nhiều người từ nhiều phương vẫn đến và nhiều hướng vẫn đổ về các bệnh viện, khu cách ly và nhà trọ của anh chị em công nhân. Họ mong ước thông qua những chuyến xe gửi đến một thông điệp cho những người đang được gọi tên là “Bệnh nhân F0”, những người đang bị ‘phong tỏa' và quý nhân viên rằng: “Các bạn không cô đơn. Chúng tôi luôn bên cạnh và sẵn sàng chia sẻ cuộc sống vật chất và tinh thần với các bạn.” Quả thật, con tim đong đầy yêu thương không có điểm dừng; tấm lòng rộng lượng không có đoạn kết. Tất cả vẫn mở ra rất rộng và khơi xuống rất sâu cho nhiều người, đến nhiều nơi.

Riêng bản thân mình, tôi nghiệm ra rằng từ nay trên hành cuộc đời, tôi có thêm những “bạn đồng hành” mới. Họ là y bác sĩ, nhân viên, anh em dân quân, công an, anh em quân đội, những ân nhân xa gần. tuy khác nhau về tôn giáo nhưng có chung một tấm lòng yêu thương và phục vụ. Tôi được Chúa cho diễm phúc trở thành bạn của họ thông qua kênh “phục vụ bệnh nhân nhiễm bệnh Covid.” Ban đầu, chúng tôi đến đây với cảm giác xa lạ nhưng lại ra về trong sự ngậm ngùi khó bước. Những ngày đầu tiên, chúng tôi dành những ánh mắt ngại ngùng nhìn nhau nhưng ra về trong những ánh mắt ngắn dài ngấn lệ muốn giữ chân.

Tôi mượn tâm tư của thánh Phaolô như một lời kết để nhận ơn những tấm lòng thảo của quý ân nhân; để biết ơn những bệnh nhân đã xây cho tôi một nhịp cầu gặp gỡ, và để cảm ơn quý nhân viên đã cho tôi một tình bạn trên đường đời. Thánh Phaolô mong ước rằng, “Mỗi người đừng tìn lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2, 4-5)[19]. Tôi tìm ra bài học cho chính mình là hiện diện với trái tim yêu thương và cảm thông thì quan trọng hơn là hoàn thành công việc với trái tim lạnh giá. Chúa cho tôi ân phúc là linh mục của Chúa không phải để vùi đầu vào công kia việc nọ nhưng căn cốt là để hiện diện với dân của Chúa. Nhờ sự hiện diện đích thực của người linh mục, Chúa có cơ hội và thời gian diễn tả tình yêu, cảm thông, nâng đỡ và chăm sóc dân của Ngài. Tôi ước mong chiếc cầu với nhịp yêu thương và cảm thông ấy tiếp tục được xây trên nhiều nơi. Ngang qua chiếc cầu này, nhiều chuyến xe tiếp tục được lưu thông, chở ân tình của Chúa đến cho mọi người. Tôi mong ước có thêm nhiều anh chị em dấn thân để xây dựng chiếc cầu yêu thương và cảm thông, mở những chuyến xe chở ‘tấm lòng' đi khắp mọi nơi đến với mọi người.

Lm. Phaolô Đinh Chí Hiền,
Giáo phận Xuân Lộc

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 128 (Tháng 3 & 4 năm 2022)

 


[1] Pl 2, 4-5

[2] x. Mt 20, 24-28

[3] Ga 10, 10

[4] Ga 15, 34

[5] Tôi dùng cụm từ “tạm trú tại bệnh viện' để diễn tả tâm trạng bệnh nhân chờ đợi mau khỏi bệnh, xét nghiệm âm tính để được về lại gia đình và cộng đồng.

[6] Ga 14, 27

[7] Ep 2, 17-18

[8] Mc 8, 2

[9] Mt 18, 3-4

[10] 1Cr 13, 1-3.7

[11] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ, số 96

[12] Mt 28, 20

[13] Ga 6, 20

[14] Mt 9, 36

[15] Ga 20, 21

[16] Mc 10, 46

[17] Mc 6, 37

[18] Rm 13, 8

[19] Pl 2, 4-5

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây